Hồi sinh sau 'án tử' nhờ ghép tế bào gốc

Hồi sinh sau 'án tử' nhờ ghép tế bào gốc
(PLO) -Ghép tế bào gốc hiện đang trở thành “một cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh về máu nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung. Nhờ phương pháp này mà nhiều bệnh nhân đã thoát “án tử”, trở về với cuộc sống bình thường, viết tiếp tương lai và những dự định còn dang dở.
 

Sinh ra lần thứ hai

Anh Lâm Tiến Bình (SN 1979, trú tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loại (người cho là anh ruột) tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Theo đó, tháng 8/2008, anh Bình được phát hiện mắc bệnh lơ xê mi kinh - một dạng bệnh ung thư máu.

Trước đó, anh Bình đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng thấy chảy máu mắt, đi khám chuyên khoa mắt bác sĩ yêu cầu đi làm xét nghiệm máu vì mắt không đau. Phát hiện máu có dấu hiệu bất thường, anh được chuyển đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Nhận tờ kết quả ung thư máu ác tính, anh Bình thực sự tuyệt vọng, cơ hội chữa khỏi gần như không có, mọi thứ hoàn toàn đảo lộn.

Sức khỏe xuống rất nhanh, mới đầu nhập viện anh còn đi lại bình thường nhưng sau khoảng hơn một tháng đã không thể bước đi. Khi đó anh nghĩ có lẽ cuộc đời mình sẽ sớm chấm dứt.

Sau 3 tháng điều trị, anh Bình được các bác sĩ chỉ định ghép tế bào gốc. Với anh cũng như nhiều người khác lúc ấy, phương pháp ghép tế bào gốc là một khái niệm vô cùng mới mẻ và xa vời. Dẫu biết chỉ là tia hi vọng mong manh, anh cũng gật đầu đồng ý.

Kể từ sau khi kết thúc ca ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh Bình chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó đến nay đã gần 8 năm trôi qua, anh vẫn khỏe mạnh, sống một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và không phải điều trị thêm bất kỳ một loại thuốc nào.

Bệnh nhân Lâm Tiến Bình

Bệnh nhân Lâm Tiến Bình

Hơn một năm trước, chị Hoàng Thị Thùy Linh (SN 1986, quê Quảng Bình), sau một đợt sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, đi bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc ung thư máu. Sau khi điều trị được 3 tháng, các bác sĩ của Viện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã quyết định sẽ tiến hành ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt, chị Linh là trường hợp đầu tiên được viện tiến hành ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng không cùng huyết thống do bệnh nhân không có anh, chị em ruột hiến tế bào gốc phù hợp.

Sau một năm thực hiện ca ghép, chị Linh đã trở lại là một cô gái xinh tươi và khỏe mạnh. Chị vui mừng chia sẻ: “Hồi đấy trông tôi gầy lắm, nhưng từ khi ca ghép thành công, tôi tăng cân và khỏe hơn trước nhiều”.

Bệnh nhân Hoàng Thùy Linh

Bệnh nhân Hoàng Thùy Linh

Cũng giống như anh Bình, chị Linh, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1989, quê ở Bắc Giang) cũng không may mắc phải căn bệnh ung thư máu. Việc điều trị với chị Hương chỉ mang tính duy trì, kéo dài sự sống. Bệnh chuyển biến càng xấu, nguy cơ tử vong cao bởi chị mắc thể ung thư máu nặng.

Từ một cô gái khỏe mạnh, sở hữu cân nặng trên 50kg, khi lâm bệnh, chị chỉ còn hơn 30kg, tóc rụng hết vì những cơn sốt triền miên, những đợt xạ trị (truyền hóa chất) liên tục.

Nhớ lại quãng thời gian mang trọng bệnh, chị Hương kể: “Lúc đó sức khỏe tôi yếu lắm rồi, tình thần thì gần như là vô vọng, hết phương cứu chữa. Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ cũng không ổn định, cứ luôn lo sợ đến ngày phải rời xa cả gia đình. Tôi chỉ biết khóc, giấu mình, không dám đi ra ngoài, không dám đối diện với bất cứ ai”.

Mắc bệnh ở giữa lúc tuổi trẻ đang đầy nhiệt huyết, hoài bão và ước mơ, chị Hương như rơi xuống vực thẳm đen tối của cuộc đời. Những ngày điều trị tại viện là khoảng thời gian buồn chán nhất đối với chị khi xung quanh là bốn bức tường trắng lạnh lẽo. Chị cảm thấy buồn chán cho số phận hẩm hiu của mình, thấy thương cho bố mẹ, chỉ có ánh sáng qua khe cửa sổ là cầu nối giữa chị và thế giới bên ngoài.

“Một vài bạn nằm cùng khoa ghép tế bào gốc đã chán nản, tuyệt vọng, thậm chí có bạn đã tự tử sau khi biết tin mắc bệnh giống tôi. Cũng đã có lúc tôi dặn dò bố mẹ như chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi rằng, khi tôi mất thì mặc quần áo gì, rồi mua cho tôi những món đồ gì tôi thích, thậm chí tôi còn chọn sẵn cả tấm hình nào sẽ dùng để làm ảnh thờ mình…”, chị Hương nhớ lại những ngày u ám nhất của đời mình.

Sau gần một năm điều trị, tháng 3/2013, chị Hương được các bác sĩ chỉ định ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc được lấy từ người chị gái ruột. Niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa với Thanh Hương và gia đình khi ca ghép thành công, chị đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu sống còn với “thần chết”.

Tháng 6/2013, chị Hương được trở về với gia đình. Sau 2 năm ghép tế bào gốc và điều trị, đến nay, sức khỏe của chị đã ổn định. Gặp lại chị, trước mắt chúng tôi là một cô gái khỏe mạnh, năng động và tự tin. Nhìn những nụ cười luôn nở trên môi chị, không ai nghĩ cô gái 8X đã từng trải qua quãng thời gian vật lộn và chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác.

“Tôi mong rằng sẽ có nhiều bệnh nhân được cứu chữa thành công như tôi, những cô gái, những chàng trai với tương lai ở phía trước, những em bé không may mắn mắc bệnh máu sẽ được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc để có cơ hội hồi sinh”, chị Hương xúc động tâm sự.

Tia sáng cuối đường hầm

Phương pháp ghép bào gốc không chỉ cứu những người mắc bệnh ung thư máu thoát khỏi “án tử” mà còn mở ra cơ hội sống cho nhiều người mắc bệnh nan y khác.

Anh Vũ Quốc Kỳ (SN 1992, trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đã từng suy sụp đối mặt với tử thần vì căn bệnh quái ác suy tủy xương. Anh Kỳ cho biết, căn bệnh âm thầm trong cơ thể từ khi nào không rõ, mãi đến khi vừa bước chân vào năm đầu trung cấp Dược Ninh Bình, anh thấy sức khỏe yếu đi trông thấy, đi khám thì mới phát hiện ra.

Trước khi được ghép tế bào gốc, một tháng ít nhất hai lần anh Kỳ phải nhập viện để truyền máu liên tục, mỗi đợt truyền từ 5-6 bịch máu. Căn bệnh suy tủy xương khiến người bệnh luôn cảm thấy đau đớn, người lúc nào cũng chao đảo, hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, đầu nhức như búa bổ.

Sau 5 năm được ghép tế bào gốc, chàng thanh niên từng suy sụp vì bệnh tật nay đã có sức khỏe bình thường, hoạt động, vận động và làm việc như bao người khác. Năm 2015, anh Kỳ lập gia đình, mái ấm nhỏ của anh cũng vừa đón thêm một thành viên mới.

Bệnh nhân Vũ Quốc Kỳ

Bệnh nhân Vũ Quốc Kỳ

Anh Kỳ chia sẻ, đã có những lúc anh cảm thấy cánh cửa cuộc đời mình dường như đã khép lại, mọi hi vọng dường như chấm dứt, vậy mà giờ đây, cuộc sống với anh như một phép nhiệm màu, anh đã có tất cả, từ sức khỏe cho tới niềm vui gia đình.

Còn anh Nguyễn Thế Hưng (quê ở Nam Định) biết tin mình bị bệnh suy tủy xương khi chưa đến 30 tuổi. Khi đó, anh đang là giảng viên của một trường cao đẳng và cũng vừa mới kết hôn, tương lai, hạnh phúc đang rộng mở trước mắt. Căn bệnh ác tính chẳng khác nào một tai họa giáng xuống khiến anh thất vọng tột cùng.

Anh Hưng chia sẻ: “Tôi thấy mình như người tìm thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm khi được cứu sống nhờ phương pháp ghép tế bào gốc. Giờ đây, mọi hi vọng trong cuộc sống của tôi đã quay trở lại. Sau 5 năm ghép tế bào gốc thành công, tôi lại đang tiếp tục công việc, hiện vợ chồng tôi đã sinh được hai cô con gái xinh xắn”.

Một trường hợp khác cũng được tái sinh nhờ phương pháp ghép tế bào gốc là cô Trần Thị Liêm (62 tuổi, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Từng mang trong mình căn bệnh đa u tủy xương, cô Liêm cho biết, thời điểm “sống chung” với bệnh, sức khỏe cô suy sụp hẳn, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau đớn và không ăn uống được bao nhiêu. Mang trọng bệnh với “án tử” trước mắt, cô rơi vào trạng thái khủng hoảng, bế tắc, gần như tuyệt vọng.

Tháng 7/2012, cô Liêm nhập. “Sau khi ghép tế bào gốc xong, tôi thấy bản thân mình rất khỏe, ăn uống sinh hoạt bình thường. Từ cuộc sống gắn liền với bệnh tật, nay, tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, yêu đời và hạnh phúc khi được sum vầy bên con cháu”, cô Liêm vui vẻ nói.

Hạnh phúc vì được khỏe lại, năm 2015, cô Liêm đã sáng tác một tập thơ mang tên: “Thơ viết ở Viện”. Tập thơ với “niềm yêu cháy mãi chẳng tàn” của cô đã lan tỏa niềm tin, nghị lực sống không chỉ cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà cả những người khỏe mạnh khác.

Trong tập thơ ấy, cô Liêm đã dành nhiều trang bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn với các y bác sĩ, đặc biệt là với những người đã thực hiện ghép tế bào gốc cho cô: “Tôi được trở lại chính mính/Nhờ ơn khoa ghép hồi sinh cuộc đời/Niềm vui được thấy mặt trời/Ơn người ghép tủy trọn đời không quên” (trích bài “Lời tri ân”).

Ngân hàng tế bào gốc khoa học và nhân văn

Tại buổi lễ tổng kết 10 năm hoạt động ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ngày 16/5 vừa qua, TS Bạch Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc, với quy trình ghép tế bào gốc ngày càng được hoàn thiện như phác đồ chuẩn của thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Kể từ tháng 11/2006, khi ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương được thực hiện thành công, đến nay Viện đã thực hiện 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại. Đặc biệt, ghép tế bào gốc đồng loại được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực Y học nước nhà và là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012.

Đối với ghép tự thân và đồng loại, tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5/2016 tương ứng là 70% và 63.3%. Đáng chú ý, trong nhóm ghép đồng loại, các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép đạt gần 90%.

Theo TS Khánh, Viện đang mở rộng đối tượng chỉ định được ghép tế bào gốc. Trước đây phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân 65 tuổi với ghép tế bào máu tự thân nay là 70 tuổi, với ghép tế bào gốc đồng loại, độ tuổi đã được nâng lên 55 tuổi.

Còn theo GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), trong hành trình 10 năm thực hiện ghép tế bào gốc, thành công của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính là việc thành lập được ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Theo đó, từ tháng 9/2014 Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương thu thập máu dây rốn từ những người phụ sản tình nguyện hiến. Đến nay, viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2.400 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2.050 đơn vị máu dây rốn cộng đồng.

100% các mẫu dây rốn được sàng lọc theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Tất cả các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đều được xét nghiệm kháng nguyên bạch cầu người (HLA) độ phân giải cao và sẵn sàng tìm kiếm với xác suất tìm được mẫu máu dây rốn phù hợp HLA tối thiểu 4/6, đủ liều tế bào có nhân và CD34 lên tới 97%, kể cả các trường hợp bệnh nhân cần ghép là người lớn.

Ghép tạng thì các chỉ số tương thích không cần cao nhưng ông Trí cho biết, ghép tế bào gốc thì chỉ số HLA phải cao mới làm được vì nếu không tương thích sẽ xảy ra phản ứng có thể gây tử vong ngay cho bệnh nhân.

Cho đến nay, Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại viện nói riêng và bệnh nhân mắc các bệnh về máu của Việt Nam nói chung.

Nói về ý nghĩa của việc ra đời ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng đây là kỹ thuật có có ý nghĩa nhân văn rất lớn, vì thay bằng máu dây rốn là rác thải y tế, nay lại trở thành phương thuốc kỳ diệu cho người bệnh. Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã mở ra hi vọng cho những người bệnh không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại này.

“Nguồn tế bào gốc được lưu trữ không chỉ được sử dụng để điều trị bệnh máu mà còn có thể sử dụng cho để ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh khác như: Tiểu đường, parkinson, bệnh lý thần kinh … Trong hiện tại và tương lai, chắc chắn ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng sẽ cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân và trở thành tài sản chung của toàn xã hội”, ông Trí nói.

GS. TS Nguyễn Anh Trí cho hay, để đảm bảo nguồn tế bào gốc ghép điều trị cho bệnh nhân, trong thời gian tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ thu thập và tạo nguồn tế bào gốc đa dạng, chất lượng bao gồm tế bào gốc từ máu ngoại vi của người hiến cùng huyết thống, từ máu dây rốn cộng đồng và từ dịch tủy xương.

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí

Tuy nhiên, ông Trí cũng bày tỏ: rào cản lớn nhất với hầu hết bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc là chi phí lớn. Như với một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng trong đó Quỹ BHYT chi trả khoảng 50%. Còn với ghép tế bào gốc đồng loại chi phí từ 600 - 800 triệu, trung bình người bệnh phải chuẩn bị số tiền khoảng 200 - 300 triệu đồng, là số tiền không tưởng với các bệnh nhân là lao động, người làm nông…

Do vậy, bên cạnh việc mở rộng chỉ định được ghép tế bào gốc để cứu nhiều người bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang tiếp tục nỗ lực làm việc với đơn vị chi trả BHYT để người bệnh được thanh toán tốt nhất, tạo cơ hội được chữa trị cho những người bệnh hiểm nghèo.

Tế bào gốc có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể tạo ra các loại tế bào, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho tế bào và mô cơ quan bị tổn thương, mất chức năng. 

Đọc thêm

Phát động chương trình 'Vaccine – hành trình miễn dịch'

Phát động chương trình 'Vaccine – hành trình miễn dịch'
(PLVN) - Bộ Y tế và Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số VTV Digital, công ty Cổ phần Sữa VitaDairy Việt Nam vừa phối hợp cùng phát động chương trình “Vaccine - Hành trình Miễn dịch” cùng thông điệp “Chia sẻ hiểu biết đúng về Vaccine (Vắc xin) để cùng nhau đi trên hành trình đến ngày mai không dịch bệnh”.

Bộ Y tế: Phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc

Bộ Y tế: Phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc
(PLVN) - Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 (Vero Cell), Inactivated, được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc, nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Giải pháp cho người viêm mũi dị ứng, viêm xoang hắt hơi liên tục

Giải pháp cho người viêm mũi dị ứng, viêm xoang hắt hơi liên tục
(PLVN) - Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, nhức nặng mặt là các dấu hiệu điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Tình trạng bệnh thường nặng hơn khi thời tiết thay đổi, môi trường khói bụi, không khí ô nhiễm , hoặc tiếp xúc với các yếu tố lạ như lông vật nuôi, phấn hoa,…

Chủ động phòng viêm hô hấp cho trẻ khi nhiệt độ thay đổi đột ngột

Chủ động phòng viêm hô hấp cho trẻ khi nhiệt độ thay đổi đột ngột
(PLVN) - Thực hiện sớm các biện pháp phòng viêm hô hấp cho trẻ là giải pháp chủ động, hiệu quả giúp bảo vệ trẻ trước những tác động xấu từ môi trường, nhất là khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Không những thế, đây còn là giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Bệnh viện C Thái Nguyên: Vững vàng vượt qua khó khăn viết tiếp trang sử mới

Bệnh viện C Thái Nguyên: Vững vàng vượt qua khó khăn viết tiếp trang sử mới
(PLVN) Bệnh viện C Thái Nguyên tiền thân là Bệnh viện Công ty xây lắp II trực thuộc Bộ Cơ khí luyện kim, từ năm 1988 bệnh viện được chuyển về theo sự quản lý của Sở Y tế Bắc Thái (nay là sở y tế Thái Nguyên). Theo dòng chảy thời gian, trải  qua 32 năm phát triển được sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng, sự chú trọng bồi dưỡng nâng cao tay nghề của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đến nay Bệnh viện C Thái Nguyên đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành Bệnh viện Đa khoa hạng I với quy mô 700 giường bệnh, được tổ chức thành 31 khoa, phòng và 610 cán bộ viên chức, người lao động (CBVCLĐ).

5 biện pháp giúp bảo vệ người tiểu đường trước đại dịch

PGS, TS. Đoàn Văn Đệ -  chuyên gia lĩnh vực Tim - Thận - Khớp và Nội tiết
(PLVN) - Tiểu đường là bệnh có tỷ lệ mắc bệnh cao, nhiều biến chứng mạn tính và đặc biệt dễ lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng và khả năng nhiễm Covid-19 cao. Vậy người tiểu đường cần làm gì để bảo vệ mình trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia lĩnh vực Tim - Thận - Khớp và Nội tiết -  PGS, TS. Đoàn Văn Đệ.

Đột phá trong công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày

Đột phá trong công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày
(PLVN) - Trên thị trường hiện nay có hàng loạt các sản phẩm đông dược điều trị bệnh dạ dày nhưng cái tên Sản phẩm vẫn đang tạo nên cơn sốt bởi sở hữu những ưu thế vượt trội. Đặc biệt hiện nay, phiên bản mới của sản phẩm được nâng cấp nhờ công nghệ lõi tân tiến mang đến kết quả hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất cho người bệnh.

Ích Tiểu Vương - Giải pháp giúp cải thiện tiểu nhiều lần hiệu quả

Ích Tiểu Vương - Giải pháp giúp cải thiện tiểu nhiều lần hiệu quả
(PLVN) - Tiểu nhiều lần là một trong những rối loạn tiểu tiện phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe người mắc. Để hỗ trợ cải thiện tiểu nhiều lần an toàn, hiệu quả, hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu không ngừng và cho ra đời giải pháp từ thiên nhiên mang tên Ích Tiểu Vương.