Cần xác định lại đối tượng hoàn trả khi hợp đồng bị vô hiệu, hủy bỏ

lKhi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên cần khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
lKhi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên cần khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
(PLO) - Sau khi hợp đồng được giao kết, có thể xảy ra trường hợp hợp đồng bị vô hiệu (do vi phạm điều kiện giao kết như có lừa dối, vi phạm điều cấm...), bị hủy bỏ (theo thỏa thuận hay theo quy định). Nếu các bên đã tiến hành một số nội dung của hợp đồng thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và điều này làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả.
Xin dẫn một vụ việc đã được TAND TP.HCM giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 20/8/2014 làm ví dụ phân tích. Ông Quan ký hợp đồng (HĐ) đặt cọc mua bán nhà đất với vợ chồng ông Hùng, bà Liễu với giá là 7.500.000.000đ. Ông Quan đã đặt cọc số tiền 5.000.000.000đ và bà Liễu, ông Hùng đã giao cho ông Quan toàn bộ bản chính giấy tờ của căn nhà. 
Sau đó, ông Quan khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy HĐ và Tòa án đã hủy HĐ. Câu hỏi đặt ra là trong những hoàn cảnh như ông Quan, ông Hùng, bà Liễu, người nhận giấy tờ nhà đất có trách nhiệm hoàn trả giấy tờ nhà đất đã nhận từ bên kia không? Bộ luật Dân sự (BLDS) và Dự thảo sửa đổi BLDS đều có quy định không thuyết phục về chủ đề này nên cần có hướng hoàn thiện.
Bất cập của Bộ luật Dân sự hiện hành
Theo Khoản 2 Điều 137 BLDS hiện hành: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 425 BLDS hiện hành quy định: “Khi HĐ bị huỷ bỏ thì HĐ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. 
Như vậy, hệ quả của HĐ vô hiệu (HĐ là một dạng giao dịch dân sự) và hệ quả của hủy bỏ HĐ rất giống nhau là HĐ không có giá trị từ thời điểm được hình thành. Tuy nhiên, khi quy định về hệ quả từ việc không có giá trị, BLDS lại quy định khác nhau: Đối với HĐ vô hiệu, các bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, còn đối với hủy bỏ HĐ, các bên “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”.
Thực chất, “tài sản đã nhận” và “những gì đã nhận” là hai vấn đề khác nhau. Để hiểu rõ hơn, chúng ta quan tâm tới vấn đề các bên đã giao cho nhau giấy tờ sở hữu nhà như trong vụ việc nêu trên. Trong Quyết định số 16/2011, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã khẳng định: “Pháp luật cũng không xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là loại giấy tờ có giá nên theo quy định tại Điều 163 BLDS thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản”. 
Sau đó, Tòa Dân sự TANDTC cũng theo hướng này trong Quyết định số 534/2011 khi khẳng định: “Pháp luật cũng không xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại giấy tờ có giá nên theo quy định tại Điều 163 BLDS thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản”. (Về vụ việc này, xem Đỗ Văn Đại, Luật Nghĩa vụ dân sự và bảo đảm nghĩa vụ dân sự Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2014, xuất bản lần thứ hai, Bản án số 159-162). 
Như vậy, với thực trạng trên, “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” bao gồm hoàn trả cả giấy tờ  nhà, đất. Ngược lại, “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận” sẽ không bao gồm hoàn trả những giấy tờ trên vì nhà ở và quyền sử dụng đất là tài sản, còn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không là tài sản theo hướng dẫn nêu trên của TANDTC. 
Theo hướng này, nếu HĐ giữa ông Quan, ông Hùng và bà Liễu vô hiệu thì ông Quan phải hoàn trả cho ông Hùng, bà Liễu bản chính giấy tờ của căn nhà vì Điều 137 BLDS quy định các bên phải “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, trong khi đó ông Quan đã nhận của ông Hùng, bà Liễu giấy tờ nhà (thuộc khái niệm “những gì đã nhận”). 
Tuy nhiên, khi HĐ bị hủy bỏ như Tòa án đã xác định trong vụ việc trên, BLDS chỉ quy định các bên “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”, trong khi đó giấy tờ nhà không là tài sản nên ông Quan không phải hoàn trả theo quy định của Điều 425 BLDS.
Trong vụ việc trên, thực chất Tòa án cấp sơ thẩm đã không tuyên buộc ông Quan trả giấy tờ nhà cho ông Hùng và bà Liễu. Hướng giải quyết của Tòa sơ thẩm là phù hợp với quy định của Điều 425 BLDS mà chúng ta đã thấy ở trên. Tuy nhiên, hướng giải quyết này có bất cập vì nếu ông Quan không trả lại giấy tờ nhà cho ông Hùng, bà Liễu thì rất bất công cho hai người này và gây khó khăn cho họ trong việc lưu thông nhà đất thuộc quyền sở hữu của họ. 
Có lẽ vì lý do này mà Chánh án TAND TP.HCM đã kháng nghị và được Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM chấp nhận với nhận định “TAND huyện Bình Chánh hủy hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, buộc bà Liễu, ông Hùng phải trả lại cho ông Quan số tiền đã nhận nhưng không buộc ông Quan phải trả lại bà Liễu, ông Hùng các giấy tờ nhà đất đã nhận là trái với quy định tại Khoản 3 Điều 425 BLDS năm 2005”. 
Ở đây, Ủy ban Thẩm phán đã phải can thiệp theo hướng buộc ông Quan trả giấy tờ nhà cho ông Hùng, bà Liễu, nhưng cơ sở để Tòa án can thiệp theo hướng này là không thuyết phục. Bởi lẽ, Khoản 3 Điều 425 BLDS năm 2005 mà Ủy ban Thẩm phán viện dẫn chỉ yêu cầu hoàn trả: “Tài sản đã nhận”, trong khi đó giấy tờ nhà không là tài sản theo TANDTC.
Phần trên đã cho thấy bất cập của BLDS là không có sự thống nhất trong quy định đối với những hoàn cảnh tương tự và Điều 425 BLDS rất bất cập khi chỉ quy định hoàn trả tài sản đã nhận. Chính bất cập này đã kéo theo bất cập trong thực tiễn: Tòa sơ thẩm làm đúng quy định thì lại bất công cho người đã giao giấy tờ, còn cấp giám đốc thẩm loại bỏ bất công bằng cách buộc bên nhận giấy tờ hoàn trả thì lại trái quy định. Bất cập như vừa nêu cần được cải thiện khi sửa đổi BLDS. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Dự thảo, chúng ta thấy có sự thay đổi về đối tượng hoàn trả nhưng sự thay đổi này càng làm cho pháp luật bất cập hơn và chúng ta cần có hướng hoàn thiện.
Bất cập của Dự thảo và đề xuất hoàn thiện
Dự thảo không có sự thay đổi về Khoản 3 Điều 425 nêu trên vì Khoản 2 Điều 452 Dự thảo quy định: “Khi HĐ bị huỷ bỏ thì HĐ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. Ngược lại, có sự thay đổi về quy định của Điều 137 nêu trên. 
Cụ thể, nội dung Điều 137 đã được sửa lại tại Điều 147 Dự thảo thành “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. Ở đây, cụm từ “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” được chuyển thành “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận” khi HĐ vô hiệu. 
Hướng của Dự thảo có ưu điểm là thống nhất nội dung quy định khi HĐ bị vô hiệu và khi HĐ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, Dự thảo lại có nhược điểm là sẽ tạo ra thêm những bất cập. Ở đây, Dự thảo đã thu hẹp lại đối tượng phải hoàn trả: BLDS theo hướng hoàn trả “những gì đã nhận” trong khi đó “những gì đã nhận” có thể là tài sản và những thứ không là tài sản. 
Dự thảo sẽ tạo ra nhiều bất cập hơn so với BLDS vì BLDS đã bất cập khi quy định như trên cho trường hợp hủy bỏ HĐ và Dự thảo lại mở rộng sự bất cập này cho cả trường hợp HĐ vô hiệu. Với hướng của Dự thảo, khi HĐ vô hiệu cũng như bị hủy bỏ, ông Quan không phải trả giấy tờ nhà vì như đã thấy, giấy tờ nhà không được coi là tài sản, trong khi đó Dự thảo chỉ quy định hoàn trả cho nhau “tài sản đã nhận”. Nói cách khác, Dự thảo không những không khắc phục được hạn chế lớn nêu trên của BLDS hiện hành mà còn tăng thêm, mở rộng thêm bất cập và đây là điều rất đáng tiếc.
Khi giao dịch vô hiệu hay bị hủy bỏ thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Việc khôi phục này buộc các bên phải hoàn trả cho nhau, nhưng đối tượng hoàn trả chưa có sự thống nhất trong BLDS và Dự thảo chỉ theo hướng hoàn trả “tài sản đã nhận” mà không quan tâm tới những thứ không là tài sản đã được các bên giao nhận. 
Theo chúng tôi, nên sửa hai quy định nêu trên trong Dự thảo thành “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” (tức thay cụm từ này vào vị trí của cụm từ “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”). Cụm từ này bao quát mọi đối tượng được giao nhận và cũng là hướng được ghi nhận ở nước ngoài. Để minh họa, xin dẫn Điều 4:115 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng với nội dung: “Khi HĐ bị vô hiệu, mỗi bên có quyền yêu cầu hoàn trả những gì họ đã cung cấp khi thực hiện HĐ”. Ở đây, đối tượng phải hoàn trả là “những gì” các bên cung cấp cho nhau chứ không phải là “tài sản” mà các bên cung cấp cho nhau như Dự thảo của chúng ta.
Thay lời kết: BLDS hiện hành có bất cập khi quy định không thống nhất về đối tượng hoàn trả khi HĐ vô hiệu và bị hủy bỏ. Việc BLDS chỉ quy định các bên “hoàn trả cho nhau tài sản” đã nhận đã tạo ra bất cập trong thực tiễn khi hủy bỏ HĐ. Dự thảo không những không khắc phục được bất cập này mà còn làm cho bất cập này phát sinh cho cả trường hợp HĐ vô hiệu. Kinh nghiệm cho thấy sẽ là thuyết phục khi Dự thảo quy định theo hướng các bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” khi HĐ vô hiệu cũng như bị hủy bỏ.

Đọc thêm

Bắc Kạn giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024

Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024 tại Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Thu)
(PLVN) - Ngày 24/4, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và truyền hình trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
(PLVN) - Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Tổ công tác về lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham dự cuộc họp còn có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành.

Hải Phòng: Chi cục THADS quận Đồ Sơn hoàn thành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Lực lượng tham gia cưỡng chế di chuyển tài sản của người phải THA ra khỏi khu vực cưỡng chế.
(PLVN) - Ngày 24/4, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đồ Sơn đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế để chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Vui chơi Giải trí Đồ Sơn (địa chỉ tại Khu dân cư số 8, đường 353, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.