“Con bạch tuộc” IS và “bầu sữa” vàng đen

Hình ảnh một đoàn xe bồn chở dầu bị oanh kích
Hình ảnh một đoàn xe bồn chở dầu bị oanh kích
(PLO) - Việc bán dầu đem lại cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hàng trăm triệu USD mỗi năm. Khoản thu nhập đó cộng với khoản tiền thu được qua “thuế”, qua tống tiền và ăn cắp giúp IS có quyền tự do thao túng, có thêm các cơ hội để tuyển mộ người và tài trợ cho hoạt động khủng bố ở khắp nơi. Đó là nhận định của ông Howard Shatz, một kinh tế gia kỳ cựu của tổ chức Rand Corporation.
Có thể không phải là nguồn thu nhập lớn nhất của các phần tử cực đoan IS, nhưng dầu mỏ vẫn cung cấp một nguồn tiền hấp dẫn nhất. Từ giới trung gian, thường dân, các phần tử nổi dậy và thậm chí cả Chính phủ Syria khó mà nói “không” với thứ dầu hỏa giá rẻ được giao đến tận nơi cho dù nó là do những phần tử cực đoan hết sức tàn bạo như IS sản xuất, nhất là khi họ không có chọn lựa nào khác.
Dầu nhiều, giá rẻ
Tờ báo kinh tế Les Echos (Pháp) dẫn lời ông Jean-Charles Brisard, chuyên gia về tài chính cho những kẻ khủng bố, ước tính “dầu mỏ giờ đây bảo đảm 25% nguồn thu nhập, khoảng 600 triệu USD mỗi năm”. 
Vào thời kỳ cực thịnh của mình, khoảng giữa năm 2014, IS kiểm soát khoảng hai chục khu khai thác dầu mỏ ở miền Bắc Iraq và Bắc Syria. Từ khi bị tấn công mạnh, số lượng mỏ khai thác trên có giảm bớt, hiện xuống còn hơn chục khu mỏ, chủ yếu nằm tại Syria. 
Các chuyên gia ước tính sản lượng dầu của IS có thể vào khoảng 70.000-80.000 thùng mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm năm 2014. Mặc dù đã giảm xuống nhưng hiện nay con số này vẫn còn chừng 50.000 thùng mỗi ngày. 
Rất khó biết được IS bán dầu với giá bao nhiêu, các con số đưa ra rất khác nhau nhưng có điều chắc chắn là rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nhiều số liệu tại chỗ cho biết giá bán mỗi thùng dầu của IS chỉ khoảng 10-20 USD/thùng. 
Hoạt động khai thác dầu của IS rất có tổ chức. Báo Finance Times mới đây mô tả cách quản lý khai thác dầu của IS tương tự như của một công ty dầu mỏ quốc gia, cũng thông qua một bộ phận phụ trách nhân sự hoàn chỉnh để tuyển dụng các kỹ sư có kinh nghiệm, có can đảm làm việc dưới bom đạn, đổi lại họ trả lương rất cao. 
Ngoài ra, IS còn chọn giữ lại các nhân sự chủ chốt của các cơ sở khai thác dầu mà chúng chiếm được, đồng thời cũng chiêu mộ thêm nhân lực chuyên môn cao từ bên ngoài. Mức lương cho một người quản lý một khu lọc dầu tại Iraq có thể lên tới 225.000 USD một năm. 
Hình ảnh vệ tinh chụp một đoàn xe được cho là chở dầu vượt qua biên giới
Hình ảnh vệ tinh chụp một đoàn xe được cho là chở dầu vượt qua biên giới 
Bán cho cả… 2 phe
IS không có khó khăn gì để bán dầu mỏ, chỉ cần dựa trên các mạng lưới buôn lậu đã sẵn có tại chỗ từ trước. Theo các chuyên gia, các đường dây buôn lậu dầu mỏ đã có từ những năm 1990 khi có lệnh cấm vận buôn bán dầu mỏ đối với chế độ Sadam Hussein. 
Dầu thô được bán cho mạng lưới trung gian như các tổ chức tội phạm (mafia) trước khi được cung cấp cho các trung tâm lọc dầu phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc đem bán ra bên ngoài. IS dựa trên các đường dây buôn lậu như vậy để bán dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan. 
Với giá bán rẻ từ 15-20 USD một thùng, người ta không loại trừ khả năng dầu mỏ của IS thậm chí còn được đưa về tận… châu Âu. 
Còn theo ông Ben Bahney, cũng là một chuyên gia phân tích tại Rand Corporation, không dễ gì làm rõ vấn đề này. IS bán dầu cho những người trung gian ngay tại giếng,  rồi hàng trăm xe tải chở dầu thô cho cả hai phía bạn lẫn thù: cả lực lượng Chính phủ Syria của ông Bashar al-Assad, cả các khu vực của người Kurd, cả cho phe nổi dậy được Mỹ hỗ trợ lẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho các nhà máy lọc dầu di động. 
Nội bộ IS cũng rất cần dầu để cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động của mình. Từ đầu năm nay, nhiều chuyên gia phân tích nói rằng IS không những chỉ sản xuất mà còn tinh chế cả dầu thô từ những giếng nằm trong quyền kiểm soát của họ, bán sản phẩm đã tinh chế cho người trung gian để những người này chuyển chỗ dầu đó đi khắp vùng, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ. 
Có ba tuyến chính để dầu lửa và các sản phẩm từ dầu được buôn lậu từ lãnh thổ thuộc IS vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở tuyến thứ nhất, dầu lửa sản xuất tại các mỏ gần thành phố Raqqa của Syria được đưa theo tuyến đường phía Tây tới khu tập kết ở Azaz gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây, các xe bồn đi xuyên qua thị trấn Reyhanli thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga dẫn chứng những hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm xe như vậy di chuyển qua biên giới không gặp trở ngại nào. 
“Phía Thổ Nhĩ Kỳ không có sự kiểm tra các xe này”. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một phần hàng lậu đi vào thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, một phần được xuất khẩu qua các cảng Iskenderun và Dortyol thuộc Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến thứ hai chạy từ Deir Ez-zour ở Syria tới Al-Qamishli ở biên giới Syria, các xe chở dầu tới tinh lọc tại thành phố Batman của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến thứ ba đưa dầu từ phía Đông Syria và tây Iraq tới khu vực góc Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các giám sát vệ tinh đã thu được hình ảnh hàng trăm xe tải vượt biên giới ở khu vực này từ hồi mùa hè, và từ đó tới nay không thấy sự thuyên giảm.
Mỹ và các đối tác trong liên minh không thể kiểm soát việc bán dầu bên trong phần đất do IS chiếm giữ. Theo Finance Times, từ lúc đầu, liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo vẫn tránh hủy diệt hoàn toàn các cơ sở hạ tầng dầu mỏ nằm dưới sự kiểm soát của IS, chỉ nhằm vào các trạm bơm, đường ống dẫn, các điểm thu mua hay vài cơ sở lọc dầu vì lo ngại tấn công mạnh vào các trung tâm khai thách dầu có thể gây ra tai họa môi sinh. 
Mới đây, Washington cùng với Pháp và Nga đã bắt đầu không kích cả những xe tải xếp hàng ở các giếng dầu của IS. Ông Bahney cho biết: “Theo số liệu ước tính ban đầu của Bộ Tài chính về mức độ ảnh hưởng của các cuộc không kích đến thu nhập của IS, thu nhập từ dầu của IS đã tụt xuống mức 2 triệu USD một tuần”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ankara bắn hạ một trong các máy bay phản lực chiến đấu của họ chính là nhằm “để bảo vệ các tuyến cung cấp dầu” cho Thổ Nhĩ Kỳ, bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cực lực phản đối. Ngày 1/12, 
Tổng thống Barack Obama cũng khiển trách nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ: “Tôi đã có nhiều cuộc đàm thoại với Tổng thống Erdogan về sự cần thiết phải đóng cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy đã có một vài tiến bộ nghiêm túc về vấn đề này nhưng vẫn có một số sơ hở. 
Đặc biệt, có khoảng 98km vẫn còn được sử dụng như điểm trung chuyển cho các chiến binh nước ngoài, và IS gửi dầu đi bán để giúp tài trợ cho các hoạt động khủng bố của họ”.
Dầu mỏ vẫn cung cấp một nguồn tiền hấp dẫn nhất cho “con bạch tuộc” IS
Dầu mỏ vẫn cung cấp một nguồn tiền hấp dẫn nhất cho “con bạch tuộc” IS 
“Bầu sữa” khó phá vỡ
Ông Michael Lynch - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng chiến lược - cảnh báo rằng, việc không kích khó gây gián đoạn cho các cơ sở dầu khí, và không thể thực sự triệt hạ toàn bộ ngành công nghiệp dầu của IS mà chỉ có thể giảm thiểu nó. 
Vấn đề lớn nhất là những nơi chứa dầu của IS bao gồm rất nhiều giếng nhỏ, và việc sửa chữa với yêu cầu kỹ thuật thấp là điều tương đối dễ dàng đối với IS. 
Tổng thống Obama cũng từng tuyên bố rằng, việc tấn công các nguồn thu nhập của IS chỉ là một trong các nỗ lực nhiều gọng kìm, bao gồm sức mạnh quân sự và áp lực ngoại giao, để đẩy ông Assad ra khỏi quyền lực và đánh bại tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, IS kiếm được khoảng 2 tỷ USD/năm nhờ bán dầu bất hợp pháp. Trong hình ảnh có thể thấy các đoàn xe chở dầu của IS trên biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Các đoàn xe này vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ và đi tới các cảng nằm bên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. 
Thứ trưởng Antonov cho biết thu nhập hàng ngày của IS từ bán dầu là 3 triệu USD. Sau khi Nga khởi động chiến dịch không kích tại Syria, thu nhập này đã giảm một nửa, còn 1,5 triệu USD/ngày. Trong 2 tháng, Không quân Nga đã không kích 32 tổ hợp lọc dầu và 11 nhà máy. 
Ông Antonov khẳng định: “Người tiêu thụ chính lượng dầu bị đánh cắp từ các chủ sở hữu hợp pháp - Syria và Iraq - là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu cập nhật, hoạt động kinh doanh tội phạm này liên quan đến lãnh đạo chính trị cao nhất nước, có sự chỉ đạo thống nhất. Dầu số lượng lớn, trên quy mô công nghiệp, theo “các đường ống dẫn sống gồm hàng nghìn xe chở dầu” được đưa tới lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”. 
Bộ Quốc phòng Nga còn nhấn mạnh đây chỉ là một phần bằng chứng thu thập được và cam kết sẽ tiếp tục cung cấp tư liệu về cuộc chiến chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố.
Ngày 2/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, đã có bằng chứng cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và gia đình đang hưởng lợi từ việc buôn bán bất hợp pháp dầu lửa từ vùng lãnh thổ do tổ chức IS kiểm soát ở Syria và Iraq. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov và các đồng sự đã cho các tùy viên quân sự nước ngoài đóng tại Moskva xem những hình ảnh vệ tinh cho thấy IS đang vận chuyển dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ. 
Theo các quan chức quốc phòng Nga, các hình ảnh này cho thấy những đoàn xe bồn chở dầu đỗ tại các kho chứa do IS kiểm soát ở Syria và Iraq, sau đó di chuyển qua biên giới vào nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức không nêu rõ họ có bằng chứng trực tiếp nào về sự liên quan của ông Erdogan và gia đình. 
Thứ trưởng Antonov nói: “Có thể tôi nói hơi thẳng, song người ta chỉ có thể giao quyền giám sát công việc kinh doanh trộm cắp này cho những người thân tín nhất của mình. Ở phương Tây, không có ai đặt câu hỏi về việc con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu một trong những công ty năng lượng lớn nhất, hay con rể Tổng thống vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng. Quả là một doanh nghiệp gia đình tuyệt vời”. 
Ông Erdogan đã phản ứng lại rằng không ai có quyền “vu khống” Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này mua dầu lửa từ IS, và rằng ông sẽ rút lui nếu những cáo buộc như vậy được chứng minh là đúng. 
Phát biểu trong chuyến thăm Qatar, ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ chưa mất đạo đức để mua dầu từ một tổ chức khủng bố… Người nào đưa ra những cáo buộc vu khống như vậy phải chứng minh được điều đó. Nếu họ làm được, tôi sẽ không ở lại ghế tổng thống lấy 1 phút. Nhưng người đưa ra cáo buộc đó cũng phải từ chức nếu họ không chứng minh được”…

Tin cùng chuyên mục

Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh. (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn).

Cải cách thể chế: Đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

(PLVN) - Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 17/4.

Đọc thêm

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tên của các anh, các chị đã thành tên non sông, đất nước

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Chương trình. Ảnh: Quang Vinh.
(PLVN) -Sau 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Sáng 17/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Khẳng định dự án Luật đủ điều kiện trình QH tại Kỳ họp thứ 7 tới, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ kỳ vọng dự án Luật khi được thông qua sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình chính sách TP Điện Biên Phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn xã Mường Phăng và xã Pá Khoang (TP Điện Biên Phủ).

Đảm bảo tính chặt chẽ khi cải cách hoạt động quản lý dược

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trình bày tờ trình tại phiên họp.
(PLVN) -  Chiều 16/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu cho rằng việc cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý dược cần gắn với cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện hậu kiểm, đảm bảo kiểm soát được chất lượng thuốc được lưu hành, nhất là việc cắt giảm thủ tục liên quan đến quảng cáo thuốc.

Tổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: PV
(PLVN) - Chiều 16/4/2024, tại TP Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam” nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024).

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ảnh: PV
(PLVN) - Sáng 16/4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Cuba cảm ơn sâu sắc sự hỗ trợ của Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có cuộc gặp làm việc với đồng chí Bruno Rodriguez, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba - Ảnh: VGP/Hải Minh
(PLVN) -  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ của Việt Nam đối với Cuba trong tình hình hiện nay thông qua các đợt viện trợ gạo và cung ứng ổn định gạo cho Cuba, giúp Cuba phát triển sản xuất lương thực và thuỷ sản, ủng hộ Cuba tại các diễn đàn quốc tế.

UBTVQH đề nghị tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.