Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo về CM công nghiệp lần thứ tư ngày 24/6/2019

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo về CM công nghiệp lần thứ tư ngày 24/6/2019
(PLVN) - Ngày 24/6/2019, tại Hà Nội Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo. Báo PLVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

Thưa đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 

Thư các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tư pháp, Ủy ban của Quốc hội,

Thưa đồng chí Lê Thành Long Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương,

Thưa các vị khách quốc tế, chuyên gia và toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội nghị,

Trước hết, tôi thay mặt Chính phủ, hoan nghênh Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, với những nội dung rất sâu, mang tính cấp bách hiện nay của đất nước chúng ta. Tôi cũng đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành và một số địa phương. Tôi đề nghị Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Hội thảo chọn lọc in kỷ yếu Hội thảo này và đặc biệt là sớm đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội một số việc quan trọng, cấp bách, nhất là trong thời điểm chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số luật quan trọng.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài cuộc cách mạng đó. Đó là, thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp. Đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng tỷ người cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội. 

Việt Nam chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây v.v… Đây không còn là điều mới vì công nghệ là một yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Chính công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Như vậy, có thể nói công nghệ, nguồn nhân lực và thể chế tốt tiếp tục quyết định tăng trưởng, phát triển Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. 

Đứng trước cơ hội này, thời gian qua chúng ta đã có một số thành công rất đáng khích lệ. Chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta đang được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu của Việt Nam cũng liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng cao đứng thứ 28). Những chỉ số về hạ tầng công nghệ rất thuận lợi, ví dụ như: chúng ta đã nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ dân số dùng Internet cao trên thế giới, bình quân 66% (còn châu Á mới 49%). Trong ASEAN, chúng ta đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử qua điện thoại di động; đứng thứ ba về tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh (55%); đứng thứ tư về tốc độ Internet (chỉ sau Singapore, Thái Lan, Malaysia). Mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta gần đây cũng đang dịch chuyển theo chiều hướng tích cực. Với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp công nghệ có những bước tăng trưởng ngoạn mục và trở thành những thương hiệu có uy tín như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT, CMC, v.v…

Chúng ta cũng đã nhận thức được đâu là thử thách cho kỳ vọng thành công của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là trình độ khoa học, công nghệ của chúng ta có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học, công nghệ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống, xã hội và sản xuất. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2018, Việt Nam còn xếp thứ hạng thấp về năng lực đổi mới sáng tạo, thứ 82 trong 140 quốc gia. Còn theo khảo sát của Liên Hợp quốc năm 2018, Việt Nam dù có tăng 1 bậc so với năm 2016 nhưng vẫn xếp thứ 88 trên 193 quốc gia về phát triển chính phủ điện tử.

Thử thách thứ hai là hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít và thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, các viện nghiên cứu. Lực lượng lao động có chất lượng cao còn hạn chế và trên hết, chúng ta chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn dễ bị tụt lại phía sau. Do chúng ta chưa có thể chế tốt nên một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã phải ra nước ngoài để khởi nghiệp.  

Rõ ràng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Hội thảo hôm nay chính là dịp để chúng ta cùng nhận diện rõ những vướng mắc về thể chế pháp lý cần giải quyết, đồng thời hiến kế, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hàng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Ví dụ điển hình là trong khi chúng ta đang nghiên cứu các giải pháp, chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ, việc khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, về quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa, về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, thì mới đây Facebook đã công bố việc chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử Libra ngày 18/6/2019, được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải có chính sách kịp thời và có giải pháp pháp lý phù hợp. 

Như các đồng chí đã biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, về phát triển chính phủ điện tử. Sáng nay, Chính phủ đã chính thức khai trương e-cabinet - một nội dung quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử và tiến tới là chính phủ số. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một Việt Nam số (e-Vietnam). Trong đó, tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực đều phải hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phải thay đổi không ngừng để thích nghi với môi trường số hóa, bên cạnh các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng số hóa, nền tảng tài nguyên số và hệ sinh thái kinh tế, dịch vụ số thì thể chế và chính sách số là một nhiệm vụ quan trọng, tiên phong. Ở đây, tôi muốn nói đến khung pháp lý số quốc gia, các luật về thương mại điện tử, an toàn thông tin, chủ quyền số, bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, sở hữu trí tuệ và các chính sách khuyến khích đầu tư, các cải cách về tư duy và thể chế. Chính vì vậy, các bộ, ngành, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những chỉ đạo chiến lược này đồng thời đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật. Có thế thì mới phát huy được năng lực sáng tạo, chủ động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác trong kinh tế số và xã hội số. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân.

Tiếp đến, việc thiết kế khung pháp lý, cơ chế và chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, với những tư duy mới, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ đang xúc tiến việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chính vì vậy, yêu cầu với hệ thống pháp luật là phải bảo đảm phát triển bền vững, an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia, lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm, thúc đẩy khoa học, công nghệ tiên tiến, khả năng đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đảm bảo quản lý nhà nước trên không gian mạng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, trong đó có an toàn thông tin, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân, huy động được nguồn lực đầu tư từ tất cả các thành phần kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế...

Trước mắt chúng ta cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số hay tài sản mã hóa, các hình thức đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới... Chúng ta cần chú ý việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan trực tiếp đến quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ góp phần tăng nhanh tốc độ phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập trong thi hành pháp luật. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần kịp thời bắt kịp với những xu thế mới của phát triển công nghệ. 

Những công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể được ứng dụng trong thực thi thể chế, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước, khắc phục hiện tượng “nhờn” luật còn khá phổ biến trên một số lĩnh vực đang gây bức xúc xã hội diễn ra trong thời gian qua. 

Một điều quan trọng nữa là tư duy làm chính sách, pháp luật trong Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới mà tôi đã ví dụ ở trên...

Tôi đề nghị các Bộ, các Ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt, nên tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm và các Nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ. Điều này vừa tạo ra điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo được diễn ra thuận lợi, vừa bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng và các yêu cầu về quản lý nhà nước, nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta đã bàn nhiều, bây giờ là thời điểm phải chuyển hóa khát vọng vươn lên và trí tuệ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị thành hành động.

Chính vì vậy, các Bộ, Ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các giải pháp để đẩy nhanh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm tiến trình xây dựng, thực thi thể chế, pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, của doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần sớm hình thành ý tưởng và kiến nghị với Ban Chỉ đạo Tổng kết Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị. 

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đang được giao xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đồng chí cần nghiên cứu các vấn đề đặt ra đối với quy trình soạn thảo, ban hành, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng chính phủ điện tử. Công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, và xây dựng cơ chế phản hồi thông tin chính xác, nhanh chóng trong xây dựng chính sách, pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia.

3. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, làm nền tảng cho công tác xác thực định danh, chia sẻ thông tin, dữ liệu an toàn, hiệu quả, đồng thời sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng, đảm bảo vừa kiến tạo kinh tế số, xã hội số vừa bảo đảm an ninh, an toàn mạng và thông tin dữ liệu. 

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành, công bố cơ sở dữ liệu đất đai. Không có cơ sở dữ liệu dùng chung thì không thể nói làm cơ sở xây dựng chính phủ điện tử cũng như các vấn đề khác có liên quan.

5. Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có các đề xuất chính sách phù hợp. Sớm hoàn thiện trình ban hành các quy định về các hình thức huy động vốn cộng đồng tín dụng mới. Chú trọng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án giáo dục tài chính để người dân, doanh nghiệp, chính quyền nâng cao nhận thức, hiểu biết và hành động về các dịch vụ tài chính, ngân hàng tốt hơn, qua đó tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, vốn và thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần làm minh bạch hóa hệ thống thanh toán và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

6. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua điện thoại di động hay ví điện tử, góp phần đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, pháp luật thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó chú trọng tính tương tác, tính kết nối, chia sẻ và khả năng thương mại hóa các ý tưởng nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Chúng ta có phong trào khởi nghiệp rất tốt nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì còn nhiều bất cập.

8. Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất sử dụng linh hoạt công cụ tài chính để làm đòn bẩy cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm bảo đảm vừa khuyến khích nhân tài cống hiến, khuyến khích doanh nghiệp trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vừa bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân hưởng lợi từ việc ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm sự công bằng trong việc quản lý và thực thi chính sách thuế giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. 

9. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm nhận diện rõ những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động, việc làm và hệ thống an sinh xã hội để có phản ứng chính sách phù hợp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, doanh nghiệp để đổi mới giáo dục, đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng theo kịp yêu cầu của nền kinh tế số.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Chúng ta đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đồng thời tích cực chuẩn bị đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội Đảng tới đây sẽ định ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Đây là cơ hội lớn cho những người làm công tác xây dựng chính sách, xây dựng, thực thi pháp luật đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, đóng góp vào quá trình hình thành đường lối, chủ trương của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo quan trọng này cũng chính là hành động thiết thực đóng góp vào công việc đặc biệt quan trọng ấy.

Muốn thực hiện khát vọng để xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong thời gian tới, thể chế, pháp luật trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là vô cùng quan trọng, có thể nói là mở đầu cho sự thành công.

Một lần nữa, thay mặt Chính phủ, tôi chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích mới trong công tác. 

Xin chúc sức khỏe tất cả các đồng chí và các bạn. Xin cám ơn./. 

Đọc thêm

Tiền Giang: Thực hiện cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Tiền Giang: Thực hiện cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
(PLVN) - Sáng ngày 15/3, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các cơ quan ban, ngành liên quan thực hiện cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất tại số nhà 41 (nay là 218) đường Ấp Bắc, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nhằm thi hành bản án đã có hiệu lực.

Trường Đại học Luật Hà Nội: Tuyển 2.500 chỉ tiêu trong năm 2024

Trường Đại học Luật Hà Nội: Tuyển 2.500 chỉ tiêu trong năm 2024
(PLVN) - Để bảo đảm sự ổn định trong việc tuyển sinh trình độ đại học năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội xây dựng Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 trên nguyên tắc về cơ bản không có nhiều khác biệt so với Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước

Hội thảo “Trao đổi về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh”
(PLVN) -  Sáng 14/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trao đổi về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh”.

Bộ Tư pháp: Tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí

Quang cảnh hội nghị
(PLVN) -Ngày 14/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và triển khai Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành tư pháp năm 2024.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) - Ngày 14/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Hội thảo nhằm nâng cao năng lực và thông tin cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, các tổ chức, hiệp hội có liên quan về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Vĩnh Phúc: Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người yếu thế

Hình ảnh truyền thông tại UBND xã Tiên Lữ, tỉnh Vĩnh Phúc.
(PLVN) -Ngày 29/7/1998, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 1926/QĐ-UB ngày 29/7/1998 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đây, chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) được triển khai ngày càng sâu rộng trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đông đảo người nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách và các đối tượng khác trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường phối hợp trong truyền thông chính sách pháp luật

Tăng cường phối hợp trong truyền thông chính sách pháp luật
(PLVN) - Ngày 12/3, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) và Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông). Việc ký kết sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong công tác phối hợp giữa các đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị cũng như của hai Bộ, ngành.

Tư pháp Đồng Tháp “thay cách nghĩ, đổi cách làm” nâng cao hiệu quả công việc

Tư pháp Đồng Tháp “thay cách nghĩ, đổi cách làm” nâng cao hiệu quả công việc
(PLVN) -  Vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, ngành tư pháp Đồng Tháp luôn nỗ lực, chung sức, chung lòng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ và lãnh đạo tỉnh giao phó. Đặc biệt, không ngừng khẳng định vị thế công tác tư pháp trong nhận thức của cán bộ, người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp.