Khuyến khích không bán gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ: Đề xuất gây tranh cãi

Những cảnh mua bán gia cầm sống như thế này có thể bắt gặp ở hầu hết các chợ ở Hà Nội.
Những cảnh mua bán gia cầm sống như thế này có thể bắt gặp ở hầu hết các chợ ở Hà Nội.
(PLO) - Theo dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam lần 1 về chợ kinh doanh thực phẩm mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ này đề xuất một trong những yêu cầu của chợ thực phẩm là không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ. Đề xuất này đang gây tranh cãi, vì nó ảnh hưởng không nhỏ tới thói quen tiêu dùng và kinh doanh của nhiều người.

Đánh giá chợ trên nhiều nhóm yêu cầu

Theo Bộ Công Thương, tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí đánh giá về chợ kinh doanh thực phẩm để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ. Tiêu chuẩn này được áp dụng đối với các chợ kinh doanh thực phẩm nằm trong quy hoạch (trừ chợ nổi trên sông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ tiêu chuẩn này, chợ kinh doanh thực phẩm (Food Market) là chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu của khu vực dân cư, trong đó số cơ sở kinh doanh thực phẩm chiếm từ 50% tổng số cơ sở kinh doanh cố định tại chợ trở lên.

Chợ kinh doanh thực phẩm phải là chợ được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm. Chợ không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác.

Chợ có nội quy chợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh tại chợ, có tổ chức quản lý chợ được thành lập theo quy định (Ban quản lý, Tổ quản lý, Doanh nghiệp, Hợp tác xã), đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Công Thương đề xuất yêu cầu về bố trí đối với chợ kinh doanh thực phẩm, theo đó, chợ được phân khu chức năng thành từng khu vực riêng biệt, tại các khu vực kinh doanh có biển hiệu thông báo. Sàn khu vực buôn bán thực phẩm phẳng, có bề mặt cứng, chịu tải trọng, mài mòn, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh. Trần nhà, mái che, tường, cột làm bằng vật liệu bền, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn. 

Chợ được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nước sử dụng trong chợ phải có đủ nước đá, nước chế biến, bảo quản thực phẩm, có đủ nước phục vụ nhu cầu vệ sinh, sinh hoạt tại chợ và bảo đảm giới hạn các chỉ tiêu chất lượng tại Phụ lục đi kèm. Chợ có hệ thống cống, rãnh thoát nước, có đầy đủ hố ga, lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi và thường xuyên làm vệ sinh, thông tắc. Bộ tiêu chuẩn cũng đưa ra yêu cầu về kho, khu vực bảo quản thực phẩm (nếu có).  Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn này cũng đưa ra yêu cầu về hệ thống phòng cháy và chữa cháy, yêu cầu về vệ sinh môi trường, yêu cầu về nhà vệ sinh với những nội dung khá chi tiết.

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra yêu cầu đối với chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ. Theo đó, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe, được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định. 

Đặc biệt, dự thảo yêu cầu sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm để sản xuất và thực phẩm kinh doanh tại cơ sở. Không sử dụng các chất độc hại để bảo quản sản phẩm; làm sạch và khử trùng trang thiết bị, dụng cụ bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật trước và sau khi bán bằng nước sạch.

Còn cơ sở kinh doanh rau, củ, quả tại chợ phải cam kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chợ không phun, ngâm, tẩm các loại hóa chất cấm (không có trong danh mục được phép sử dụng theo quy định) để bảo quản rau, củ, quả; Có trang thiết bị bày bán rau, củ, quả hợp vệ sinh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; không bày bán rau, củ, quả trên mặt sàn chợ...

Không cấm, chỉ khuyến khích không bán

Nhóm các yêu cầu khác lại là một trong những nội dung thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là đề xuất không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.

Theo lý giải từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bản dự thảo nêu trên là tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng chứ không phải quy chuẩn quốc gia. Như vậy, tiêu chuẩn về kinh doanh thực phẩm trong chợ truyền thống chỉ mang tính khuyến khích, nhằm đảm bảo kinh doanh sạch sẽ, an toàn hơn với người tiêu dùng, không cấm đoán việc bán thịt, gà sống và không cấm giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên việc kinh doanh gia cầm sống trở thành đề tài gây tranh cãi. Trong quá trình xây dựng thí điểm các mô hình chợ an toàn, một số tỉnh, thành phố đã đưa ra yêu cầu không bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ, thay vào đó hình thành những khu giết mổ tập trung nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới cạnh tranh với sản phẩm của siêu thị. 

Ý tưởng đó nhiều năm vẫn chỉ là ý tưởng, bởi vấp phải một “lực cản” lớn là thói quen kinh doanh và tiêu dùng. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ngoài những hàng bán gà vịt mổ sẵn, mỗi chợ còn có đến hàng chục hàng bán gia cầm sống. Chúng được nhốt trong lồng, đặt thẳng xuống đất bất chấp nền đất ướt nhẹp xen lẫn với các mặt hàng rau quả, thịt lợn, cá...

Thế nhưng, những gian hàng tuềnh toàng này lại có một lượng khách lớn và ổn định, nhất là vào dịp ngày lễ, Tết, mùng một hay ngày rằm. Mặc dù cũng không ít gà, vịt được làm sẵn, nhưng khách vẫn sẵn sàng chờ cả chục phút để mua được một con gà sống, chờ giết mổ rồi đem về.

“Ban quản lý chợ cũng nhiều lần vận động chúng tôi không bán gà vịt sống nữa mà chuyển sang bán gà vịt đã giết mổ sẵn. Chúng tôi cũng muốn thế vì bán gà vịt giết mổ sẵn, người bán “nhàn” hơn rất nhiều. Nhưng, người tiêu dùng không muốn mua như thế. Họ muốn chọn mua gà sống, để nhìn tận mắt chất lượng con gà, nên chúng tôi đành phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thôi” – một tiểu thương khu vực chợ Cống Vị (Hà Nội) nói.

Đọc thêm

Tạo dựng thương hiệu muối Bạc Liêu là sản phẩm đặc biệt

Tạo dựng thương hiệu muối Bạc Liêu là sản phẩm đặc biệt
(PLVN) - Năm 2013, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, đến nay có nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

vnEdu Content - Chìa khóa mở tương lai giáo dục số hiện đại

vnEdu Content - Chìa khóa mở tương lai giáo dục số hiện đại
(PLVN) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet, giáo dục số đã trở thành xu hướng quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vnEdu content nổi lên như một nền tảng giáo dục số tiên phong cung cấp môi trường giáo dục số hiện đại với nhiều tiện ích cho giáo viên và học sinh trên cả nước.

VNPT nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G

VNPT nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G
(PLVN) - Chiều 15/4, tại cuộc giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT đã được trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G.

Sắp diễn ra Festival 100 năm cây dừa sáp Trà Vinh

Sắp diễn ra Festival 100 năm cây dừa sáp Trà Vinh
(PLVN) - Dự kiến cuối tháng 8/2024, Trà Vinh lần đầu tổ chức Festival 100 năm dừa sáp được tỉnh Trà Vinh. Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh kết hợp với việc tổ chức Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Công an 'vào cuộc' tham gia quản lý thị trường vàng

Ảnh minh họa.
(PLVN) -  Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Trong đó, NHNN đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Lấy ý kiến về dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp

Sẽ sớm có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các khách hàng lớn và đơn vị phát điện
(PLVN) -  Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành và các bên liên quan về Dự thảo 1 Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).