Khám phá những ngôi làng sinh đôi kỳ lạ trên thế giới

Các cặp song sinh ở ngôi làng Thanh Viễn, Trung Quốc.
Các cặp song sinh ở ngôi làng Thanh Viễn, Trung Quốc.
(PLO) -Cho đến tận bây giờ, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân vì sao lại xuất hiện những “ngôi làng sinh đôi” – nơi có tỷ lệ sinh đôi cao đột biến. Ngay cả người dân địa phương cũng tỏ ra bối rối trước sự kỳ lạ và bí ẩn về “hiện tượng song thai” này.
 

Rất nhiều người tỏ ra vô cùng bối rối khi không thể làm sáng tỏ bí ẩn về một ngôi làng ở Ấn Độ, nơi có tới 250 cặp sinh đôi được sinh ra chỉ từ 2.000 gia đình.

Ngôi làng song thai

Đó là ngôi làng nhiệt đới Kodinhi ở bang Kerala, miền Tây Ấn Độ. Ngôi làng này sẽ không có gì đăc biệt và cũng sẽ chẳng có ai quan tâm nếu không có hiện tượng song sinh kỳ bí này. Tỷ lệ song sinh ở ngôi làng này cao gấp 6 lần so với tỷ lệ bình quân của toàn thế giới, đã khiến cho nhiều chuyên gia khi ghé thăm nơi này phải vò đầu bứt tai vì không thể giải thích được đó vì lý do gì.

Được biết, riêng năm 2008, có tới 15 cặp sinh đôi được sinh ra ở ngôi làng trong tổng số 300 trẻ sơ sinh. 5 năm tiếp theo, có tới 60 cặp sinh đôi được sinh ra và tỷ lệ này tăng dần theo các năm. Trước hiện tượng bí ẩn kỳ thú này, tiến sỹ Krishnan Sribiju, một chuyên gia y tế nổi tiếng tại Ấn Độ, đồng thời ông cũng có một người anh em song sinh, đã dành 2 năm để nghiên cứu về ngôi làng Kodinhi. Theo người dân của ngôi làng cho biết, hiện tượng sinh đôi này bắt đầu xảy ra từ 3 thế hệ trước. Có nghĩa là hiện tượng này bắt đầu từ trước những năm 60-70. Mặc dù con số 250 cặp sinh đôi đã được đăng ký chính thức ở làng, nhưng tiến sĩ Sribiju cho rằng, trên thực tế số lượng này còn cao hơn nhiều. “Theo những gì tôi được biết, phải có tới 300-350 cặp sinh đôi đang sinh sống trong ngôi làng này. Tôi không hiểu được vì nguyên nhân gì mà số lượng các ca sinh đôi ngày càng tăng theo mỗi năm, nó nhiều đến nỗi tôi cảm thấy nếu như hiện tượng này tiếp tục 10 năm nữa thì sẽ ra sao? Có lẽ ngôi làng nhỏ xa xôi này sẽ thật sự trở thành ngôi làng song sinh nhiều nhất trên thế giới theo đúng nghĩa”.

Khi được hỏi, tiến sĩ Sribiju rất hào hứng và phấn khích nói rằng: “Tôi không thể chắc chắn và giải thích được điều gì về hiện tượng kỳ lạ bí ẩn này một cách cụ thể nếu không có các thiết bị phân tích sinh vật y học giúp sức. Nhưng bước đầu, tôi có thể đoán rằng hiện tượng này có thể liên quan hoặc có mối liên kết nào đó với nguồn nước, thực phẩm mà người dân của ngôi làng sử dụng. Nếu như chúng ta có thể làm rõ được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng song sinh thì rất có thể chúng ta sẽ tìm ra phương án để chữa trị cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn”.

Khi phân loại nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường này, tiến sĩ Sribiju cũng đã loại trừ yếu tố di truyền. Đồng thời, ông còn loại trừ khả năng do yếu tố ô nhiễm môi trường gây nên, bởi những cặp sinh đôi này hoàn toàn khỏe mạnh và không mắc dị tật nào hết. Theo ông, thói quen ăn uống của người địa phương có thể đóng góp vào tỷ lệ sinh đôi tăng cao.

Trung bình mỗi năm, có tới 45 cặp song sinh trong tổng số 1.000 ca sơ sinh ra đời trong ngôi làng này. Trong khi tại Ấn Độ và các khu vực khác ở châu Á, tỷ lệ song sinh thường được xem là thấp nhất, chỉ có khoảng 4/1.000. Dĩ nhiên, việc thụ tinh trong ống nghiệm là điều không thể xảy ra ở đây vì chi phí cho dịch vụ này quá đắt đỏ. Việc thụ tinh chủ yếu được nhiều gia đình ở phương Tây sử dụng, vì thế tỷ lệ các cặp song sinh ở các quốc gia phương Tây cao hơn ở châu Á.

Ngoài ra, thường thì các cặp song sinh được sinh ra bởi những phụ nữ lớn tuổi. Nhưng ở ngôi làng Kodinhi, phụ nữ thường kết hôn ở độ tuổi 18-20 và sinh con ngay sau khi kết hôn. Đặc biệt hơn nữa là những phụ nữ mang song thai thường cao tới 1m60, nhưng phụ nữ của ngôi làng Kodinhi trung bình chỉ cao khoảng 1m50.

Hiện nay, người dân làng Kodinhi gọi ngôi làng của mình bằng cái tên “Làng song sinh” và đã thành lập “Hiệp hội con em song sinh” (TAKA). Chủ tịch Pualani Bhaskaran (50 tuổi) của hiệp hội này, cho biết: “TAKA được thành lập nhằm giúp đỡ các gia đình có con em song sinh ở địa phương, bởi đối với một số gia đình, nuôi dưỡng một cặp song sinh là một gánh nặng kinh tế rất lớn”. Được biết, Bhaskaran cũng là cha của một cặp song sinh và ông rất tự hào về điều này. Con trai 16 tuổi của ông Bhaskaran nói: “Khi cháu vào tiểu học, cháu nhận ra trong trường có khoảng 30–40 cặp song sinh. Lúc đó cháu đã bị thu hút bởi hiện tượng kỳ lạ này, điều khiến cháu vui nhất chính là song sinh thì thường thầy cô và các bạn không thể phân biệt được”.

Theo thống kê, trong 70 năm qua, làng Kodinhi có 250 cặp song sinh, ngoài ra còn có 30 cặp song sinh còn đang nộp đơn đăng ký và hiện ngôi làng này có khoảng 600 người là song sinh. Được biết, hiện nay đa số các cặp song sinh ở làng Kodinhi đã gần 20 tuổi, đã đến tuổi kết hôn, sau khi họ kết hôn sinh con thì sẽ có thể làm gia tăng số lượng các cặp song sinh trong làng.

Hình ảnh về số lượng các cặp sinh đôi ở ngôi làng Kodinhi, Ấn Độ.

Hình ảnh về số lượng các cặp sinh đôi ở ngôi làng Kodinhi, Ấn Độ.

Song sinh từ người đến gia cầm

Tiếp theo là ngôi làng song sinh có tên Thanh Viễn, huyện Giang Tân, Trùng Khánh, Trung Quốc. Trong số 376 hộ gia đình sống trong làng, có tổng cộng tới 39 cặp sinh đôi, trong đó cặp lớn tuổi nhất là 89 tuổi, còn cặp trẻ tuổi nhất là 9 tháng tuổi. Không những chỉ ở người, thậm chí những con gà của ngôi làng này cũng thường xuyên đẻ trứng 2 lòng.

Được biết, ngôi làng Thanh Viễn nằm ở độ cao 1.100 mét với ánh nắng mặt trời chiếu sáng khoảng 867 giờ mỗi năm và nhiệt độ trung bình là 13,7 độ C. Sự nổi tiếng về “hiện tượng song thai” của ngôi làng đã gây sự tò mò đối với nhiều chuyên gia, họ đổ về đây để nghiên cứu về sự kỳ lạ này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ai tìm ra nguyên nhân để có thể lý giải về tỷ lệ sinh các cặp song sinh ở ngôi làng nhỏ này lại cao đến như vậy.

Mặc dù người dân địa phương vẫn không thể hiểu được tại sao làng của họ lại có hiện tượng song sinh. Nhưng một số bác sĩ nói rằng, hiện tượng này có thể là do những người phụ nữ ngày nay tiếp cận với các loại thuốc và các phương pháp điều trị sinh sản nhiều hơn so với trước đây. Khi hỏi một người đàn ông có tên Cheng Xiaming, cưới vợ cách đây 10 năm. Đến năm 2011, ông và vợ trở về làng sau khi đi làm ăn xa để chăm sóc cha mẹ già của mình. Chỉ khoảng 2 tháng sau, Cheng Xiaming phát hiện vợ mình mang song thai. Ông nói rằng, trong một trường tiểu học của địa phương, hầu hết các lớp học đều có ít nhất một cặp sinh đôi.

Ông Zhang Yuanqing, 68 tuổi, có một cặp con trai sinh đôi, một đứa có tên là Pan Wen Zhi và đứa kia tên là Pan Shuang Wen. Mặc dù cả 2 đứa đều đi làm ăn xa, nhưng cặp sinh đôi này đều mong muốn trở về làng cưới vợ và tiếp tục sinh những đứa trẻ song sinh giống cha mẹ mình.

Nổi tiếng nhất trong ngôi làng này phải kể đến ông Huang Haiqing, gia đình ông có hẳn 3 thế hệ liền là các cặp song sinh. Ông có một người anh em sinh đôi; Người em của ông sinh đôi 2 đứa con trai; cháu trai ông cũng là trẻ sinh đôi, còn cháu gái ông thì vừa sinh ra một cặp song sinh nam.

Nhiều người Trung Quốc tin rằng, gia đình nào có được một cặp song sinh thì đó là một điềm lành và may mắn. Ngoài ra, các phụ huynh cũng có tâm lý sinh 2 con sẽ đỡ vất vả hơn là sinh từng con một. Không những thế, nhiều người biết đến ngôi làng đã chuyển đến đây sinh sống với hy vọng mình cũng có thể mang song thai./.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.