Nguồn cơn nạn đói kinh hoàng khiến gần 2 triệu người chết năm Ất Dậu

Nguồn cơn nạn đói kinh hoàng khiến gần 2 triệu người chết năm Ất Dậu
(PLVN) - Là người Việt Nam, ai cũng biết về sự kiện đau thương trong lịch sử dân tộc: Nạn đói năm Ất Dậu (1944-1945) khiến 2 triệu người chết đói. Vì sao thời điểm đó nhân dân ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”? Vì sao Nhật bắt nông dân phá lúa trồng đay? Thực dân Pháp đã có những động thái gì? Trong số báo này, Pháp luật bốn phương xin giải đáp những câu hỏi đó.

Liền ngay sau khi Pháp sụp đổ trước Đức vào tháng 6/1940 tại châu Âu, đế quốc Nhật lập tức tạo sức ép ngoại giao lên chính quyền Pháp ở Đông Dương nhằm đoạt lấy các căn cứ và vị trí chiến lược ở Bắc Việt Nam và cắt đứt con đường dọc sông Hồng, trước đó được dùng để tiếp tế lương thực.

Sau đó Nhật còn bành trướng lực lượng bằng cách tạo thêm các căn cứ ở phía Nam Đông Dương vào giữa năm 1941. Bằng cách này, Nhật đã chiếm đoạt Đông Dương một cách hữu hiệu mà không phải hủy bỏ bộ máy hành chính của Pháp ở đây. Người Việt Nam rơi vào cảnh “một cổ, hai tròng”.

Thêm nữa, việc ký kết một hiệp ước thương mại và thỏa ước hàng hải tại Tokyo vào tháng 5/1941 cho phép Nhật có quyền đem sản phẩm công nghiệp của mình đổi lấy thực phẩm và nguyên liệu.

Khi ấy yêu cầu lúa gạo mỗi lúc một gấp rút vì quân Nhật đang triển khai tại những vùng rất xa căn cứ xuất phát, đã dùng phương cách này để nắm quyền điều khiển cái phần quan trọng này của nền ngoại thương Đông Dương.

Ngăn sông cấm chợ, bắt nhổ lúa trồng đay

Sự chiếm đóng của Nhật tại Đông Dương bao gồm những biện pháp mà ảnh hưởng phá hoại chẳng bao lâu sẽ lộ rõ. Sự sung công những nguồn tài nguyên phong phú của Đông Dương đã dẫn tới việc biến dạng nền kinh tế xứ này. Nhập khẩu gián đoạn lưu thông với Pháp, trong khi đó xuất khẩu cũng suy sụp vì tàu ngầm quân đồng minh càng ngày càng đánh chìm nhiều tàu Nhật.

Đông Dương phải đáp ứng yêu cầu của Nhật về lúa gạo và nguyên liệu thô, đồng thời phái đối mặt với sự thiếu hụt hàng công nghiệp vì Nhật không cung cấp đủ số lượng cần thiết. Dân chúng khốn khổ vì nhiều mặt hàng công nghiệp cần thiết cho nhu cầu hàng ngày bị khan hiếm, đồng thời nạn thiếu hụt lương thực càng lúc càng gia tăng vì việc sản xuất nông nghiệp đều bị thu mua để bán cho Nhật

Để bù lại cho việc mất quân bình về kinh tế do sự can thiệp của Nhật, Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Dương, cố dựng một nền kinh tế chỉ huy bằng cách giới hạn một cách hết sức ngặt nghèo việc cung cấp lương thực, đồng thời kiềm soát sản xuất và mậu dịch chặt chẽ hơn trước bằng các đại lý độc quyền như Comité des Céréales (Ủy ban Ngũ cốc) được thiết lập vào tháng 12/1942.

Bộ phận hành chính của Comité des Céréales này, gọi là Comptoir des Céréales (Ngũ cốc Thương quán) nắm độc quyền việc mua lúa. Khi nguồn lương thực ngày càng khan hiếm, chính quyền thuộc địa ban hành các quy định cấm buôn bán tự do các sản phẩm hoa màu phụ, và quản lý bằng biện pháp hành chính. Cả việc sử dụng các sản phẩm hóa chất và khoáng chất, dầu... cũng đều bị cấm, trừ khi có giấy phép đặc biệt.

Việc kiểm soát này không chỉ hạn chế trong các sản phẩm dùng cho công nghệ. Bất cứ ở đâu mà sản phẩm dự trữ bị thiếu hụt thì việc bán hạn chế đều được áp dụng. Một ủy ban dự trữ trung ương được thành lập có nhiệm vụ quy định hạn ngạch cho từng vùng và từng ngành. Đến lượt các ủy ban địa phương lại chia hạn ngạch ấy cho từng khu vực nhỏ trong tỉnh và các thị xã chính. Hoạt động của các tổ chức này vươn tới từng sản phẩm một mà không cần xem xét đến tính chất hay nguồn gốc của sản phẩm, chi phối cả từng mặt hàng như xà phòng, diêm quẹt, đường...

Sự can thiệp một cách tuyệt đối của chính quyền thuộc địa vào nền kinh tế nông nghiệp thoạt tiên đã bắt buộc người nông dân phải canh tác cây công nghiệp, dẫn đến sự hao hụt lương thực. Đô đốc Decoux đã miêu tả hiện tượng này như là “sự thích nghi của nền nông nghiệp Đông Dương, mà đến lúc đó trên thực tế là độc canh (lúa và bắp), với những đòi hỏi mới của một nền canh tác hỗn hợp”.

Đặc biệt, chính quyền cần tăng mức canh tác các loại cây đay, gai để nhằm giải quyết nạn khan hiếm vải, lụa và những cây dầu dùng để chế nhiên liệu thay cho các sản phẩm từ hydrocarbon, mà lúc đó không còn nhập được nữa. Các thương hội tư nhân bị kiểm soát chặt chẽ, được giao nhiệm vụ thu mua, chuyên chở và chế biến sản phẩm này.

Chỉ trong vòng 3 năm, vùng canh tác cây công nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi, từ 80,2 ngàn hecta năm 1942, lên đến 154,5 ngàn ha năm 1944 trên toàn Đông Dương. Riêng tại miền Bắc, con số này tăng lên gấp 3.

Nông dân rất khó khăn để thích nghi với sự thay đổi cưỡng bách này: trong khi các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày bị giảm thiểu tối đa. Họ lại phải chứng kiến cảnh một số cây lương thực như lúa, ngũ cốc bị nhổ khỏi các vùng đất màu mỡ như vùng đất bồi ven sông, chỉ bởi vì nơi đó tỏ ra thích hợp để trồng các loại cây đay hay cây dầu. Còn chính quyền thì chẳng lo lắng gì đến việc bảo vệ hoa màu, vốn là thứ nông dân cần thiết để bù vào sự thiếu thốn lúa gạo.

Các lời oán thán vang lên khắp nơi, như viên Khâm sứ Trung kỳ nêu ra trong bản tường trình ghi ngày 15/10/1944: “Cần phải hết sức chú ý đến hậu quả do chúng ta áp đặt chính sách nông nghiệp. Đó là cả một gánh nặng lên dân chúng...”.

Thế nhưng cũng bản phúc trình này đề xuất: “Còn về các giống cây dầu và đay, bông vải, giờ chúng ta phải áp đặt một quyền hành lớn hơn nữa trong việc thu mua mặt hàng này qua các đại lý đặc quyền. Hiện tôi đang áp dụng những bước thích hợp để cố thu được kết quả tốt hơn vào năm 1945 so với năm nay, nhưng... tại một số nơi, phải áp dụng một biện pháp hà khắc”.

Đối với việc trồng lúa, thực dân Pháp đưa ra một chính sách thu mua cưỡng bách. Mục đích là vừa nhằm có một kho dự trữ, vừa để “thi hành những điều đã ký kết” với Nhật Bản, theo thỏa ước 19/8/1942 Nhật sẽ nhận toàn bộ lượng gạo dư thừa xuất khẩu trong hai vụ mùa 1942-1943, hoặc con số tối thiểu là 1,05 triệu tấn gạo trắng loại cao cấp nhất.

Cuối năm 1942, Thống sứ Bắc Kỳ đã quyết định áp đặt lên các làng xã những quy định về dự trữ thóc lúa, nhằm “một phần để tái sản xuất, phần dành để khi có yêu cầu cấp thiết thì xuất”.

Tai họa từ chính sách cưỡng chế thu mua lúa gạo

Một mặt vừa giới hạn sự lưu thông lúa gạo ngay trong các tỉnh miền Bắc, Nhật - Pháp còn bắt buộc mỗi nông dân phải giao nộp một phần sản phẩm căn cứ trên tỷ lệ diện tích gieo cấy của mình. Chẳng hạn, người có từ 5 mẫu trở xuống thì buộc phải bán cho chính quyền 20 kg/mẫu; ai canh tác từ 5-10 mẫu, phải bán 80 kg/mẫu; từ 15 mẫu trở lên, phải bán toàn bộ số thóc dư thừa. Tiêu chuẩn này còn tăng lên vào năm 1944: nông dân có 10 mẫu phải bán 72 kg/mẫu; từ 10-15 mẫu, 120 kg/mẫu; từ 15 mẫu trở lên là 200 kg/mẫu. Trên cơ sở này, miền Bắc bắt buộc phải cung cấp cho chính quyền thuộc địa 130,2 ngàn tấn gạo năm 1943, và 186 ngàn tấn vào năm 1944.

Hàng triệu người dân Việt Nam không có cơm ăn, áo mặc trong nạn đói năm Ất Dậu

Hàng triệu người dân Việt Nam không có cơm ăn, áo mặc trong nạn đói năm Ất Dậu

Thực dân Pháp áp đặt chính sách thu mua và định giá lúa gạo mà không cần tính đến sự gia tăng của chi phí sản xuất. Trong khi giá sinh hoạt từ năm 1940 đến 1943 đã tăng lên gấp 3, thì năm 1943 giá thu mua do chúng đưa ra chỉ tăng chừng 25%.

Vì thế chính sách thu mua lúa gạo đã tạo nên một gánh nặng không thể chịu đựng nổi cho dân chúng, những người vừa phải bán lúa gạo cho nhà cầm quyền theo giá rẻ, vừa bị phải mua gạo với giá cao hơn rất nhiều ở thị trường tự do khi mùa màng thất bát.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền dường như không biết đến những tai họa mà chính sách thu mua cưỡng chế này gây ra. Ngày 13/5/1944, Thống sứ Bắc Kỳ bày tỏ sự hài lòng: “Các báo cáo cho thấy vụ mùa kế tiếp của tháng thứ năm... không làm khơi dậy một phản ứng không thuận lợi nào. Tất nhiên, vào thời gian thu mua, cũng có xảy ra một vài khó khăn, tuy nhiên chẳng có gì nghiêm trọng lắm. Mùa này hứa hẹn vẫn đạt được mức trung bình. Tôi nghĩ rằng tôi có thể đạt được con số mong muốn là 80 ngàn tấn và bảo đảm đủ lương thực dự trữ cho 6 tháng tới”.

Trên thực tế, hoàn cảnh của dân quê miền Bắc Việt Nam càng ngày càng tuyệt vọng. Trước đó, nền nông nghiệp của miền Bắc đã bộc lộ những triệu chứng bị hủy hoại nghiêm trọng. Sản xuất trung bình 2,1 triệu tấn lúa mỗi năm giai đoạn từ 1919-1922, trên diện tích canh tác 1,54 triệu ha. Nhưng từ 1930 về sau, mức sản xuất này cứ giảm đều, giảm mạnh vào năm 1937 và sau đó.

Do những yếu tố chính sách, khí hậu, thiên tai, năng suất liên tục sụt từ 1,36 tấn/hecta trong 1930; còn 1,3 tấn/hecta năm 1939; rồi chỉ còn 1,2 tấn/hecta vào năm 1944. Cũng trong cùng thời gian đó, dân số vẫn tăng lên đều, mỗi năm tăng thêm hơn 100.000 trẻ em.

Lượng gạo trung bình đề duy trì sự sống thời đó của một người là 300-377 kg/năm, vậy mà mức sản xuất ở miền Bắc còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn đó. Với tình trạng sản xuất nông nghiệp sụt giảm trong khi dân số tăng lên, người miền Bắc đã sống bên bờ vực của nạn đói, mặc dù đã sử dụng thêm các hoa màu phụ khác, và cần thiết phải nhập gạo từ miền Nam mới có thể sống sót được.

Như vậy, bóng ma của nạn đói rõ ràng đã chập chờn xuất hiện trên miền Bắc. Từ năm 1936-1939, nạn vỡ đê xảy ra thường xuyên, tác động đến toàn bộ miền Bắc năm 1937. Vào cuối tháng 8/1937, 148.000 hecta ruộng lúa thuộc các tính Bắc Ninh, Bắc Giang, Hái Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Sơn Tây, Phú Thọ và Phúc Yên đều bị lũ ngập. Nạn nhân của thiên tai lên đến 732.000 người, trong đó chừng 300.000 nhà nông bị mất trắng mùa màng. Tại 6 huyện của tỉnh Bắc Ninh, có chừng 150.000 nông dân đói, phải đi xin ăn.

Việc Nhật chiếm đóng ở Đông Dương cùng những biến cố liên hệ đến chiến tranh đã tạo ra những điều kiện quá bất lợi đến nỗi chúng trở thành một đòn đánh tối hậu vào nền kinh tế vốn đã gần gãy đổ. Sự giảm sút trong sản xuất bộc lộ rõ trong việc thị trường lúa gạo mỗi lúc một mất quân bình, khởi đầu bằng hiện tượng đầu cơ và giá gạo leo thang vùn vụt.

Hành động của chính quyền nhằm điều khiển tình thế thì phần lớn chỉ là phê chuẩn cái việc tăng giá mà chúng không ngăn chặn được. Việc lưu thông quá độ của tiền tệ, từ 235 triệu đồng vào đầu tháng 1/1940 lên tới 1,3 tỷ vào ngày 1/1/1945, đã khiến cho giá cả của mọi sản phẩm tăng vọt lên một cách điên cuồng. Nạn lạm phát đã làm cho giá gạo lên đến mức không thề mua nổi: Vào năm 1940 một tạ gạo giá 30 đồng đã lên đến 600 đồng vào đầu năm 1945.

Đã nhân địch, lại thêm thiên tai

Vào tháng 5/1941, chính quyền đã giới hạn khẩu phần gạo hàng ngày xuống còn 750g; vẫn không đủ, chỉ tiêu này được hạ xuống còn 500g vào năm 1943. Tình thế còn phức tạp hơn do việc cung cấp gạo ở miền Nam bị gián đoạn, không đến được miền Bắc thường xuyên, không đủ để bù đắp sự thiếu hụt gay gắt giữa các vụ mùa thu hoạch ở đất Bắc.

Từ năm 1942 trở đi, những cuộc oanh tạc liên miên của quân Đồng Minh gây tổn hại lớn cho các công sở, đường bộ, đường sắt, cầu cống và kho bãi. Đến năm 1945, tuyến đường sắt Sài Gòn - Hà Nội bị cắt đứt, 50% mạng lưới đường sá bị hủy hoại, chừng 90% xe có động cơ trong nước đã biến mất hoặc không dùng được. Tàu vận chuyển đường thủy cũng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công của Đồng Minh. Việc đóng cửa cảng Hải Phòng; việc cảng Đà Nẵng bị hủy hoại thiết bị... càng làm giảm thiểu hoạt động vận chuyển thông thương.

Hàng triệu đồng bào đã vĩnh viễn ra đi vì nạn đói

Hàng triệu đồng bào đã vĩnh viễn ra đi vì nạn đói

Sự khó khăn trong giao thông, vận chuyển tất nhiên cản trở việc phân phối sản phẩm từ vùng này qua vùng khác, tạo thành một lằn ranh kinh tế nghiêm trọng nữa miền Bắc và miền Nam. Miền Bắc thì thiếu gạo, trong khi đó tại miền Nam thì những lượng gạo khổng lồ chất kho mà không có hy vọng gì có thể bốc chở ra được, cuối cùng bị hư mốc.

Vào giữa tháng 10/1944, người ta phải đem một phần của các kho thóc lớn bị ứ đọng do không chở đến Nhật được ra bán với giá rẻ ở Sài Gòn. Chừng 55.000 tấn gạo phải đem bán cho những người làm rượu với giá rẻ hơn giá mua vào. Nói chung giá lúa gạo ở Nam rẻ hơn ở Bắc đến 40 lần.

Sự thiếu hụt lương thực đã diễn ra ở miền Bắc ngay từ năm 1943, nhưng miền Bắc bị đẩy đến bờ vực của tai họa vào đầu năm sau. Mùa thu hoạch trong tháng thứ 5 của năm 1944 chỉ sản xuất được 655.000 tấn lúa. Rõ ràng là miền Bắc không thề cầm cự nổi cho đến vụ mùa sau, diễn ra vào tháng thứ 10 của năm, nếu không có hỗ trợ từ nơi khác. Và vào lúc đó, khi số lương thực dự trữ đã cạn kiệt, mưa bão và tiếp theo sau là những đợt lũ dữ dội hiếm thấy đã quét qua, làm ngập úng và hủy hoại phần lớn hoa màu của vụ thu đông.

Nạn đói lan tràn tức khắc, nông dân chết đói hàng loạt, đến nỗi nhiều khi cả một làng biến mất. Một đợt lạnh trước đó gần như chưa bao giờ xảy ra càng làm cho cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, làm việc cày cấy và vụ mùa kế tiếp không thực hiện được, khiến cho sự thống khổ lên đến tột độ.

Một nhật báo khi đó tường thuật lại cảnh tượng ghê rợn về nỗi tuyệt vọng của dân chúng: “Tình trạng mất nhiệt thường xuyên là nhân tố của mức tử vong cao nơi người dân bần cùng chỉ quấn chiếc bị rách hay chiếc chiếu nát. Với những người này, giá gạo đã cao đến mức không còn mua nổi, mà đợt rét lại làm cho hoa màu đám phụ không lớn được, lương thực đối với họ chỉ là lá cây và rêu không tạo ra năng lượng cho cơ thể... Họ chết từ từ nhưng chắc chắn do vì càng lúc càng thiếu ăn”.

Nạn đói năm Ất Dậu là một tai họa khủng khiếp đã để lại dấu ấn không phai mờ. Người ta ước tính con số người chết đói giữa mùa thu năm 1944 và mùa đông năm 1945 dao động từ 1,5 đến 2 triệu người, khiến cho dân số ở miền Bắc xuống còn dưới 7 triệu người.

Tuy nhiên thực dân Pháp chối, cho rằng đến 9/3/1945 vẫn còn đủ gạo đề ngăn chặn nạn đói, và rằng “chính quyền Pháp đã cương quyết có biện pháp nghiêm khắc với những hoạt động đầu cơ trục lợi, với ý định giữ các kho thóc phòng hờ để đem ra bán cho dân nhằm ngăn chặn việc giá gạo tăng vọt, nhưng ý đồ đó không thực hiện được do cuộc đảo chính của người Nhật”.

Nạn đói đã khơi dậy cả một chuỗi những nỗi thống khổ, như một chứng nhân nước ngoài thuật lại: “Họ ra đi theo từng gia đình thành một hàng dài vô tận, người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà, còng người xuống trước nỗi khổ đau, toàn bộ xương run rẩy, trần truồng, cả những cô gái trẻ ở vào cái tuổi mà thường sự thẹn thuồng không cho phép phơi bày thân thể, thỉnh thoảng dừng lại đề vuốt mắt cho một người thân trong gia đình hoặc để gục xuống và không bao giờ trỗi dậy nữa, hoặc để lột từ người chết một mảnh bao bố rách nát chẳng biết vì sao vẫn còn phủ lên người anh ta.

Nhìn những dáng người còn gớm ghiếc hơn là những con vật xấu xí nhất trên đời đó, ngắm nhìn những xác chết cong queo bên vệ đường, áo quần chỉ còn lá với cọng rơm rạ, người ta phải thấy hổ thẹn về hình ảnh của nhân loại”.

Thảm họa ấy chưa chấm dứt, dù đầu năm 1945 một số lượng gạo tại miền Nam đã được đưa ra. Không ai ngờ một lần nữa miền Bắc lại phải chịu đựng những cơn lũ lụt khủng khiếp dẫn đến mất mùa...

(Còn nữa)

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.