Đường đến cột mốc cực Tây Tổ quốc

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải bắt đầu một buổi tuần tra
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải bắt đầu một buổi tuần tra
(PLVN) - Hơn 10 năm trước, đoàn nhà báo chúng tôi (ngoài tôi còn có nhà báo Phạm Thanh Khương, Phó Tổng Biên tập và nhà báo Nguyễn Hữu Niệm, Thư ký Tòa soạn Báo Biên phòng) đã chinh phục cột mốc số 0, điểm cực Tây của Tổ quốc. 

* * *

Cột mốc số 0 trước do Đồn Biên phòng (BP) Leng Su Sìn sau là Đồn BP A Pa Chải, BĐBP Điện Biên phụ trách (Đồn BP A Pa Chải tách ra từ Đồn BP Leng Su Sìn từ năm 2007). 

Đồn BP A Pa Chải nằm trên địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên rộng tương đương một huyện của đồng bằng. Khi ấy, cả khu vực này không điện sáng, không sóng điện thoại, xung quanh chỉ là núi đồi trập trùng, những đồi cỏ tranh hoang vu trải dài dưới chân núi Khoan La San cao 1.864 m lộng gió. 

Cột mốc số 0 nằm ở ngã ba biên giới, trên đỉnh Khoan La Sa, là điểm cao đặt cột mốc biên giới ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Nơi này được mệnh danh là “một con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy”. 

Ít có nơi nào, BĐBP lại khổ và có nhiều điều thú vị như ở “Đồn biên phòng ngã ba biên giới” A Pa Chải này. Mỗi năm, những người lính quân hàm xanh chỉ được nhìn mặt trời, không phải đắp chăn bông và mặc được áo mỏng trong ba tháng mùa hè. Những ngày nắng kỷ lục này, khi nhiệt độ ở Hà Nội trên 40 độ C thì ở Sín Thầu, trời rất mát. 

Chín tháng còn lại trong năm, anh em phải mặc áo ấm. Mùa đông nơi đây rất lạnh. Trước đây, khi chưa có chợ lối mở A Pa Chải, vào mùa đông, đời sống của cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn. Chợ thì xa và trời rét thấu xương, rau cỏ không mọc được, gà lợn chết, nhiều bữa ăn, anh em chỉ có món lạc rang, muối vừng. 

Sương mù tràn vào nhà, chăn bông và áo bông treo trên mắc mỗi khi đem đắp hoặc mặc thì phải hơ trên lửa trước, nếu không phải mất một lúc lâu sau mới thấy ấm vì ẩm sương giá.

Trong ngàn lẻ cái khổ của lính biên phòng nơi này thì khổ nhất vẫn là chuyện gia đình. Hầu như ai ở đây đường tình duyên cũng đều chậm chễ. Có nhiều anh em có “thâm niên ở rừng” và “thâm niên... xa vợ” hàng chục năm. Họ đã thiệt thòi quá nhiều. 

* * *

Chúng tôi lên A Pa Chải vào mùa hè. Hành trình đi rất vất vả. Những con đường  rất xấu, đầy ổ gà, ổ voi. Chiếc U oát như con chiến mã chồm lên, chồm xuống, hất chúng tôi bật lên, rơi xuống như người ta sàng gạo. Ai cũng say xe, nôn thốc, nôn tháo. Khi cơn mưa đổ xuống, đất đá nhão nhoẹt, xe bị sa lầy, phải đi bộ vào bản nhờ bà con ra đẩy giúp mới vượt qua được.

Phóng viên Lam Hạnh (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại một đơn vị quân đội
Phóng viên Lam Hạnh (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại một đơn vị quân đội 

Đồn BP A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 36km đường biên giới với 14 cột mốc thuộc hai tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung. Sín Thầu có sáu bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, với hơn 240 hộ dân, trên 1.200 nhân khẩu trong đó đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm đến 95%. 

Do địa bàn rộng, thế nên ở nơi phên dậu Tổ quốc này, 1/3 quân số của đồn mỗi ngày mải miết trên những chặng đường đèo, núi để đi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. BĐBP nơi đây dựa vào dân. Người Hà Nhì tin yêu và chung sức cùng BĐBP giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.

Sín Thầu khi ấy đã có trên 230/240 hộ dân đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm. Đặc biệt, gần 100 hộ ở ba bản giáp biên giới Việt - Trung là Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ và Tả Kô Ky đã tự giác tham gia ký kết và thực hiện tốt phong trào tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Từ Đồn BP A Pa Chải, chúng tôi theo những người lính BP đi bộ hơn nửa ngày trời mới lên được cột mốc số 0. Nhiều lúc, tôi có cảm giác mình không thể leo được nữa vì hụt hơi, không đủ sức trèo đèo, lội suối. Cỏ tranh rất sắc, nếu không quấn quần áo kín người sẽ bị lá cỏ cứa rách tay chân. Đèo dốc trập trùng nối tiếp nhau. Rất nhiều đoạn, dốc núi thẳng đứng, không có chỗ bám víu, rất khó trèo lên. 

Cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt ở cột mốc số 0, cột mốc thiêng liêng nằm ngã ba biên giới Tổ quốc. Cột mốc cao hơn 2m có ba mặt, mỗi mặt viết chữ của các quốc gia chủ quyền. Khỏi phải nói về sự xúc động khi đứng trên đỉnh Khoan La San lộng gió, trước mặt là cột mốc số 0. Những người lính BP làm thủ tục chào cột mốc. Rất tiếc là chúng tôi chỉ ở đó ít phút rồi lại lưu luyến rời đi vì trời đã muộn. 

* * *

Cùng với sự đổi thay của đất nước, vùng biên viễn này cũng biến đổi không ngừng. Hiện nay, người dân đã có điện, có điện thoại thông minh xem được các tin tức trên mạng. 

Tá Miếu là bản chung biên giới với Lào và Trung Quốc. Phía giáp Lào mênh mông rừng thẳm, đồi núi nối tiếp, nhưng phần giáp biên giới Trung Quốc có lối mở A Pa Chải (gọi là lối mở vì chưa được nâng cấp thành cửa khẩu - NV). Khi có lối mở, người dân biên giới đã tổ chức những phiên chợ lối mở A Pa Chải, không còn cảnh phải sang tận Trung Quốc mới có chợ. Sự giao thương đã thu hút hàng ngàn người dân hai bên vào mỗi ngày họp chợ phiên mùng 3, 13 và 23 mỗi tháng.

Bên kia giáp với Tá Miếu là bản Long Phú, hương Khúc Thủy của huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dọc đường lên biên có những dãy nhà tạm nhưng được lắp điều hòa nhiệt độ, cạnh đó là những bãi container ngổn ngang hàng hóa. Biên giới đang ngày một đổi thay.

Khi chúng tôi lên A Pa Chải hơn 10 năm trước, biết tôi là PV tờ báo chuyên ngành pháp luật, có cán bộ biên phòng đưa ra một tình huống bi hài có thực đố nhà báo phân giải. 

Chuyện là trước đó, một người dân Hà Nhì dắt vợ lên nhờ BĐBP phân xử việc người vợ ngoại tình. Chị vợ kể, do chợ xa nên chị thường phải đi chợ bên Trung Quốc. Hôm đó, chị mua một cái chảo trâu to (bà con thường mua về để nấu cám lợn). Cõng cái chảo trâu đi được một đoạn, có một thanh niên đề nghị cõng giúp chị cái chảo. Anh ta hỏi: “Tao cõng chảo trâu cho mày thì mày trả công tao cái gì”? Chị này chẳng có tiền để trả công nên thật thà trả lời: “Mày cõng chảo trâu cho tao thì mày muốn làm gì tao thì làm”. 

Vác cái chảo trâu về đến nơi, anh kia “lĩnh công” bằng cách ôm hôn người phụ nữ. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như lúc vợ chồng đang mặn nồng, chị vợ buột miệng nói: “Mày chẳng tình cảm bằng cái thằng cõng chảo trâu cho tao”. Anh chồng gặng hỏi, chị vợ kể. Thế là anh chồng bực tức đành dắt vợ đi kiện.

Nhà báo nghe lại câu chuyện cũng “bó tay”, vì chẳng điều luật nào dự kiến được tình huống đó.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.