“Vòi bạch tuộc” khủng bố vươn đến Đông Nam Á

Hình ảnh kinh hoàng sau vụ khủng bố ở Indonesia
Hình ảnh kinh hoàng sau vụ khủng bố ở Indonesia
(PLO) - Vụ đánh bom đẫm máu tại Bangkok, Thái Lan tháng 8/2015 và vụ đánh bom liên hoàn tại Jakarta, Indonesia vào ngày 14/1-2016 cho thấy Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố khi Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) tăng cường hoạt động tại khu vực này. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á hiện đang nỗ lực đề cao cảnh giác.
Phát biểu trên truyền hình MetroTV ngày 15/1, cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ 3 người đàn ông là nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta làm 7 người chết, trong đó có 5 kẻ tấn công.
Bắt 3 đối tượng
Cảnh sát trưởng khu vực Depok, Đại tá Dwiyono cho biết, 3 đối tượng trên bị bắt vào rạng sáng 15/1 tại nhà riêng ở Depok, vùng ngoại ô Jakarta. Hiện các đối tượng đang bị thẩm vấn để xác minh có dính líu tới vụ tấn công hôm 14/1 hay không.
Các phương tiện của quân đội đang xuất hiện dày đặc ở thủ đô Jakarta trong bối cảnh giới chức Indonesia tăng cường an ninh tại các địa điểm có nguy cơ trở thành mục tiêu của khủng bố. Ngoài ra, 
Indonesia cũng đang điều tra một mạng lưới bị tình nghi là IS - nhóm trước đó đã thừa nhận là thủ phạm gây ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Jakarta. Cùng ngày, Cảnh sát trưởng Jakarta, ông Tito Karnavian cho rằng Indonesia cần phải tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với IS, đồng thời hợp tác với các nước láng giềng để truy quét tổ chức khủng bố này. 
Lực lượng an ninh và các phương tiện quân sự cũng đã được triển khai trên cả nước, đặc biệt là tại những nơi đã từng xảy ra khủng bố như thủ đô Jakarta, Bali và Nam Sulawesi, để bảo vệ các địa điểm được cho là có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công.
Đánh bom liên hoàn
Ngày 14/1/2016, nhiều vụ nổ liên tiếp và đấu súng đã xảy ra xung quanh trung tâm thương mại Sarinah  ở trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia. Các vụ đánh bom liên hoàn và nổ súng đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 kẻ khủng bố, 2 dân thường và 20 người khác bị thương. 
Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, vụ tấn công khủng bố này gồm 7 vụ đánh bom liên hoàn tại trung tâm thương mại Sarinah và một cuộc đọ súng bên ngoài một quán cà phê Starbucks đối diện với trung tâm thương mại này. 
IS đã nhận tiến hành các vụ tấn công này. Cảnh sát trưởng thành phố Jakarta Tito Karnavian cho biết, một phiến quân người Indonesia tên là Bahrun Naim là kẻ lập kế hoạch cho vụ tấn công. Tổng thống 
Indonesia Joko Widodo đã lên án mọi hành động gây bất ổn an ninh và hòa bình cũng như gây hoang mang cho người dân. Ông kêu gọi người dân Indonesia không nên sợ hãi, đồng thời chỉ thị lực lượng an ninh truy tìm, bắt giữ các thủ phạm và mạng lưới đứng sau các vụ tấn công này. Tổng thống Widodo cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn về vấn đề an ninh tại Phủ Tổng thống. 
Dư luận quan ngại
Lo ngại trước các vụ đánh bom liên hoàn tại nước láng giềng Indonesia, cảnh sát Malaysia đã nâng mức cảnh báo an ninh quốc gia lên mức cao nhất. Bộ Ngoại giao Malaysia đã khuyến cáo công dân Malaysia đang sinh sống và du lịch tại Jakarta cảnh giác cao độ và tuân thủ mọi chỉ thị của chính quyền địa phương. 
Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết Chính phủ Malaysia bày tỏ sự cảm thông và lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Indonesia về sự cố bi thảm trên. Malaysia đề nghị được giúp đỡ Indonesia bằng bất kỳ cách nào có thể.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon  và cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên án mạnh mẽ loạt vụ đánh bom liên hoàn ở Jakarta và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, nhân dân và Chính phủ Indonesia.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ngày 14/1 đã lên án vụ tấn công, đồng thời nêu rõ Chính phủ Thái Lan sẵn sàng hỗ trợ Indonesia trên mọi phương diện. Trong khi đó, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC), Đại tướng Thawip Netniyom  nhận định rằng vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Jakarta cho thấy IS đang tăng cường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và do vậy các nước trong khu vực cần phải đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo để đối phó mối đe dọa này.
Cùng ngày, Đài Truyền hình và Phát thanh Brunei (RTB) đưa tin Quốc vương nước này Haji Hassanal Bolkiah đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo và lên án vụ tấn công tại Jakarta. Trong khi đó, chính phủ các nước Canada - nước có 1 công dân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom, Australia, Nhật Bản... cũng đã kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ cam kết sát cánh cùng Jakarta, sẵn sàng hỗ trợ công tác điều tra.
Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố khẳng định Singapore ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Indonesia truy tìm và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ sự đoàn kết với Indonesia và cho biết Philippines đang theo dõi sát sao tình hình và liên lạc với nhà chức trách Indonesia. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ, Việt Nam lên án vụ tấn công khủng bố, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ Indonesia và gia đình các nạn nhân và tin tưởng mạnh mẽ rằng thủ phạm của vụ tấn công sẽ bị trừng trị thích đáng.
Trong những phản ứng đầu tiên, Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta ban bố thông báo khẩn, khuyến cáo các công dân Mỹ tránh xa các khu vực xung quanh Trung tâm mua sắm Sarinah.
Bộ Ngoại giao Australia cũng ra tuyên bố lên án loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Jakarta. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết Australia sẵn sàng hỗ trợ Indonesia đối phó với các cuộc tấn công khủng bố. 
Đe dọa khu vực 
Đông Nam Á
Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, những diễn biến mới nhất cho thấy, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. 
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố.
Thực tế, IS cũng đang nhắm đến việc tạo ra một nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và nhiều nước khác. Dường như các nhóm IS ở Đông Nam Á đang có kế hoạch gắn kết các cuộc tấn công trong khu vực. Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia, những nước có đa số người dân theo đạo Hồi. 
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh ngày càng phải hứng chịu nhiều tổn thất đáng kể ở Syria, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới và chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá thương hiệu trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây.
Ước tính năm 2015 có khoảng 50 kẻ cực đoan từ Indonesia đã tới Syria gia nhập IS. Như vậy, Indonesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa đó là việc công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, có kinh nghiệm khủng bố rồi trở về tổ chức các cuộc tấn công. 
Đầu những năm 2000, Indonesia từng hứng chịu nhiều đợt tấn công khủng bố do các chi nhánh của Al-Qaeda thực hiện, trong đó vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, đa phần là du khách nước ngoài. 
Với việc ngày càng nhiều người Indonesia gia nhập IS, các vụ tấn công đẫm máu tương tự sẽ tiếp tục tái diễn. IS cũng đã tổ chức được một nhóm khủng bố lên đến hàng trăm người được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. 
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11/2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận định Đông Nam Á đang trở thành một “điểm nóng” chiêu mộ chiến binh của IS. 
Theo ông Lý Hiển Long, hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có cả công dân Singapore, đã tham gia các tổ chức khủng bố trong khu vực, bao gồm cả IS. Thêm vào đó, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cộng với việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng tin nhắn có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á.
Các nhà phân tích cho rằng, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang âm mưu thành lập “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate) không chỉ ở Trung Đông mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo và người dân Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại trước hành động của IS bởi nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với “Caliphate” thông qua internet. 
Vụ tấn công khủng bố liên hoàn gây chấn động dư luận ở thủ đô Jakarta của Indonesia đã đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước khu vực Đông Nam Á và vấn đề cấp thiết là các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo để đối phó mối đe dọa này.

Đọc thêm

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Giám sát các dự án trọng điểm quốc gia: Có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nội dung thảo luận.
(PLVN) - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kết quả giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Giám sát cán bộ, đảng viên: Khắc phục bằng được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm

Hội thảo về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Quang Vinh)
(PLVN) - Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm đẩy mạnh công tác giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Ký kết Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của dân tộc, mang ý nghĩa thời đại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
(PLVN) - Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc ký kết Hiệp định không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.