Thẩm định phim trong nước: Bao giờ 'đồng điệu' với giải thưởng quốc tế?

Phim “Cha cõng con” đoạt “mưa” giải thưởng quốc tế, nhưng vô duyên với giải thưởng trong nước.
Phim “Cha cõng con” đoạt “mưa” giải thưởng quốc tế, nhưng vô duyên với giải thưởng trong nước.
(PLO) - Phim “Cha cõng con” rớt giải ở liên hoan phim (LHP) trong nước, nhưng nhận giải thưởng quốc tế, được đánh giá cao, “Đảo của dân ngụ cư” không được dư luận trong nước quan tâm, nhưng nhận “mưa” đề cử và giải thưởng danh giá quốc tế… 

Đó chỉ là vài trong nhiều trường hợp phim Việt bị “ghẻ lạnh” bởi chính những nhà chuyên môn trong nước, nhưng ghi điểm tại nước ngoài, và ngược lại. Phải chăng đây là một “nghịch lý” của điện ảnh Việt?

“Lời nguyền” của tác phẩm điện ảnh Việt

Còn nhớ, hơn một tháng trước đây, “Cha cõng con”, phim của đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng đã gần như ra về trắng tay tại lễ trao giải Cánh Diều 2016 khi chỉ nhận được chiếc Bằng khen từ Ban giám khảo cho hạng mục Phim điện ảnh, trong khi đã được đề cử ở 3 hạng mục: Nam diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Phim điện ảnh xuất sắc... Kết quả này khiến đạo diễn Lương Đình Dũng và êkíp làm phim thất vọng, sau đó, đạo diễn trẻ đã có một hành động khiến dư luận ngỡ ngàng là trả lại tấm Bằng khen này.

Ngược với kết quả trong nước, tại LHP Quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” đã được vinh danh giải “Phim có cốt truyện hay nhất”. Ở LHP Quốc tế Arizona lần thứ 26 phim “Cha cõng con” đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” và giải “Quay phim ấn tượng nhất” do Ban giám khảo bình chọn dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng. Mới đây, phim tiếp tục đoạt giải “Quay phim xuất sắc nhất” của LHP Quốc tế Milano lần thứ 17 của Italy. Đây đều là những giải thưởng lớn của các liên hoan phim uy tín quốc tế, điều mà nhiều người làm nghề đều mơ ước chạm đến.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng là người từng thấm thía “lời nguyền” phim được quốc tế ghi nhận sẽ “vô duyên” tại giải thưởng điện ảnh Việt. Năm 2004, tác phẩm “Hạnh phúc đỏ” của anh chỉ giành giải khuyến khích ở Cánh Diều Vàng, nhưng sau đó được chọn chiếu tại LHP lớn của Pháp. Năm 2007, tương tự, phim “Chuyện ông Mờ”  của Lương Đình Dũng nhận được Bằng khen của Ban giám khảo Cánh Diều Vàng, nhưng sau đó được giải Phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Tokyo lần thứ 29. 

Mới đây, tác phẩm điện ảnh đầu tay của nghệ sĩ Hồng Ánh, “Đảo của dân ngụ cư” giành được 8 đề cử quan trọng, lập kỷ lục của LHP Quốc tế ASEAN - AIFFA 2017, sau đó 3 giải thưởng quan trọng, trong đó có giải thưởng cao nhất Phim hay nhất, là một tin vui, một niềm tự hào không nhỏ cho điện ảnh Việt. Trước đó, tại Việt Nam, phim chưa được nhận giải thưởng Việt nào, và cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng.

Lựa chọn tròn trịa, điện ảnh khó đột phá

Câu chuyện phim Việt được đánh giá cao tại các giải thưởng quốc tế, nhưng bị giới chuyên môn thờ ơ, giải thưởng trong nước quay lưng đã không còn là chuyện hiếm. Nhắc lại chuyện xưa, có thể kể đến phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, không được ghi nhận tại LHP Việt Nam 2009, nhưng giành giải của Hiệp hội Phê bình điện ảnh thế giới tại LHP hoan  danh tiếng Venice. Phim “Nước 2030” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được chọn chiếu khai mạc chương trình Toàn cảnh của LHP Quốc tế Berlin - Đức, và đoạt giải Phim truyện xuất sắc nhất ở LHP Quốc tế San Pedro, California, Mỹ…, nhưng lại ra về tay không tại LHP Việt Nam 2015…

Theo một nhà làm phim lý giải, vấn đề là ở chỗ, mỗi giải thưởng điện ảnh Việt luôn có những tiêu chí riêng, và hầu hết những tiêu chí này đều rất “an toàn”. Trong khi đó, các phim đoạt giải quốc tế đều là những tác phẩm mới, thậm chí lạ, khó cảm thụ với cách xây dựng đặc biệt, tiệm cận với điện ảnh phương Tây. Vì thế, các phim này dù có gây ra chút tranh cãi trong nội bộ giám khảo, thì rút cục hầu hết vẫn bị từ chối.

Cứ nhìn vào danh sách những phim đoạt giải của các liên hoan phim, các giải điện ảnh uy tín trong nước, sẽ thấy rõ “cái gu” của các nhà chuyên môn phim Việt: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cuộc đời của Yến”, “Những đứa con của làng”– ba tác phẩm đoạt giải cao nhất của LHP Việt lần thứ 19; LHP Việt lần thứ 18, thì kết quả dường như được giới chuyên môn đoán ra hết từ trước khi trao giải: “Những người viết huyền thoại” nhận giải Bông Sen Vàng cùng với phim thị trường “Scandal - Bí mật thảm đỏ” (!), phim “Lạc lối”, “Thiên mệnh anh hùng” đoạt giải Bông Sen Bạc.

Đi dần về các LHP trước đó cũng thế, hầu như có thể thấy, kết quả được đoán định trước khi trao giải gần như là chính xác, bởi những phim được trao giải, tất nhiên là hay, nhưng có một yếu tố chắc chắn hơn, là không quá phá cách, tròn trịa, an toàn.

Tất nhiên, mỗi một giải thưởng điện ảnh đều phải có một tiêu chí riêng, nên việc phim đoạt giải ở liên hoan này, nhưng bị “ghẻ lạnh” ở giải thưởng khác cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng, nếu câu chuyện nghịch lý trong điện ảnh này diễn ra từ năm này sang năm khác, thì có lẽ, các giải thưởng trong nước cũng nên xem xét lại tiêu chí lẫn cách thức thẩm định của mình.

Các giải thưởng, các nhà chuyên môn không phải chỉ được lập ra để trao giải mà quan trọng, ngoài sự ghi nhận tác phẩm xứng đáng, phải là cầu nối để đưa các tác phẩm điện ảnh hay đến với công chúng, góp phần xác lập, nâng cao thị hiếu, thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật thứ bảy. Chỉ chăm chăm chọn các tác phẩm điện ảnh không nhiều rủi ro, không quá khác biệt, đã được công chúng ưa chuộng, phải chăng là cách làm ngược của các nhà tổ chức giải thưởng, thay vì làm cầu nối, mở đường cho công chúng, thì chọn con đường dễ, theo cái sẵn có?.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.