Hài Tết Ất Mùi có còn nhảm, nhạt?

(PLO) - Thời điểm này các “ông lớn” sản xuất băng đĩa hài đang hối hả “chạy marathon” tung ra thị trường những “át chủ bài” hài độc đáo. Tuy vậy, những người yêu tiếng cười không khỏi băn khoăn: liệu Tết Ất Mùi, họ có phải “xơi” những “món ăn” hài nhảm, nhạt?

Một cảnh trong vở “Thần kê, thánh cẩu”.
Một cảnh trong vở “Thần kê, thánh cẩu”. 
Hài Tết: muôn hình vạn trạng
“Hài tết” - mảnh đất màu mỡ khẳng định thương hiệu cũng như cơ hội “bội thu” của các hãng sản xuất và phát hành. Vậy nên ngay từ giữa năm, “ông lớn” hài tết - Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long đã đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ, tiền bạc để có trong tay những kịch bản hay và dàn diễn viên hài… như ý. 
“Át chủ bài” đầu tiên phải kể tới “Thần kê, Thánh cẩu” với câu chuyện đan cài nhiều tình huống khôi hài, vui nhộn, hấp dẫn… Chuyện phim “Thần kê, Thánh cẩu” dài 45 phút kể về đôi vợ chồng nông dân trẻ (Trí - Nở) nghèo rớt, trong nhà có nuôi một con gà tre và một con chó. Một buổi sáng, con gà tre bỗng đứng ở đầu giường cất tiếng gáy te te; liền đó con chó tha lôi về nhà hai cái vỏ chai nhựa, gã chồng nhặt lên đọc thì ra là vỏ chai nước ngọt. Hai vợ chồng cho là có điềm lạ linh ứng, gọi hai con vật nuôi nhà mình là “Thần kê”, “Thánh cẩu” và liền tìm mua hai chai nước kia về sử dụng. Quả nhiên nước có tác dụng tốt vô cùng cho hai vợ chồng. Đặc biệt cô vợ đang xấu ma chê quỷ hờn bỗng da dẻ tươi nhuận, trở thành người đàn bà đẹp nhất làng.
Trong làng có gia đình lão Phú đại gia. Vì giàu có, lão chồng thỏa sức ăn chơi nên mắc bệnh mỡ máu, men gan cao… bị bác sĩ bắt kiêng khem khốn khổ. Bà vợ dùng đủ loại mỹ phẩm mà mặt vẫn nám sùi, ra đường lúc nào cũng phải dùng khăn che mặt. Nghe chuyện vợ chồng nhà Trí - Nở nhờ có Thần kê, Thánh cẩu phù trợ mà trở nên đẹp đẽ khỏe mạnh, vợ chồng nhà Phú đại gia bèn tìm đến, xin đổi xe máy, dàn karaoke lấy bằng được hai con vật ấy. Cuối cùng, không chỉ vợ chồng Phú đại gia mà cả làng đều phát hiện ra thứ nước thần kỳ tốt cho nhan sắc phụ nữ và sức khỏe đàn ông bèn nhao nhao tìm mua bằng được… 
Tiếp đến là “Chôn Nhời 2”. Với cốt truyện phức tạp hơn “Chôn nhời 1”, không chỉ dừng lại ở việc bức xúc của anh người hầu nữa mà mỗi người đều có những bức xúc riêng của mình. Quan huyện bức xúc với tri phủ, ông tri phủ thì lại có bức xúc về vợ, hay cấp dưới là ông lý trưởng cũng bức xúc về chuyện ăn chia… Tất cả những cá nhân này đều phải tìm cách “chôn nhời” của mình đi, đây chính là mâu thuẫn của “Chôn nhời 2”.
Một cảnh trong vở “Trường quan - Quan trường”.
Một cảnh trong vở  “Trường quan - Quan trường”. 
“Trường quan - Quan trường” cũng là đĩa hy vọng “đốn tim” những người yêu tiếng cười. Nội dung bộ phim xoay quanh con đường quan trường của 3 anh học trò: một anh nhà nghèo thông minh, sáng dạ; một anh học trò nhà giàu nhiều mưu mô và một anh học trò “ba phải”. Những tình huống phim được xây dựng theo lối hài hước, dí dỏm nhưng sâu cay. 
Dù dựa trên những tích truyện dân gian của dân tộc nhưng bộ phim vẫn mang đầy hơi thở đương đại khi đưa vào những sự kiện mang tính thời sự. Dường như không muốn đứng ngoài cuộc chơi, Hãng phim Bình Minh sẽ tiếp tục sản xuất bộ phim hài “Thế mới sướng!” và sẽ cho ra mắt khán giả vào dịp Xuân Ất Mùi 2015. 
Có “đốn tim” người yêu tiếng cười?
Những năm qua, việc thiếu kịch bản khiến một số đĩa hài tết bị nhảm, bị nhạt, người xem kém mặn mà. Đạo diễn Phạm Đông Hồng thừa nhận: “Để tìm được một kịch bản hay đưa vào sản xuất phim tết không đơn giản. Có những thời điểm vì không có kịch bản,  chúng tôi còn tổ chức cả cuộc thi viết nhưng khi tổng kết vẫn không thể tìm ra được một cái ưng ý để làm phim. Những năm gần đây, cứ kết thúc đợt phim năm trước, vào những ngày đầu năm, khi mọi người đi vui xuân, tôi đã ngồi nghĩ ý tưởng cho năm đó. 
Nghĩ được “tứ” hay, tôi tìm người viết hoặc cùng người đó bàn bạc để thống nhất kịch bản cho cuối năm. Dù là những đĩa hài mang lại tiếng cười cho mọi người nhưng nhiều khán giả vẫn muốn thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật ấy với những tiểu phẩm có văn hóa, ý nghĩa. Hài Ất Mùi chúng tôi sẽ tặng mọi người những tiếng cười văn minh”.
Một trong những điều khiến khán giả e ngại khi mua đĩa hài chính là mật độ khá dày của quảng cáo xen ngang chương trình. Đặt câu hỏi này với nhà sản xuất, ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Công ty Nghe nhìn Thăng Long phân trần: “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, làm phim hài không có sự hỗ trợ của Nhà nước và phải tự tuyên chiến với… đĩa lậu nên việc dựa vào nhà tài trợ là điều không tránh khỏi”. Lời giải thích ấy phần nào đã làm giảm sự “nhăn nhó” qua sự cảm thông của khán giả mỗi khi “vấp” phải… quảng cáo!
…Hàng loạt đĩa hài tết bắt đầu “ra quân”, nhưng niềm vui và tiếng cười nào sẽ ngự trị trong mọi nhà, có sức “công phá” lớn có lẽ còn tùy thuộc vào mức độ sâu cay, ý nghĩa mà những câu chuyện và cách thể hiện của các nghệ sỹ hài đem lại.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.