Giải mã thành công của bom tấn ‘Deadpool’

Giải mã thành công của bom tấn ‘Deadpool’
Cài cắm nhiều lời thoại và tình tiết giễu nhại các tựa phim nổi tiếng, “Deadpool” có thể không hấp dẫn khán giả đại chúng, nhưng lại khiến fan truyện tranh siêu anh hùng mê mệt.
“Tôi không phải là siêu anh hùng”, đó là lời khẳng định đến từ Deadpool trong bộ phim riêng cùng tên mới ra mắt khán giả. Đây vốn là nhân vật phản anh hùng (anti-hero), mang trang phục đỏ-đen đặc trưng và từng có màn chào sân thất bại trong X-Men Origins: Wolverine (2009).
Vẫn là Ryan Reynolds, nhưng ở Deadpool (2016), gã sát thủ đánh thuê gần như bước ra từ các trang truyện tranh của Marvel và khiến người hâm mộ nức lòng.
Bộ phim Deadpool khiến người hâm mộ truyện tranh Marvel gần như phát cuồng bởi sự sát sao so với nguyên tác và tinh thần "chiều fan" của nhà sản xuất. Ảnh: Fox
Bộ phim Deadpool khiến người hâm mộ truyện tranh Marvel gần như phát cuồng bởi sự sát sao so với nguyên tác và tinh thần "chiều fan" của nhà sản xuất. Ảnh: Fox 
Bộ phim kể lại nguồn gốc trở thành “siêu anh hùng” mang biệt danh Deadpool của tên lính đánh thuê bất cần đời Wade Wilson. Đang có mối tình đẹp với cô bạn gái hoàn hảo Vanessa (Moreca Baccarin), gã gần như suy sụp khi biết tin mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Trong cơn tuyệt vọng, Wade Wilson quyết định tham gia dự án mờ ám cải tạo con người thành dị nhân, với mong muốn chữa bệnh. Kết quả từ các thí nghiệm giúp gã chữa lành bệnh ung thư và sở hữu thêm khả năng phục hồi vết thương, nhưng đồng thời biến da thịt Wilson trở nên dị dạng, còn tâm trí thì bất ổn.
Gã giờ đây khoác lên mình bộ phục trang đỏ thắm cùng biệt danh mới Deadpool, quyết tâm săn lùng hai dị nhân đứng đầu dự án thí nghiệm là Ajax (Ed Skrein) và Angel Dust (Gina Carano) để phục thù.
Được khai sinh trong tập 98 ở loạt truyện The New Mutants (1991) của hai họa sĩ Rob Liefeld và Fabian Nicieza, Deadpool nhanh chóng trở thành nhân vật được cộng đồng truyện tranh yêu mến, thậm chí là “linh vật không chính thức” của nhà Marvel.
Lý do bởi gã có ngoại hình cá tính, tính cách tưng tửng và khả năng “phá vỡ bức tường thứ tư”, nhận thức được mình chỉ là nhân vật hư cấu. Do đó, Deadpool có quyền “trò chuyện” với độc giả và mỉa mai những tình tiết vô lý trong thế giới siêu anh hùng.
Sau khi chính thức ra rạp tại Bắc Mỹ hôm 12/2, Deadpool lập tức thu tới 47,5 triệu USD chỉ trong 24 tiếng, phá kỷ lục ngày khởi chiếu tháng 2 của Fifty Shades of Grey hồi 2015. Để một nhân vật chỉ được biết đến trong cộng đồng hạn chế trở thành tâm điểm điện ảnh của mùa Lễ Tình nhân, công lớn đến từ đội ngũ marketing.
Có thể nói, Deadpool là một trong những bộ phim được hãng 20th Century Fox đầu tư truyền thông mạnh mẽ nhất trong năm qua với nhiều chiến dịch ấn tượng, sáng tạo. Điều đáng khen là Fox cũng mạnh dạn cho nhân vật nhiều lần “thay lời” khẳng định rằng phim sẽ bị gắn nhãn R (không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi) bởi yếu tố bạo lực để chiều lòng fan, thay vì chạy theo nhãn PG-13 nhằm tăng doanh thu bằng cách gia giảm những tình tiết đặc trưng gắn liền với Deadpool ở nguyên tác.
Giống như ở truyện tranh, Deadpool trong phim cũng thường xuyên quay mặt vào màn hình, nói chuyện nhảm với khán giả mặc cho “chiến sự” đang diễn ra căng thẳng. Gã liên tục đề cập tới các tượng đài trong nền văn hóa đại chúng nước Mỹ như Chiến tranh giữa các vì sao, Bố già hay nhóm nhạc Wham!...
Nhân vật cũng không ngần ngại giễu nhại các tình tiết vô lý trong dòng phim siêu anh hùng. Điển hình như khi Deadpool đến trường X-Men để nhờ cậy, chỉ có Colossus và Negasonic Teenage Warhead ra đón tiếp. Gã bèn “phán” luôn với khán giả rằng có lẽ phim không có đủ kinh phí để… thuê thêm các dị nhân khác.
Colossus hay các X-Men cũng trở thành đề tài châm chọc của Deadpool trong phim. Ảnh: Fox
Colossus hay các X-Men cũng trở thành đề tài châm chọc của Deadpool trong phim. Ảnh: Fox 
Hay ở trường đoạn cao trào gần cuối, Deadpool chỉ về phía màn hình yêu cầu “Mở nhạc lên!”, và nhạc nền đúng được mở lên thật. Các fan truyện tranh Deadpool hẳn sẽ rất yêu thích những chi tiết ấy, nhưng khán giả đại chúng thì chưa chắc, bởi những tình tiết đó được rải rác ngẫu nhiên, không có sự liên kết và thực sự không gây ảnh hưởng mấy đến đường dây cốt truyện.
Với duyên diễn xuất của Ryan Reynolds, Deadpool phiên bản điện ảnh rất sát với nguyên tác, chứ không phải là “dị bản màn ảnh rộng” như nhiều siêu anh hùng khác. Thay vì trở thành “kẻ điên” sau chương trình thí nghiệm Weapon X như trong X-Men Origins: Wolverine, Wade Wilson nay được khắc họa ngay từ đầu là một tay “anh chị” sở hữu khiếu hài hước và niềm đam mê phim ảnh.
Tuy đến hơn 3/4 thời lượng bộ phim phải ẩn mình trong bộ đồ da màu đỏ, Ryan Reynolds vẫn thành công khắc họa sự độc đáo của Deadpool qua chất giọng hài hước và những lời thoại huyên thiên không ngừng nghỉ.
Các diễn viên khác cũng hoàn thành vai diễn tốt hơn mong đợi. Cô đào Moreca Baccarin vốn chuyên trị những vai nữ mạnh mẽ trong các series truyền hình nổi tiếng như Homeland hay Gotham nay trở thành “một cặp ăn ý” với Ryan Reynolds. Qua những màn “đấu khẩu” thú vị cùng tính cách đồng điệu của hai nhân vật, chuyện tình giữa Wade Wilson và Vanessa tuy không phải là tâm điểm, nhưng cũng đủ mang đến cho người xem những khoảnh khắc tình cảm tự nhiên.
Tuyến phản diện có tài tử Ed Skrein (Transporter: Refueled) và Gina Carano (Fast & Furious 6). Vốn chuyên đóng vai hành động, nên họ là những người góp sức nhiều nhất cho các phân cảnh đấm đá. Trên thực tế, những cuộc chiến ban đầu của Deadpool diễn ra đẹp mắt nhưng lại khá chớp nhoáng và một chiều. Chỉ ở trận đấu cuối cùng, người xem mới thực sự cảm nhận thấy sự căng thẳng và nghẹt thở nhờ Ed Skrein và Gina Carano.
Cũng cần phải nói thêm rằng các pha hành động trong Deadpool đủ mãn nhãn, với liều lượng slow-motion và cháy nổ ở mức hợp lý. Những trận đối đầu diễn ra dứt khoát, quyết liệt và đầy sáng tạo, không mắc phải căn bệnh lê thê thường thấy như ở nhiều phim hành động trong thời gian qua.
Nhìn chung, Deadpool sở hữu phần kịch bản đơn giản, các pha hành động đẹp mắt, cùng nhiều tình tiết hài hước. Điều mà bộ phim còn thiếu là chiều sâu trong nội dung, còn thứ mà tác phẩm “thừa thãi” lại là các phân đoạn chiều fan nguyên tác quá đà. Nếu như cân bằng được hai yếu tố đó, Deadpool 2 hoàn toàn có thể gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Thông tin cuối là Deadpool có cảnh after-credits, tiết lộ một số chi tiết quan trọng của phần hai theo cách mà người xem khó có thể ngờ tới. Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.