Nghệ sĩ ba miền hội tụ với 'Thầy Ba Đợi'

Nghệ sĩ ba miền hội tụ với 'Thầy Ba Đợi'
(PLO) - Vở cải lương “Thầy Ba Đợi" sẽ được công diễn vào ngày 27- 28/ 5 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) để phục vụ các Đại biểu Quốc Hội và khán giả Thủ Đô. Nghệ sỹ ba miền lại có dịp được cống hiến cho sự kiện 100 năm Sân khấu Cải lương Việt Nam.

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam kết hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Công ty Tổ chức biểu diễn Song Việt đã dàn dựng vở Cải lương “Thầy Ba Đợi. Đây là công trình nghệ thuật kỷ niệm Một thế kỷ hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam.

“Thầy Ba Đợi” kể về những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Dân gian gọi ông là Thầy Ba Đợi). Nhạc sư Nguyễn Quang Đại vốn là Nhạc quan của Triều Nguyễn. Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đầy sang Châu Phi, ông đã hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp. Trong quá trình lưu lạc ở Nam kỳ, ông đã “dân dã hóa” di sản Nhã nhạc cung đình Huế.

Cùng với các thế hệ học trò, ông đã vừa cải biên, vừa sáng tác và hệ thống hóa để dần hình thành nên Nghệ thuật Âm nhạc Tài tử Nam bộ với cốt lõi là 20 bài bản tổ. Đề rồi sau này Âm nhạc Tài tử Nam Bộ đã dần chuyển hóa thành Ca ra bộ, rồi đến Nghệ thuật Sân khấu Cải lương. Có thể nói, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người có công đầu trong việc hình thành Âm nhạc Tài tử Nam Bộ và sau này là Nghệ thuật Sân khấu Cải lương.


Vở diễn có sử dụng thủ pháp hư cấu nghệ thuật do tư liệu để lại về cuộc đời và sự nghiệp của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại không nhiều. Nhưng ê kíp sáng tạo đã cố gắng để những chi tiết hư cấu là gần nhất so với sự thật lịch sử đã bị ẩn khuất.

Vở diễn có sự góp mặt của lực lượng sáng tạo ở cả hai miền Nam- Bắc, để có thể phát huy thế mạnh và hạn chế nhược điểm trong phong cách nghệ thuật ở cả hai lưu phái Cải lương Bắc- Cải lương Nam bộ. Quan điểm chung về lâu dài là hướng đến một sân khấu Cải lương đương đại nhưng vẫn bảo toàn được bản sắc và những hạt nhân nghệ thuật cốt yếu của tiền nhân truyền lại.

Vở do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt-Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên-Lê Trung Thảo. Vở Thầy Ba Đợi có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ cả 3 miền như NSƯT Hùng Minh, NSƯT Thanh Tuấn,  NSND Vương Hà, NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…Vở được thực hiện nhằm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.


Đặc biệt, vai diễn chính Thầy Ba Đợi được 4 diễn viên cùng đảm nhận là NSƯT Nguyễn Xuân Vinh (hiện là Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam), NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Lê Tứ, nghệ sĩ Quang Khải. Ê kíp thực hiện cho biết vở sẽ được dàn dựng theo phong cách đơn giản, mộc mạc để dễ đi sâu vào lòng khán giả. “Với mục đích muốn phô diễn những vẻ đẹp, giá trị mà sân khấu cải lương đang có, vở sẽ được dựng theo cách mộc mạc nhất, thể hiện sự kế thừa những giá trị tốt đẹp được hình thành 100 năm qua của nghệ thuật cải lương”, NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói.

Vở diễn “Thầy Ba Đợi” được xây dựng nhằm tôn vinh công trạng của các bậc tiền nhân, đã lưu giữ, bảo toàn và phát triển di sản quý báu của cha ông, được tích tụ từ lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. 

Nghệ thuật Sân khấu Cải lương được cho là hình thành về căn bản vào năm 1918 với tuyên ngôn “Cải tục, duy tân, lương tri tâm điền”. Đến năm 1920 với câu liễn treo ở cửa rạp hát Tân Thinh “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, thì cái tên Cải lương của một bộ môn sân khấu dân tộc mới được biết đến rộng rãi. Nghệ thuật Sân khấu Cải lương từ đó đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng câu ca tiếng nhạc Cải lương sẽ mãi mãi in sâu trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam bộ cũng như đồng bào Việt nam ở xa Tổ quốc.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.