Người Tây Nguyên đầu tiên viết báo cách mạng

Ông KSor Ní và vợ ( ảnh chụp năm 2005).
Ông KSor Ní và vợ ( ảnh chụp năm 2005).
(PLO) - Ông KSor Ní là người dân tộc Jơ Rai, sinh năm 1924 tại buôn Thăm, xã Ia Trok, huyện A Pun Pa, tỉnh Gia Lai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Ông là thân sinh của ông Kso Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ông cũng vinh dự vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào ngày 17/12/2016 vừa qua.

Được tin có khách từ Kon Tum đến chơi, ông Ksor Ní phấn khởi bước vội từ nhà dưới đi lên phòng khách. Ở tuổi 92 nhưng những bước đi của ông vẫn chắc khỏe với vóc dáng của một người Tây Nguyên đã trọn đời đi theo cách mạng.

- Bác còn khỏe chứ ạ ? - Tôi hỏi.

- Tôi phải sống để chứng kiến công cuộc đổi mới của đất nước, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ - ông rành rọt trả lời.

Ông mời chúng tôi ngồi rồi hỏi “lý lịch” của tôi và nhà báo Lê Văn Thiềng, nguyên Trưởng ban Công tác Hội của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đi. Biết chúng tôi làm báo, ông kể chuyện ông đã từng viết báo từ năm 1946.

Người đầu tiên ở Tây Nguyên viết báo cách mạng

Chuyện ông kể là thế này: Năm 1946, từ buôn làng Gia Lai, ông được cử ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên các dân tộc Việt Nam. Ra đến Thủ đô, ông nghe đài phát thanh của Pháp nói đại ý là: Người dân Tây Kỳ (Tây Nguyên) niềm nở đón tiếp quân Pháp xâm chiếm Tây Kỳ. Ông bảo là mình nghe đài Pháp nói thế thì tức lắm vì sự thật không đúng như vậy. Người dân Tây Nguyên luôn một lòng theo cách mạng, đoàn kết đánh đuổi giặc Pháp, thế mà đài của chúng lại nói ngược lại.

Thế là sẵn biết tiếng Pháp, nói và nghe được tiếng Pháp, Kso Ní - chàng trai Tây Nguyên khi ấy mới 22 tuổi đang ở giữa lòng Hà Nội lúc ấy đã viết ngay một bài báo bằng tiếng Pháp và ông gửi cho Báo Lơ-pớp (tiếng Pháp có nghĩa là Nhân dân) phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của đài phát thanh Pháp; cổ vũ, động viên đồng bào Tây Nguyên đánh giặc giữ buôn làng. Khi bài viết của ông được Báo Lơ-pớp đăng, Bác Hồ đã cho gọi ông vào Bắc Bộ Phủ. Ông nói rằng, đó là một buổi chiều lịch sử và mãi mãi theo ông trong cả cuộc đời đi làm cách mạng của mình.

Ông kể rằng, hôm ấy là một buổi chiều cuối thu năm 1946, đồng chí Y Ngông Nick Đam (cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) gặp ông và nói: “Em được vào Bắc Bộ Phủ để gặp Hồ Chí Minh. Thế là ông đi theo Y Ngông Nick Đam vào Bắc Bộ Phủ. Khi gặp Bác ở phòng làm việc, ông xúc động quá, cứ phải bám riết lấy Y Ngông. Nhớ lại buổi gặp Bác đầu tiên ấy, ông kể: “Bác ngồi trước mặt chúng tôi, ân cần hỏi thăm sức khoẻ, hỏi thăm gia đình hai chúng tôi. Anh Y Ngông chỉ vào tôi rồi giới thiệu với Bác: “Đây là anh KSor Ní, là thanh niên dân tộc Jơ Rai”. Bác cười, gật đầu.

Tôi cứ sững sờ nhìn Bác. Bác gần gũi và thân tình quá, tự nhiên tôi không còn e ngại nữa. Bác hỏi thăm sức khỏe của mọi người ở Nha dân tộc Trung ương. Đồng chí Y Ngông Nick Đam báo cáo rằng: “Thưa Bác, giặc Pháp đã chiếm mất Tây Kỳ rồi ạ”. Bác nói: “Bác biết rồi” và thấy nét mặt của Bác thoáng buồn. Lúc ấy, Ksor Ní xen vào: “Thưa Bác, ta có đánh Pháp để giải phóng Tây Kỳ không ạ”. Bác đứng dậy cầm tay hai chúng tôi rồi nói: “Phải đánh”. Rồi Bác đưa bàn tay lên ý nói là bàn tay có 5 ngón nếu thiếu một ngón thì không còn là một bàn tay. Cũng như cả nước Việt Nam, Việt Nam độc lập thì Tây Kỳ cũng được hưởng hạnh phúc do nền độc lập của Tổ quốc đem lại.

Nghe Bác Hồ nói vậy, tôi và anh Y Ngông đều rất phấn khởi. Bác khuyên chúng tôi cố gắng học tập, chăm lo giữ gìn sức khoẻ và làm công tác cách mạng tốt hơn. Từ bé học ở Trường của Pháp toàn viết và nói tiếng Pháp, song nghe lời Bác dạy bảo, chỉ sau ba tháng, tôi đã biết đọc, biết viết tiếng phổ thông và được làm việc trong Phòng Văn xã của Nha Dân tộc Trung ương tại Hà Nội. Ngày 15 tháng 12 năm 1946, trước lúc Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 4 ngày, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng. Thế là từ một thanh niên trí thức người dân tộc thiểu số, được giác ngộ cách mạng, tôi đã trở thành một đảng viên cộng sản”.

Từ ngày được gặp Bác Hồ, ông luôn tâm niệm phải sống để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên. Khi trở về quê hương tỉnh Gia Lai, điều đầu tiên ông nói cho bà con biết đó là Bác Hồ và Đảng. Từ đó trở đi, người đảng viên KSor Ní một lòng đi theo cách mạng suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cách mạng đổi đời người Jơ Rai

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết cuộc đời của mình và người dân tộc Jơ Rai ở Tây Nguyên quê ông trong những tháng năm gian khổ nhưng một lòng theo cách mạng. Ông kể: cùng chung số phận của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thời bấy giờ, gia đình ông nghèo lắm. Các ngôi nhà trong buôn làng bấy giờ đều tuềnh toàng, đàn ông đóng khố cởi trần, đàn bà khi lấy chồng có con là trên người chỉ còn độc một cái váy và cũng ở trần như đàn ông.

Cha mẹ ông sinh được 4 người con, trong đó có 3 chị gái, ông là con út. Quanh năm quần quật với cái nương, cái rẫy, đói thì đi đào củ rừng, rét thì đốt lửa sưởi, đau thì rước thầy về cúng đuổi ma. Thuở còn ngồi ôm lưng cha, cậu bé KSor Ní  đã thấy cảnh lính Pháp từ đồn Cheo Reo (giáp với tỉnh Phú Yên bây giờ) về buôn Thăm quê ông lùng bắt người đi lính, đòi thuế và bắt con gái đẹp đưa lên đồn cho quan Tây. Người nào dám chống lại đều bị chúng tra tấn, đánh đập rất dã man. Tuổi thơ ông được nghe kể về những người cộng sản. Có lần, ông theo cha đi uống rượu với một người đi lính khố xanh cho Tây về phép.

Người lính khố xanh này kể chuyện về cuộc đấu tranh  lưu huyết của những người tù cộng sản tại ngục Kon Tum: “Những người cộng sản nói Pháp là kẻ cướp nước, cho nên người cộng sản không sợ chết, không sợ tù đày. Pháp bắn người này ngã xuống, lập tức người sau xông lên, chết vẫn không lùi bước”. Nhiều người ở buôn Thăm tỏ lòng khâm phục, muốn được xem mặt người cộng sản. Người cộng sản chống Pháp cũng giống như mình chống Pháp thôi! Ông Siu Jơ Ling, cha của KSor Ní đã nói như vậy sau cái lần bị lính Tây ở đồn Cheo Reo bắt giam mười ngày vì “tội” giấu thanh niên không khai tên để nộp thuế thân.

Năm 1935, ông bị Pháp tra tấn đến mang bệnh, không có thuốc thang cứu chữa nên ông Siu Jơ Ling đã qua đời. Sau khi cha mất, KSor Ní phải sang ở với người anh rể tên là Rơ Ô Bơng ở buôn Săm Ma Na bắt đầu học lớp 1 rồi sang tỉnh Buôn Ma Thuột học hết bậc tiểu học (Prime). Suốt 6 năm học, KSor Ní luôn đạt học sinh giỏi. Tốt nghiệp Prime, năm 1941, KSor Ní chuyển đi học tại Trường Võ Tánh (Quy Nhơn).

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật lên cầm quyền. Trường Quy Nhơn chuyển sang học tiếng Việt (trước đó tiếng Việt không được sử dụng, học sinh phải dùng hoàn toàn tiếng Pháp). Đầu tháng 4 năm 1945, trên đường từ Quy Nhơn về Cheo Reo, ông dừng lại ở Pleiku để nghe ngóng tình hình, ghé thăm ông Nay Phin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pleiku. Tầng lớp thanh niên trí thức người dân tộc khi ấy thường xuyên tập hợp thành từng tốp nhỏ để diễn thuyết, nói chuyện chống Pháp, ủng hộ cách mạng và Bác Hồ.

Tháng 6 năm 1945, anh Rơ Chăm Thép từ Trường Canh nông ở mãi tỉnh Tuyên Quang về. Gặp KSor Ní, Rơ Chăm Thép  mừng lắm. Anh kể: “Ở Tuyên Quang, phong trào Việt Minh nổi lên rất mạnh, kêu gọi đánh Pháp, đuổi Nhật. Chỉ trừ một số ít người về quê, còn lại phần lớn học sinh đều bỏ học, lên rừng theo Việt Minh. Tôi nhớ quê, nhớ cha mẹ quá nên xin về đây”. Anh Rơ Chăm Thép cũng kể cho bạn nghe những điều mình hiểu biết về Việt Minh: “Việt Minh chủ trương đánh Pháp, đánh cả Nhật, giành lại độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam, thực hiện đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”.

Thấy vấn đề mới mẻ quá, ông quyết định không về quê, mà ở lại Pleiku tiếp tục tham dự các buổi sinh hoạt của thanh niên. Tháng Tám năm 1945 sau khi đón đại diện của Việt Minh về tiếp nhận chính quyền tại Pleiku, ông cùng với ông Nay Phin về quê tổ chức khởi nghĩa, bao vây huyện lỵ Cheo Reo, buộc chính quyền tay sai thân Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng. Uỷ ban nhân dân cách mạng huyện Cheo Reo được thành lập do ông Nay Phin làm Chủ tịch, ông được phân công phụ trách tài chính.

Ông kể: “Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng tôi mới biết cả nước đã có Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cụ Hồ Chí Minh cũng là người đứng đầu Việt Minh, là lãnh tụ của các dân tộc Việt Nam”. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta đầu năm 1946, ông KSor Ní được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khoá I. Từ tháng 3 năm 1946, ông về Pleiku tham gia tổ chức Đại hội Đoàn kết nhân dân các dân tộc Tây Nguyên chống Pháp. Đại hội vui mừng được đón nhận thư của Bác Hồ và ghi nhớ lời dạy của Người.

Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách ở tỉnh Gia Lai, song điều quý nhất là ông đã để lại những sản phẩm tinh thần, về ý chí và lòng quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng và gieo những hạt mầm xanh trên đất Tây Nguyên mà đồng bào Jơ Rai trên quê hương ông mãi mãi bước theo. Các con của ông đều nối gót truyền thống cách mạng của gia đình. Trong số đó có đồng chí Kso Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Kso Nham, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai  hiện nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật - Hậu cần Bộ Công an.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Ksor Ní đã đọc bài thơ bằng tiếng Jơ Rai ông viết để tuyên truyền cho đồng bào Tây Nguyên ngày trước. Giọng của ông còn đầy nhiệt huyết: “Hồ Chí Minh anh dũng phi thường! Hồ Chí Minh có chủ trương, đường lối đúng đắn. Chúng ta tuyên truyền cho mọi người biết, tên Người như vàng? Hồ Chí Minh là người điều khiển chế độ chúng ta? Người Jơ Rai, người Tây Nguyên quyết một lòng đánh Pháp”. Đọc xong những câu thơ trên, ông đứng dậy đưa bàn tay phải đặt vào bên ngực trái rồi nói: “Đảng, Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi”.

Mùa mưa Tây Nguyên - những cơn mưa vẫn giăng tràn trên phố núi, giữa một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng của thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai, ông Ksor Ní đón đứa chắt ngoại từ tay người con gái út, nét mặt ông rạng ngời nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở giữa nhà. Tôi nhìn sang bên kia đường là Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, những nhánh mai vàng vẫn rực rỡ giữa đất trời Tây Nguyên nắng gió.

Ra đi từ buôn Thăm, trên đường theo cách mạng, với những điều được trải nghiệm, ông KSor Ní càng thấy rõ hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều không thể tách rời hạnh phúc chung của cả đất nước.

Đọc thêm

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Giám sát các dự án trọng điểm quốc gia: Có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nội dung thảo luận.
(PLVN) - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kết quả giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Giám sát cán bộ, đảng viên: Khắc phục bằng được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm

Hội thảo về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Quang Vinh)
(PLVN) - Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm đẩy mạnh công tác giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Ký kết Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của dân tộc, mang ý nghĩa thời đại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
(PLVN) - Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc ký kết Hiệp định không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.