Mạc Văn Khoa: “Không diễn hài thì chẳng biết làm gì…”

Diễn viên hài Mạc Văn Khoa.
Diễn viên hài Mạc Văn Khoa.
(PLO) -Khoa có gương mặt khá đặc biệt. Nhiều người nói Khoa “xấu lạ” nhưng tôi lại nghĩ dường như ông trời thương, cho Khoa gương mặt “dị” ấy để diễn hài. Khoa nhút nhát, ít nói và hay cười. Anh gây ấn tượng cho người đối diện nhờ sự chân thật và khiêm tốn trong từng câu nói.

Khoa từng đoạt Á quân cuộc thi hài “Cười xuyên Việt” năm 2015. Những tiểu phẩm của chàng trai 9X này như: “Gia đình dị”, “Bộ tộc ướt át”, “Bột giặt thánh troll”… mang nhiều ý nghĩa nhân văn đã thu hút lượng người xem lên tới con số hàng triệu. 

Cậu bé nhút nhát

Khoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” ở Hải Dương. Năm học lớp 8, một lần thầy giáo vào lớp gọi Khoa đi tập kịch và giao cho vai lính của Sơn Tinh, mặc cái khố, nói đúng một câu: “Quân của Thủy Tinh đã tới rồi!”. 

Khoa bảo, diễn xong, tự dưng cảm giác thích thú lan tỏa khiến anh có cảm giác như bản thân được thay đổi. Từ hôm đó, có nhiều đêm Khoa nằm suy nghĩ lung tung, bật ra những câu nói hay hay rồi hí hoáy ghi lại. Nhờ thói quen ấy, đến giờ, Khoa đã có được kha khá kịch bản.

“Tôi ấn tượng với Mạc Văn Khoa vì lối diễn hài tự nhiên, mộc mạc, có cái duyên lạ lùng. Lạ, ngộ và dễ thương lắm.Khi xem bạn ấy diễn, tôi thực sự thích” (Danh hài Hoài Linh).

Lên cấp 3, các phong trào văn nghệ ở trường, Khoa không bao giờ vắng mặt dù ngày thường có phần trầm tính và cực kỳ ít nói. Được thầy cô động viên, bố mẹ ủng hộ, tốt nghiệp THPT, Khoa thi vào khoa Diễn viên kịch, Trường Cao đẳng Sân khấu ở Nha Trang. 

Khoa thật thà bảo, thích thì có thích nhưng thấy đi học xa, lại tốn kém mà tương lai mờ mịt nên cũng lo lắm. May nhờ sự động viên, thương yêu con vô bờ bến của bố mẹ, anh luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng, biết đâu một ngày nào đó mình sẽ thành công.

Học xong, trong khi bạn bè người thì về quê, người tìm nghề khác mưu sinh thì Khoa lại ấp ủ giấc mơ vào TP.Hồ Chí Minh để tìm kiếm cho mình một cơ hội và cũng là để thử sức xem khả năng của mình đến đâu. Không lãng phí thời gian, Khoa đi học thêm diễn xuất ở sân khấu kịch với đủ các loại vai phụ, vai lẻ.

“Hồi đầu Khoa bỡ ngỡ lắm! Ở trường cũ quen bạn quen bè, vào đây lạ nước lạ cái. Nhiều lúc, tập bài hay chạy xe đi diễn về tới nhà, nằm xuống tự nhiên nước mắt cứ chảy ra. Khoa không biết mình đi diễn như thế này đến bao giờ mới giúp bố mẹ bớt phần vất vả. Nhiều lúc Khoa cũng nản, nhưng bù lại, được diễn ở sân khấu Khoa  thích lắm”, Mạc Văn Khoa chia sẻ.

Với một người người thân chẳng có, bạn bè cũng không, đường xá cũng mịt mờ thì quả thực quãng thời gian ấy khá vất vả. Nhìn bạn bè tự nuôi được bản thân còn mình vẫn phải xin tiền bố mẹ, Khoa chạnh lòng và cảm thấy có lỗi. Anh từng tính đến việc đi xuất khẩu lao động hoặc về quê xin làm gì đó để đỡ đần bố mẹ.

“Trong một lần đi làm phụ xe cùng anh họ, Khoa vô tình xem thấy chương trình “Cười xuyên Việt” nên đánh liều đi thi. Lòng tự nhủ, coi như đây là lần cuối thử sức xem duyên nợ của mình đến đâu. Trước khi đi thi, Khoa chỉ nghĩ, mình diễn sao để không bị khán giả ném đá chứ không nghĩ đi thi để cạnh tranh với người này, người kia. May mắn lọt vào vòng trong và giành giải Á quân. Nhờ đó mà Khoa được theo đuổi và sống với niềm đam mê diễn hài như ngày hôm nay”, nam diễn viên 9X chia sẻ.

… đến diễn viên hài “xấu lạ”

Khoa nói, mọi thứ đến với anh đều tự nhiên, đó là cơ duyên và cũng là may mắn.

Ngay sau chương trình, Khoa được mời đóng gần chục phim chiếu rạp, đi diễn hài ở nhiều nơi, có thể tự nuôi sống bản thân mà không cần xin tiền bố mẹ.

“Nếu Tổ nghề không xót thương Khoa vào phút chót, Khoa đã đi xuất khẩu lao động rồi. Đến nay, áp lực duy nhất với Khoa là duy trì niềm yêu thương của mọi người dành cho mình. Vì diễn hài, phải luôn sáng tạo thì mới có thể đem lại cái mới, cái lạ để tặng niềm vui cho người xem. Khoa biết mình còn non trẻ, mới chập chững bước vào nghề nên phải cố gắng thật nhiều”, Khoa thật thà.

Mạc Văn Khoa “thăng hoa” cùng tiểu phẩm “Bộ tộc ướt át” trong đêm chung kết “Cười xuyên Việt 2015”.
Mạc Văn Khoa “thăng hoa” cùng tiểu phẩm “Bộ tộc ướt át” trong đêm chung kết “Cười xuyên Việt 2015”.

Khoa thú nhận, nhiều người bảo, tính cách “quê và thật” như anh không hợp với showbiz. Bởi làng giải trí vốn ồn ào và toan tính nên có thể tồn tại và tỏa sáng chỉ tài năng và nỗ lực thôi không đủ, trong khi Khoa thì thật quá.

Khoa chia sẻ: “Bố Khoa thường nói, va chạm xã hội phải khôn khéo, phải lanh nhưng cũng phải thật thà, biết điều và tốt với mọi người. Khoa thấy mình làm được khoảng 60, 70%. Mà chắc là cái thật thà nhiều hơn. Còn cái khéo và cái lanh thì Khoa chưa được nhiều lắm”.

Khoa chân thật trong từng câu nói, đó là những câu chuyện thường nhật về nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” của một người trẻ xa quê, đó là đam mê đeo đuổi, bám trụ với nghề diễn. “Khoa nghĩ, trong nghề này, phải thật thà trước đã. Cái nữa là phải có tâm với nghề, phải nỗ lực. Cái nữa là may mắn và được Tổ thương, mình sẽ phát triển”, Mạc Văn Khoa cho hay.

Khoa bảo có nhiều may mắn khi được làm việc chung với nhiều nghệ sĩ có tiếng. Gần đây nhất, Khoa được nghệ sĩ Việt Hương mời góp mặt trong đêm liveshow 15 năm của chị. Nếu như nhiều nghệ sĩ khác, họ “thảo mai” để tranh thủ “làm thân, làm quen” nhưng Khoa thì không, ngoài việc diễn hết mình trên sân khấu thì Khoa chẳng sân si.

Khoa nói: “Nhiều lúc bố mẹ Khoa ở quê có gửi quà vào, Khoa gặp nhưng không dám đưa tận tay chị Hương. Có lần Khoa mang đi rồi để trong cốp xe chứ không dám đưa chị trực tiếp, lần nào dạn lắm thì Khoa nhờ bạn đưa giúp. Tại Khoa ngại mấy chuyện đó lắm. May mắn cho Khoa là chị Hương hiểu và thương Khoa thật thà”.

Mạc Văn Khoa và Hòa Minzy đóng chung trong phim điện ảnh sắp ra mắt “Hình nhân”.
Mạc Văn Khoa và Hòa Minzy đóng chung trong phim điện ảnh sắp ra mắt “Hình nhân”.

3 năm bon chen với nghề, đến giờ, hạnh phúc lớn nhất mà Mạc Văn Khoa có được chính là anh đã được thỏa sức với đam mê của chính mình. Khoa đã thật sự mang lại tiếng cười, hạnh phúc và tự hào cho bố mẹ. Không còn những đêm bố mẹ Khoa lo lắng, phập phồng trong từng giấc ngủ khi cậu con trai quanh năm suốt tháng cứ phải rong ruổi đâu đâu. Họ đã không còn tủi thân vì ước mơ viển vông của con mình.

“Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời Khoa chính là được nhìn thấy nụ cười trên hai gương mặt khắc khổ. Không còn cảnh gọi điện hối thúc bố mẹ lo thu hoạch vải, lúa, đậu phộng để gửi tiền vào nữa. Cũng không còn những tháng ngày sáng ăn mì gói, trưa ăn mì gói, tối nhịn đói, mà đã có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, có tiền để mua quà cho bố mẹ, gửi về phụ giúp gia đình. Cảm giác ấy đã ơi là đã, sướng ơi là sướng…”, Khoa thật thà tâm sự.

“Gương mặt Mạc Văn Khoa nhìn là mắc cười. Không cần làm gì hết, chỉ cần bước ra sân khấu nhìn là mắc cười.Mạc Văn Khoa quá dễ thương, diễn hài đơn giản, nhẹ nhàng nhưng tinh tế” (Nghệ sĩ hài Trường Giang).

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.