Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và mối tình đơn phương với “Người em sầu mộng” Thanh Thúy

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(PLO) - Tình ca Trịnh Công Sơn luôn hiện hữu những bóng hồng thùy mị, dịu dàng, mong manh; vai gày guộc, tóc xõa bay ngang trời... mờ mờ ảo ảo lướt qua đời ông; ý thức rằng đôi bàn tay kiều diễm của họ sẽ nâng đỡ, cứu rỗi linh hồn bị ám ảnh bởi cô đơn và tuyệt vọng của ông. Thèm yêu, cần yêu để yêu đời hơn và thêm phần cảm hứng. Vì thế, nhạc sĩ đa tài họ Trịnh chớm nở mối tình với “Người em sầu mộng” Thanh Thúy ngay từ khi còn rất trẻ...
Nữ ca sĩ... “liêu trai”
Danh ca Thanh Thúy, họ và tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh năm 1943. Bà là người con của xứ Huế thơ mộng. Do mẹ của Thanh Thúy mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình phải rời mảnh đất cố đô đưa bà vào Sài Gòn chữa trị. Đến Sài Gòn, gia đình cô thuê một căn nhà nhỏ phía sau chùa Kỳ Viên trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, song Thanh Thúy vẫn xuất hiện đầy tự tin dưới ánh đèn sân khấu bằng một chất giọng rất riêng và được mệnh danh là “Huyền thoại không bao giờ lặp lại”.
Lần đầu tiên Thanh Thúy xuất hiện trên sân khấu phòng trà Đức Quỳnh cạnh rạp chiếu bóng Việt Long đường Cao Thắng cùng với Minh Hiếu khi  mới quá tuổi trăng rằm. Và ngay lúc đó tiếng hát của cô đã chinh phục được khán thính giả vốn dĩ rất khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.
Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Sài Gòn, ông dần làm quen với không khí vũ trường, phòng trà, phụ diễn tân nhạc gây sôi động cho Sài Gòn về đêm. Một lần đến phòng trà Đức Quỳnh, thư sinh chốn kinh thành Huế bỗng chớm nở những rung động đầu đời với hình ảnh của bóng hồng Thanh Thúy. Dường như đêm nào, Trịnh Công Sơn cũng đến đây, ngoài mục đích thưởng thức âm nhạc ông còn mong muốn được nhìn thấy “em”, người con gái lặng lẽ đi vào “ngõ tối”... 
Sau đó Thanh Thúy thường xuyên xuất hiện ở phòng trà Anh Vũ rồi các chương trình Đại nhạc hội, chương trình phụ diễn Ca nhạc kịch của các rạp chiếu bóng. Những năm đầu của thập niên 1960 tên tuổi của ca sĩ Thanh Thúy đã lừng lẫy không chỉ trên các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng đài phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Thanh Thúy lúc bấy giờ như: Nửa đêm ngoài phố, Kiếp nghèo, Người em sầu mộng, Ngăn cách, Tàu đêm năm cũ... Hầu hết những tác phẩm âm nhạc được Thanh Thúy thể hiện thành công đều là điệu boléro của nhạc sĩ Trúc Phương và một số ca khúc của Y Vân.
Có thể khẳng định rằng, trong làng âm nhạc Việt Nam chưa từng có ai có giọng hát đặc biệt như thế, mà người ta đã gọi Thanh Thúy là “Huyền thoại không bao giờ lặp lại”. Bởi  nó không lẫn với bất cứ ca sĩ nào và cũng không ai bắt chước theo nổi. Thanh Thúy có âm giọng trầm và cô cũng thường đẩy ca khúc xuống tông thấp nhất có thể... Nhưng nếu có một so sánh duy nhất về tiếng hát Thanh Thúy, thì đó giống như những giọt cà phê buồn, nhỏ từng giọt, từng giọt đau đớn, chát chúa nhưng cũng mê đắm ngọt ngào, ảo ảnh. Giọng trầm nhưng càng nghe lại càng thấy như những sợi tơ âm thanh, dệt mãi dệt mãi thành tấm rèm đêm hư ảo lệ đời.
“Uyên ương hồ điệp” qua nhạc phẩm “Ướt mi”
Đặt chân vào giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, lãng tử tình ca Trịnh Công Sơn phải lòng cô ca sĩ Thanh Thúy. Mỗi khi con chim họa mi Thanh Thúy cất lên giọng hát thì càng đặc biệt hơn, lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn. Đó là một chất giọng hơi khàn nhưng không đục, được Thanh Thúy luyến láy chuyên nghiệp, nhấn nhá nhiều cung bậc trầm bổng rất “liêu trai” nghe như từ một cõi xa xôi vọng về... Trịnh Công Sơn không chỉ bị hút hồn bởi giọng hát mà còn bởi dáng dấp mảnh mai, dịu dàng rất Huế của cô.  
Thanh Thúy: nữ hoàng điệu boléro
 Thanh Thúy: nữ hoàng điệu boléro
Giữa lúc tiếng hát Thanh Thúy đang bay cao cùng với tên tuổi của mình trên bầu trời nghệ thuật và trong lòng khán thính giả ái mộ thì mẹ cô qua đời. Cái chết của mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều tới con đường sự nghiệp và cuộc sống của Thanh Thúy trong giai đoạn này. Đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu, trong tà áo dài thướt tha, mái tóc xõa buông lơi, đôi mắt sâu buồn, Thanh Thúy cất giọng hát đầy tâm trạng ấy khiến người nghe như nghẹn đi và Thanh Thúy quả thật là “Người em sầu mộng” của... bao người.
Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn đặc biệt mê giọng hát hút hồn của ca sĩ Thanh Thúy. Như một “cơn thèm”, đêm đêm, người nghệ sĩ này không thể thiếu tiếng hát và hình ảnh của cô ca sĩ ấy. Ông thường xuyên lui tới phòng trà nơi Thanh Thúy biểu diễn để nghe cô hát. Cứ như thế, gót hồng Thanh Thúy làm thổn thức trái tim ông; đến độ chính Trịnh Công Sơn luôn dằn lòng tự hỏi: Lẽ nào tôi đã yêu em? Nhưng rốt cuộc, ông sợ trả lời câu hỏi ấy. Bởi lúc đó, ông chỉ là “Cát bụi” chỉ là một sinh viên nghèo, chưa phải nhạc sĩ trong khi đó Thanh Thúy đã là cái tên đình đám ở Sài Gòn. 
Vốn nhút nhát nên tình yêu của ông cũng chỉ thầm lặng, vụng trộm, chờ đợi, đơn phương, nhớ nhung thầm kín. Một ngày nọ, ông đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát ca khúc “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Hết sức bất ngờ, lời yêu cầu của Trịnh Công Sơn được Thanh Thúy thể hiện tuyệt vời với dòng cảm xúc mãnh liệt đến tuôn thành nước mắt. Hình ảnh con chim non trong bài hát làm cô nhớ đến mẹ và cô cảm thấy cô đơn, đau đớn trong day dứt, quằn quại.
Chính giọt nước mắt của nữ ca sĩ tài nghệ Thanh Thúy đã lay động trái tim người nghệ sĩ, đã làm cho tình yêu vốn ngập ngừng, thổn thức trong ông bỗng trỗi dậy. Trịnh Công Sơn kể lại: “Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi 17 tuổi, đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ có tiếng lúc bấy giờ, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng”. Và đêm đó, ông nguyện làm cú đêm để viết ca khúc “Ướt mi” bằng điệu slow và những ca từ rất tuyệt, rất sâu lắng thấm thía cái buồn vô hạn đằng sau giọt nước mắt đó để dành tặng cho “người em thương mưa ngâu”.
Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ. Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống hình thành. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia. Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được...”.
Sau khi hoàn thành nhạc phẩm đầu tay “Ướt mi”, Trịnh Công Sơn đã chép thật nắn nót vào một tờ giấy và luôn mang theo bên mình để cơ hội đến là trao cho “nàng”. Nhưng phải năm lần bảy lượt mang đi rồi lại mang về, ông mới dám đánh bạo lên ngồi hàng ghế đầu để có dịp gởi tặng bài hát cho mối tình đầu Thanh Thúy. Đêm đó, ông đã không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận của “Ướt mi” sẽ như thế nào. Phải 3 tuần sau, giữa lúc vô cùng tuyệt vọng, hụt hẫn Trịnh Công Sơn như ngập tràn trong hạnh phúc khi được nghe ca khúc “Ướt mi” cất lên bằng chính giọng hát của cô ca sĩ tài nghệ Thanh Thúy. Lúc đó, hơn ai hết, Trịnh Công Sơn phải là người sung sướng nhất. Thanh Thúy hát xong, cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc. Lúc này, Trịnh  Công Sơn thu hết can đảm bước lên nói lời cám ơn Thanh Thúy vì đã hát bài hát “Ướt mi” rất hay. Thanh Thúy đã rất ngạc nhiên và tỏ ý muốn nói chuyện riêng với tác giả. Cô mời luôn Trịnh Công Sơn về nhà và cả hai ra đón taxi... 
Sau khi “Ướt mi” đến với người nghe thì cũng là lúc mối giao tình đặc biệt giữa nhạc sĩ họ Trịnh và “Người em sầu mộng” Thanh Thúy chớm nở. “Uyên ương hồ điệp” dệt mộng nhưng cuối cùng đây cũng chỉ là mối tình đầu dang dở như bao mối tình khác của Trịnh Công Sơn. Có lẽ, một nghệ sĩ đa sầu đa cảm như Trịnh công Sơn cũng nghiệm được rằng: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở - Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.
Rất nhiều bài viết đã khẳng định mối giao tình đặc biệt giữa hai nghệ sĩ tên tuổi này. Dẫu rằng, Trịnh Công Sơn đã về lại cát bụi. Nhưng chính mối giao tình đó, đã làm nổi lên trên nền âm nhạc Việt Nam hai cái tên Trịnh Công Sơn - Thanh Thúy điển hình cho sự hòa phối giữa kẻ viết tình ca và người hát tình ca, làm thành một liên khúc hào tấu bất hủ với thời gian. Nên cho dù đời riêng, tình riêng có đến với nhau trọn vẹn hay “đứt gánh giữa đường” đi chăng nữa thì đó cũng là duyên phận của những con người nghệ sĩ. Bởi dù có toàn năng và toàn diện thế nào thì người nghệ sĩ vẫn sống trong lưới dệt của “ông tơ bà nguyệt”. Do đó, đến nay dư luận vẫn không thôi đặt dấu chấm hỏi cho mối tình đẹp, giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ ca sĩ Thanh Thúy. 
Còn nữa...

Đọc thêm

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.