Sau tất cả là những cái ôm

Dũng là người đầu tiên Chung ôm để ăn mừng chiến thắng. Ảnh minh họa
Dũng là người đầu tiên Chung ôm để ăn mừng chiến thắng. Ảnh minh họa
(PLVN) - Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục phổ thông được cho là số một thế giới, có cái nhìn rất bao dung về những sai lầm và thất bại. Thậm chí họ còn khởi xướng một ngày gọi là “Ngày lễ Thất bại” (National Day of Failure) vào 15/8 hằng năm… Sau sai lầm của thủ  môn Bùi Tiến Dũng trong trận Indonesia là những chỉ trích mang tính… sát thương của những người hâm mộ đã từng tung hô cậu ấy ở Thường Châu. Thì nay, chính họ quay lưng lại bỉ bôi như một sự bội phản…

Thầy Park - người truyền lửa 

Như vậy là Đội tuyển U22 Việt Nam tiếp tục có chiến thắng thứ 4 liên tiếp tại vòng bảng SEA Games 30. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi do công của Hà Đức Chinh ở phút 85.

So với trận thắng Indonesia 2-1 hôm 1/12, Việt Nam đã thay tới 6 vị trí đá chính. Một trong những người xuất phát trận trước bị mất chỗ trận này là Bùi Tiến Dũng, thủ môn mắc sai lầm dẫn tới bàn thua được cho là ngớ ngẩn ở hiệp 1. Tuy nhiên, Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo khẳng định ông không trừng phạt thủ môn Bùi Tiến Dũng.

“Mọi người đừng hiểu nhầm. Tôi thay Dũng không phải vì lỗi của cậu ấy trước  Indonesia. Dũng là thủ môn rất tốt, nhưng hôm nay, Singapore rất mạnh về bóng bổng, nên tôi chọn Văn Toản, người phù hợp hơn. Còn những thay đổi nhân sự khác thì xuất phát từ mật độ thi đấu hai ngày một trận. Chúng tôi phải thay đổi để giúp các cầu thủ tránh quá tải và giảm rủi ro chấn thương”, thầy Park giải thích.

Ở trận thắng Indonesia, U22 Việt Nam chơi bế tắc trong hiệp 1 và sai lầm của Tiến Dũng, giúp Indonesia có bàn dẫn trước. Thế nhưng, ở giờ nghỉ giữa hiệp HLV Park Hang-seo đã “truyền lửa” cho các học trò của mình. Ông đã nói rằng, điểm mạnh và bản lĩnh của người Việt Nam là không từ bỏ, vì vậy, hãy chơi đến cùng để tìm chiến thắng.

Có thể nói, dư âm trận cầu giữa Đội tuyển U22 Việt Nam và U22 Indonesia đầy cảm xúc, làm người hâm mộ bóng đá Việt Nam vỡ òa sau một chiến thắng kịch tính. Nếu ở góc độ tích cực, phải “cảm ơn sai lầm” của Bùi Tiến Dũng để người hâm mộ bóng đá Việt Nam được vỡ òa trong hạnh phúc chiến thắng sau những chờ đợi đến nghẹt thở.

Không ít người chỉ trích Bùi Tiến Dũng trong và sau trận đấu. Thế nhưng, khi nhìn thấy “cái ôm” của Thành Chung với Dũng sau khi ghi bàn thắng gỡ hòa; cái ôm của thầy Park với Dũng sau trận đấu mới thấy, thầy Park đã dạy học trò của mình những bài học về tinh thần đồng đội, về sự thấu hiểu và thương yêu nhau…

Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của thầy Park Hang-seo
 Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của thầy Park Hang-seo

Kết thúc trận đấu, Bùi Tiến Dũng là người Chung ôm ăn mừng đầu tiên; một hành vi của người biết “chân lý” ai cũng có thể mắc sai lầm; tha thứ sẻ chia là cách đỡ người khác đứng lên sau thất bại. Sau trận đấu, HLV Park Hang-seo đã bình thản trả lời khi nhận được câu hỏi về sai lầm của Bùi Tiến Dũng: “Mọi sai lầm của cầu thủ trên sân đều là lỗi của ban huấn luyện”.

Và khi chúng ta đang loay hoay với kỷ luật học sinh như thế nào cho đúng? Dẫu đúng pháp luật chắc không khó bởi cứ làm đúng quy trình, các bước trong thông tư, nghị định hướng dẫn. Cái đúng mà ta cần hướng đến là làm sao cho học sinh vượt qua chính mình, trở thành người có ích cho xã hội, cho gia đình. Khi thầy giáo được học trò coi là niềm tin, tình yêu của mình thì không khó khăn, thử thách nào mà chúng không vượt qua.

Xin đừng “bội phản”

Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục phổ thông được cho là số một thế giới, từ trường học đến xã hội, có cái nhìn rất bao dung về những sai lầm và thất bại. Thậm chí họ còn khởi xướng một ngày gọi là “Ngày lễ Thất bại” (National Day of Failure) vào 15/8 hằng năm. Ngạn ngữ Việt cũng có câu “thất bại là mẹ thành công” nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Một biên tập viên đã pha trò về sai lầm này ngay phần bình luận cuối trận đấu trên sóng truyền hình quốc gia. Anh ấy giả bộ điện thoại cho Đặng Văn Lâm (thủ môn Đội tuyển Việt Nam): “A lô, Văn Lâm đấy ạ, nếu như không có việc gì thì Lâm có thể đặt vé đến Manila ngay lúc này được không, chúng tôi đang rất cần người”. 

Còn nhớ, ở giải trẻ châu Á, Dũng đã cản phá thành công bao quả penalty, người hâm mộ “ca” Dũng như người hùng. Sau trận Thường Châu tuyết trắng, Bùi Tiến Dũng một bước trở thành “crush quốc dân”. 

Trường hợp của thủ môn Đặng Văn Lâm trước đây cũng vậy. Vừa được tung hô là hậu duệ gốc Việt sau chức vô địch AFF Suzuki cup 2018, mọi khoảnh khắc của Lâm trong khung thành đều trở thành khoảnh khắc xúc động thu hút nhất thời điểm đó. Chưa đầy một tháng sau, ở ASIAN Cup,  Lâm đã trở thành tội đồ khi được cho rằng, đã đứng sai vị trí, dẫn đến bàn thua từ một pha sút phạt cố định, dẫn đến kết quả chung cuộc Việt Nam thua Iraq.

Chỉ vài ngày sau, người ta lại tung hê Văn Lâm khi em “múa quạt” cản được 2 cú sút luân lưu, đưa Việt Nam lần đầu vào vòng 8 đội mạnh nhất châu Á và chơi như “lên đồng” ở trận gặp Nhật Bản. Người ta chẳng ngại trao cho một “tội đồ” trước đó mấy ngày các loại danh xưng với đầy mỹ từ: Người nhện, De Gea nhập…

Nhiều người cho rằng, đá banh thôi mà! Có thể bao dung hơn một chút được không? Ai trong nghề nghiệp của mình chưa từng mắc sai sót? Nhất là khi họ chỉ là những cầu thủ tuổi đời còn rất trẻ. Biết đâu, chính sự bao dung của chúng ta, một lần nữa lại đưa các em ấy quay trở lại đỉnh cao phong độ. Rất mong sao, các em học sinh vẫn được phép có những sai lầm ngớ ngẩn nhất chứ không phải là cỗ máy quá hoàn hảo. 

Điều dễ nhận thấy là sản phẩm của nền giáo dục tốt luôn có kết quả đẹp. Khi mà, học trò vẫn vậy, vẫn là những lứa cầu thủ dưới tay của các đời HLV trước nhưng thầy Park đã thổi một làn gió mới. Không chỉ “chơi đẹp” với đối thủ, biết bảo vệ đồng đội mà còn rất đáng gờm trước mọi đối thủ.

Bóng đá là một môn thể thao đỉnh cao, dù có là những huyền thoại thế giới thì cũng không thể trọn đời bất bại. Cuộc sống cũng như vậy, chẳng ai đứng mãi được trên đỉnh vinh quang. Ai dám nói là cả đời tôi sẽ toàn thành công? Các cầu thủ họ sẽ chỉ có thể cống hiến hết mình nếu như họ biết được đằng sau họ là sự ủng hộ nhiệt thành của những người hâm mộ chung thủy.

Ủng hộ khi thành công và sẻ chia cả khi thất bại. Họ nhảy múa, hát ca hò reo khi đội nhà chiến thắng. Nhưng khi thua, không một lời trách móc, chửi rủa hay đổ lỗi, họ nắm tay nhau lặng lẽ đi về, nhiều khi là trong nước mắt. Họ yêu và cháy hết mình vì tình yêu bóng đá và trung thành tuyệt đối  trong tình yêu với đội tuyển mà họ đã lựa chọn…

Bởi sự chỉ trích mang tính sỉ nhục danh dự người khác, nếu không đủ bản lĩnh và sự trưởng thành có thể làm gục ngã một con người không thể quay trở lại sự nghiệp được nữa… Hoặc nhẹ hơn là sự trầm cảm và sợ hãi đám đông. Còn nhớ Văn Toàn, Xuân Trường, Quế Ngọc Hải đã từng gạt nước mắt sau mỗi trận cầu thất bại.

Công Phượng đã từng trầm cảm trước những bủa vây của sự chỉ trích, thậm chí ném nước, la hét của cổ động viên… Trong khi, họ là những con người, những chàng trai còn rất trẻ ra sân với ngôi sao trên ngực trái, kiên cường vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Hãy để họ được ra sân để thăng hoa chứ không phải mang trên vai cây thập tự quá nặng của áp lực và sự “bội phản” nếu… thua. 

Đọc thêm

Vinh danh đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam

Vinh danh đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam
(PLVN) -  Chương trình Vinh quang thể thao Việt Nam tổ chức vào lúc 7h30 ngày 24/3/2024 tại khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (27/03/1946-27/03/2024) và ngày Bác Hồ viết bài “Thể dục và sức khỏe” kêu gọi đồng bào tập thể dục.