Chuyện tình lãng mạn của Trung tá nhà giàn

Vợ chồng Trung tá Lê Xuân Nam
Vợ chồng Trung tá Lê Xuân Nam
(PLO) - Ở Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân có hơn 200 cán bộ chiến sĩ thì 37 người quê ở Thanh Hóa. Trong số đó có 13 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp lấy vợ cùng quê và chọn thành phố Vũng Tàu làm nơi lập nghiệp, an cư. 
Mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh kinh tế khác nhau nhưng các “phu quân” đều có chung một điểm là đoàn kết, thương yêu vợ, con. Còn những người vợ ai cũng chịu khó, đảm đang gánh vác công việc gia đình, làm điểm tựa vững chắc cho chồng yên tâm bám biển giữa ngàn khơi.
Trai tài lấy gái sắc xứ Thanh
Một trong những cặp vợ chồng có chuyện tình lãng mạn nhất của “trai tài, gái sắc xứ Thanh” ở Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân phải kể đến Trung tá Lê Xuân Nam (quê ở xã Hoằng Thái, Hoằng Hóa), hiện giữ chức Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 và cô giáo Lương Thị Thu (quê ở xã Hoằng Lưu, Hoằng Hóa) hiện là giáo viên tiếng Anh Trường Trung học cơ sở Phước Thắng phường 11, TP.Vũng Tàu. 
Bây giờ đã qua cái thời lãng mạn của tuổi thanh niên nhưng nói về kỷ niệm thời yêu nhau ngày còn sinh viên, chị Thu tự hào hãnh diện. “ Làm vợ lính nhà giàn tuy thiệt thòi nhưng hạnh phúc. Lính thời bình mà cứ như thời chiến trận. Phải chờ chồng đằng đẵng cả năm trời, nhưng chờ riết rồi quen. Mới ngày nào làm đám cưới, vậy mà nay đã già rồi”, chị Thu vui vẻ chia sẻ tại nhà riêng.
Câu chuyện tình lãng mạn được chị Thu kể lại trong niềm hãnh diện với bao nỗi niềm chung, riêng của vợ lính nhà giàn. Tháng 9 năm 1994, sau ba năm “Học cán, rèn binh” ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) chàng sĩ quan “chưa bóc tem” quân hàm Thiếu úy về xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thăm bố mẹ và tình cờ gặp cô sinh viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức ở nhà một người bạn. 
Người lính “không điển trai nhưng to cao mạnh mẽ” đã gây ấn tượng mạnh đối với cô sinh viên có tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc và thích làm thơ. Còn chàng sĩ quan cũng “ngẩn ngơ” trước cô “kỹ sư tâm hồn” không “thanh về sắc” nhưng có duyên mặn mà. Nam chủ động làm quen: “Em ở làng nào, sao anh không biết”? Thu bẽn lẽn: “Em bên xã Hoằng Lưu. Anh đi bộ đội quên hết gái làng rồi”. Nam “tán”: “Em ở xóm nào, anh có được may mắn tới nhà em chơi không?”. Vốn là người sâu sắc và lãng mạn, Thu trả lời: “Gái quê không thanh sắc nhưng mặn mà, nhà nghèo, ngõ rộng lúc nào cũng hiếu khách”. 
Ba ngày sau, Nam đạp xe đến Hoằng Lưu tìm cô sinh viên “hút hồn” anh từ ba ngày trước. Đãi người lính bằng ly nước trà xanh, giữa đám bạn Thu nhanh miệng, vậy mà trước người lính cô chẳng biết nói gì, còn Nam cứ gãi đầu gãi tai, hết hỏi gia đình làm được mấy sào lạc, năm nay thu hoạch lúa nhiều không đến hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, họ hàng. 
Dẫu đã “lịm” vì cô gái nói có duyên nhưng Nam không dám thổ lộ. Dẫu “chết” vì người lính nhà giàn không đẹp trai nhưng “phải ngước nhìn”  lại bẽn lẽn đợi chờ. Cả hai chẳng nói câu nào, nhưng tín hiệu tình yêu cứ dạt dào trong tim.
30 ngày phép ngắn ngủi qua mau, ngày Nam tạm biệt quê hương trở lại đơn vị cũng là ngày Thu nhận lời yêu anh. Bên cánh đồng lúa nồng mùi rơm rạ, dưới ánh trăng tháng 9 mùa thu, cầm tay Thu, Nam nói lời yêu lãng mạn hơn cả ánh trăng: “Anh yêu em dù đất trời  ngả nghiêng. Tình yêu của lính nhà giàn chân thành như sóng biển. Nếu yêu anh hãy đợi anh về mình làm đám cưới”. Chẳng nói nên lời, Thu gục đầu vào vai Nam  nhận lời ước hẹn.
Tháng 10/1994, Nam về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ (lúc đó Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171). Sau 5 tháng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tháng 4 năm 1995, lần đầu tiên chàng sĩ quan Lục quân 2 bước chân xuống tàu đi biển. Ngày tàu rời bến, anh nhớ cô sinh viên cùng lời hẹn ước, biển xa sóng gió biết bao giờ trở lại đất liền.
Những năm từ 1995 đến 2000, đời sống của cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 vô cùng khó khăn, gian khổ. Nắng lửa quanh năm, gió rát bốn mùa, nước ngọt chia từng ca, rau xanh nhường nhau từng nắm. Phương tiện thông tin duy nhất lúc đó nối với đất liền là thư viết tay chứ chưa có điện thoại di động như bây giờ. 
“Nếu lấy mình thì cô ấy phải đợi chờ và nuôi con một mình vò võ”, nghĩ vậy Nam viết thư gửi về: “Em hãy quên anh đi, coi như chúng ta giữ trong nhau một kỷ niệm đẹp. Lính nhà giàn quanh năm sóng nước trùng khơi, một năm chỉ gặp nhau vẻn vẹn 15 ngày phép, nếu có con, con chưa quen hơi bố đã đi rồi”. Lá thư ấy sau gần 3 tháng đến tay Thu. 
“Lúc ấy chắc chị buồn nhiều?” - tôi hỏi. “Khi nhận được thư anh ấy em khóc, không phải vì anh ấy bỏ em mà vì thương và khâm  phục những người lính nhà giàn. Ở quê nhà chân lấm tay bùn, nhưng không thiệt thòi và thầm lặng hi sinh như các anh. Em đã viết thư trả lời anh Nam rằng, em thích lấy chồng bộ đội”. Chị Thu không kể chi tiết lá thư trả lời người yêu ngày ấy, song những gì chị nói tôi hiểu chị đã dành tất cả tình yêu cho Nam.
Thời gian như mũi tên bắn đi, Nam ở ngoài khơi kiên cường bám biển, còn Thu ở quê nhà son sắt đợi chờ. Sau ba năm yêu nhau bằng thư, mùa đông 1997 họ làm đám cưới. Chú rể trong quân phục hải quân lấp lánh ngôi sao, cô dâu nền nã trong tà áo dài cúi đầu chào hai họ. Thanh niên bầu bạn làng trên, xóm dưới đến chúc mừng, trong tiếng nhạc rộn ràng, Nam - Thu rạng ngời hạnh phúc.
Ba tuần sau đám cưới, Nam gửi người vợ nhờ “ông bà già” “canh” hộ rồi vào Vũng Tàu đi nhà giàn. Lần thứ hai chia xa giữa người đi, kẻ ở, để lại bao niềm thương nỗi nhớ vơi đầy.
Chị Lương Thị Thu dạy con trai học trên máy tính
Chị Lương Thị Thu dạy con trai học trên máy tính 
Niềm riêng trải lòng qua những cánh thư
Tìm trong chồng thư cũ, chị Thu đưa ra hai lá thư, một lá viết cho chồng, một lá viết cảm ơn Đài Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho mẹ con chị hiểu công việc của anh Nam thông qua chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” được truyền hình trực tiếp ngày 1/7/2009. 
Lá thư đề lúc 23 giờ đêm ngày 1/7/2009, có đoạn: “Sau  khi xem chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, tôi không sao ngủ được. Bây giờ tôi mới hiểu nhiệm vụ của chồng tôi, quá xa xôi kiên cường và gian khổ. Tên tôi là Thu, 38 tuổi, vợ của Thiếu tá Lê Xuân Nam đang công tác tại nhà giàn DK1. Lúc này ở ngoài biển không biết chồng tôi có coi được chương trình này không? Biển là căn nhà thứ hai của anh. Tôi không tả hết được nỗi buồn khi trong nhà thiếu vắng người trụ cột. Anh đi biển cả năm, có khi là 14 tháng mới được vào đất liền. Quên sao được những tháng ngày dài bóc lịch. Mong sao cho cuốn lịch bóc nhanh”…
Trong lá thứ thứ hai viết cho chồng, chị giãi bày với tất cả niềm riêng của vợ lính: “Mỗi lần nhớ anh, em lại mang những bài báo viết về nhà giàn ra đọc, em càng thêm yêu anh, yêu công việc của anh, đó cũng là niềm tự hào, là động lực giúp em làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió”. Cuối thư chị viết: “Nhớ anh nhiều. Hẹn ngày gặp lại. Em mãi là hậu phương lớn của anh. Em và các con, Lương Thị Thu”.  
Nói về lá thư viết cho chồng đêm ấy, chị Thu chia sẻ: “Em chẳng hiểu công việc của chồng, phần vì nhiệm vụ quân sự, phần gặp nhau ít ngày lại phải chia xa. Mãi đến khi xem chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” em mới nhận ra sự hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ. Mặc dù phải đợi chờ, phải “bóc lịch” chờ chồng khắc khoải, nhưng cứ nghĩ đến sự hi sinh thầm lặng của các anh, em lại cố gắng vượt qua bao khó khăn trở ngại, nhất là lúc mẹ ốm, con đau, mùa bão tố tràn về”.
Tôi hỏi bố đi biển dài ngày con nhớ bố không, Thu Hà, con gái lớn của chị Thu nói luôn: “Nhớ lắm. Nhưng sao bố cứ đi biển biền biệt vậy, các bạn đều có bố sáng chở đi học, chiều đón về, còn con thì không”. Còn con trai Lê Nam Anh thì ước mơ: “Con thích đi làm công an hoặc làm bộ đội giống bố”.  
Điểm tựa
Chị Thu nước mắt lưng tròng kể về những ngày anh Nam ở nhà giàn DK1: “Anh Nam đi 14 tháng mới vào đất liền, khi đi em mang bầu, khi về con gái đã tròn 6 tháng tuổi, đưa tay bế, con gái khóc thét. Hai tiếng bố, con làm anh ngượng ngập, anh đành đổi cách xưng hô “cậu với tớ” để làm quen với con gái. Con gái cứ thấy bố là sợ, đến bữa ăn không cho bố ngồi cùng mâm. 
Lúc nó lên hai tuổi, ngày nào em cũng chỉ tấm ảnh của anh ấy để bố con “gặp” nhau. Khi bế con ra ngoài đường, hễ nhìn thấy chú bộ đội mặc quân phục màu trắng nó lại gọi “Bố Nam, mẹ ơi bố Nam kìa. Lúc ấy em chỉ muốn khóc rồi vội vàng bế con về nhà mà thao thức cả đêm”.
Mỗi lần có tàu về đất liền, Nam gửi về cho vợ khi là cá kìm khô, chai mắm hoặc gói ruốc khô, cũng có khi là con ốc biển xin của ngư dân đánh bắt xa bờ. Nam bảo đó là “quà của biển”. Lần Nam gửi đồng đội đem về cho vợ nhành san hô trắng, Thu trân trọng đặt trong tủ ở phòng khách. Nghe hàng xóm bảo “Chơi san hô xui lắm, quà của biển trả về cho biển”, thế là khi Nam đi DK1, hai vợ chồng đem nhành san hô kia xuống Bãi Trước Vũng Tàu trả lại cho biển. 
Mỗi khi nghe tin chồng đi nhà giàn về, cả đêm ba mẹ con không ngủ, thao thức đợi chờ. Nghe tiếng còi tàu hú nơi cầu cảng, chị Thu đứng ngồi không yên, nỗi lòng của người vợ xa chồng cứ xốn xang. Khi bố về đến cổng, hai con chạy ra đón bố, con chị mở cổng, thằng em xách ba lô, kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên được”, chị Thu kể.
Chiều cuối tuần, phía cuối con hẻm 1000 ở đường 30/4 sâu hun hút là “tổ ấm” của người lính nhà giàn. Chị Thu khoe với tôi: “Anh Nam nhà em vừa được phong quân hàm Trung tá. Anh ấy vui lắm. Hôm nhận quyết định, hai vợ chồng thao thức cả đêm. Tối hôm sau, anh Nam “khao” quân hàm Trung tá bằng việc chở em đi bãi biển Vũng Tàu. Đó là cầu cảng lần đầu tiên em tiễn anh đi nhà giàn DK1. Chỉ tay về phía biển xa, anh bảo, ngoài ấy là quê hương thứ hai của anh. Sau nghỉ phép, anh lại lên tàu ra đó." 
Chị thu gấp vội cuốn nhật ký. Liếc vội, tôi kịp nhìn thấy hai chữ “hôn anh” và dấu của những giọt nước mắt ướt nhòe đã khô trên giấy Chị bảo, đó là những đêm cô đơn nhớ chồng của chị.

Đọc thêm

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 3: Cần khung khổ pháp lý mới để hiện thực hóa mục tiêu đường sắt đô thị

Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vừa hoàn thành tuần thứ tư của giai đoạn vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
(PLVN) - Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).

Quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 23/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan để quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Giám sát các dự án trọng điểm quốc gia: Có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nội dung thảo luận.
(PLVN) - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kết quả giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.