Oan sai - 'vết nhơ' của nền tư pháp

Ông Trần Văn Thêm được minh oan sau hơn 40 năm đi tìm công lý.
Ông Trần Văn Thêm được minh oan sau hơn 40 năm đi tìm công lý.
(PLO) - Liên ngành tư pháp T.Ư đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) sau gần nửa thế kỷ ông bị coi là kẻ “giết người, cướp của” và thực tế ông cũng đã bị giam 5 năm 6 tháng 7 ngày cho hành vi không phải do mình thực hiện này. 

Theo các chuyên gia, đây là vụ án hy hữu không chỉ có lịch sử tố tụng Việt Nam mà có thể là vụ án hy hữu  không chỉ có lịch sử tố tụng thế giới. Vụ án một lần nữa lại chỉ ra “góc tối” của hoạt động tố tụng khi “vẫn còn có địa phương để xảy ra oan, sai” như trong báo cáo một số kết quả công tác 7 tháng năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 của ngành KSND mà Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong trình bày tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – Trưởng BCĐ CCTP T.Ư với VKSNDTC vừa diễn ra trong tuần.

Oan, sai một người làm tổn thương cả hệ thống tư pháp

Ở góc độ khoa học và thực tiễn, không thể có nền tư pháp nào đảm bảo 100% không có án oan, sai. Bởi do rất nhiều nguyên nhân sẽ xuất hiện những sai sót trong quá trình giải quyết vụ án và “tỷ lệ oan, sai chấp nhận được” vẫn sẽ có như “rủi ro nghề nghiệp” và sớm được khắc phục.

Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thực hiện giám sát chuyên đề về tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra thực trạng oan, sai xảy ra trong tất cả các khâu của quá trình tố tụng hình sự với 71 trường hợp oan, sai được phát hiện với số tiền bồi thường lên đến hơn 30 tỷ đồng. Về con số cơ học so với tổng số vụ án được giải quyết bằng thủ tục tố tụng hình sự thì 71 trường hợp này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. 

Song về giá trị của công lý thì đây thực sự là “vết nhơ” của nền tư pháp bởi 71 trường hợp đó là 71 sinh mạng pháp lý con người bị chà đạp, bị bỏ quên quyền lợi và bị làm tổn thương về thể chất, danh dự, tinh thần mà không bù đắp hết được bằng hoạt động bồi thường, công  khai xin lỗi theo trình tự, thủ tục luật định. Và 71 trường hợp có phải đã là tất cả những trường  hợp oan, sai hay còn những người bị oan sai không biết, không có cơ hội, điều kiện để kêu oan, thậm chí không dám kêu oan?

Theo các luật sư và chuyên gia pháp lý, nguyên nhân của án oan, sai trước hết là do năng lực, trình độ của những cơ quan, cá nhân tham gia tiến hành tố tụng. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn hạn chế; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, tin tưởng hoàn toàn vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội...,

Trong khi đó, việc giám sát của những cơ quan đại diện cho nhân dân như Quốc hội, HĐND, các cơ quan trong MTTQ đôi khi còn hình thức. Đặc biệt, nguyên nhân có thể được coi là sâu xa của tình trạng án oan, sai là do “pháp luật quy định nhiều quyền nhưng trên thực tế áp dụng không hiệu quả” - Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Luật Everest nhận xét.

Công tác kiểm sát quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án chưa theo sát diễn biến vụ việc, thiếu kiểm tra các “tình tiết phạm tội” trong vụ án hình sự, các chi tiết trong án dân sự dẫn đến hiện tượng chỉ dựa vào kết luận điều tra để truy tố. Trong xét xử vẫn chủ yếu dựa vào hồ sơ nên hình thành “án tại hồ sơ” mà ngại “lật giở” lại các tình tiết, nội dung của vụ án. Việc ra các quyết định thi hành án còn vi phạm về thời gian, ra quyết định không đúng, không đủ các nội dung trong quyết định, bản án của tòa án. 

Việc giám định trong quá trình tố tụng còn “yếu và thiếu”, giám định lĩnh vực xây dựng còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí thuê mướn nhân công, thuê và vận chuyển máy móc thiết bị chuyên dùng đến nơi giám định. Việc giám định trong lĩnh vực tài chính rất chậm, kéo dài do lựa chọn phương pháp, cách thức, khối lượng công việc lớn, quá khả năng của tổ chức giám định, do vậy nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn do chưa có kết luận giám định, chất lượng giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, còn chung chung. Người giám định trong nhiều trường hợp không hợp tác, “né tránh” việc tham gia tố tụng vì ngại giải thích, trình bày trước tòa, nhất là án tham nhũng, án kinh tế, gây khó khăn về căn cứ trong quá trình tranh tụng, làm sáng tỏ vụ việc.

Khi những vụ án oan “chấn động lịch sử tố tụng Việt Nam” của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Lương Ngọc Phi… được công khai, một nguyên nhân của án oan, sai được “phát lộ” là những dấu hiệu của tình trạng ép cung, dùng nhục hình làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án, dẫn đến những nỗi oan thấu trời xanh như vậy. Thậm chí, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TP HCM) ngay tại phiên thảo luận của QH đã bức xúc, chỉ thẳng việc “cán bộ tư pháp lạm dụng và thích sử dụng nhục hình, cho nhục hình mức độ nào đó là cần thiết”. 

Không những thế, qua giám sát tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự, Quốc hội đã nhận ra “sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận”. Nhưng theo phản ánh của một số ĐBQH, “nhiều trường hợp việc xử lý cán bộ mắc sai phạm không nghiêm, được bao che; có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng mới đưa ra xử lý”.

Trong nội bộ đã “khó xử lý cán bộ” thì khi kiểm tra “chéo” giữa các cơ quan lại có sự nể nang để tránh “gây bất hòa, khó làm việc”, thậm chí có trường hợp các cơ quan tố tụng “phối hợp quá chặt chẽ” đến mức “vô hiệu hóa” hoạt động tranh tụng tại phiên tòa vì đã “thống nhất án” như từng có những giai đoạn dư luận xì xào về những bản án “bỏ túi” khiến những người có trách nhiệm phải lên tiếng cương quyết xóa loại án này. 

Còn vai trò của luật sư trong từng giai đoạn của vụ án chưa thể hiện tính quyết liệt, một phần do rào cản từ cơ quan tiến hành tố tụng, một phần do trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số luật sư còn hạn chế.

Hạn chế oan, sai khi cán bộ tư duy tương xứng trách nhiệm

Vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, trong thời gian tới, với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, một trong những nhiệm vụ cần làm của ngành Kiểm sát là “phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để lọt tội phạm, không để oan, sai”.

Ngay tại kỳ họp thứ Nhất QH khóa XIV, nhiều ĐBQH đã bày tỏ những kỳ vọng để có một nền tư pháp “không có án oan, sai” khi chúng ta đang tiến hành công cuộc cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (ĐBQH tỉnh Sóc Trăng), hoạt động tư pháp thời gian vừa qua đã triển khai một bước theo tinh thần cải cách tư pháp của T.Ư và bước đầu có những kết quả nhất định trong việc sắp xếp, phân công lại một số thiết chế về tổ chức trong hệ thống Tòa án cũng như Viện Kiểm sát, sự phân công, phối hợp trong hoạt động tư pháp cũng có những bước phát triển mới. 

Chia sẻ mong muốn có được hệ thống xét xử công khai, minh bạch,  ông Bùi Văn Xuyền (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, ngành TAND phải chú trọng nâng cao trình độ năng lực, thẩm phán phải có tâm, có đạo đức, công minh, không bị áp lực mới quyết được những bản án khiến tất cả đều tâm phục khẩu phục, từ đó các bị cáo sẽ có tâm lý cải tạo tốt, xã hội sẽ vững mạnh.

Cùng với đó, cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và nhất là nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự 2015. Muốn vậy, cần tăng cường hoạt động giám sát tố tụng thực chất, hiệu quả, có sự tham gia tích cực, toàn diện của đội ngũ luật sư – lực lượng “đối trọng” của những người tiến hành tố tụng, nhất là điều tra viên, kiểm sát  viên giữ quyền công tố. Qua đó sẽ góp phần giảm thiểu những yếu tố có thể dẫn đến oan, sai trong tố tụng. 

Nhưng hiện tỷ lệ luật sư theo đầu người ở nước ta còn thấp. Tỷ lệ luật sư tham gia các vụ án hình sự, ngoài án chỉ định còn thấp hơn (khoảng 20%) nên khó bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai. Nên một giải pháp chống oan, sai trong tố tụng hình sự được nhiều chuyên gia đề cập là tăng cường đội ngũ luật sư về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng vì Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khi còn là Chánh án TANDTC đã cam kết trước Quốc hội “tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội, quyền tư pháp của tòa án”.

Song song với đó, các vấn đề liên quan đến hoạt động tố tụng đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung, ban hành như Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…, theo tinh thần cải cách tư pháp và thể chế hóa Hiến pháp 2013 để bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự và bảo vệ cả sự liêm chính, công minh của nền tư pháp. 

Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó quy định về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can là một bước tiến trong quá trình bảo đảm quyền của bị can, bị cáo. Đây cũng là phương thức để hạn chế hiện tượng tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn và kết án oan sai. Theo PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, áp dụng việc ghi âm, ghi hình trong những lần hỏi cung bị can trong quá trình điều tra là một phương thức làm tăng tính tranh tụng, ít nhất là hạn chế được những chuyện tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật.

Trên tất cả, cần có đội ngũ cán bộ tư pháp có nhận thức, tư duy tương xứng với trách nhiệm “nắm giữ cán cân công lý”. Như nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh, mỗi người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án cần tuân thủ triệt để nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Hiến pháp nước ta ghi nhận rất rõ: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Điều này có nghĩa, trước khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bị can, bị cáo đều được coi là “người vô tội”. Pháp luật tố tụng hình sự cụ thể hóa nguyên tắc này bằng việc quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Cán bộ tư pháp phải có trách nhiệm phòng, tránh oan, sai chứ không thể tư duy “oan, sai chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ” mà chấp thuận cho những sai sót. Nếu cơ quan điều tra, cơ quan công tố có những cơ chế về sự công tâm và công bằng, nếu người cán bộ thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình thì chuyện oan sai sẽ giảm. Chính các thẩm phám cũng cho rằng, cần có những chế tài quyết liệt hơn để xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, xác định rõ trách nhiệm tương ứng với quyền của cán bộ tư pháp khi “quyết định sinh mạng, tự do, nhân thân của một con người”. 

Và ngay trong Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc hội khóa XIII đề ra 9 giải pháp, trong đó ưu tiên vấn đề con người, kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém đạo đức và nghiệp vụ, kiên quyết chuyển khỏi cơ quan điều tra những người làm sai án hình sự  vì trong mọi giải pháp, giải pháp hữu hiệu nhất là nâng cao chất lượng, ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật ở những người tiến hành tố tụng, đặc biệt giai đoạn tố tụng đầu tiên.

Đọc thêm

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”
(PLVN) - Chiều ngày 22/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
(PLVN) - Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo luật). Hội thảo ghi nhận các ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên trong tình hình mới.

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân
(PLVN) - Với việc TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) từ ngày 22/4, người dân tại hai địa phương này có thể lựa chọn nhận Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc phiếu bản giấy mà không mất thời gian, công sức phải trực tiếp đến các cơ quan chức năng như trước.

Ngày hội việc làm trường Đại học Luật Hà Nội - JOB FAIR HLU 2024: Chìa khóa mở tương lai

Lễ khai mạc “Ngày hội việc làm Trường Đại học Luật Hà Nội - Job Fair 2021”.
(PLVN) - "Ngày hội việc làm - Job Fair" là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm giúp sinh viên gặp gỡ, kết nối và tìm hiểu nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp các bạn trẻ định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời là cơ hội để sinh viên có thể tìm kiếm việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án
(PLVN) - Chiều 19/4 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh (THADS TPHCM) đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Cục THADS TP và Trường Đại học Luật TP.HCM nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác thi hành án.