Hiệu quả từ công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự.

Hiệu quả từ công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự.
(PLVN) -Nhận thức được tầm quan trọng của công tác vận động, thuyết phục,  trong những năm qua, các cơ quan THADS địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác dân vận trong hoạt động THADS, nhờ đó đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm.

Như tại tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với 98 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế, số cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành là 19 trường hợp (giảm 46 trường hợp so với cùng kỳ). 

Đối với mỗi vụ việc thi hành án, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chấp hành viên đều nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp chính quyền, đoàn thể tại địa phương tìm hiểu thông tin nhân thân và mối quan hệ giữa các đương sự để có thể tìm ra cách thức dân vận sao cho khéo, phù hợp, bảo đảm được hiệu quả. Đồng thời kiên trì vận động, giải thích cho người phải thi hành án và gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. 

Nhờ đó, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, rơi vào bế tắc, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan THADS và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nên người phải thi hành án đã thay đổi từ thái độ chống đối, không hợp tác sang tự nguyện thi hành án. Đặc biệt, có những vụ việc đã kéo dài hơn 20 năm như vụ việc của ông Trần Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Út ở ấp Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cũng đã được Cục THADS tỉnh tổ chức thi hành dứt điểm.

Còn tại Chi cục THADS huyện An Lão, TP.Hải Phòng, trong quá trình tổ chức thi hành án thì công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là phương pháp đầu tiên được Chấp hành viên sử dụng trong các vụ việc dù đơn giản hay phức tạp.

Từ đầu năm công tác đến nay, Chi cục THADS huyện An Lão đã vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện và thỏa thuận thi hành án được 5 vụ với số tiền hơn 4 tỷ đồng, trong đó thi hành xong  gần 3,5 tỷ đồng. Để đạt được kết quả tích cực đó, ngoài việc nắm chắc các quy định pháp luật, Chấp hành viên còn phải am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương; tranh thủ tốt sự ủng hộ của các Trưởng tộc, Trưởng họ, Trưởng thôn, khu dân cư... Khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án và tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền, cấp ủy các xã, thị trấn tăng cường vận động, đôn đốc thuyết phục đương sự. 

Với đặc thù địa bàn rộng lớn, đường sá đi lại khó khăn, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp và có gần 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí và kiến thức pháp luật còn ở mức thấp, không đồng đều, công tác THADS ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn.

Trung bình mỗi năm, Chi cục THADS huyện Võ Nhai tiếp nhận từ 400 đến 500 vụ việc, trong đó phần lớn án thụ lý là ly hôn, ma túy, hình sự. Do số vụ việc ngày càng tăng cao, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đối tượng phải thi hành án không có điều kiện kinh tế, bỏ đi khỏi địa phương, hoặc đang chấp hành phạt tù, không có tài sản nên công tác xác minh điều kiện thi hành án trên địa bàn tốn rất nhiều thời gian, dẫn đến việc THADS kéo dài, làm chậm tiến độ.

Để khắc phục khó khăn trên, Chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả THADS, trong đó tập trung vào công tác giáo dục, vận động, thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cụ thể, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong THADS, 5 năm qua (2015-2020), trong tổng số 2.603 việc phải thi hành, Chi cục đã giải quyết xong 2.415 việc, đạt tỷ lệ 94%; giải quyết xong được gần 9 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 77%, vượt chỉ tiêu giao. 

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng để người dân, đặc biệt là người phải thi hành án nắm rõ, từ đó có ý thức chấp hành bản án tốt hơn. Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, đặc biệt là sự giúp đỡ của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, những người đứng đầu các dòng họ… để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành.