Xúc động, tự hào về truyền thống vẻ vang ngành Tư pháp

Lãnh đạo và cán bộ Bộ Tư pháp chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại buổi làm việc về công tác thi hành án dân sự.
Lãnh đạo và cán bộ Bộ Tư pháp chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại buổi làm việc về công tác thi hành án dân sự.
(PLO) - Với vai trò là một “cơ quan trọng yếu của chính quyền” như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua 70 năm xây dựng, trưởng thành, ngành Tư pháp tự hào về truyền thống vẻ vang mà các thế hệ cán bộ tư pháp đã dày công vun đắp, trung thành, sáng tạo, tận tụy, đoàn kết, phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân, vì Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ đổi mới hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở ngày càng được tăng cường mở rộng. 
Với những trọng trách lớn lao, trách nhiệm nặng nề vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội bằng nỗ lực của cả hệ thống, ngành Tư pháp đã giành được những thành tựu nổi bật trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật, quản lý hành chính tư pháp, công tác bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực pháp luật và tư pháp…
Sự đóng góp, cống hiến của Bộ Tư pháp và toàn Ngành trong suốt 70 năm, nhất là trong thời kỳ đổi mới, đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Sao Vàng, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ  đánh giá: “Quá trình xây dựng và phát triển của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đều có sự  đóng góp quan trọng và hiệu quả của ngành Tư pháp”.
Xúc động, tự hào, ý thức trách nhiệm về vai trò, vị trí của mình trong dòng chảy truyền thống của Ngành chính là tâm sự chung của mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp.
* Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: 
Vai trò của công tác tư pháp tiếp tục được khẳng định và tăng cường

“Có thể nói, trong suốt 70 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, vị trí, vai trò công tác tư pháp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định và tăng cường. Với truyền thồng dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, trung thành, các thế hệ cán bộ tư pháp Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tôi tin tưởng rằng, với lịch sử 70 năm, đội ngũ cán bộ tư pháp sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”

* Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự:
Hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của ngành Tư pháp

Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính tiếp tục được ghi nhận và khẳng định. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được tăng cường và mở rộng với nhiều nhiệm vụ được bổ sung, giao mới. Đến nay, tổ chức bộ máy của toàn Hệ thống đã đi vào ổn định, kỷ luật, kỷ cương hành chính được duy trì nền nếp, đội ngũ chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, toàn Hệ thống hiện có gần 10 ngàn biên chế với 4.128 chấp hành viên, 593 thẩm tra viên, 1.731 thư ký thi hành án. 

Về kết quả công tác, có thể khẳng định thi hành án dân sự đang tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ công chức; kết quả thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước và có xu hướng ngày càng bền vững, việc tổ chức thi hành các vụ án lớn thu hồi tài sản cho Nhà nước có nhiều nỗ lực, cố gắng; việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển của chế định này trong thời gian tới. Kết quả đạt được đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Tôi rất tự hào với những đóng góp của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động toàn Hệ thống và hy vọng rằng những kết quả đó sẽ góp một phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của toàn ngành Tư pháp. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp, tôi xin chúc toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm công tác thi hành án dân sự và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. 

Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác thi hành án dân sự tiếp tục đoàn kết, kỷ cương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Nhân dịp này tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, của các cấp, các ngành và của nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

* Ông Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: 
Đẩy mạnh phối kết hợp để giải quyết bài toán về biên chế
Được tuyển dụng vào Phân hiệu Đại học Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp từ năm 1994, rồi sang công tác tại Trường Đại học Luật TP.HCM, sau 16 năm làm giảng viên, tôi lại quay về với “ngôi nhà” của mình khi được bổ nhiệm cương vị Phó Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM (nay là Cục Công tác phía Nam), kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh. 
Đến tháng 9/2014, tôi được Lãnh đạo Bộ điều động ra làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Kế tiếp “gia sản” tốt từ người tiền nhiệm đầy kinh nghiệm, phải nói là tôi có chút áp lực nhưng với nỗ lực của bản thân, sự yêu thích với công tác tổ chức cán bộ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ và được Lãnh đạo Bộ tin tưởng nên tôi nhanh chóng bắt nhịp khá tốt với công việc.
Đảm nhận cương vị mới chưa đầy một năm song cá nhân tôi cho rằng công tác tổ chức cán bộ vẫn giữ được nền nếp, không bị chùng xuống, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là qua 70 năm trưởng thành, Bộ Tư pháp ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và khó trong khi điều kiện đảm bảo thực hiện, trong đó có nguồn nhân lực, chưa tương xứng nên đây là một thử thách với công tác tổ chức cán bộ. 
Cá nhân tôi thực sự rất chia sẻ khó khăn với lãnh đạo các đơn vị. Vì vậy, chúng tôi đang phối kết hợp với các đơn vị tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán về biên chế, khắc phục mâu thuẫn giữa yêu cầu công việc với khả năng đáp ứng như nghiên cứu tiếp tục phân cấp, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung hơn nữa cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ… * Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp: 
Cục rất tự hào vì đã có sự đóng góp dù là nhỏ bé cho sự phát triển 
của Ngành
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ, Cục Bổ trợ tư pháp đã chủ động, tích cực, nỗ lực, sáng tạo trong công tác tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp (bao gồm luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại…). 
Có thể khẳng định trong 5-7 năm trở lại đây, hoạt động bổ trợ tư pháp đã có bước chuyển mình, tạo ra những bước phát triển mới, có tính đột phá, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng và kể cả giám định tư pháp, đấu giá tài sản…; có những nghề mới chưa từng có trước đây đã được hình thành và phát triển như quản tài viên…
Theo đánh giá chung thì có lẽ chưa bao giờ chúng ta có hệ thống thể chế về luật sư, công chứng và nhiều lĩnh vực bổ trợ khác được quan tâm xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, bài bản như hiện nay. 
Trong quá trình quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp, nhiều lúc chúng tôi cũng đối mặt với khó khăn, phức tạp, va đập tưởng như khó vượt qua… nhưng anh em Cục Bổ trợ tư pháp luôn tâm niệm và lấy lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người” làm kim chỉ nam cho tư duy và hành động của mình. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp Cục Bổ trợ tư pháp  hoàn thành tốt được nhiều công việc trong thời gian qua. 
Trước thềm kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp, anh chị em Cục Bổ trợ tư pháp rất tự hào vì mình đã có sự đóng góp dù là nhỏ bé cho hoạt động tư pháp và cho sự phát triển của ngành. Cá nhân tôi đã gắn bó với ngành 26 năm kể từ khi rời ghế nhà trường, tôi thấy hết sức tự hào vì mình là cán bộ ngành Tư pháp. Trong tôi, ngành Tư pháp cùng các thế hệ đàn anh, đàn chị luôn là niềm ngưỡng mộ và cũng luôn là động lực thúc đẩy mình phấn đấu, rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa… * Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật: 
Sẽ đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ
Hai mươi năm làm việc trong ngành Tư pháp, thời gian chưa phải là dài so với các bậc đàn anh đi trước nhưng tôi rất tâm huyết với nhiều sự đổi thay, phát triển của Ngành, từ những vị thế, chức năng cho đến cơ cấu, tổ chức và triển khai công tác trong thực tiễn. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là một trong những sản phẩm của quá trình phát triển đó. 
Tuy mới được thành lập nhưng Vụ đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình với chức năng là đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế; đề xuất những định hướng lớn trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của Bộ, Ngành. 
Có được kết quả đó là do có sự nỗ lực, quyết tâm, ý chí của cả tập thể Vụ; là nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ tình cảm, trách nhiệm “Tư pháp” của các đồng chí, đồng nghiệp; sự gắn kết phối hợp trong công tác của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ trong quá trình triển khai công việc. Trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cũng như tập thể, cá nhân cán bộ, công chức của Vụ sẽ đoàn kết, nỗ lực quyết tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình.  
Công tác tư pháp, truyền thống 70 năm của ngành Tư pháp mà bao thế hệ đã và đang vun đắp, hôm nay mang đến cho tôi cũng như các đồng nghiệp nhiều cảm xúc và niềm tự hào, vinh dự lớn, làm cho chúng ta yêu nghề hơn, say mê, nhiệt huyết hơn với nghĩa “Tư pháp là vấn đề  ở đời và làm người” như Bác Hồ đã dạy. * Bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý: 
Sẽ đổi mới hơn nữa phương pháp, lề lối làm việc
Sau 17 năm gắn bó với Vụ Bổ trợ tư pháp (nay là Cục Bổ trợ tư pháp), tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý từ tháng 3/2013. Với cương vị lãnh đạo mới, phụ trách mảng công việc khác so với khi còn ở Vụ Bổ trợ tư pháp nhưng đối với tôi, công việc cũng không hoàn toàn mới mẻ bởi lẽ nội hàm trợ giúp pháp lý gần như tương đồng với dịch vụ pháp lý, một lĩnh vực quản lý của Vụ Bổ trợ tư pháp. Chỉ khác là dịch vụ trợ giúp pháp lý mang tính nhân đạo của Nhà nước dành cho người nghèo, người có công với cách mạng và đối tượng yếu thế khác trong xã hội nên tôi và các công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị luôn cố gắng thực hiện tốt công việc được giao.
Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi mong các công chức, viên chức, người lao động của Cục Trợ giúp pháp lý đổi mới hơn nữa phương pháp, cách thức, lề lối làm việc, chủ động, nhanh nhạy nắm bắt thực tiễn để tham mưu tốt cho lãnh đạo đơn vị, từ đó làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác trợ giúp pháp lý đầy tính nhân văn này. 
Đặc biệt, nhằm triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác trợ giúp pháp lý cần chú trọng hướng vào các vụ việc cụ thể, đảm bảo cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Mọi hoạt động của đơn vị và của hệ thống Trợ giúp pháp lý phải lấy lợi ích của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm.* Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế: 
Tin tưởng Bộ, ngành Tư pháp sẽ ngày càng vững bước đi lên
Sau nhiều năm công tác tại các đơn vị khác nhau thuộc Bộ, hiện tôi được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất ý kiến và tham gia góp ý, thẩm định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực kinh tế ở Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế. Với tinh thần cố gắng, có trách nhiệm cao trong công việc, tôi đã thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, có chất lượng hầu hết các công việc được giao từ việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến việc góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. 
Nói chung ở cương vị nào, dù là chuyên viên, Trưởng phòng hay là Phó Vụ trưởng như hiện nay, tôi cũng luôn hoàn thành tốt các công việc được giao. Nhờ vậy tôi đã được đồng nghiệp tôn vinh, lãnh đạo tin tưởng công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền, trong đó có hai lần là Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp và mới đây nhất tôi vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Có được những thành tích công tác trên là do tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Vụ và sự phối hợp, hỗ trợ trong công việc của các đồng nghiệp.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, tôi rất vui mừng, phấn khởi nhìn lại chặng đường đã qua. Nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có cá nhân tôi, đã được tôi luyện, trưởng thành trong môi trường làm việc của Bộ Tư pháp. Tôi luôn tin tưởng Bộ, ngành Tư pháp sẽ ngày càng vững bước đi lên, đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam ngày càng vững mạnh. 
* Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp:
Tôi nguyện sẽ kế tục  sự nghiệp của các thế hệ cha anh
Với cương vị là người đứng đầu Học viện Tư pháp - Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, tôi thấy rất vinh dự và tự hào về truyền thống 70 năm thành lập ngành Tư pháp.
Năm 1995, năm đầu tiên vào ngành Tư pháp, tôi là giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2009 tôi chuyển công tác tại Ban Thư ký, thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp và được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban. Năm 2012, khi Bộ Tư pháp thành lập Trường Trung cấp Luật Đồng Hới tại Quảng Bình - trường thứ tư trong hệ thống năm trường trung cấp luật của Bộ, tôi được Bộ trưởng điều động vào Quảng Bình và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Sau gần ba năm, tháng 02 năm 2015 tôi được Bộ trưởng điều động về Hà Nội và bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp. 
Trong 20 năm qua, tôi hiểu rõ rằng sự ra đời của ngành Tư pháp gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ngành Tư pháp luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên, tự khẳng định mình, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.      
Có thể nói, tiếp nối chặng đường phát triển 70 năm qua, uy tín và vị thế của ngành Tư pháp đang tiếp tục được củng cố và khẳng định một cách vững chắc trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội đất nước, tạo tiền đề để Ngành đón nhận và hoàn thành những trọng trách ngày càng lớn được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao cho. 
Với không khí phấn khởi, tự hào, tự tin, trách nhiệm, đoàn kết, phát huy những thành tựu và truyền thống vẻ vang của ngành, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tôi nguyện sẽ kế tục sự nghiệp của các thế hệ cha anh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ ngành Tư pháp xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.