NS Phan Huỳnh Điểu mất 12 năm để hoàn thành “Bóng cây Kơ - nia“

(PLO) - Trong tổ ấm của mình ở khu cư xá Bắc Hải, căn phòng đọc sách của nhạc sĩ hướng ra ban công đầy hoa. Trên bàn làm việc có chồng chồng, xấp xấp những bài thơ của bạn bè, người hâm mộ gửi với mong muốn được ông phổ nhạc. Ở đó, ông đọc sách, đọc thơ, viết nhạc và thư giãn bằng cách chăm sóc hoa. Tại thư phòng ấy, ông ngồi dí dỏm kể chuyện mình, nói chuyện đời…
NS Phan Huỳnh Điểu trong đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi.
NS Phan Huỳnh Điểu trong đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi. 
12 năm mới hoàn thành tác phẩm “Bóng cây Kơ -nia”­­
Nhạc sĩ vừa trải qua những đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi tại TP.HCM và quê nhà – Đà Nẵng, ở tuổi này, những hoạt động âm nhạc như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe nhạc sĩ không?
- Tôi vừa từ Đà Nẵng về, vẫn khỏe khoắn ngồi đây trò chuyện. Có lẽ vui quá nên… quên mệt. Ở TP.HCM thì đêm nhạc hoành tráng, bài bản. Ở Đà Nẵng thì đa phần là “cây nhà lá vườn”, ngồi với nhau, hát cho nhau nghe. Nhưng ở đâu tôi cũng thấy vui, ấm áp vì cái tình mà mọi người, mà quần chúng dành cho mình. Cảm động lắm, cứ thấy mình như sống lại thời trai trẻ vậy.
Người ta nói, thời trai trẻ nhạc sĩ sôi nổi lắm, và… yêu cũng nhiều lắm?
- Ồ, nghệ sĩ phải biết yêu, phải biết rung động thì tác phẩm âm nhạc mới có hồn, mới dạt dào cảm xúc. Nhưng nói yêu nhiều thì… hơi quá. Thuở trai trẻ, tôi cũng yêu người này, người khác, cũng có mối tình hẹn hò, cũng có gió thoảng mây bay. Nhưng nghệ sĩ khác người thường ở chỗ, biết tưởng tượng, biết khơi dậy cảm xúc của mình. Có những thời điểm tôi đâu có yêu ai. Có những thời điểm vợ mình đang ở bên mình, thế mà vẫn phổ thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn…” nghe da diết cứ như là đang chịu nỗi nhớ nhung cách xa người thương vậy. Như bài hát “Em như áng mây” mới đây của tôi, phổ thơ Trương Nam Chi, chẳng lẽ ở tuổi 90 này còn yêu đương nhớ nhung nữa hay sao? 
Những lúc sáng tác là mình đang sống lại cảm xúc của mình cái thuở thanh niên, những ngày tháng say đắm của tình yêu thời trẻ đấy. Nhiều người hỏi tôi, mỗi lần phổ những bài thơ tình thành nhạc, chắc là đang yêu một cô nên nhạc mới vui, mới tình thế. Nếu thế thì có lẽ tôi yêu… cô Xuân Quỳnh nhiều nhất. 
Tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ phần nhiều là phổ từ thơ. Những bài thơ ấy đến với nhạc sĩ từ một sự tình cờ, hay sở trường là phổ thơ thành nhạc?
- Cũng có khá nhiều bài tôi viết lời, đó là khi cảm xúc của tôi đủ để hóa thành lời, quyện vào bài hát. Còn khi cảm xúc của tôi không viết nên lời được, mà bắt gặp một bài thơ nào đấy nói hộ được lòng mình, khiến mình thấy rung động, thấy say mê thì mình dùng nhạc để nó bay lên cùng tâm hồn mình. Cũng có nhiều bạn bè gửi tôi phổ nhạc cho thơ họ. Nhưng tôi đâu phổ nhạc vì thân quen, nể nang. Những bài thơ đọc lên thấy thật sự đồng điệu, rung cảm được, tôi mới có thể phổ nhạc. 
Như “Thuyền và Biển” của Xuân Quỳnh, đọc vào thấy hồn mình thành biển, thấy người thương như thuyền, thấy thấm nỗi nhung nhớ, rạn vỡ ấy thì mới thành nhạc được. Nhưng, không chỉ có cảm xúc, âm nhạc còn cần cả sự trải nghiệm. Bài hát “Bóng cây Kơ –nia” tôi sáng tác đúng 12 năm mới hoàn thành - một kỉ lục của chính tôi. Bởi, lần đầu đọc bài thơ  năm 1959, tôi thấy rất cảm, rất thích, nhưng hồi ấy chưa biết đồng bào Tây Nguyên thế nào, chưa gần gũi, hiểu họ, viết ra sao cũng thấy còn thiếu trải nghiệm. Rồi năm 1970 tôi vào chiến trường, cùng sống với người Tây Nguyên, hiểu và yêu thương họ. Trở về, bài “Bóng cây Kơ- nia” mới hoàn thành và ra đời…
Vợ chồng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Vợ chồng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.  
Tâm hồn tôi vẫn như thuở ấy…
Nhạc sĩ đánh giá ra sao về đời sống âm nhạc của một bộ phận nghệ sĩ thời nay, với những hiện tượng không hay như “đạo” nhạc, đem những chiêu trò lố lăng vào nghệ thuật..?
- Thời nào thì cũng có những người như thế. Thời tôi còn trẻ cũng có hiện tượng “đạo” nhạc, nhưng ít ỏi hơn. Bây giờ thì “đạo” nhạc, làm trò “đánh bóng” tên tuổi, ăn mặc hở hang, viết bừa viết ẩu theo đơn đặt hàng… đã trở nên khá phổ biến. Theo tôi, có hai yếu tố khiến hiện tượng này trở nên tràn lan: Người trẻ chưa thật sự có tâm với nghệ thuật, coi âm nhạc là công cụ mưu cầu danh lợi, rồi muốn đến đích nhanh mà không cần quá trình rèn luyện, khổ công… 
Một yếu tố quan trọng khác là do khâu quản lý. Tôi thấy rằng, sự việc thì nhiều mà xử lý từ phía cơ quan quản lý quá ít, nếu có thì cũng quá nhẹ. Ví dụ như chuyện hở hang, vi phạm thuần phong mỹ tục trên sân khấu. Phạt vài ba triệu thì thấm gì so với thu nhập của họ một giờ, một đêm? 
Nói tóm lại là khá nhiều điều để làm, nếu như muốn chấn chỉnh những hành vi này. Nhưng, nói gì thì nói, tôi vẫn tin ở nền âm nhạc của chúng ta. Tôi 90 tuổi, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi đời sống âm nhạc, cả nhạc sĩ, dòng nhạc trung niên cho đến nhạc trẻ bây giờ. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ còn trẻ mà có tài, có tâm lắm. Nền âm nhạc nào rồi cũng có những “con chiên lạc bầy”, nhưng cái đẹp chân chính thì vẫn tồn tại và bao giờ cũng mạnh mẽ hơn những điều không hay…
Trở lại với sự nghiệp âm nhạc, theo nhạc sĩ, cả cuộc đời sáng tác với rất nhiều tác phẩm để đời, đến tuổi này, nhạc sĩ thấy mình đã làm và chưa làm được điều gì?
- Làm được thì cũng không ít, Nhưng chưa làm được chắc khá nhiều. Là con người, ai chẳng có nhiều mong ước, khát khao, có những thứ muốn mà chưa làm được? Tôi cũng là người chưa thể tự hài lòng. Tuổi chừng này, nhưng tôi vẫn nghĩ nếu mình cố gắng hơn nữa thì sẽ đem đến cho quần chúng những tác phẩm âm nhạc hay hơn nữa… Giờ đây, ở tuổi 90, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là sức khỏe. Ba năm trước tôi trải qua cơn bệnh phổi, nặng vậy mà cũng qua khỏi. Tôi chỉ mong trời thương, cho mình sức khỏe để tiếp tục đọc, viết, sáng tác cho đời những tác phẩm hay. 
Ở tuổi này, nhạc sĩ có còn khẳng định “tôi còn trẻ lắm” như mười năm trước đây từng nói?
- À, tôi thì lúc nào cũng thế, tâm hồn trẻ trung, trong sáng, hồn nhiên, chẳng bao giờ già đi, dù thể xác có bao nhiêu tuổi. Mới đây, tôi ra Đà Nẵng dự sinh nhật mình do bạn hữu ngoài ấy tổ chức, tôi lên sân khấu đọc thơ vui, anh em ở dưới vỗ tay nói: “Cái ông ni, 90 tuổi rồi mà vẫn còn hài như hồi nớ lúc còn ở ngoài ni…”. Và âm nhạc, tâm hồn tôi vẫn như thuở ấy, khi nghe bài hát của mình cất lên từ những tiếng hát học trò…

Tin cùng chuyên mục

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.