Chung tay 'giữ' con chữ vùng biên ải

Hai em Vi Văn Thắng và Hà Văn Tuất giờ là “chiến sĩ tí hon” Đồn BP Tam Chung
Hai em Vi Văn Thắng và Hà Văn Tuất giờ là “chiến sĩ tí hon” Đồn BP Tam Chung
(PLO) - Với mục tiêu tất cả con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trong độ tuổi có hoàn cảnh khó khăn đều được đến trường, rồi tương lai các em sẽ mang những kiến thức đã học được về xây dựng quê hương, xây dựng biên giới phát triển, sau 1 năm triển khai, Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đỡ đầu 2.843 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, “tiếp sức” các em đến trường.

Những “chiến sĩ tí hon” của đơn vị 

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo ở đâu cũng khó khăn, vất vả. Họ chủ yếu sống bằng việc phát rẫy, làm nương, thu nhập bấp bênh, nhất là khi gặp hạn hán, lũ quét... Theo phong tục, tập quán, một số dân tộc vẫn sống du canh, du cư nên con đường đến trường của những đứa trẻ dân tộc rất gian nan. Khi kinh tế gia đình khó khăn, nhiều bậc cha mẹ cho con nghỉ học. Tỷ lệ bỏ học giữa chừng ở vùng dân tộc thiểu số khá cao. Những đứa trẻ thất học phải ở nhà làm thuê, chăn bò, làm rẫy. May mắn, nhiều đứa trẻ đã được BĐBP đón về đồn chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Thượng tá Phan Đình Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai tâm sự: “Mỗi khi xuống các làng công tác, hình ảnh những đứa trẻ Ja Rai đen nhẻm, tóc râu ngô lăn lóc chơi đùa trên sân đất hoặc rụt rè khi nhìn thấy khách lạ... khiến tôi trăn trở và thấy phải làm gì đó để giúp các em được đến trường và không bỏ học...”. 

Khi đó, để ngăn chặn tình trạng học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học Trần Phú và Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Trãi, xã Ia Dom bỏ học, Thượng tá Thành cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã “xắn tay” vào cuộc. Đầu năm 2012, Đồn Lệ Thanh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đỡ đầu học trò nghèo xã Ia Dom báo cáo lên Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai.

Được cấp trên ủng hộ, những người lính biên phòng đã tỏa xuống các làng điều tra, thống kê danh sách những đứa trẻ Ja Rai con gia đình khó khăn hoặc mất cha, mất mẹ đã và sắp bỏ học. Sau đó, cán bộ đồn báo cáo địa phương, vận động cha mẹ đồng ý cho đón các cháu về đồn, tổ chức nuôi ăn học. Về kinh phí nuôi các cháu, mỗi tháng, cán bộ chỉ huy đồn góp 300.000 đồng, sĩ quan hưởng lương góp 200.000 đồng. 

Giữa năm 2012, tổng kết đợt đầu, số tiền do anh em đóng góp được hơn 15 triệu đồng, Đồn Lệ Thanh đã đưa được 9 em là học sinh của Trường Tiểu học Trần Phú và THCS Nguyễn Trãi về đơn vị nuôi dưỡng. Nhiều em đã nghỉ học nhiều ngày, có em sắp rời trường lớp do gia đình khó khăn. Khi được đón về đồn, tất cả các em đều được bộ đội hướng dẫn làm vệ sinh cá nhân, chỉ dạy cách xưng hô và tập sinh hoạt... như những “chiến sĩ tí hon” của đơn vị.

Ngoài 9 cháu học sinh này, đơn vị còn đỡ đầu 2 học sinh Campuchia, duy trì bếp ăn tình thương tại đồn, phục vụ 14 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồn Lệ Thanh đã xây dựng một dãy nhà gỗ khang trang, vừa đủ rộng cạnh đơn vị để bố trí làm nhà ăn, phòng nghỉ, góc học tập ngoài giờ... cho các cháu. Bộ đội ăn gì thì các cháu cũng được ăn như thế. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bếp ăn từ thiện của các cháu ngang bằng mức ăn của bộ đội, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã đẩy mạnh tăng gia, sản xuất. 

Đồn BP Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa hiện cũng đang đỡ đầu, nuôi dưỡng 2 trẻ em nghèo là Vi Văn Thắng và Hà Văn Tuất - những đứa con nuôi của đồn biên phòng như bà con vẫn gọi như thế. Nhà nghèo, bố nghiện ma túy rồi qua đời vì căn bệnh thế kỷ AIDS cách đây 4 năm nên Vi Văn Thắng (SN 2006, ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) bị mọi người xa lánh, kỳ thị. Khi mẹ Thắng bỏ nhà về quê ngoại ở Sơn La, em phải chuyển về sống cùng bác ruột và ông nội. Gia đình bác cũng nghèo xơ xác nên ngoài bữa đói, bữa no, Thắng không được đến trường. 

Hà Văn Tuất (SN 2006) cũng ở bản Poọng và cùng chung hoàn cảnh với Thắng. Bố Tuất bị AIDS mất năm 2012. Mẹ Tuất vì sự kỳ thị, xa lánh của người trong bản nên khăn gói đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về. Tuất sống cùng chị gái và bà nội già yếu. Để “tiếp sức” các em đến trường, xóa bỏ mặc cảm về sự kỳ thị của mọi người, Đồn BP Tam Chung đã quyết định nhận Thắng và Tuất về nuôi trong đơn vị. 

Thời kỳ đầu, do còn lạ lẫm, lại nhớ nhà, nên cả hai cứ nằng nặc đòi về, không được thì các cháu trốn khỏi đơn vị, băng rừng về nhà. Sau được các chú BĐBP thường xuyên gần gũi, chăm sóc, dạy bảo, dần dần các cháu đã hòa nhập tốt với cuộc sống mới trong môi trường quân đội, biết tự chủ trong sinh hoạt, tự giác đi tắm, lên bếp ăn cơm khi có kẻng, tự giác học bài... Mỗi khi nhớ nhà, các em được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đưa về thăm ông, thăm bác. 

“Tiếp sức” học sinh nghèo đến trường

Thượng tá Đặng Hồng Quân - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cao Bằng chia sẻ: “Với quỹ “Nâng bước em đến trường”, chúng tôi muốn chia sẻ khó khăn của các em học sinh tại địa bàn biên giới, hỗ trợ, giúp đỡ các em có đủ điều kiện đến trường học tập, rèn luyện, qua đó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Việc thực hiện chương trình cũng là sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng với đồng bào dân tộc trên biên giới.

Chúng tôi hy vọng các em sẽ trở thành công dân tốt, phát triển thành cán bộ cốt cán của địa phương và sẽ tiếp nối truyền thống của ông cha đi trước, cùng BĐBP tích cực bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”.

Từ sự chung tay “giữ” cái chữ nơi vùng biên giới của BĐBP toàn quốc, đã có hàng nghìn mảnh đời bất hạnh được “tiếp sức” đến trường. Em Lý Đức Quyền (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Hoành Mô 2, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) bị bệnh máu trắng, là một trong 12 học sinh được Đồn BPCK Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh nhận đỡ đầu với số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Khi 7 tháng tuổi, Quyền phát bệnh.

7 năm qua, đều đặn hàng tháng, em phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền máu. Mỗi lần như vậy là bố mẹ em phải “giật gấu, vá vai”, chạy vạy khắp nơi lo tiền chữa trị. Cuộc sống của gia đình em chồng chất khó khăn. Tuy bệnh tật, hoàn cảnh như vậy nhưng Quyền học rất giỏi, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Em Điểu Nghĩa (SN 2004, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) là người S’tiêng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, 3 anh em Nghĩa được cô ruột nuôi dưỡng, tuy nhiên, gia cảnh người cô cũng chẳng khấm khá gì. Năm 2014, khi biết Nghĩa sắp bỏ học, cán bộ Đồn BP Đắc Ơ,  BĐBP Bình Phước đã đến động viên, giúp đỡ em về sách vở và hỗ trợ mỗi tháng 50kg gạo. Năm 2016, Đồn bắt đầu hỗ trợ em mỗi tháng 500 nghìn đồng cho đến khi em học hết lớp 12. Sự động viên, giúp đỡ kịp thời của những người lính mang quân hàm xanh đã tạo động lực cho Nghĩa vươn lên trong học tập. Em luôn được xếp vào tốp khá của lớp. 

Còn Hoàng Văn Truyền (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Tuấn, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) là một trong số 16 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Đồn BPCK Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng đỡ đầu. Sau khi người vợ đầu bị bệnh qua đời, bố Truyền - anh Hoàng Văn Liêm lấy vợ lần hai và sinh ra Truyền. 2 năm trước, mẹ Truyền lại qua đời vì bạo bệnh, bố em sống cảnh “gà trống nuôi con”, nghề bốc vác bữa đực, bữa cái của người cha không nuôi nổi 3 miệng ăn, gia cảnh túng quẫn. Không để Truyền lỡ dở chuyện học, những người lính Đồn BPCK Trà Lĩnh đã trích lương mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho em. Hàng tháng, các anh đều trao đổi với nhà trường về tình hình học tập của Truyền. Biết ơn những người lính biên phòng, Truyền luôn chăm chỉ học hành. 

Được đến trường là mơ ước của nhiều em nhỏ vùng biên, trong đó có em Thị Nheng (SN 2005, ở ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Mẹ Nheng mất từ khi em còn nhỏ. Gia đình em sống trong một túp lều, xung quanh che chắn bởi những tấm bạt rách. Nhà nghèo, cha bị bệnh nặng, bác sĩ bó tay, bệnh viện trả về, đang học lớp 5 Nheng bỏ học, hàng ngày, ngồi đút từng muỗng cháo loãng cho cha. Em chỉ mong có cơm ăn no bụng. Cha Nheng buồn tủi vì nhà không có tấc đất cắm dùi, bà nội đã già yếu, rồi lo nghĩ thắt ruột khi cả hai người nằm xuống, Nheng sẽ ra sao? “Chết đuối vớ được cọc”, cha Nheng vui mừng vô hạn khi biết Đồn BPCK quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước nhận đỡ đầu, lo cho em được đi học. Hiện Nheng đang học lớp 6. Bây giờ em không mong đủ cơm ăn nữa mà mong muốn học thật giỏi để sau này làm cô giáo, giúp đỡ các bạn nhỏ không có điều kiện đến trường. 

Sau khi được Đại tá Nguyễn Xuân Bắc - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm BĐBP nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng, em Vàng Thị Pó (ở thôn Sán Trồ, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) - học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Bát Đại Sơn đã cảm kích gửi thư cho vị Đại tá cảm ơn.

Trong thư có đoạn: “Cháu thật sự may mắn và hạnh phúc khi được Quỹ “Nâng bước em đến trường” của BĐBP giúp đỡ. Với cháu, đây không chỉ là động lực về vật chất mà còn là niềm an ủi lớn lao về tinh thần để cháu vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Bố cháu mất từ khi cháu học lớp 2. Mất bố là nỗi mất mát lớn nhất trong cuộc đời cháu nhưng không dừng lại ở đó, nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Sau khi bố mất, chị cả yêu quý của cháu thấy mẹ cháu một mình không thể lo cho 5 chị em cháu được nên đã bỏ học để giúp mẹ làm việc nhà, lo cho các em ăn học. Hiểu được nỗi cơ cực của mẹ và số phận của mình nên cháu luôn cố gắng vươn lên trong học tập, giành được nhiều thành tích. 

Bên cạnh những số phận không may mắn như cháu luôn có những tấm lòng nhân ái, đó chính là bác và các thầy cô. Tuy công việc bận rộn nhưng bác vẫn quan tâm sâu sắc đến cháu, đã dành tặng cháu món quà vô cùng ý nghĩa này. Cháu cảm động và biết ơn bác rất nhiều! Quỹ “Nâng bước em đến trường” sẽ giúp cháu trang trải việc học tập, giúp cháu tin vào bản thân mình, vào tương lai phía trước. Cháu hứa sẽ luôn học hết sức mình, biến nỗi đau thành hành động để không phụ tấm lòng của bác”.

Từ một phong trào do thanh niên BĐBP triển khai năm 2014, ngày 18/1/2016, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chương trình “Nâng bước em tới trường”, nâng tầm chương trình thành hoạt động trọng tâm của cả lực lượng BĐBP. Hết năm 2016, chương trình đã đỡ đầu 2.843 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài nước, trong đó có 19 em được nuôi dưỡng tại đồn biên phòng, 73 học sinh Lào và 88 học sinh Campuchia. Mỗi em được hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng cho tới khi học hết lớp 12. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP còn vận động các tổ chức xã hội xây dựng, sửa sang trường, lớp học, tặng dụng cụ học tập, xe đạp, quần áo cho học sinh nghèo trên địa bàn. 

Đọc thêm

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba
(PLVN) - Tối 17/4/2024, tại Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Hà Nội đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024.

Cải cách thể chế: Đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh. (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn).
(PLVN) - Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 17/4.

Tổng duyệt diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khối Quân kỳ do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy.
(PLVN) - Hôm qua (17/4), tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì tổng duyệt diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP).

Hội đồng nhân dân các TP trực thuộc trung ương: Phát huy tốt vai trò giám sát trong thực hiện thí điểm chính quyền đô thị

Quang cảnh một kỳ họp của HĐND TP Hà Nội. (Ảnh laodongthudo.vn)
(PLVN) - Thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại một số TP trực thuộc Trung ương là chủ trương đúng đắn, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành trước đây, khai thác lợi thế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, HĐND, đại biểu HĐND các địa phương này đã phát huy tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả, minh bạch và trung thực.

Bộ trưởng Bộ Công an viếng nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82

Đại tướng Tô Lâm dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: Dũng Tiến)
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 17/4, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã dẫn đầu Đoàn công tác đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 và dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Ngày 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các luật khác trong lĩnh vực tư pháp.

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tên của các anh, các chị đã thành tên non sông, đất nước

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Chương trình. Ảnh: Quang Vinh.
(PLVN) -Sau 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Sáng 17/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Khẳng định dự án Luật đủ điều kiện trình QH tại Kỳ họp thứ 7 tới, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ kỳ vọng dự án Luật khi được thông qua sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình chính sách TP Điện Biên Phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn xã Mường Phăng và xã Pá Khoang (TP Điện Biên Phủ).