Người cha vĩ đại của thiên tài âm nhạc Mozart

Người cha Leopold Mozart
Người cha Leopold Mozart
(PLO) - Để lại hơn 600 tác phẩm trong 35 năm ngắn ngủi của cuộc đời, có những sáng tác đầu tay ra đời khi chỉ là một cậu bé lên năm tuổi, Wolfgang Amadeus Mozart trở thành một trong ba tượng đài của trường phái cổ điển Vienna được toàn nhân loại ngưỡng phục. Những giai thoại về thiên tài Mozart cũng như cái chết bí ẩn của ông vẫn là đề tài muôn thuở không hồi kết.

Wolfgang Amadeus Mozart không là thần đồng duy nhất của thế kỷ XVIII. Ngược dòng lịch sử, có những tài năng xuất chúng khác cũng hé nụ như: William Crotch de Norwich (thế kỉ 18) đã trình diễn một buổi độc tấu đàn orgue tại Chapel Royal năm ba tuổi.

Hay nhà soạn nhạc, nghệ sỹ violon Thomas Linley (con), người có cùng năm sinh với Mozart, cũng bộc lộ thiên khiếu thần đồng khi còn rất nhỏ. Như vậy, nhân tố mà ông trời đã ban tặng cho nhà soạn nhạc kiệt xuất Mozart chưa đủ để lý giải thỏa đáng cho hàng trăm tuyệt tác và danh tiếng lừng lẫy rộng khắp thế giới của ông.

Người cha, người thầy, ông bầu nhìn xa trông rộng

Được sinh ra trên mảnh đất Salzburg, thuộc nước Áo ngày nay, nơi hấp thu khá nhiều tinh hoa của những nền văn hóa lớn như Đức, Ý, và tuyệt vời hơn cả là được tắm mình trong khu vườn tràn đầy âm thanh của gia đình từ khi còn trong nôi, âm nhạc mang tên Wolfgang Amadeus Mozart cứ tuôn chảy tự nhiên như suối nguồn vô tận.

Có thể loài người sẽ không bao giờ được nghe vô vàn giai điệu yêu kiều và trữ tình của những bản concerto, sẽ không có cơ hội tận hưởng những phút giây phóng khoáng của hàng chục sáng tác giao hưởng, nhạc kịch của thần đồng Mozart, và tên tuổi của ông chỉ được biết đến trong giới hạn nhỏ hẹp, nếu như không có sự dẫn dắt và tầm nhìn xa rộng của người cha vĩ đại, Leopold Mozart.

Vốn là một nhạc sỹ của Hoàng Gia, một nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng với tập “Traité de violon” (Chuyên luận về đàn violon, 1756), Leopold Mozart sớm phát hiện ra món quà quý giá mà Chúa ban tặng cho, đó là khả năng thẩm âm siêu việt và trí nhớ đáng kinh ngạc của hai người con: Maria - Anna Mozart và Wolfgang Mozart. Một cách tự nhiên, ông đã tự nguyện trở thành người gia sư tận tụy, duy nhất nuôi dạy các con.

Tượng đài Wolfgang Amadeus Mozart tại Vienna (Áo)
Tượng đài Wolfgang Amadeus Mozart tại Vienna (Áo)

Theo lời kể của người thân, trong những buổi học đàn clavecin của chị gái Maria - Anna với cha, như những đứa trẻ khác, cậu bé Wolfgang đứng nhìn. Và ngay sau đó, cậu ấy mon men đến cây đàn và ở lại đó rất lâu, cậu ấy xem ra rất thích thú khi tìm, và đánh lên những quãng ba trên đàn.

Mozart đã được cha dạy chơi đàn clavecin, violon, orgue, pianoforte ( tổ tiên của piano ngày nay) và thanh nhạc. Mozart biết thị tấu (xướng âm và chơi những bản nhạc lạ), biến tấu trước khi biết đọc chữ và cũng là tác giả của một loạt tiểu phẩm cho đàn piano như: Allegro giọng đô trưởng, hay Menuet giọng Fa trưởng lúc mới lên năm tuổi.

13 năm đưa các con đi lưu diễn

Không chỉ dừng lại ở vai trò người cha, người thầy, tham vọng của Leopold còn muốn tên tuổi của con trai thần đồng được nhắc đến ở nhiều thủ đô danh tiếng và quyền lực nhất bấy giờ như Đức,Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ...

Leopold đã trở thành ông bầu, đứng ra tổ chức chuyến lưu diễn vòng quanh châu Âu cho hai chị em nhà Mozart. Đây là một ý tưởng táo bạo và mới mẻ, vì phương tiện đi lại lúc đó rất khó khăn chưa kể đến Maria - Anna và Wolfgang vẫn còn rất nhỏ, cũng như sự tốn kém khá lớn về tài chính.

Chuyến lưu diễn bắt đầu từ năm 1762 đến mùa xuân năm 1773. Nhờ vào tài tổ chức và ngoại giao của cha, cũng như khả năng thiên bẩm của mình, Mozart, một đứa trẻ dễ thương, ngoan ngoãn và có phần ranh mãnh đã thu phục nhiều trái tim của các hoàng nương, công chúa từ triều đình Munich hay những khán phòng quý tộc ở Vienna đến cung điện Versailles, Pháp…

Từ đây, Leopold đã mở rộng nhiều mối quan hệ với các bậc thông thái đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, điều mà sau này có nhiều ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tác khá cởi mở và đa dạng của Mozart.

Một người chơi vĩ cầm tại quê nhà Mozart, mảnh đất Salzbourg, thuộc nước Áo ngày nay
Một người chơi vĩ cầm tại quê nhà Mozart, mảnh đất Salzbourg, thuộc nước Áo ngày nay

Trong suốt chuyến lưu diễn đầu tiên đó, có lẽ cuộc diện kiến của Mozart cuối năm 1763 tại Versailles với vua Louis XV là kỉ niệm thơ ấu tuyệt đẹp nhất đời. Theo lời của nhà nghiên cứu âm nhạc Eric Blom, tên tuổi của Mozart vẫn còn xa lạ với giới Hoàng gia Pháp nếu như không có sự giới thiệu của nhà ngoại giao người Đức Friedrich Melchior Grimm, một người bạn của Leopold Mozart.

Vào lễ Giáng sinh năm đó, gia đình Mozart hân hạnh được hoàng hậu Marie Leszczinska và vua Louis XV mời dự yến tiệc. Cuối bữa tiệc, vua Louis XV có nhã ý muốn nghe Mozart biểu diễn đàn orgue, mặc dù đã thỏa thuận thời gian vào ngày hôm sau.

Thế nhưng, nhà vua không thể kiên nhẫn hơn, đã đứng dậy và đi về phía nhà thờ Hoàng gia, tất cả mọi người theo sau. Và cậu bé thần đồng ấy tấu lên một nốt nhạc ngân dài, rồi một nốt khác, rồi một cơn đại hồng thủy những hòa thanh nối tiếp nhau. Vị vua thật sự sửng sốt và kinh ngạc.

Một tháng sau, Wolfgang đã viết bản sonate cho đàn clavecin và violon và đề tặng Victoire-Anne-Marie de Savoie, cô con gái thứ hai của vua Louis XV, rồi thêm một tác phẩm khác dành tặng nữ bá tước Tessé. Đó là những tác phẩm lớn đầu tay của Mozart, chúng được ấn hành ngay sau đó, cùng với nhiều buổi hòa nhạc của ông liên tiếp diễn ra. Wolfgang Amadeus Mozart trở thành đề tài trung tâm của giới quý tộc Paris lúc bấy giờ.

Có thể nói, Leopold Mozart là một người cha vĩ đại, là người thợ kim hoàn tận tụy, đã dày công gọt dũa viên ngọc Wolfgang Amadeus Mozart ngày một chói sáng. Để ngày hôm nay, nhân loại ngất ngây trong muôn vạn cảm xúc mang tên Mozart, đó là sức mạnh, vẻ yêu kiều, niềm thống thiết, sự hóm hỉnh và nét duyên dáng, tất cả đã hội tụ và tỏa sáng trong hơn 600 kiệt tác, mang giá trị muôn đời.

Và vượt lên trên hết, người cha già Leopold đã khiến thế giới mãi nghiêng mình trước một vĩ nhân, Wolfgang Amadeus Mozart, người đã từng nói với hậu thế rằng: “Một thiên tài không trái tim thì quả là vô nghĩa. Bởi không phải vì do trí tuệ cao siêu, không phải do có trí tưởng tượng tuyệt vời, cũng không phải cả hai làm nên thiên tài. Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu! Đây mới là linh hồn của một thiên tài”.

Tài năng, nhưng lận đận tình duyên, lại nhạy cảm, dễ xúc động, nên cuộc sống Mozart có những quãng thời gian rơi vào khó khăn bần hàn. Ông mất ngày 4/12/1791. Gia đình Mozart vì khó khăn đã đưa thi hài chôn trong một nghĩa trang công cộng của người nghèo để Mozart yên giấc ngàn thu. Ở đó, mộ chôn chi chít và cho đến ngày nay người ta vẫn chưa xác định được mộ ông chôn ở chỗ nào.

Tin cùng chuyên mục

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.