Những album nhạc giáng sinh Việt hay nhất

Chưa từng gây ồn ào, dòng nhạc giáng sinh chảy âm thầm và bền bỉ trong suối nguồn nhạc Việt, và nếu nhìn lại, người ta thấy nó đã đi qua một chặng đường nhiều dấu ấn thú vị.
Nói tới nhạc giáng sinh, người ta thường nghĩ đến những giai điệu truyền thống rộn rã từ các nước phương Tây, hay những bản nhạc thánh buồn bã của âm nhạc miền Nam trước 1975. Thế nên, ngay khi thức dậy và bừng nở cùng nền nhạc nhẹ Việt vào giữa thập niên 90, những gì đi sâu vào tâm thức người nghe đặt nhạc giáng sinh vào vị trí vừa thuận lợi vừa thách thức, cần vượt qua để chinh phục lớp người nghe mới, bằng những giai điệu mới.
Từ đó đến nay, mỗi dịp giáng sinh hàng năm, kệ nhạc Việt đều có thêm 2 đến 3 đĩa mới thuộc dòng nhạc này, chen chân cùng đĩa cũ được đem ra bán tiếp, tạo cảm giác phong phú trên kệ đĩa. Phần lớn đĩa mới là nỗ lực của nhà sản xuất và phát hành Phương Nam Phim, hoặc sản phẩm cá nhân của các giọng ca muốn làm mới mình ở dòng nhạc chỉ vang lên một mùa. 
Hồ Quỳnh Hương với hình ảnh quảng bá cho đĩa nhạc Giáng sinh an lành (2010) của cô.
Hồ Quỳnh Hương với hình ảnh quảng bá cho đĩa nhạc Giáng sinh an lành (2010) của cô. 
Riêng vài năm trở lại đây, nhạc giáng sinh Việt có phần phong phú hơn vì nhiều giọng ca trẻ tận dụng kênh nhạc số, để giới thiệu mình qua các single (đĩa đơn) phục vụ xu hướng nghe nhìn của công chúng tại thời điểm. Trong số này, có thể kể tới loạt đĩa đơn phát hành trên mạng của các ca sĩ Khang Việt, Khắc Việt, Miu Lê, Duy Uyên, Đinh Hương, Hằng Bing Bong…
Những đĩa nhạc để lại nhiều dấu ấn có thể là không nhiều, do số lượng khiêm tốn và do cả những loay hoay “bổn cũ soạn lại” hay sáng tác mới “thuần Việt”. Tuy nhiên, những đĩa nhạc dưới đây vẫn rất đáng để nhắc lại. 
Album Hát mừng giáng sinh (1996)
Một đĩa nhạc đáng nhớ trong sự nghiệp của Hồng Nhung và Tam ca Áo Trắng. Tại thời điểm xuất hiện, nó gây ngạc nhiên không chỉ ở sự kết hợp độc đáo giữa một giọng ca vang, sáng và truyền cảm với một nhóm hát có khả năng quyện lại dàn hoà ca đầy sức sống và trẻ trung. Mà còn ở những bản hoà âm tươi mới, hiện đại của Đức Trí, khiến những giai điệu quen thuộc được hát bằng hai lời Anh – Việt rất hợp tai nghe của giới trẻ.
Thoát ra khỏi lối mòn tư duy gom chừng chục bài cho đủ thời lượng như nhiều đĩa nhạc cùng thời, Hát mừng giáng sinh cho thấy sự biên tập kỹ lưỡng, tính toán đến hiệu ứng cảm xúc nơi người nghe, khi sôi động trong không khí lễ hội, lúc sâu lắng trong không khí thiêng liêng của thánh đường. 
Album mở đầu bằng liên khúc giáng sinh và kết thúc bằng liên khúc mừng năm mới. Hồng Nhung để lại nhiều dấu ấn với ca khúc Việt duy nhất trong album – Hang Bê Lem, sáng tác của Hải Linh. Gần 20 năm qua, album được tái bản rất nhiều lần với nhiều bìa khác nhau, trong đó có cả phát hành ra hải ngoại với tựa Tiếng hát thiên thần.
Album Noel đầu tiên (1999)
Ba năm sau thành công của Hát mừng giáng sinh, Đức Trí tiếp tục làm một album giáng sinh nữa: The First Noel (Noel đầu tiên), lần đầu tiên kết hợp ba giọng ca hàng đầu của làng nhạc Việt là Thanh Lam – Hồng Nhung – Mỹ Linh. Dù nội dung chưa hợp thành một chỉnh thể giúp cảm xúc của người nghe được liền mạch, album này thú vị ở cách đặt cạnh nhau ba giọng ca có màu sắc rất khác biệt, làm họ vừa quen vừa lạ trong những ca khúc…vừa lạ vừa quen: Thanh Lam hát Bài thánh ca buồn, Jingle Bells, trong khi Hồng Nhung hát Cao cung lên và Mỹ Linh hát Đêm thánh vô cùng.
Tuy nhiên, album này lại được người nghe yêu thích nhờ hai bài nhạc giáng sinh, nhà thờ hoàn toàn mới là Thiên đường (Anh Quân) do Mỹ Linh hát và Cho nhau mùa đông (Quốc Dũng) của Hồng Nhung. Ca khúc duy nhất kết hợp cả ba giọng ca cũng là ca khúc chủ đề - The First Noel, được hát bằng hai lời Anh – Việt, tiếc rằng lại không gây được nhiều cảm xúc khi cả ba quá nghiêng về trình diễn kỹ thuật.
Album Đêm xanh (1999)
Trong một nỗ lực mang lại sản phẩm nhạc giáng sinh “made in Vietnam” đầu tiên, hai nhạc sĩ Bảo Chấn – Dương Thụ bất ngờ tung ra Quà tặng giáng sinh – Đêm xanh với 8 ca khúc hoàn toàn mới, do hai ông sáng tác. Giữa thời điểm thăng hoa của nhạc Việt, những ca khúc có giai điệu tươi mới, trẻ trung, lời ca đẹp và mang nhiều xúc cảm mới trong không khí thánh đường…lập tức được giới trẻ đón nhận. 
Hồng Nhung, với bốn bài hát Và như cơn gió thoảng, Bây giờ biển mùa đông, Ca dao đêm giáng sinhBài hát buồn, là giọng ca chủ lực và toả sáng nhất đĩa nhạc. Tuy nhiên, thành công của Đêm xanh chỉ ở mức giới hạn. Dù ca khúc Tìm em đêm giáng sinh của nó được nhiều ca sĩ sau này hát lại, những ca khúc còn lại vẫn khó hoà được vào dòng chảy nhạc giáng sinh. 
Đêm xanh đến nay vẫn được xem là đĩa nhạc khơi thông cho dòng chảy nhạc giáng sinh từ trong nước, vốn đã bị gián đoạn một thời gian dài, bên cạnh những ca khúc nước ngoài được viết lời Việt. Các album gần đây nối tiếp nỗ lực của Đêm xanh có: Hoan ca Noel (2007), Rộn ràng mùa Noel (2012, gồm các sáng tác mới của Simon Phan Hùng), Tình khúc đêm Noel (2013)….

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.