Tuổi của Công Phượng: Phải lấy giấy khai sinh làm căn cứ gốc

(PLO) - Truyền thông những ngày qua cực kỳ ồn ào về câu chuyện “đi tìm tuổi thật” của Công Phượng, một cầu thủ bóng đá tài năng của U19 Việt Nam. Rất nhiều bằng chứng được cho là “gian lận” tuổi của Công Phượng đã được trưng ra. Tuy nhiên, trong hàng chục loại giấy tờ liên quan đó, phải xác định đúng đâu là căn cứ pháp lý gốc để chứng minh việc có hay không việc cầu thủ này gian lận tuổi.
* Người dân không phải chịu trách nhiệm về “lỗi kỹ thuật” của cán bộ.
Cầu thủ Công Phượng
 Cầu thủ Công Phượng
Không vì không có số mà giấy khai sinh bị vô hiệu hóa
Các giấy tờ được đem ra mổ xẻ trong nghi án “Công Phượng sinh năm 1993 mà không phải là 1995” đó là giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, học bạ, giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học…Trong đó, giấy khai sinh bản gốc do UBND xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An cấp thể hiện Nguyễn Công Phượng sinh ngày 21/1/1995; sổ hộ khẩu gia đình, học bạ cũng đều thể hiện ngày, tháng, năm sinh này. Tuy nhiên, trong hồ sơ nhân khẩu năm 2002 được lưu tại Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thì Công Phượng lại sinh ngày 21/1/1993 (bản khai nhân khẩu của ông Nguyễn Công Bảy, bố đẻ của Nguyễn Công Phượng). 
Chính vì sự không trùng khớp các dữ liệu về năm sinh trong các giấy tờ nói trên đã dấy lên nghi vấn Công Phượng gian lận tuổi. Một chứng cứ quan trọng để giúp xác định tuổi thật của Công Phượng là bản chính giấy khai sinh do UBND xã Mỹ Sơn cấp ngày 20/10/1995. Theo giấy khai sinh này thì Công Phượng sinh ngày 21/1/1995, tuy nhiên bản gốc giấy khai sinh nói trên không có số, quyển đăng ký khai sinh và vì thế có ý kiến cho rằng “giấy khai sinh này không có giá trị”.
Theo ông Nguyễn Hùng Tráng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên, người có thâm niên trong lĩnh vực hộ tịch, không vì không có số, quyển mà giấy khai sinh bị “vô hiệu hóa”. Việc không ghi số, không ghi quyển trong giấy khai sinh bản gốc là do lỗi “kỹ thuật” của cán bộ có thẩm quyền, và vì thế không thể bắt người dân chịu bằng việc không công nhận giá trị pháp lý của giấy khai sinh. 
Rất cẩn trọng, ông Tráng còn lưu ý, cần phải xem mẫu giấy khai sinh đó có đúng được dùng trong thời điểm đó hay không. Nếu làm đăng ký khai sinh vào năm 1998 mà ghi lùi thời gian lại là năm 1995 thì mới là gian dối; còn nếu không, kể cả trong trường hợp sinh năm 1995 nhưng 4 - 5 năm sau mới đi đăng ký khai sinh thì chỉ là đăng ký quá hạn và việc này được pháp luật cho phép để đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em. Thậm chí, cũng theo pháp luật về hộ tịch, trong một số trường hợp còn có thể đăng ký lại việc sinh.
Trên thực tế, ở nhiều nơi hiện nay, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ đến tuổi đi học mới được đăng ký khai sinh. Việc đăng ký khai sinh cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, song vẫn còn nhiều trường hợp khi đăng ký, cán bộ hộ tịch để xảy ra sai sót về ngày, tháng, năm sinh và theo quy định thì họ phải chịu trách nhiệm về việc này chứ không phải là người đi đăng ký khai sinh hay người được khai sinh. Trong trường hợp của Công Phượng, cán bộ hộ tịch ghi thiếu thì họ phải chịu trách nhiệm.
Giấy khai sinh gốc của Công Phượng
Giấy khai sinh gốc của Công Phượng 
Mọi giấy tờ phải theo giấy khai sinh
Dẫn quy định về tầm quan trọng của giấy khai sinh  là “giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó”, 
Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và Cộng sự (Hà Nội) lưu ý: “Kể cả việc công an lập sổ hộ khẩu hay làm chứng minh thư thì cũng bắt buộc phải theo đúng giấy khai sinh. Và cán bộ thực hiện công việc này phải yêu cầu người dân xuất trình giấy khai sinh để đối chiếu chứ không phải dân cứ khai sinh ngày, tháng, năm nào là điền vào y như thế”. 
Luật sư Châu cũng cho rằng, trong vụ việc của Công Phượng, cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng, nếu thấy cần thiết phải xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lưu trữ sổ sách hộ tịch cũng như đăng ký khai sinh cho người dân chứ không nên “chĩa mũi dùi” vào một đứa trẻ đang lớn.
Mới có những thông tin bước đầu từ phía cơ quan tư pháp có thẩm quyền ở địa phương sơ bộ ban đầu về việc “tuổi thật” của Công Phượng, tuy nhiên, điều mà dư luận chờ đợi hiện nay, nói như lời ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nếu chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nên để cho Công Phượng tập trung vào luyện tập, thi đấu, đừng để bị ảnh hưởng tâm lý thi đấu, thui chột tài năng, có thể dẫn tới những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Đừng để tài năng đang nở rộ lại phải chấm dứt sớm.” 
Tư pháp Nghệ An khẩn trương vào cuộc xác minh thông tin
Chiều 18/11, đoàn cán bộ của Phòng Tư pháp huyện Đô Lương (Nghệ An) đã về xã Mỹ Sơn để kiểm tra hồ sơ của tuyển thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng. Trao đổi với PLVN, ông Trần Doãn Phú, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đô Lương cho biết, sau khi sự việc diễn ra, Phòng đã tiến hành kiểm tra hồ sơ của cầu thủ Công Phượng lưu tại Phòng, tại trường, tại địa phương. “Kết quả qua kiểm tra cho thấy hồ sơ lưu tại phòng, giấy khai sinh đăng ký lại, học bạ, hộ khẩu… đều phản ánh năm sinh của Công Phượng là ngày 21/1/1995. Thời điểm đó, tại địa phương không chỉ riêng xã Mỹ Sơn bị mất hồ sơ lưu tại xã mà nhiều xã khác cũng mất do quá trình chuyển giao và lưu trữ. Phòng đã tiến hành kiểm tra sẽ có báo cáo bằng văn bản về Sở Tư pháp trong thời gian ngắn nhất là một đến hai ngày nữa…”. Ông Trần Doãn Phú cho biết thêm, trong thời gian qua, người dân địa phương rất bức xúc vì việc báo chí đã phản ánh sự việc này và muốn sự việc yên ổn, không ảnh hưởng đến tinh thần của người dân cũng như tinh thần yêu thể thao của họ. Cũng theo ông Phú, thời điểm đó nhiều địa phương các xã đã làm giấy khai sinh nhưng không ghi số sổ, số quyển đăng ký đó là sơ suất sai sót trong quá trình làm việc. 
Trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An, Hoàng Quốc Hào cho biết thêm, hiện Phòng Tư pháp huyện đã tiến hành kiểm tra, Sở chưa nhận được kết quả kiểm tra bằng văn bản. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Phòng Tư pháp huyện Đô Lương, Sở sẽ có báo cáo chi tiết về vụ việc gửi UBND tỉnh và báo chí. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức đoàn kiểm tra về địa phương kiểm tra lại hồ sơ của Công Phượng để khẳng định chắc chắn hơn về thông tin năm sinh của Công Phượng.  

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.