Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01/2017

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2017 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 

Trong tháng 01 năm 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 07 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

2. Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

3. Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.

4. Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

5. Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

6. Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

7. Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

a) Hiệu lực thi hành: 03/3/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật đất đai; đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành như: Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP liên quan đến các quy định về: (1) Xác định loại đất; (2) Việc xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; (3) Cơ quan tài nguyên và môi trường ở địa phương (bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai) và vị trí, chức năng của Văn phòng đăng ký đất đai; (4) Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, hoạt động xây dựng hệ thống thông tin đất đai; (5) Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định thành lập hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất đã được thành lập trước đây và quyết định cơ cấu tổ chức, nguồn vốn, cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất; (6) Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều kiện đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư; (7) Thu hồi đất đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất và trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (8) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; (9) Cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, đất thuê lại trả tiền thuê đất hàng năm; (10) Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không phải là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; (11) Việc sử dụng đất đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (12) Xử lý quyền sử dụng đất đang cho thuê, đang thế chấp khi Nhà nước thu hồi đất; (13) Sử dụng đất của tổ chức kinh tế do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư; sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích tối thiểu được tách thửa; sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp do được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (14) Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề; đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi; (15) Góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; (16) Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; (17) Thời hiệu giải quyết tranh chấp lần hai và hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; (18) Xử lý việc áp dụng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ quản lý, sử dụng đất; (19) Thẩm quyền điều chỉnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành…

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP liên quan đến các quy định về: (1) Nội dung khung giá đất, bảng giá đất; (2) Trách nhiệm tổ chức xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; (3) Xác định giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất; (4) Điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP liên quan đến các quy định về: (1) Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (2) Xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; (3) Xử lý tiền thuê đất còn lại cho người được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm mà đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm khi Nhà nước thu hồi đất; (4) Xử lý về tài sản do Nhà nước giao quản lý khi thu hồi đất và trường hợp tổ chức thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất; (5) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

a) Hiệu lực thi hành: 25/02/2017.

Nghị định này thay thế: (1) Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; (2) Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg; (3) Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; (4) Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, khắc phục các hạn chế, bất cập hiện hành về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật phòng, chống thiên tai.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 điều, ban hành kèm theo 02 phụ lục, quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm, được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc hỗ trợ; (2) Điều kiện hỗ trợ; (3) Mức hỗ trợ; (4) Trình tự, thủ tục hỗ trợ; (5) nguồn lực và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; (6) Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.

3. Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.

a) Hiệu lực thi hành: 15/3/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý riêng về kinh doanh casino; đảm bảo phù hợp với tình hình hoạt động hiện nay và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 chương, 63 điều, quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh casino trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc kinh doanh casino và các hành vi bị nghiêm cấm; (2) Tổ chức hoạt động kinh doanh casino; (3) Điều kiện, trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino; (4) Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác; (5) Cung cấp thông tin, quảng cáo, giảm giá, khuyến mại; (6) Chế độ tài chính; quản lý doanh thu, quản lý thuế; chế độ kế toán và báo cáo; kiểm toán, công khai báo cáo tài chính; (7) Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh casino (8) Quản lý nhà nước; quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước; kiểm tra, thanh tra về kinh doanh casino; (9) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Doanh nghiệp kinh doanh casino; (2) Đối tượng được phép chơi và các đối tượng được phép ra, vào các điểm kinh doanh casino theo quy định tại Nghị định này; (3) Cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến việc cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh casino; (4) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh casino.

4. Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

a) Hiệu lực thi hành: 01/3/2017.

Nghị định này thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 62 điều, ban hành kèm theo 03 phụ lục, quy định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, với các nội dung chủ yếu như: (1) Hình thức văn bản bảo lãnh; đối tượng, chương trình, dự án được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ; (2) Xây dựng kế hoạch đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ trung hạn, hàng năm; (3) Hạn mức bảo lãnh chính phủ; điều kiện cấp và mức bảo lãnh chính phủ; thư bảo lãnh; (4) Phê duyệt chủ trương, hồ sơ đề nghị phê duyệt, trình tự, thủ tục xem xét, phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ; (5) Hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp, thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay; quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay; cấp Thư bảo lãnh đối với khoản vay; thủ tục có liên quan đến hiệu lực của khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh; (6) Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản phát hành trái phiếu; thẩm định và cấp bảo lãnh chính phủ; cấp Thư bảo lãnh đối với khoản phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế; thủ tục có liên quan đến hiệu lực của khoản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh; (7) Quản lý vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; (8) Thu và sử dụng phí bảo lãnh chính phủ; (9) Tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu; (10) Chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu; chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp; chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản sau đầu tư; (11) Trách nhiệm và nghĩa vụ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan đến bảo lãnh chính phủ; (12) Điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người được bảo lãnh; (2) Người bảo lãnh; (3) Người nhận bảo lãnh; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

5. Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2017.

Bãi bỏ các quy định sau: (1) Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; (2) Khoản 3 Điều 6, điểm c khoản 2 Điều 9 và khoản 5 Điều 19 của Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam và các quy định hiện hành; đảm bảo phù hợp với công tác xử lý tài sản chìm đắm trên thực tiễn và phù hợp với các đạo luật mới được ban hành có liên quan như: Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy năm 2014...

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 31 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Phân loại và xác định tài sản chìm đắm gây nguy hiểm; nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm; mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm; thông tin về tài sản chìm đắm; thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm; (2) Thời hạn trình phương án và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm; trách nhiệm lập phương án, nội dung phương án trục vớt tài sản chìm đắm; (3) Thẩm quyền, thủ tục phê duyệt phương án trục vớt; quyết định tổ chức trục vớt và thực hiện tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm; (4) Chuyển giao tài sản chìm đắm là di sản văn hóa dưới nước hoặc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; biên bản giao nhận tài sản chìm đắm; tiếp nhận và bảo quản tài sản chìm đắm; tiêu hủy tài sản chìm đắm; (5) Bán tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước; thành lập Hội đồng định giá, xác định giá trị tài sản chìm đắm; nguyên tắc hoạt động của Hội đồng định giá; sử dụng giá trị tài sản do Hội đồng định giá xác định; (6) Chi phí xử lý, thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trục vớt; thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật; quản lý nguồn thu từ xử lý tài sản chìm đắm; (7) Chi thưởng, thủ tục chi thưởng cho việc phát hiện tài sản chìm đắm; xử lý tài sản chìm đắm thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài và điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

6. Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

a) Hiệu lực thi hành: 31/3/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý quản lý việc kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 chương, 80 điều, quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc kinh doanh đặt cược; các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đặt cược; (2) Tổ chức kinh doanh đặt cược; tổ chức đua ngựa, đua chó sử dụng cho hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó; (3) Điều kiện, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đối với đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế; (4) Thông tin, quảng cáo và khuyến mại; (5) Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán; (6) Xử phạt vi phạm hành chính; (7) Quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế; (2) Các đối tượng được phép tham gia đặt cược; (3) Các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến việc cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược; (4) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược.

7. Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 02 năm kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với thủ tục nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam; phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 12 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo đề nghị của người nước ngoài và theo đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh; nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; (2) Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; (3) Áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; (4) trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nước ngoài là công dân của các nước thuộc danh sách được thí điểm cấp thị thực điện tử quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

8. Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

a) Hiệu lực thi hành: 05/3/2017.

Quyết định này thay thế Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; đảm bảo phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp 2014; phù hợp với phân loại chuẩn quốc tế.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, ban hành kèm theo 01 Phụ lục về Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân cấp I, cấp II và cấp III (cấp I: Trình độ giáo dục, đào tạo; cấp II: Lĩnh vực giáo dục, đào tạo; cấp III: Nhóm chương trình, nhóm ngành, nhóm nghề giáo dục, đào tạo) và quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, cập nhật và hướng dẫn Danh mục giáo dục, đào tạo cấp I, cấp II và cấp III; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, cập nhật và hướng dẫn Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV phù hợp với yêu cầu quản lý giáo dục, đào tạo.

9. Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Hiệu lực thi hành: 05/3/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm phù hợp với các quy định mới của pháp luật quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển thông tin vô tuyến của Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo 01 Phụ lục, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg như sau:

“4. Thể lệ vô tuyến điện (Radio Regulations):

Thể lệ vô tuyến điện được đề cập trong Quy hoạch này là Thể lệ vô tuyến điện do Liên minh Viễn thông quốc tế ban hành, phiên bản năm 2016, được sửa đổi, bổ sung sau Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2015 (WRC-15)”.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg như Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo./.

Đọc thêm

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn phân biệt Căn cước công dân thật và giả

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn phân biệt Căn cước công dân thật và giả
(PLVN) - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) đã có hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng công chứng cách để phân biệt ứng dụng VNeID thật, giả và Căn cước công dân (CCCD) thật, giả nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, giả mạo, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi: Để quảng cáo là sản phẩm của văn hóa trí tuệ

Năm 2022, ngành VHTTDL đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết. (Nguồn: Bộ VHTTDL).
(PLVN) - Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quảng cáo đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là một trong những yếu tố tạo lập kiến trúc cảnh quan, phản ánh thẩm mỹ đô thị, biểu hiện văn hóa tiêu dùng của cộng đồng dân cư ở quy mô rộng lớn... Đó là những lý do để quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu và phát huy tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định cụ thể về trừ điểm giấy phép lái xe

Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe được đánh giá là sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN).
(PLVN) -  Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) là quy định về trừ điểm giấy phép lái xe. Tán thành với nội dung này nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng, lạm dụng khi thực thi.

Tiếp vụ mâu thuẫn chuyển nhượng vốn góp tại Công ty nước sạch Bạch Đằng: Đại diện Sở cho biết sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giải thích

Trụ sở Cty nước sạch Bạch Đằng tại thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn. (Ảnh: Gia Hải)
(PLVN) - Vừa qua, Báo PLVN có bài phản ánh sự việc ông Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho rằng mình bị “gây khó” khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Cty TNHH nước sạch Bạch Đằng (trụ sở xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn).

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in
(PLVN) - Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại NHNN chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận...

Diễn biến sự việc thép HRC bị đề nghị điều tra chống bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu bổ sung hồ sơ

HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các loại tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, ống thép… (Ảnh: Mai Long)
(PLVN) - Mới đây, như PLVN đã có bài phản ánh, sau khi một số DN đưa ra ý kiến cần điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam; thì một số DN sản xuất tôn mạ, ống thép lại không đồng ý với đề nghị này, vì cho rằng nhu cầu liên tục tăng trong khi nguồn cung nội địa chưa đáp ứng được.

Mâu thuẫn quanh chuyện chuyển nhượng vốn góp tại Cty nước sạch Bạch Đằng: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ mời các bên đến làm việc

Mâu thuẫn quanh chuyện chuyển nhượng vốn góp tại Cty nước sạch Bạch Đằng: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ mời các bên đến làm việc
(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho rằng mình bị gặp khó khi chuyển nhượng phần vốn góp tại Cty TNHH nước sạch Bạch Đằng (trụ sở xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn).

Chỉ có thông tin người cha trên Giấy khai sinh có được không?

Cảnh sát lấy lời khai đối tượng Katerynchyk Roman. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Bạn Trần Văn Toán (Hà Nội) hỏi: Tôi và bạn gái quen nhau chưa đăng ký kết hôn thì chúng tôi có con. Hiện nay bạn gái cùng gia đình nhà bạn ấy không chấp nhận, họ đã gửi con tôi vào cô nhi viện. Tôi biết vậy nên đã đến cô nhi viện nhận lại con và dự định sẽ nuôi con. Vậy xin hỏi trong trường hợp này, tôi có thể tự đi làm Giấy khai sinh cho con được không? Thủ tục thực hiện như thế nào?

Sự việc muốn làm thủ tục hành chính, phải qua thôn xác nhận tại Nghệ An: Chủ tịch xã trả lời 'chúng tôi triển khai theo 'lệ làng''

Trụ sở UBND xã Thanh An. (Ảnh: Ngô Toàn)
(PLVN) - Khoảng 1 tháng nay, người dân xã Thanh An (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nhận được thông báo của trưởng thôn về việc: Khi lên xã thực hiện các thủ tục hành chính phải có xác nhận của trưởng thôn, nếu không sẽ bị tạm dừng giao dịch tại bộ phận một cửa. Điều này khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong việc xin các giấy tờ thủ tục, khi lên bộ phận một cửa, rồi lại phải trở về gặp trưởng thôn để xin xác nhận.