Bão lũ, dịch bệnh nghĩ về lẽ sống thuận thiên

Thông điệp chung tay vì một Trái Đất xanh.
Thông điệp chung tay vì một Trái Đất xanh.
(PLVN) - Có lẽ, chưa bao giờ nhân loại phải gánh chịu và đứng trước những thảm kịch về thiên tai, dịch họa như hiện nay. Động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh… hoành hành và tràn khắp tất cả các nơi trên thế giới. Nhiều người đã tự hỏi, phải chăng chính con người, một lần nữa đã và đang phải trả những cái giá đắt đỏ cho sự kiêu ngạo của mình trước bà mẹ thiên nhiên?! Phải chăng, chính con người đã tự ý rũ bỏ đi sự dạy bảo của tạo hóa về lẽ sống thuận với đất trời?!

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi thử đề cập riêng một vài thiển ý về vấn đề “sống thuận & sức khỏe của con người” dưới góc nhìn từ bệnh học trước sự biến đổi của tự nhiên.

Thầy thuốc mãi là những người chạy theo bệnh tật…

Xem lại lịch sử sự phát triển của dịch tễ học, tính từ những quan sát từ thời Hippocrate hơn 2000 năm trước đây, đến những ghi chép mới nhất trong việc sử dụng các phương pháp định lượng, để nghiên cứu bệnh trong quần thể người của y học hiện đại, ta nhận ra một điều rất hiển nhiên rằng, bệnh tật nói riêng và dịch họa nói chung luôn đi trước thầy thuốc một bước, thậm chí là nhiều bước. 

Mặc dù khoa học hiện nay đã rất tân tiến và góp phần mạnh mẽ trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh tật, nhưng hình như, khoa học phát triển chừng nào, thì bệnh khó, bệnh hiểm cũng phát triển song hành chừng đó. Một số bệnh có lịch sử lâu đời như Bệnh Tả, hay còn gọi là Bệnh Dịch Tả (Cholera), xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, đến nay vẫn là một loại bệnh nguy hiểm và nguy cơ cao.

Đến nay, Covid-19 đã khiến cho hơn 40 triệu người nhiễm và hơn 1 triệu người tử vong. (Ảnh Internet).
Đến nay, Covid-19 đã khiến cho hơn 40 triệu người nhiễm và hơn 1 triệu người tử vong. (Ảnh Internet).  

Như ngay tại Việt Nam hồi những thập niên 30 của thế kỷ XX, đã khiến đến 75.000 người thiệt mạng; hay gần đây, năm 1991 tại Peru , sau đó lan truyền sang Ecuador, Colombia, México và Nicaragua kết quả khiến cho hơn 12.000 người phải chết… Rồi bệnh Viêm đường hô hấp cấp SARS và bệnh Cúm gà xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đe dọa sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng trầm trọng đời sống kinh tế xã hội. 

Gần đây nhất là Đại dịch Covid19 do coronavirus gây ra, thành một thảm họa toàn cầu, mà các nhà khoa học đang phải gồng mình lên trong việc nghiên cứu và điều chế vaccine…Nhìn lại những điều đó để thấy rằng, nếu đơn cử khoa học chạy đuổi theo bệnh tật và dịch bệnh, chỉ là một cuộc đua không cân sức và vĩnh viễn về nhì. Cần thiết phải nhìn nhận lại các vấn đề thuộc về nguyên nhân, để có hướng tích cực trong việc phòng ngừa và nâng cao sức khỏe một cách vĩ mô hơn.

Khi con người đối xử thậm tệ với bà mẹ thiên nhiên 

Lịch sử loài người với hàng vạn cuộc chinh chiến liên miên, cộng với nhu cầu và tham vọng sở hữu những thứ vốn không thuộc về mình suốt nhiều thiên niên kỷ, đã làm cho “dòng sữa” lẫn “máu thịt” của người “mẹ đất” trở nên cạn kiệt. Kể từ sau cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật diễn ra từ nửa đầu thế kỷ trước đến nay, những “mũi khoan tham vọng” của con người càng khoét sâu vào lòng đất để kiếm tìm thêm những tài nguyên; không những thế, với nhu cầu cực lớn về năng lượng, hàng nghìn con sông – ví như những dòng sông máu của hành tinh, bị ngăn trở, chặn dòng làm thủy điện… 

Làng thò ra thì rừng thụt vào, nhường chỗ cho sự bành trướng của những tham vọng. Con người trở nên kiêu ngạo hơn khi sở hữu trong tay về khoa học và công nghệ. Họ nghĩ mình đã làm chủ được tự nhiên. Nhưng, hình như họ đã lầm, và những cái giá họ phải trả cho sự tàn phá rừng nguyên sinh, ngăn sông lấn biển, bào hút tài nguyên khoáng sản và xả thải ô nhiễm môi trường… đắt hơn rất nhiều những gì họ có được.

Họ cố tình lờ đi chứ không phải không biết cái nhẽ mà thánh nhân đã dạy trong Đại tượng truyện của Kinh Dịch ở quẻ Thuần Khôn: “Địa thế khôn quân tử dĩ hậu đức tải vật” [Khôn mang trọng trách của đất, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật]. Và hậu quả cũng thật nhãn tiền, khí hậu bị biến đổi, hàng tá các vấn đề mang tính toàn cầu trở nên cấp bách như: Trái đất nóng lên, băng tan, vùng ngập mặn lấn sâu vào các lãnh thổ, sóng thần, bão lụt, động đất, hạn hán… kéo theo dịch họa thảm khốc trên phạm vi đa quốc gia.

Thiệt hại về người và của không gì đong đếm được. Đúng như câu nói của một thổ dân da đỏ, đại ý rằng, cho đến khi cái cây cuối cùng bị đốn, con thú cuối cùng bị săn và dòng sông cuối cùng trở nên ô nhiễm, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta không thể ăn được tiền!

Cần thức tỉnh và sống thuận với thiên nhiên

Có lẽ, chưa bao giờ chữ “sạch” được người ta nói nhiều, nhắc nhiều trên hầu khắp các phương tiện truyền thông như bây giờ. Nào là năng lượng sạch, nguồn nước sạch, không khí sạch, thực phẩm sạch, tri thức sạch… Tức là, người ta đã nhận ra, không chỉ những thứ bên ngoài tác động đến họ bị bẩn, bị dơ, bị ô nhiễm, mà ngay tri thức trong đầu họ cũng đã ít nhiều bị ô nhiễm, bị đầu độc.

Nhân viên nhà tang lễ tiễn biệt nạn nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vào một nghĩa trang ở Bergamo, Italia. (Ảnh Reuters)
Nhân viên nhà tang lễ tiễn biệt nạn nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vào một nghĩa trang ở Bergamo, Italia. (Ảnh Reuters) 

Đó là sự thức tỉnh cần thiết và cũng kịp thời. Song bài toán làm sao để cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh về mọi mặt, với đảm bảo nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển, môi trường sống và môi trường tri thức… vẫn luôn là bài toán khó đối với tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong Đạo Kitô có một khái niệm, đó là “chuộc tội tổ tông”, tức tội lỗi của muôn đời vạn đại, chồng nghiệp lên con người hiện tại. Nên bây giờ, chúng ta không chỉ phải “chuộc tội chính mình” mà còn phải chuộc cả tội của cha ông nhiều đời trước, đã “bất hiếu” và làm tổn thương đến mẹ thiên nhiên.

Từ xa xưa, các bậc thánh nhân đã dạy cho con người sống thuận với tự nhiên, bằng việc giữ đúng vai trò của Con Người giữa Trời và Đất. Đó là học thuyết Tam Tài chắt ra từ nghiệm lý mà thành. Lại biết những cái quý của thiên địa nhân mà cố giữ cho bằng được, như câu: “Thiên hữu tam bảo nhật nguyệt tinh, địa hữu tam bảo thủy hỏa phong, nhân hữu tam bảo tinh khí thần, hội dụng tam bảo thiên địa thông”. Hiểu là, trời có ba thứ quý là mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Đất có ba thứ quý là nước, lửa và gió.

Con người ta cũng có ba thứ quý là tinh-khí-thần. Nếu hội dụng, hiểu được và nương theo, thì trời đất và người vĩnh viễn là bạn. Thiết nghĩ, sống thuận há đâu ngoài lời dạy đó. Con người ta muốn bình an, sống thọ mà khỏe mạnh, thì phải tự biết chăm cho ba thứ Tinh, Khí và Thần của chính mình. Ba thứ đó phù thuộc vào việc ăn uống khoa học, từ tốn và hợp với thủy thổ, hít thở trong lành, sống chan hòa độ lượng mà sinh ra ngũ thần sáng lạn. 

Phải trả cây lại cho rừng, trả nước lại cho sông, trả màu mỡ lại cho đất, trả không khí lại cho trời… thì cái thế giữa người và đất trời mới hòa được, mới thuận được. Nhưng, những điều đó, dường như là không thể. Nó thuộc về sự quyết định đâu đó cao hơn, xa hơn, thậm chí viển vông vông hơn, chứ không còn phụ thuộc vào sự khát vọng chính đáng của con dân địa cầu nữa. 

Vì thế, hơn ai hết, chính mỗi cá nhân phải tự thức tỉnh và tự thuận với chính mình, với chung quanh, với tự nhiên, bằng việc hạn chế tối đa những hành vi làm xấu thêm môi trường sống của mình; tự sắm cho mình những kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Có câu, khi bạn muốn cứu mình, thì bồ tát cũng sẽ xuất hiện. Nên, chỉ khi nào bạn nhận thấy trách nhiệm của bản thân đối với những việc tưởng như chẳng phải của mình, bạn mới hiểu ra sự sống chẳng qua chỉ là một hơi thở. Và sự thật, chúng ta sống trên đời này thở nhiều hơn ăn…

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.