Gặp “Em bé Mường La” một thời

 Khi hát “Em bé Mường La” của Trần Ngọc Xương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người nữ nghệ sĩ này mới đương độ thanh xuân. Vậy mà nay, bà đã ngoại bát tuần. Bà là Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La , nguyên giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia.

Khi hát “Em bé Mường La” của Trần Ngọc Xương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người nữ nghệ sĩ này mới đương độ thanh xuân. Vậy mà nay, bà đã ngoại bát tuần. Bà là Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, nguyên giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia.

Gặp “Em bé Mường La” một thời ảnh 1
 

Giữa độ xuân 2011, tôi đã tìm tới nhà riêng của bà ở khu cao tầng số 96 phố Định Công, Hà Nội. Bà Mộ La người nhỏ nhắn, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, rất mẫn tuệ, nhớ nhiều, cách nói khúc triết, mạch lạc, đúng nghề nhà giáo...Danh gia vọng tộc

Hồ Mộ La quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà nội Mộ La là Trần Thị Trâm, tục gọi là Bà Lụa, sinh thời là người tích cực tham gia phong trào Cần Vương và Đông Du của cụ Phan Đình Phùng - Phan Bội Châu, được các cụ đặt tên là “Tiểu Trưng”. Mẹ của Mộ La là con gái của Ngô Quảng, lãnh binh của Phan Đình Phùng; còn chị ruột là Hồ Diệc Lan, phu nhân của tướng Lê Thiết Hùng nổi danh một thời. Người cha thân yêu của bà - chí sĩ Hồ Học Lãm là người hết lòng ủng hộ cách mạng Việt Nam từ những ngày còn trứng nước.

Cha Mộ La từng theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục từ năm 1906. Đông Du thất bại, cụ Phan giới thiệu ông Lãm sang Trung Quốc vào học trường Sĩ quan Bảo Định - Hà Nam , cùng khóa với Tưởng Giới Thạch. Tốt nghiệp, ông Lãm trở thành một sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng, nhưng trong lòng ông vẫn hướng về Tổ quốc Việt Nam . Nhà ông là cơ sở đón tiếp các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đến bàn việc cứu nước, giải phóng dân tộc. Một số nhà cách mạng từng lưu trú tại nhà ông như Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng...

Hồ Học Lãm cũng đứng tên đề nghị mở văn phòng đại diện Việt kiều, làm Chủ nhiệm cơ quan Biện sự sứ tại Quế Lâm, Phó chủ nhiệm là ông Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Học Lãm bị suy tim, hen suyễn nặng, mất ngày 12/4/1943, dặn gia đình thay mình, việc gì đoàn thể giao, làm được thì nhận, làm thật tốt để xứng đáng niềm tin của lãnh tụ, cũng là giữ trọn nền nếp gia phong của dòng tộc họ Hồ.

Đời nghệ sỹ gian lao như người lính

Sau khi Hồ Học Lãm mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người đón gia đình Hồ Mộ La về Việt Nam . Phát huy truyền thống của gia đình, Mộ La tham gia cách mạng từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, vào Đảng năm 1949, rồi đi bộ đội. Bà tiếp tục học văn hóa tại Trường Văn hóa công - nông Hoàng Hữu Nam của Khu ủy khu 4 mở. Năm 1953, bà được tuyển vào làm diễn viên của Ðoàn Văn công Tổng cục Chính trị.

Sau hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở miền Bắc, bà vừa là nghệ sĩ đơn ca nổi tiếng bởi bài hát “Em bé Mường La”, lại vừa là phiên dịch cho chuyên gia ở lớp thanh nhạc đầu tiên tại Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Mộ La ví: “Đời nghệ sỹ cũng gian lao và khổ luyện chẳng kém gì những người lính”. Có lẽ vì vậy mà bà luôn tìm được sự đồng cảm của những người lính sau mỗi lần đến các đơn vị bộ đội biểu diễn. Họ luôn dành cho bà những tình cảm chân thành và quý mến.

Là diễn viên hát, bà được đánh giá là giọng hát vang, khỏe, lĩnh xướng tốt. Năm 1957, bà theo học lớp hợp xướng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Triều Tiên. Bà cũng là nữ nghệ sĩ hiếm hoi thời ấy sang du học âm nhạc tại Liên Xô (cũ) từ tháng 8/1959. Cùng tham gia khóa học 7 năm ở khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Tchaikovsky ( Moscow ) với bà có nghệ sĩ Quốc Hương, Kim Ngọc... Chính tại Nhạc viện này, bà đã lĩnh hội và tiếp thu một cách toàn diện căn bản nghệ thuật và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển và hiện đại của châu Âu.

Mộ La nhớ lại: “Khi tôi hát ở Việt Nam , âm thanh thường bắt đầu từ cổ, mới đầu nghe tưởng rất to rất vang, thế là hay lắm rồi. Nhưng sang bên đó, tôi nghe họ hát không phải như thế. Họ hát với cả dàn nhạc mà âm thanh cứ choang choang, nghe như ở đâu trên trán ấy. Tôi bị choáng ngợp và thu hút kỳ lạ bởi lối hát đó”.

Sau này bà mới hiểu đó chính là phương pháp “âm thanh cộng minh”, hay còn gọi là phương pháp belcanto (giọng hát đẹp) một phương pháp rất mới trong thanh nhạc đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17 nhưng phải đến giữa thế kỷ 19 mới thật sự phát triển mạnh mẽ.

Tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”

Tiếp cận phương pháp thanh nhạc mới của phương Tây, bà tự nhận thấy mình có những điểm yếu không dễ gì trở thành ca sĩ dòng belcanto hàng đầu được, vì vậy bà quyết tâm học để trở thành một nhà sư phạm dạy thanh nhạc theo phương pháp belcanto khi trở về nước.

Tốt nghiệp về nước năm 1966, bà làm công tác tập huấn cho các Đoàn Văn công Quân đội, rồi làm chủ nhiệm Khoa thanh nhạc Trường Nghệ thuật Quân Đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội) từ 1967. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảng dạy thanh nhạc chính quy cho ca sĩ, Hồ Mộ La đã không tham gia biểu diễn nữa, mà chuyên tâm cho việc truyền bá kiến thức thanh nhạc.

Năm 1984, Mộ La chuyển sang làm giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Ngoài những buổi dạy chính, bà còn dành một tuần bốn giờ dạy thêm cho học sinh mà không thu tiền, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn; có hai ngoại ngữ, nhưng bà cũng không tìm việc làm thêm để có thu nhập.

Với niềm đam mê và không chịu chùn bước, bà miệt mài, chắt chiu, vượt qua mọi gian khó, đem hết tâm huyết tâm trí và tài năng đào tạo lớp lớp học sinh mới. Bà luôn học hỏi để áp dụng, đưa những phương pháp ca hát khoa học phương Tây vào âm nhạc và ngôn ngữ Việt Nam . Bà nói: “Muốn trở thành ca sĩ tài năng, người hát không chỉ nắm vững phương pháp belcanto mà quan trọng là biết vận dụng nó như thế nào trong từng tác phẩm. Phải hiểu được tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, biết cách thể hiện đúng tư tưởng của tác phẩm và hát với sắc thái tình cảm như thế nào”.

Bà cho rằng, để vận dụng phương pháp belcanto vào Việt Nam , cần chia thành ba dòng nhạc với ba cách hát. Ðối với hát Opera thì ca sĩ phải vận dụng tối đa phương pháp belcanto, nếu không thì thanh âm sẽ không xuyên thấu được dàn nhạc giao hưởng đồ sộ hoành tráng. Ðối với dòng ca khúc hiện đại, ca sĩ chỉ vận dụng phương pháp belcanto một cách vừa phải, “trong cách nhả chữ có âm mở, âm đóng nhiều hơn”, nhất là với các ca khúc thính phòng. Ðối với dòng ca khúc mang đậm chất dân ca thì ca sĩ chỉ nên vận dụng tối thiểu phương pháp belcanto, vì lối hát ca khúc này đòi hỏi phải luyến láy nhiều, “dùng âm đóng nhiều hơn âm ngậm”.

Có lẽ đam mê và khát vọng về nền nghệ thuật thanh nhạc của bà còn nhiều lắm khi bà nói với chúng tôi điều này: “So với thế giới đã có hơn bốn thế kỷ thanh nhạc belcanto, Việt Nam mới có gần nửa thế kỷ, là bước đi còn chập chững bên cạnh người khổng lồ...”.

Các cuốn sách dịch của bà với bút danh Hồng Lam như Xêbastian Băc (NXB Văn Hóa - 1981) cùng các cuốn sách viết, biên soạn như “Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây”, “Phương pháp thanh nhạc Hồ Mộ La” thực sự là những cuốn sách quý giá cho các ca sĩ. Đây là công trình khoa học được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao: Có hệ thống, có chiều sâu và rất bổ ích.

Tận tụy với học trò

Khi rèn rũa thanh nhạc cho học trò, bà Mộ La luôn nhẫn nại chỉnh sửa từng câu hát, từng cách mở khẩu hình, nhả chữ nhả thanh. Vì thế, nhiều ca sỹ đã thành danh, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế vẫn nhớ đến những ngày học tập cùng bà như: Rơ Chăm Pheng - giải nhất cuộc thi hát thính phòng năm 1996; Thu Lan và Hà Thủy - đồng giải ba cuộc thi này, ca sĩ tài năng Xuân Thanh - người đoạt giải thưởng “Người hát dân ca hay nhất” trong cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky.

Rất nhiều NSƯT khác cũng trưởng thành dưới sự hướng dẫn dìu dắt của Mộ La như: Tố Uyên, Kim Khánh, Hoàng Hoa, Thu Hằng, Nông Trung Bộ... và đặc biệt là Anh Thơ, một giọng hát đang chinh phục khán giả đương thời.

Nhờ được Mộ La thụ giáo kỹ càng, NSƯT Hà Thủy đã mạnh dạn mang phương pháp thanh nhạc thính phòng áp dụng cho hát nhạc nhẹ trong giảng dạy. Kết quả là đã đào tạo ra những ca sĩ nhạc nhẹ như Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Ngọc Anh, Mai Trang, Nguyễn Minh Chuyên, Hoàng Lệ Quyên...

Trong cuộc đời 45 năm giảng dạy, kí ức Mộ La vẫn vẹn nguyên kỷ niệm với học trò Rơ Chăm Pheng, người dân tộc Gia Rai. Ngày mới ra học thanh nhạc, Rơ Chăm Pheng không biết đi xe đạp nên được cô giáo La đèo đi học, cũng như đi biểu diễn ở Hà Nội. Một lần đến đoạn Trung Tự, Rơ Chăm Pheng không biết nhảy xe đạp, làm cả xe cả người ngã đánh “uỳnh” một cái xuống lòng đường. Tuy cú ngã đau điếng nhưng 2 thầy trò lại được một phen cười lăn cười bò. Và rồi cô gái người giao liên Tây Nguyên dẫn đường bộ đội vào chiến trường đã được cô giáo Hồ Mộ La dẫn tới chân trời âm nhạc sáng lạn với nhiều giải thưởng cao quý.

Giờ đây đã bước qua tuổi 80, mắt đã mờ, tay đàn đã kém nhưng nhiệt huyết dạy thanh nhạc trong Mộ La vẫn không hề thay đổi. Khi dạy học trò, bà vẫn sôi nổi, cuồng nhiệt như quên cả tuổi tác. Bà tâm sự: “Tôi chỉ làm hết sức mình, cố gắng cống hiến được càng nhiều càng tốt, còn được công nhận hay không thì cũng không sao...”.

Thu Hồng

Tin cùng chuyên mục

Tuần lễ hoa bách hợp gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội (ảnh Duy Tiến)

200 nghìn bông hoa bách hợp khoe sắc tại Khu vườn âm nhạc

(PLVN) -  “Tuần lễ hoa bách hợp 2024” với chủ đề “Khu vườn âm nhạc - tinh khôi bách hợp tháng 4” diễn ra từ 19 - 28/4 tại bán đảo Skyline (Hà Nội) mong muốn gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc...

Đọc thêm

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.