Hải Phòng tăng phí tham quan có làm khó doanh nghiệp lữ hành?

Du khách lên phà đi Cát Bà.
Du khách lên phà đi Cát Bà.
(PLVN) - So với các tỉnh miền Bắc, du lịch Hải Phòng còn ở mức cạnh tranh kém, chỉ 20-50% lượng khách lưu trú qua đêm. Tuy nhiên, việc tăng phí bến bãi gấp đôi, gấp ba khiến doanh nghiệp điêu đứng, hành khách “quay lưng”. Liệu quyết định tăng giá vé tàu tại thành phố Cảng đã phù hợp chưa, trong khi thời điểm hiện nay khi hạ tầng đường thủy còn nhiều thiếu sót, doanh nghiệp gần như phải “chắt chiu” từng khách hàng?

Bất cập trong đề xuất tăng vé

Anh Linh, 36 tuổi, sống tại Hải Phòng nhiều năm nay lựa chọn Cát Bà với lí do chi phí hợp lý, di chuyển gần, thuận tiện có thể về trong ngày. Song với thay đổi về giá vé bến tàu gần đây, anh cho biết Tết vừa qua anh đã quyết định du lịch Quảng Ninh. Chi phí gần bằng nhau mà được ngắm đảo, núi non, lại nhiều khu vui chơi mới.

Giống với anh Linh, nhưng chị Vũ Tuyết Nhung, 44 tuổi, Hưng Yên quyết định hủy tour Cát Bà 3 ngày 2 đêm vào dịp Tết do phí tham quan quá cao. Chị cho biết: “Cát Bà đi bao năm nay vẫn thế, chỉ biết có tắm biển và lên đảo Khỉ ngắm nghía đôi chút, đồ ăn không mấy đặc sắc, vậy mà năm nay lại lên tới 400-500 nghìn đồng một người”.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng ban bố Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND về quy định một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thành phố. Cụ thể, mức thu phí tham quan cho người lớn là 80.000 đồng, trẻ em là 40.000 đồng; riêng mức lưu trú qua đêm là 300.000 đồng/người/đêm. Nếu lưu trú từ 2-3 đêm, mức phí tương ứng là 450.000 – 500.000 đồng/người.

Đồng ý rằng việc tăng giá vé là cần thiết, song bài toán tăng vào thời điểm này lại là vấn đề nan giải, vô hình trung làm ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp và hành khách. Thứ nhất, việc tăng giá vé đột ngột làm doanh nghiệp “khó ăn khó nói” với khách hàng của họ.

Các chủ tàu tại Hải Phòng lên tiếng rằng họ bị khách tố “vòi vĩnh”, đòi thêm tiền tour dù nhiều lần giải thích. Có nhiều trường hợp khách hủy tour do tăng vé không báo trước, chi phí phát sinh doanh nghiệp lại phải bù vào, gây thiệt hại đáng kể. 

Mặt khác, tăng vé tham quan vịnh Cát Bà là chủ trương phù hợp hay chưa? Các doanh nghiệp phản ứng rằng giá tiền chưa đi kèm với chất lượng. Quảng Ninh cũng là một thành phố khai thác du lịch biển nhưng đã có cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho phép đón nhận những tàu hiện đại nhất thế giới. Cùng với sân bay quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội, Quảng Ninh góp phần làm tăng chất lượng chuyến đi của du khách hơn nhiều. 

So với Quảng Ninh, Hải Phòng cũng hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông nhưng chưa được khai thác triệt để cho du lịch. Đầu tư bến bãi sơ sài, thậm chí gây nguy hiểm cho du khách. Ví dụ như bến đi Cát Bà, bất kể mưa nắng du khách đều chỉ biết đứng trước hiên cửa phòng bán vé bởi nhà chờ không đủ chỗ ngồi.

Chưa kể lên tàu chỉ có thanh gỗ “chỏng chơ” vắt lên thuyền cho khách đi qua. Tour tham quan đảo Khỉ thì vẫn phải dùng thuyền để đưa khách từ tàu vào, “chòng chành” và mất an toàn. Những thiếu sót đó khiến cho nhiều doanh nghiệp lên tiếng bức xúc, phản ứng về mức phí mới.

Hoặc giả sử nếu tăng phí tham quan, thì số tiền đó có sử dụng vào mục đích cải tạo môi trường, hạ tầng cầu cảng hay công trình phụ trợ không? Bởi thực tế hiện nay, các chủ doanh nghiệp lữ hành bày tỏ vẫn đang trực tiếp phải bỏ “tiền túi” ra sửa chữa, tu bổ một số bến phà đi Cát Bà.

Cần có giải pháp tăng phí theo lộ trình

Cũng khai thác du lịch, nhưng ở khu quần thể đền Angkor (Campuchia), người bản địa được miễn phí hoàn toàn, chỉ có khách du lịch phải trả từ 37-72 USD để tham quan địa danh nổi tiếng này. Đáng nói ở chỗ 72 USD là giá vé tối đa áp dụng cho cả tuần hay cả tháng.

Mức giá này thể hiện quan niệm: nếu bạn yêu Angkor đến mức thăm nó tới 3 ngày liền chưa chán thì bạn được miễn phí cho tất cả những ngày tham quan còn lại tại đây. Cách làm này không chỉ tạo tâm lý được tiếp đón của du khách mà còn kích thích du khách ham muốn khám phá, tìm hiểu sâu kỹ về quần thể di tích vĩ đại này.

Angkor cũng là một trong những di sản chịu sức ép du lịch lớn song với cách làm khéo léo, Chính phủ nước này vẫn có thể khiến du khách chi tiền mà không chịu bất kỳ phàn nàn nào.

Nhìn về Việt Nam, khó có thể áp dụng cách trên do sự khác biệt về tài nguyên song việc tăng phí nên được diễn ra theo lộ trình phù hợp, tránh kiểu “đánh phủ đầu”, làm khó cho doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm an toàn giao thông cho khách du lịch nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho khách du lịch góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao chất lượng phương tiện vận tải du lịch, phương tiện vận tải du lịch đường bộ, đường thủy nội địa phải có các trang thiết bị về chất lượng dịch vụ và an toàn kỹ thuật theo quy định; đầu tư phát triển các phương tiện vận tải khách du lịch sử dụng công nghệ mới trong bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, cần đảm bảo mức chi phí vận tải khách du lịch hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp; có chính sách về giá vé, hình thức bán vé linh hoạt và đẩy mạnh ứng dụng vé thông minh kết nối đa phương thức; tăng cường cung cấp thông tin về chuyến đi và các dịch vụ hỗ trợ vận tải (tìm đường đi tối ưu, tra cứu giá cước, dịch vụ, kết nối các phương thức vận tải du lịch...) tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chủ trương tăng phí, Hải Phòng cần có chính sách đầu tư dịch vụ mới, đẳng cấp hơn để hút khách chi tiền, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách hiệu quả hơn. Nhiều du khách, doanh nghiệp không khỏi “than vãn” rằng nếu chỉ chăm chăm thu tiền mà không nghĩ tới việc cải tạo, nâng cấp thì du lịch Hải Phòng khó thoát khỏi tình cảnh đìu hiu, chậm tiến.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.