Khởi tố vụ sai phạm tại Cục Quản lý Dược: Lãnh đạo Bộ Y tế nói gì?

Bộ trưởng Y tế trả lời báo chí
Bộ trưởng Y tế trả lời báo chí
(PLVN) - Hôm qua (20/9), tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công khai kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Sơ hở, thiếu sót trong Thông tư số 22/2009/TT-BYT

Theo kết luận của TTCP, ngành Y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc, khâu cấp phép nhập khẩu thuốc, khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ thực hiện theo đúng kết luật của TTCP. Trước đó, Bộ trưởng đã đề nghị thanh tra để làm rõ vụ việc. 

“Hiện, cơ quan an ninh đã khởi tố vụ án, Bộ Y tế sẽ hợp tác để làm rõ vụ việc này. Quan điểm của Bộ Y tế là xử nghiêm minh, đúng pháp luật với những người vi phạm. Bộ Y tế ủng hộ các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai mà cũng không bỏ sót đối tượng vi phạm”, bà Tiến nói.

Theo Kết luận thanh tra, với việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 7 thuốc, TTCP chỉ rõ, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày là vi phạm khoản 1 Điều 32 Thông tư 22/2009/TT-BYT; Biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành Thông tư.

TTCP cũng khẳng định, lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT-BYT cho phù hợp.

Cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký 

Về việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu đối với 3 thuốc, TTCP cho biết, thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu 3 thuốc chậm từ 28 đến 60 ngày là vi phạm quy định. Trách nhiệm này thuộc các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký (Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg). Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

Cụ thể, chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của DN nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 5 Quyết định số 151/QĐ-TTg. Thực tế trong ba năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu DN nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

Chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các trường hợp cụ thể phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở nước ngoài sản xuất thuốc, việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các biện pháp nghiệp vụ để Tổ thẩm định có căn cứ đánh giá, xác minh DN nước ngoài sản xuất thuốc trước khi trình duyệt, cấp phép nhập khẩu thuốc.

Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47/2010/TT-BYT như trên là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngày 6/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam.

Từ việc ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược.

Hàng loạt thiếu sót, vi phạm khác  

Về việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014, TTCP kết luận, thời hạn xét duyệt cấp giấy phép hoạt động chậm 53 ngày, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 47/2011/TT-BYT; các thành viên tổ chuyên gia không ghi ngày, tháng, năm thẩm định, Trưởng tiểu ban theo dõi việc thực hiện quy chế và Trưởng tiểu ban thẩm định về tài chính không ghi ngày, tháng, năm kết luận hoặc đề nghị; Biên bản thẩm định cũng không ghi ngày, tháng lập và lỗi chính tả ghi địa chỉ của Công ty Helix. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ: thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong nước và với cơ quan Y tế nước ngoài nơi sản xuất, xuất khẩu thuốc; chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định cụ thể các trường hợp phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất thuốc để Tổ thẩm định có căn cứ đánh giá DN sản xuất thuốc nước ngoài trước khi trình duyệt, cấp giấy phép hoạt động, đây là một trong những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả và Công ty Helix không tồn tại trên thực tế nhưng không kịp thời phát hiện dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty này. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược.

TTCP cũng chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm khác của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT ngày 24/11/2009 sử dụng các thuật ngữ  “giấy phép lưu hành”, “rút số đăng ký thuốc” chưa đúng với thuật ngữ sử dụng trong Luật Dược năm 2005. Trong công tác đấu thầu mua thuốc có một số thiếu sót, vi phạm.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực Dược, Cục trưởng Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Y tế, đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ trên.

Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định thuộc Bộ Y tế và cá nhân các chuyên gia thẩm định trực tiếp chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký đối với 7 thuốc, cấp phép nhập khẩu đối với 3 thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix.

UBND các địa phương và Ban Giám đốc các bệnh viện được kiểm tra chịu trách nhiệm trực tiếp về những tồn tại, vi phạm trong đấu thầu mua thuốc tại địa phương, đơn vị.

Hiện TTCP đã chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

254 bị can bị truy tố liên quan đến vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

Bị can Trần Kỳ Hình - Nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: CA)
(PLVN) - Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau cảnh báo khẩn

Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau cảnh báo khẩn
(PLVN) - Tối 26/3, ông Trần Quốc Chính – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau (TTTT) thông báo về việc cảnh giác với hành vi giả danh cán bộ, công chức Sở này gọi điện nhằm mục đích lừa đảo.

Bắt thêm nhiều bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil

Đại tá Phan Thành Bá thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: CAND).
(PLVN) - Đại diện lãnh đạo Cục An ninh điều tra Bộ Công an thông tin, liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 11 bị can, trong đó mới bắt tạm giam thêm 4 người về hành vi "Đưa, Nhận hối lộ".