Triển lãm “Xuân sớm“: Những bức tranh rực rỡ sắc xuân

(PLO) - Một ngày đầu năm 2019, triển lãm mỹ thuật “Xuân sớm” ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đây là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ: Hoàng Đức Dũng, Nguyễn Văn Đức, Lê Trần Hậu Anh, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi.

Phần lớn tranh trong triển lãm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Mỗi người một phong cách, “Xuân sớm” như mở ra một khu vườn mà ở đó mỗi bức tranh giống như một nhành hoa đang khoe sắc.

Người ta thấy ở tranh của Hoàng Đức Dũng (1971) gam màu đỏ hoặc xanh vàng, xám nhạt, và dù là vẽ phong cảnh sông nước hay một người đàn bà đang ngồi phơi nỗi buồn của mình trong sự trần trụi hoang sơ, thì tất cả đều bàng bạc một màu như sương phủ. Sự nhòe nhoẹt, bảng lảng của những gam màu sơn dầu nhiều lớp mỏng đã khiến tranh của Đức Dũng mang cái vẻ man mác u buồn, ở đó người ta cảm giác được sự tĩnh lặng của dòng sông, sự yên ắng của một sớm xuân vùng cao mờ sương, và nét buồn vừa da diết vừa êm dịu của người phụ nữ khỏa thân. Nỗi buồn ấy không khiến người xem nặng lòng, mà nó đủ để họ thấy xao xuyến, bâng khuâng.

Tác phẩm của Hoàng Đức Dũng
Tác phẩm của Hoàng Đức Dũng

Tranh của Nguyễn Quốc Thắng (1976) vẽ những góc phố, góc làng, những mái nhà nâu đỏ, những mảng tường rong rêu… Cứ như thể người họa sĩ đang ngao du trong một chốn mà anh đắm đuối yêu, và hát về những ngõ phố vắng lặng, bình yên bằng giai điệu của những sắc màu. Nét vẽ nhanh, mạnh dạn mà tinh tế, từng vệt màu quệt trên nền toan đều mang dấu ấn của xúc cảm, khiến tranh của Quốc Thắng giàu nhịp điệu mà hài hòa, đẹp mắt.

Tác phẩm của Nguyễn Quốc Thắng
Tác phẩm của Nguyễn Quốc Thắng
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Đức
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Đức

Họa sĩ Nguyễn Văn Đức (1976) được biết đến như một người say đắm với hoa và phong cảnh vùng cao Tây Bắc. Những bức tĩnh vật hoa của anh khi được vẽ bằng bút pháp tả thực lúc lại trở nên bay bổng với những mảng miếng đan xen từ những nhát cọ không còn tỉ mẩn nữa. Tranh phong cảnh của Nguyễn Văn Đức thường là cảnh Hà Giang  hoặc một vùng núi phía Bắc nào đó, lãng mạn và êm đềm. Đó thực sự là những khung cảnh mà người ta muốn bước vào, nó nhẹ nhàng đẹp đẽ như một giấc mơ.

Lê Trần Hậu Anh (1981) mang đến không gian triển lãm những bức tranh rực rỡ vẽ hoa. Nhưng thú vị ở chỗ, người xem cảm giác như đó không chỉ là những bông hoa. Tranh của Hậu Anh chứa đựng trong đó cả sự xôn xao của vườn xuân, cả sự ngỡ ngàng của chú chim bé nhỏ trước những chùm hoa tím ngắt, và có lẽ, cả tiếng chim đang hòa nhịp vào bản nhạc du dương của mùa xuân nữa. Giống như những khung cửa sổ nhìn ra vườn, tranh Hậu Anh khiến người ta mỉm cười bởi vẻ đẹp không thể chối bỏ của một thiên nhiên tràn đầy, được tái hiện bằng những gam màu rực rỡ mà vẫn đằm thắm sang trọng và quyến rũ.

Tác phẩm của Lê Trần Hậu Anh
Tác phẩm của Lê Trần Hậu Anh


Ngô Thị Bình Nhi (1981) là nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm. Nhiều năm theo đuổi đề tài hoa sen mang hơi hướng thiền, lần này chị cho ra mắt thêm những bức sơn dầu vẽ sen đẹp mắt. Tranh sen của Bình Nhi tìm đến sự thuần khiết tĩnh lặng để chiêm nghiệm về cõi thiền. Giống làn hương sen thoảng qua trên mặt hồ im ắng để lại dấu vết vô hình mà lắng đọng của nó, tranh của nữ họa sĩ cũng bày ra một thế giới đẹp mà nhẹ bẫng, ở đó mọi thứ tĩnh tại và hiền hòa, gần gũi và ảo diệu. Thưởng lãm tranh Bình Nhi, người ta thấy nhẹ nhõm nhưng rồi có gì đó cứ níu lại mãi trong lòng, như một thứ hương hoa mỏng manh nhưng bền bỉ.

Tác phẩm của Ngô Thị Bình Nhi
Tác phẩm của Ngô Thị Bình Nhi


Triển lãm “Xuân sớm” khai mạc vào 17h ngày 2/1/2019 và kéo dài đến hết ngày 8/1/2019, sẽ mang tới cho Hà Nội một mùa xuân đến sớm đúng như tên gọi của nó.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.