Trưng bày 56 tài liệu về khoa cử của Việt Nam xưa

Trưng bày 56 tài liệu về khoa cử của Việt Nam xưa
(PLO) - Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới” diễn ra tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám bắt đầu từ ngày 5/3/2018 đến hết ngày 05/4/2018. Triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng, du khách trong và ngoài nước 07 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn và 40 giá trưng bày nội dung 56 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa được chắt lọc từ 03 Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chương trình do Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức.

Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” không chỉ phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ như: quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử; chế độ thi cử; danh nhân khoa bảng, ân điển của quốc gia đối với người đỗ đạt... được lưu giữ trong các di sản tư liệu thế giới mà qua đó quảng bá, tôn vinh giá trị của các di sản tư liệu của Việt Nam đã được thế giới công nhận.

Triển lãm gồm 3 phần: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám - Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ; Bia đề danh Tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu. Lịch sử khoa cử Việt Nam đã trải qua gần 1000 năm, mở đầu bằng khoa thi Tam trường để chọn Minh kinh Bác học vào năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Người đỗ đầu kỳ thi này là Lê Văn Thịnh quê ở làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và là vị thủ khoa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam với danh nghĩa Ông trạng khai khoa. Năm 1195, nhà Lý tiếp tục cho mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) để chọn người hiền tài giúp nước.


Đến triều Trần, chế độ khoa cử phát triển và hoàn thiện hơn, các khoa thi tổ chức đều đặn và được quy định rõ ràng. Năm 1232, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi Thái học sinh để chọn Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp. Tại khoa thi Thái học sinh năm 1247, nhà Trần đặt ra danh hiệu Tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Người đỗ đầu khoa thi này là Nguyễn Hiền, ông được coi là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, khi ấy ông mới 13 tuổi.

Năm 1396, vua Trần Thuận Tông lần đầu tiên đặt lệ thi Hương, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hương là kỳ thi được tổ chức tại các trường thi ở nhiều tỉnh thành (từ Hương có nghĩa là khu vực quê hương của người dự thi). Để được vào dự thi Hương, các Nho sinh phải trải qua kỳ thi Khảo hạch ở địa phương nhằm giảm bớt những người chưa thực sự đủ năng lực, đức hạnh. Người đỗ khoa thi Hương gọi là Hương cống và được phép tham dự thi Hội. Thi Hội là khoa thi được tổ chức 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Người đỗ đầu khoa thi Hội được gọi là Hội nguyên. Thi Đình là kỳ thi cao nhất được tổ chức tại sân đình nhà vua. Đề thi do nhà vua trực tiếp ra và sau khi Hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ. Người đỗ đầu thi Đình gọi là Đình nguyên. Ai đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình được gọi là Tam Nguyên.

Các khoa thi được tổ chức cho tất cả các Nho sinh trong cả nước, không phân biệt nơi học, tuổi tác, địa vị xã hội, số lần đã dự thi. Vào năm 1484, dưới thời Lê, với chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu cho dựng Bia Tiến sĩ trong Văn miếu khắc tên những người đỗ Tiến sĩ kể từ khoa thi năm 1442. Mỗi khoa thi là một tấm bia đặt trên lưng rùa, do vậy, bia Tiến sĩ không chỉ mang ý nghĩa lưu danh khuyến khích người hiền tài giúp nước mà còn là biểu tượng lịch sử văn hóa về nền giáo dục khoa cử Việt Nam.


Các Tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến Hoàng thượng, thưởng ngoạn cảnh đẹp tại vườn ngự uyển, cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho Tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh muôn đời.

Việc phối hợp tổ chức triển lãm nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018 giữa Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, những đơn vị đang trực tiếp bảo quản Di sản tư liệu Thế giới của Việt Nam đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản tư liệu thế giới, tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.