Diễn viên Khả Như: Đứng vững ở TP HCM nhờ kỷ luật quân đội của bố

Khả Như và Trương Nam Thành trong phim “49 ngày”
Khả Như và Trương Nam Thành trong phim “49 ngày”
(PLO) - Khả Như kể, những ngày tháng lên TP HCM học, phải sống tự lập, trải qua những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống cô mới nhận ra kỷ luật quân đội vốn bị cho là hà khắc của bố lại hiệu quả và giúp đỡ bản thân mình nhiều đến như thế nào.

Ngoài việc sở hữu ngoại hình sáng, Khả Như được xem là nhân tố cá biệt khi có lối diễn xuất lầy, điên nhưng không kém phần thông minh, hóm hỉnh. Khả Như đang được tin tưởng để tham gia làm cố vấn và dàn dựng kịch bản cho các chương trình như:

“Cùng nhau tỏa sáng 2016”, “Cười xuyên Việt” phiên bản nghệ sĩ. Đồng thời, cô cũng là gương mặt quen thuộc của các sitcom truyền hình, từ các show như: “Ai chẳng thích đùa”, “Già néo đứt dây”, “Nhà là để trọ”… cũng như nhiều vở kịch ăn khách.

Khả Như gây ấn tượng nhờ phong thái trò chuyện cởi mở cùng nụ cười tươi rói luôn nở trên môi. Nhưng đằng sau nụ cười ấy là một Khả Như khó đoán, đa sầu đa cảm, nắng mưa thất thường và cũng rất mực cô đơn…

Học diễn viên để được “bay nhảy”

Khả Như là con một trong một gia đình bố mẹ đều là công nhân viên chức tại tỉnh Hậu Giang. Như kể, trước khi thi vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, cô không biết diễn viên là như thế nào? Nghệ thuật phải làm ra sao…

Nhưng khi được một người bạn rủ đi thi chung thì cô cũng “liều” đăng ký đi thi bởi cô biết nếu thi đỗ cô sẽ được “tự lập”, được sống cuộc sống thoải mái, không bị gò bó bởi những kỷ luật “thép” của ba.

“Ba tôi vốn là bộ đội xuất ngũ nên từ khi còn bé tôi đã được rèn theo kỷ luật quân đội với “trăm điều khó”: không được dậy trễ, không có việc gì làm cũng phải thức dậy lúc 6h sáng, buổi tối không được về nhà sau 20h, phải đi nhẹ, nói khẽ, không được chạy nhảy, ăn uống phải nhẹ nhàng, không được khua chén, muỗng, làm việc phải đến nơi đến chốn…”, nữ diễn viên 8X chia sẻ.

Từ những quy luật đặt ra “bất di bất dịch” từ bố, Khả Như nhiều lần cảm thấy khó chịu, bế tắc và thậm chí không hiểu lại giận hờn vì sự hà khắc của bố. Nhất là khi cô quyết định rời quê lên TP HCM học tập.

Ban đầu bố mẹ Khả Như phản ứng khá gay gắt không muốn cô đi học một ngành mà cả nhà không ai hiểu gì, bởi lẽ theo như bố cô nói thì môi trường của nó quá “lạ lùng”, thu nhập lại rất bấp bênh… Nhưng sau đó, cả hai cũng đành phải gật đầu để cho cô con gái nhỏ một lần được “thỏa sức” với đam mê.

Khả Như kể, những ngày tháng lên TP HCM học, phải sống tự lập, trải qua những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống cô mới nhận ra kỷ luật quân đội vốn bị cho là hà khắc của bố lại hiệu quả và giúp đỡ bản thân mình nhiều đến như thế nào.

Khả Như thành thật, nếu như lúc lên TP HCM học trường sân khấu, cô không biết gì về nghệ thuật, cảm giác bị lọt thỏm giữa thế giới rộng lớn, học hết năm nhất, đến vai quần chúng cũng không được mời thì sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh năm 2011, cô lại tiếp tục phân vân giữa chuyện ở lại thành phố hay về quê vì tương lai trước mắt quá mờ mịt.

“Đó là quãng thời gian tôi cảm thấy bế tắc, tôi không đi làm, hay nói đúng hơn là tôi không có cảm hứng với nghề, tôi không có nhiều mối quan hệ nên càng không có cơ hội được đứng trên sân khấu. Khi ấy, tôi đã định bỏ tất cả để về quê làm kế toán nhưng rồi nhờ tình yêu và kỳ vọng của ba mẹ dành cho mình, tôi tiếp tục ở lại TP HCM chiến đấu chứ không có ý định bỏ cuộc như trước nữa”, nữ diễn viên gốc Hậu Giang tâm sự.

Làm nghề nghiêm túc

Những khó khăn trong ngày đầu, với Như đó là động lực để cô nhớ và cố gắng từng ngày.7 năm miệt mài với nghề diễn, 7 năm miệt mài trên sân khấu, Khả Như luôn khiến những đồng nghiệp trong nghề phải nể phục sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có kỷ luật và không ngần ngại khó khăn của mình. 

Như kể, nhiều tháng trời tham gia “Cùng nhau tỏa sáng” cùng mọi người dựng vở rồi tập vở, cô chưa bao giờ bận rộn đến thế.Sáng 5-6 giờ đã đến trường quay, có khi nửa đêm mới về đến nhà. Thậm chí có những ngày, cô còn phải ngủ lại trường quay cho kịp tiến độ nhưng chưa khi nào cô thấy mệt mỏi hay muốn bỏ cuộc giữa chừng. Và giải thưởng “Quán quân” của chương trình “Cùng nhau tỏa sáng” mùa đầu tiên chính là phần thưởng cho những cố gắng không ngừng nghỉ của cô nàng. 

“Đến với cuộc thi một cách tình cờ nhưng tuần nào cũng là một thử thách lớn, để chuẩn bị tiết mục cho đêm thi, tôi cứ đi ra đi vào, đầu óc nghĩ lung tung vì bản thân tôi chỉ là diễn viên nhưng trong cuộc thi tôi phải đảm nhận thêm một nhiệm vụ hoàn toàn khác đó là biên kịch và dàn dựng. Cuối cùng các đêm thi đã qua một cách suôn sẻ. Ở mỗi chủ đề của các đêm thi đều mang lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt”.

Sau cuộc thi, khả năng biên kịch và dàn dựng của Khả Như được phát huy hết tác dụng.Những vở diễn Như dàn dựng đều hướng tới là kịch tâm lý gồm ca, hát, nhảy, múa lẫn cả hài lẫn bi.Như bảo, cô thích nhân vật phải dữ dội bên trong và có những cú sốc tình cảm, tâm lý. Kịch bản phải để cho người diễn viên thỏa sức sáng tạo và từng bước chinh phục khán giả.

Nếu như ba năm trước, Khả Như được mọi người chú ý khi cô đóng vai phản diện trong vở nhạc kịch “High school musical” phiên bản Việt thì một thời gian sau cô lại khiến khán giả phải nhớ đến mình với vai nữ chính trong vở kịch ăn khách “Chuyện tình Bangkok” - đã công diễn tới hàng trăm suất, hay vai ma nữ lấy nước mắt người xem trong phim điện ảnh “49 ngày” đóng cùng với danh hài Trường Giang. Dù ở bất cứ vai diễn nào, thành viên nhóm nhạc kịch Buffalo cũng cháy hết mình và thăng hoa với nghề.

Dù cho đó là những vai diễn quần chúng, thứ chính hay đào chính… nữ diễn viên trẻ đều mang đến sự nội lực, máu lửa trong từng vai diễn. Hoàn thiện khả năng diễn xuất của mình theo từng ngày, Khả Như ở thời điểm hiện tại đã khẳng định được phong cách riêng, dấu ấn đặc biệt của mình trên sân khấu. 

Có thể nói, khi nhắc đến cô nàng Khả Như, ngay lập tức mọi người sẽ nhớ đến những tiết mục hài hước có phần lầy lội, vừa hài, vừa bi, và chắc chắn không thiếu được những phân đoạn nhảy múa tưng bừng trên sân khấu. Đó là cái “chất” riêng của Khả Như mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có được.

Nữ diễn viên Khả Như chia sẻ: “Đối với nghệ thuật không được phép dễ dãi. Dù chỉ bước lên sân khấu một phút thôi, mình cũng phải nghiêm túc với nó.Tôi luôn cố sức làm việc thật nhiều, có khi đổ bệnh vì kiệt sức nhưng đam mê nên tôi vẫn cứ làm.Việc đến nhiều là mừng, tuổi trẻ nên tôi luôn cố hết sức.

Làm như vậy mà tôi còn thấy mình thua sút lắm. Bằng tuổi tôi người ta thành công nhiều rồi.Tôi xuất phát chậm, đi chậm nên phải cố gắng làm gì cũng thật chắc. Nhưng tôi luôn tin rằng: “Cứ đi rồi sẽ đến”, cứ chăm chỉ rồi sẽ chạm đến thành công”.

Luôn sợ khán giả “quên” mình

Như nói, bản thân cô lúc nào cũng sợ không được xuất hiện, sợ khán giả quên mình, nhất là khi hiện nay có rất nhiều tài năng trẻ xuất hiện liên tiếp, dồn dập; thế nên cô luôn len lỏi vào tất cả những chương trình có thể để khán giả có thể nhớ đến mình.

“Nghệ thuật là môi trường bị đào thải rất cao, có khi khán giả chưa kịp chán mình thì mình đã có người khác thay thế rồi.Thế nên là cứ cống hiến hết mình đi”, nữ diễn viên trẻ đùa vui.

Khả Như bảo tôi, điều cô sợ nhất là sự nhạt nhòa trong tính cách.Với cô, phải làm xong một việc mà khi ấy Khả Như nghĩ là quá sức mình, giờ đây cô có “thói quen” phải làm cho kỳ được, không bao giờ chịu đầu hàng, bỏ dở giữa chừng. 

Nhớ những ngày mới chập chững làm nghề, làm việc với nhóm nhạc kịch Buffalo, tập luyện mệt rã rời nhưng thù lao không bao nhiêu, tương lai mờ mịt, có người khuyên Khả Như “buông đi, “đeo” chi cho cực!”. Nhưng cô nghĩ đã thích, đã theo đuổi thì quyết tâm tới cùng. Chỉ khi nào đã nỗ lực hết sức mà vẫn thất bại thì… mới tính lại! Bằng không, không được phép bỏ cuộc.

Thế nên đã nhận vai… là cô ăn vai diễn, ngủ vai diễn, thậm chí khi vở đã diễn xong mà cô về nhà vẫn cứ lẩm nhẩm lúc cười, lúc khóc vì quá nhập vai đến tận vài ngày sau mỗi khi nghĩ đến vai diễn là cô vẫn còn khóc rưng rức và cười banh chành.

Còn nhớ, trong đêm thi quyết định của gameshow “Cười xuyên Việt 2016”, Khả Như đã cùng với nhóm nhạc kịch Buffalo của mình từ đội có số điểm thấp nhất, vươn lên dẫn đầu với tiết mục xuất sắc: “Mình ơi” và xuất sắc nhận giải Quán quân của chương trình cùng với nhóm X-Pro.

Trong vai bà cả, Khả Như đã thể hiện được nội tâm của một người phụ nữ bị giày vò bởi cảm giác bị phản bội, cảm giác thù hận và cảm giác cô đơn lúc về già… Tiết mục khiến người xem sởn da gà với cái ghen thâm thúy nhưng rất dữ dội của bà cả với 2 cô vợ lẽ của chồng mình.

Dù người chồng đã qua đời nhiều năm nhưng trong lòng bà cả vẫn luôn ôm một nỗi uất hận, sự ghen tức với “bà hai” và “bà ba” - những người đã chen ngang mối tình tuyệt đẹp của bà. Ngoài mặt bà cả luôn tỏ ra ngọt ngào nhưng trong lòng luôn tìm cách để trút mối hận của mình và giam cầm tuổi thanh xuân của 2 người vợ lẽ, không cho họ cơ hội làm lại cuộc đời để họ phải sống một cuộc đời buồn chán giống như bà. 

Nhân dịp giỗ chồng, bà cả bày kế mời cô đồng về để tranh thủ “mượn hồn” chồng trút những trận đòn roi lên 2 người vợ lẽ, tuy nhiên mưu kế của bà cuối cùng cũng đã bị phát hiện…

Tiết mục giành được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả cũng như những lời khen ngợi từ ban giám khảo. Mỗi lần như vậy, cô luôn thấy trong người cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi được phát huy hết công lực, hết tài năng của mình.

Yếu đuối và hay khóc

Khả Như nói, cho đến lúc này, cô luôn nghĩ mình được ưu ái. Bởi lẽ sau khi tham gia “Cùng nhau tỏa sáng” mùa đầu tiên và xuất sắc giành Quán quân, cô được ban tổ chức tin tưởng và mời làm cố vấn cho chương trình.

Khả Như tâm sự: “Hai chữ “cố vấn” nghe “oách” vậy thôi nhưng thực tế tôi cùng tham gia với các đội. Nhiệm vụ của tôi không phải là chỉ tay 5 ngón mà thân thiết với  từng thí sinh, đưa ra ý kiến của mình như một người đồng nghiệp, khán giả. Ban đầu tôi hơi áp lực vì chương trình có nhiều anh chị lớn khiến tôi lo lắng không biết mình phải làm sao cho tốt. Tuy nhiên, khi gần gũi với các đội như người nhà, tôi không có bất cứ khoảng cách nào”.

Nghe Khả Như nói chuyện, nụ cười luôn thường trực trên môi nhiều người sẽ nhận định cô là một người vui tính, ăn nói hoạt ngôn. Nhưng tôi nhận ra sau nụ cười tưởng chừng như “tươi rói” ấy là một nỗi buồn đang ẩn giấu. Tôi thấy Như cô đơn.

Khả Như diễn xuất thần trong vở "Mình ơi"
Khả Như diễn xuất thần trong vở "Mình ơi"

Buột miệng hỏi: “Khả Như là người thế nào?”, Như thẳng thừng đáp: “Khó đoán, nắng mưa thất thường, đa sầu đa cảm, mạnh mẽ nhưng cũng rất lập dị”.

Chẳng thể phủ nhận, người nghệ sĩ thường có trái tim mong manh, đa sầu đa cảm, tâm hồn thì luôn lãng đãng bay bay hơn so với người bình thường. Khả Như cũng không nằm ngoài số đó.

Có lúc, tôi thấy Như thốt lên: “Cuộc sống của tôi đôi lúc không được bình thường, tôi hay suy nghĩ về những ý tưởng mới cho kịch bản nên cứ hay thơ thơ, thẩn thẩn, đầu óc hay tưng tửng khác người. Mọi người xung quanh luôn nhìn tôi với con mắt của một người bị cô lập”. 

Với Khả Như, cách giải tỏa nỗi buồn, sự cô đơn đó chính là công việc. Như bảo, làm việc nhiều cô sẽ không còn thời gian để buồn, để cảm thấy mình đang cô đơn nữa.Dù đêm hôm trước có buồn tan tành, não nề thì đến ngày hôm sauNhư lại gác mọi muộn phiền sang một bên và tiếp tục công việc. 

Khả Như thừa nhận, mọi người không có lý do gì mà phải nhìn thấy khuôn mặt sầu não của cô, vậy nên cô thường giấu nỗi buồn của mình vào bên trong chứ không chia sẻ với ai.

Có lẽ chính tính cách hay buồn và nhạy cảm nên những chất chứa trong khi bước lên sân khấu đều được cô tung tẩy ra hết. Đến lúc này, Khả Như luôn tự hào vì bản thân có thể sống đầy đủ bằng mồ hôi, công sức trong lao động nghệ thuật của mình.

Để có được như hôm nay, Khả Như nói là nhờ ba mẹ đã đưa cô được “bay” với đam mê của mình và chạm đến những thành công đầu tiên trên con đường nghệ thuật.Vì là con một, với bố mẹ, Như luôn muốn bố mẹ phải hài lòng về mình. Thế nên, ngoài chuyện công việc, Khả Như rất ngại tiếp xúc với truyền thông vì cô sợ “nói hớ”.

Khả Như sợ những tin đồn không hay sẽ khiến bố mẹ cô phiền muộn. Ngay cả khi đã có cho mình “ý chung nhân” nhưng cô gần như không nhắc đến. Cô bảo, hạnh phúc của mình, chỉ cần bản thân cảm nhận là đủ chứ không cần “khua chiêng gõ trống” cho cả thiên hạ biết làm gì.

Hỏi Khả Như đã nghĩ đến việc sẽ đón bố mẹ lên TP HCM cùng mình để tiện chăm sóc chưa?. Cô tâm sự: “Nếu thi thoảng tôi năn nỉ hoặc tìm cách “dụ dỗ” ba mẹ lên TP HCM ở với mình một vài ngày thì được chứ nếu ở hẳn thì khó lắm. Ba mẹ tôi quen với cuộc sống gần gũi, bình dị bên bà con láng giềng chứ không hợp với cuộc sống đô thị ồn ã” . Như nói, để bố mẹ có những tháng ngày bình yên cũng là điều mà duy nhất mà cô luôn nhắc nhở bản thân phải nhớ.

Khả Như cho hay: “Mục tiêu của tôi là trở thành một diễn viên đa năng, nhưng đam mê lớn nhất vẫn là sân khấu kịch. Có người nghĩ rằng diễn kịch rất cực, nhưng tôi lại không thấy quá nhiều khó khăn.

Thực tế, hiện nay kịch đã trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ, bởi khi xem kịch các bạn không chỉ là được thư giãn, được cười sảng khoái mà hơn hết ẩn sau mỗi vở kịch là những giá trị nhân văn cao quý, những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống. Xem kịch xong bạn sẽ nhận ra cuộc đời ngoài kia thật tuyệt vời biết bao nhiêu…”.

Khả Như và Trương Nam Thành trong phim “49 ngày”
Khả Như và Trương Nam Thành trong phim “49 ngày”

Nhạc vừa mở, Khả Như vội vàng bước ra sân khấu để bắt đầu “cùng nhau tỏa sáng”…

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.