Ông Donald Trump phát biểu “gây sốc”: Nhà Trắng lại cuống cuồng “dập lửa”

 Ông Trump và ông Putin tại cuộc gặp ở Phần Lan.
Ông Trump và ông Putin tại cuộc gặp ở Phần Lan.
(PLO) - Nhà Trắng trong tuần qua lại một lần nữa phải chật vật tìm cách kiểm soát những bất bình trong giới chính trị gia và người dân Mỹ vì hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cụ thể là những phát biểu của ông Trump tại cuộc gặp giữa 2 người.

Phát biểu gây bão

Sóng gió bắt đầu nổi lên từ sau cuộc họp báo của ông Trump và ông Putin ở Helsinki, Phần Lan diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 bên. Theo CBS, trong cuộc họp báo hôm 16/7, ông Trump đã khiến nhiều người sửng sốt khi tuyên bố ông thấy “không có lý do gì để nghĩ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016” hòng giúp ông đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.

Đứng bên cạnh Tổng thống Nga, ông Trump gọi cuộc điều tra về nghi vấn có sự can thiệp đang được công tố viên đặc biệt của Mỹ thực hiện là “thảm họa của đất nước chúng tôi”. Tổng thống Mỹ cũng mô tả nước Mỹ đã “ngốc nghếch” vì để quan hệ hai nước xấu đi.

Những phát biểu này ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng kịch liệt từ truyền thông, chính khách và giới lập pháp Mỹ. Thậm chí, nhiều thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông Trump đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình đối với phát biểu của ông khi ông mới đang chuẩn bị ra sân bay để rời Phần Lan về nước. Trên báo chí và mạng xã hội Mỹ, những cụm từ mạnh như “đáng xấu hổ”, “thảm bại”… đã được sử dụng để chỉ trích ông Trump. 

Một bài phân tích trên tờ The Washington Post cho rằng, với phát biểu trên, ông Trump đã công khai quay lưng lại với đội ngũ tình báo của chính ông. Đặc biệt, phát biểu đó lại còn được ông đưa ra khi đang đứng cạnh nhà lãnh đạo Nga – nước vẫn luôn được xem là một đối thủ của Mỹ. “Vào ngày mà hoàn cảnh đòi hỏi tổng thống Mỹ phải thể hiện được sức mạnh và sự kiên quyết của mình ông Trump trái lại lại cho thấy sự quy phục, lập lờ và nhu nhược”, bài báo viết. 

Tờ New York Times cũng cho rằng những phát biểu của ông Trump tại Phần Lan là những lời mà “không tổng thống Mỹ nào nên thốt ra khi ở trên đất nước của người khác”. “Thay vì bảo vệ nước Mỹ trước những người sẽ đe dọa nó, ông ấy lại đi tấn công chính các công dân và thiết chế của mình”, New York Times phê phán.

Hãng tin Fox News vốn luôn ủng hộ ông Trump cũng phải nhận xét rằng, đối với một tổng thống đương nhiệm của Mỹ, việc công khai nói rằng tin tưởng một nhà lãnh đạo nước ngoài hơn đội ngũ tình báo của mình là chuyện “gây sốc và đáng lên án”. 

Trên thực tế, theo các nhà quan sát, ông Trump dường như muốn chứng minh tính chính danh của chiến thắng mà ông giành được trong cuộc bầu cử 2016. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lẽ ra ông nên nhìn vào hoàn cảnh để có thể đưa ra những phát biểu phù hợp.

Thế nhưng, tại Phần Lan, ông đã để các phát biểu của mình đi quá xa so với những mục tiêu chính sách của Mỹ, thể hiện rõ sự đối lập trong chính quyền. Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain thuộc đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng chỉ trích màn thể hiện của ông Trump trước Tổng thống Nga.

“Tôi đã… nói nhầm!”

Đối mặt với sự giận dữ của các nghị sỹ ở cả 2 đảng, trong lần duy nhất kể từ khi nhậm chức cho đến nay thừa nhận sai lầm, Tổng thống Mỹ ngày 17/7 đã lên tiếng đính chính các phát biểu tại Phần Lan. Cụ thể, trước các phóng viên, ông Trump tuyên bố ông công nhận kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

“Tôi tin tưởng hoàn toàn và ủng hộ các cơ quan tình báo của Mỹ. Tôi luôn có niềm tin như vậy”, Tổng thống Mỹ nói nhưng vẫn khẳng định hành động của Nga không hề tác động đến kết quả của cuộc bầu cử. 

Theo Tổng thống Mỹ, ông đã xem lại đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn chung cũng như gỡ băng các phát biểu của ông và nhận thấy ông “cần làm rõ một số vấn đề” về phát biểu liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. “Trong câu then chốt trong phát biểu của tôi, tôi lại nói “là” thay vì “không phải là”. Câu nói của tôi lẽ ra phải là: “Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để nghĩ đó không phải là Nga”. Tôi nghĩ tôi đã có chút không rõ ràng nên đã gây tác dụng tiêu cực”, ông Trump lý giải.

AFP cho biết, việc ông Trump chịu tự mình nhận lỗi như trên là kết quả của cả quá trình tính toán và tranh cãi đến nảy lửa ở Nhà Trắng nhằm ổn định tình hình. AFP đưa tin, ngay trong ngày 17/7, ông Trump đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn cảnh báo ông phải lên tiếng. Đến lúc này, các phụ tá của ông Trump nhận thấy rằng việc ông chỉ đưa ra các phát biểu trên mạng xã hội Twitter là không đủ. 

Ông Trump sau đó đã nói chuyện với một số nhà lập pháp quan trọng của Mỹ cũng như một số người thân tín. Sau các cuộc tham vấn này, chính ông Trump tại một cuộc họp với các quan chức trong Chính phủ quyết định rằng ông sẽ đích thân đứng ra tuyên bố là ông đã nói nhầm.

Theo những người thân cận với vấn đề, một trong những lý do chính khiến ông Trump đưa ra quyết định như vậy là do lo ngại các thành viên chủ chốt trong cộng đồng tình báo của Mỹ sẽ từ chức, có thể là Giám đốc an ninh quốc gia Dan Coats hoặc cũng có thể là những người khác.

Thông tin này tỏ ra khá hợp lý bởi CNN dẫn lời cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci cũng cho rằng ông Trump đã mắc “sai lầm chiến lược” ở Phần Lan – một sai lầm có thể đẩy những người ủng hộ ông về phía Đảng Dân chủ.

Trả lời phỏng vấn CNN, ông Scaramucci cũng cho rằng ông Trump phải nhanh chóng thừa nhận rằng ông “lỡ lời” và phải tranh thủ mọi thời gian để phủ nhận những phát biểu tại cuộc họp báo ở Helsinki. “Ông ấy phải đảo lại lời nói”, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng nhận định. Ông Newt Gingrich - cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ và là một đồng minh thân cận của ông Trump - cũng đã khuyên ông Trump nói lại cho rõ về phát biểu của mình.

Theo ông Newt Gingrich, phát biểu đó là “sai lầm nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump” và sai lầm này “cần được sửa chữa ngay lập tức”.

Thay đổi chóng mặt

Ấy thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi thanh minh rằng đã lỡ lời, trước cuộc họp nội các diễn ra ngày 19/7, khi được hỏi liệu Nga có còn nhắm vào các cuộc bầu cử Mỹ sắp tới hay không, ông Trump lại nói “không” – một phát biểu hoàn toàn trái ngược. Ngay lập tức, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lại phải đứng ra giải thích rằng tổng thống chỉ nói “không trả lời thêm câu hỏi”. Bà Sanders cũng giải thích rằng ông Trump tin mối đe dọa Nga can dự bầu cử vẫn còn. 

Ít giờ sau, trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, ông Trump mạnh mẽ tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cho ông Putin vì ông là người lãnh đạo nước Nga và phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với đất nước. Ông Trump cũng khẳng định rằng không có vị tổng thống nào cứng rắn với Nga như ông.

Phát biểu của ông Trump vẫn không làm hài lòng một số nhà lập pháp Mỹ. Theo Reuters, các thượng nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu người đã làm nhiệm vụ phiên dịch cho ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan ra điều trần trước Quốc hội để khai báo về nội dung mà ông Trump đã thảo luận với ông Putin.

“Tôi kêu gọi tiến hành phiên điều trần với người phiên dịch Mỹ có mặt khi Tổng thống Trump gặp ông Putin để làm rõ những gì họ đã thảo luận riêng. Người phiên dịch này có thể giúp xác định những gì ông Trump đã thay mặt chúng ta chia sẻ hoặc hứa hẹn với ông Putin”, Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen viết trên Twitter. 

Hạ nghị sỹ Bill Pascrell trong một bức thư gửi Ủy ban giám sát Hạ viện Mỹ cũng ủng hộ đề xuất này. Ông Pascrell cho rằng Hạ viện cần biết ông Trump và ông Kim đã thỏa thuận những gì trong cuộc thảo luận 1-1 trước khi bước vào hội đàm mở rộng vì Nga đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận đó. 

Đến nay, một số thỏa thuận trong số này chưa được công bố. Nữ phiên dịch đã được có mặt trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin là bà Marina Gross – một người đã làm việc cho Chính phủ Mỹ từ năm 2008, trong đó có nhiều năm làm việc tại Bộ Ngoại giao nước này. Nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng cũng nhất trí soạn thảo dự luật mới để gia tăng trừng phạt Nga.

Và, một ngày sau khi đưa ra tuyên bố mà chính ông thừa nhận ông Putin có thể sẽ không vui khi nghe thấy nói trên, ngày 19/7 vừa qua, ông Trump lại cho biết ông mong chờ được gặp lại ông Putin để bắt đầu triển khai các vấn đề mà 2 bên đã thảo luận tại cuộc gặp của 2 ông tuần qua. Cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được lên kế hoạch tiến hành trong mùa thu này, và địa điểm là tại Washington.

Đọc thêm

Công dân Việt Nam tại Israel và Iran vẫn an toàn

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
(PLVN) - Bộ Ngoại giao ngày 14/4 cho biết, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp và tiếp tục leo thang.

Chuyện về ngành quảng cáo toàn cầu

Quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh: tinhte.vn)
(PLVN) - Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, quảng cáo là một phương tiện tiếp thị chủ chốt giúp đưa thông điệp về sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Với thị trường rộng lớn, ngành quảng cáo toàn cầu thu lại lợi nhuận khổng lồ và gây ấn tượng với những chiến dịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: baochinhphu.vn.
(PLVN) - Ngày 12/3, tại Hà Nội đã diễn ra "Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng". Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức.

Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng năm mới Lào và Campuchia

Ảnh minh họa: Người dân Lào đón Tết cổ truyền Bun Pi May.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, nhân dịp Tết Bun Pi May của Lào và Tết Chol Chhnam Thmey của Campuchia, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi Thư và lẵng hoa chúc mừng tới Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni; Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany.

LHQ cảnh báo nguồn dự trữ lương thực cho Haiti sắp cạn kiệt

Người dân chạy trốn khỏi khu vực xảy ra đụng độ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 20/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
(PLVN) - Ngày 11/4, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stéphane Dujarric cho biết, nguồn dự trữ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho Haiti có thể cạn kiệt vào cuối tháng này, trong bối cảnh các sân bay quốc tế vẫn không hoạt động.

Tổng thống Ba Lan nêu tin buồn với Ukraine

Tổng thống Ba Lan Duda phát biểu tại họp báo.
(PLVN) - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo ở Litva ngày 11/4 nói rằng Ba Lan không thể chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine vì Ba Lan hiện không có tổ hợp phòng không này.