Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Khoảng lặng” phía sau những bộn bề

Bùi Thạc Chuyên chỉ đạo các cảnh quay.
Bùi Thạc Chuyên chỉ đạo các cảnh quay.
(PLO) - Bùi Thạc Chuyên luôn quan niệm: “Người làm phim không phải chạy theo sự thật mà tái hiện sự thật qua lăng kính của anh ta. Một sự thật gây được nhiều cảm xúc, chứ không phải chứng minh rằng: Thật đấy!”. Anh tự tin vì: “Phim mình không phải cúm gia cầm, không phải HIV, nó là một vấn đề lâu dài. Vấn đề con người”.

Trong phim có cả triệu điểm có thể dẫn tới việc làm hỏng bộ phim. Do đó, Bùi Thạc Chuyên tự ví mình như người đi trên bãi mìn, làm sao để tránh những bước chân sai lầm với nguy cơ mọi thứ sẽ nổ tung. “Nhưng nếu chỉ lo lắng thì sẽ chẳng làm được điều gì cả. Làm một bộ phim cũng cần phải giống như một cuộc chơi mà mình luôn làm chủ, chơi hết mình”, anh nói.

Nỗ lực không ngừng

Bùi Thạc Chuyên lặng lẽ nhấp từng ngụm cà phê ở một góc quán nhỏ trên đường Đội Cấn, Hà Nội, trong một buổi chiều muộn. Chuyên bảo, những lúc rảnh rỗi, anh thường ngồi cà phê một mình hoặc ngồi đâu đó trong khu nhà thờ Tin lành, nghe tiếng chuông chiều, và suy nghĩ về những ý tưởng làm phim. Tránh những chỗ ồn ào, đôi khi là nhiều thị phi của thế giới nghệ sĩ, anh cũng không ưa những cuộc tranh luận, đàm tiếu của họ mà lặng lẽ làm công việc của mình, ít quan tâm đến dư luận.

“Còn để bớt căng thẳng, tôi hay đọc sách và xem phim. Chẳng biết có phải vì bố tôi là nhà văn hay không nhưng từ nhỏ tôi đã rất thích đọc sách. Đến bây giờ cũng vậy, bạn bè bảo sách nào hay là tôi đọc, không trừ một lĩnh vực nào”, vị đạo diễn chia sẻ.

Công việc hàng ngày của anh là duy trì sinh hoạt chiếu phim và tọa đàm với người yêu điện ảnh tại Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ của Hội Điện ảnh Việt Nam. Và thư viện phim ảnh khổng lồ của trung tâm dành cho các thành viên cũng là một nỗ lực tìm kiếm của anh và các cộng sự. Bùi Thạc Chuyên dường như không chỉ muốn làm điều gì đó cho riêng những bộ phim của mình, mà tình yêu điện ảnh của anh rộng hơn, một phần là bởi trách nhiệm anh được giao cho việc ươm mầm những hạt giống yêu thích điện ảnh.

Mọi tâm huyết Chuyên dồn vào đám học trò làm phim, với mong muốn truyền đam mê cho thế hệ trẻ. Xem những thước phim còn vụng về của đám học trò do chính mình hướng dẫn, anh tìm lại được những cảm giác ngày đầu làm phim của mình. Ít ai biết rằng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng có một thời sướng rơn lên khi lần đầu tiên phim mình làm được công chiếu và anh cũng từng viết những kịch bản lãng mạn với hơi hướng thần tiên.

Điều đau đáu của Bùi Thạc Chuyên vẫn là phim ảnh, dù lúc này, anh không nói nhiều về công việc và những dự định của mình. Chuyên vẫn bộn bề trăn trở, vẫn khát vọng về một điều gì đó mà anh chưa chạm tới. Đôi khi nó khiến anh, trong nhịp sống hối hả của đời sống đô thị, của phim ảnh, vẫn thấy mình chơi vơi. Anh tự ví, những người làm phim độc lập, anh hay Phan Đăng Di chỉ là những cá nhân vẫy vùng giữa biển cả, chỉ làm gợn sóng, chứ chưa đủ sức làm nên sóng. Tuy nhiên anh khẳng định mình không hề bi quan, chỉ muốn nhấn mạnh những khó khăn anh đang phải đối mặt và lo lắng cho tương lai của các bạn trẻ dấn thân theo nghệ thuật.

“Đã từng có dạo, điện ảnh Việt tưởng như xuất hiện một làn gió mới, nhưng rồi mọi thứ cứ lụi tàn vì chưa có một cơ chế tốt cho điện ảnh. Phải bình đẳng điện ảnh nhà nước và tư nhân thì mới có làn sóng được. Bản thân tôi và bất cứ một đạo diễn trẻ nào nổi lên, đều là nỗ lực cá nhân, không bền lâu. Phải có sự hỗ trợ của cả một hệ thống”, Bùi Thạc Chuyên trăn trở.

Phớt lờ những định kiến, khen chê

Một bộ phim khi ra mắt công chúng, khán giả hiểu hoặc không hiểu, khen hoặc chê, đối với Bùi Thạc Chuyên không quá quan trọng. Anh tâm sự: “Đạo diễn chỉ có thể làm được những cái mình thích. Nó mới hay cũ là chuyện của nhà phê bình, của hãng phim, của khán giả. Trong điện ảnh, cái nhìn mới mẻ của anh đối với những thứ diễn ra hàng ngày mới quan trọng. Còn tìm ra cái mới hoàn toàn là một cuộc cách mạng, một sự vĩ đại. Tôi thì không phải là người vĩ đại, tôi chỉ làm cái mình thích”.

Nhớ dạo phim 12A-4H đang chiếu, nữ nhà văn Y Ban đã “phang” phim của Bùi Thạc Chuyên tới 7 kỳ dài dằng dặc trên báo. Anh có đọc nhưng không tranh luận, cũng không “thù” Y Ban: “Tôi kệ. Vì nghĩ đó là việc của họ phải làm, chắc cô ấy cũng chẳng thấy như thế song lại bắt buộc phải viết. Hoặc cô ấy thích như thế. Chả hiểu. Thôi, tùy. Cứ việc viết, chán thì thôi”.

Bùi Thạc Chuyên chuyển tải đề tài đồng tính nữ lên phim ảnh với “Chơi vơi”.
Bùi Thạc Chuyên chuyển tải đề tài đồng tính nữ lên phim ảnh với “Chơi vơi”.

“Khi làm phim “Chơi vơi”, tôi chỉ hy vọng trong 80 triệu đồng bào có 80 người thích phim của tôi là thành công. Có nghĩa là tôi chỉ làm phim đó cho bản thân tôi thôi. Nhưng thật bất ngờ khi bộ phim được công chiếu ở rạp hơn một tháng, dù chỉ được chiếu vào buổi sáng và buổi trưa là những giờ chiếu thật tệ nhưng khán giả rất đông và mang lại cho Hãng phim của tôi một khoản tiền ngỡ từ trên trời rơi xuống”, Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.

Nếu như nhiều đạo diễn chỉ tập trung khai thác mảng đồng tính nam thì Bùi Thạc Chuyên lại chọn cho mình một hướng đi khác khi chuyển tải đề tài đồng tính nữ lên phim ảnh với “Chơi vơi”. Tình yêu đồng tính trong bộ phim không rõ ràng, chỉ là mơ hồ nhưng lại có một sự tinh tế rất riêng của nó, vừa đủ để người xem hiểu và cảm nhận. Có thể thấy, “Chơi vơi” của đạo diễn họ Bùi giống như một truyện ngắn được viết bằng hình ảnh, tiết chế tối đa lời thoại, những hành động đôi khi rời rạc và khó hiểu, nhưng tất cả xuyên suốt với nhau và được dẫn dắt bởi một mạch cảm xúc rất mỏng manh nhưng đặc biệt.

Làm một bộ phim như thế, không chỉ đòi hỏi sự nhẫn nại và tinh tế của người thực hiện. Nó còn cần cả một câu chuyện tưởng như rất mơ hồ, lỏng lẻo, trúc trắc, rời rạc nhưng lại được kết nối nhau bằng những chi tiết nhỏ, tạo thành một tổng thể thống nhất. Điều cuối cùng đọng lại, không phải là một câu chuyện phim hấp dẫn, mà là cảm xúc của người xem, là sự ám ảnh mà bộ phim mang lại. Chính vì lẽ đó, bộ phim giành được hàng loạt giải thưởng quốc tế cũng là điều dễ hiểu.

“Tôi là người cầu toàn. Vì thế mà làm gì cũng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo đến mức có thể”, Bùi Thạc Chuyên nói. Với quan điểm: không vội vàng, phải chắc, có thể chậm, phim của Chuyên lúc nào cũng cầu kỳ và tinh tế. Cầu kỳ trong từng khuôn hình, từng chi tiết nhỏ và tinh tế ở chỗ anh có khả năng chạm vào từng cung bậc xúc cảm khó nắm bắt trong lòng khán giả.

Xem “Sống trong sợ hãi”, có đôi lúc thấy sự khác biệt trong phim của Chuyên chỉ qua những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt. Việc Chuyên chăm chút cho từng món đồ xuất hiện trong phim chỉ một vài giây khiến cả những khán giả khó tính nhất cũng phải gật gù. Chiếc ca uống nước, chiếc radio hay bất kỳ vật dụng gì dù chỉ lướt qua màn ảnh một khắc ngắn ngủi cũng phải mang trong nó một giá trị riêng. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy phần nào nói lên tính cách và phong cách làm phim của Bùi Thạc Chuyên, cũng như lý giải tại sao mỗi bộ phim anh làm đều tiêu tốn thời gian tới vậy.

“Đã làm là làm tới cùng”

Bùi Thạc Chuyên đồng thời cũng là một người rất linh hoạt để thích ứng với môi trường làm phim mà anh có. Đủ để ít nhất 3 năm làm được 1 phim như anh đã, khi thì làm bằng kinh phí nhà nước, khi thì tự đi xin tài trợ và khi thì do tư nhân đặt hàng. Với Bùi Thạc Chuyên, làm điện ảnh chuyên nghiệp, không quan trọng phim nghệ thuật hay phim giải trí, mà chỉ đơn giản, phim hay hay dở.

Không ít người cho rằng làm một bộ phim giải trí không phải mất nhiều công sức như phim nghệ thuật. Tuy nhiên, Bùi Thạc Chuyên lên tiếng phủ nhận điều này: “Làm gì có chuyện làm phim thương mại là dễ dàng. Cực kỳ mất công và khó nhọc. Khó nhọc hơn tôi tưởng nhiều. Như bộ phim kinh dị “Lời nguyền huyết ngải”, chúng tôi đã quay trong 40 ngày, trong đó có 37 đêm từ 4 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Liên tục thức đêm như thế nên đến cuối giai đoạn quay, mọi người gần như kiệt sức, cả tôi cũng vậy. Thậm chí quay xong phim này, mệt quá, tôi phải đi xe máy lên rừng để xả stress”.

Chuyên luôn tâm niệm, phải luôn ý thức được ai là khán giả của mình. Theo anh, nhiều phim của Mỹ sản xuất ra cũng không bao giờ tham dự liên hoan vì phim của họ là phim giải trí, không có nghĩa là người làm phim tác giả chê bai phim giải trí hay ngược lại. Đó là hai bài toán khác nhau và để giải hai bài toán đó thì đều khó như nhau. Người giải bài toán giải trí phải là làm sao phải thu hút đông đảo khán giả, phải thu được tiền. Còn người giải bài toán phim tác giả là làm sao phải khám phá. Vì thế không thể hạ thấp phim loại phim nào cả.

“Thực tế, một nền điện ảnh lành mạnh là phải có cả phim thương mại và phim nghệ thuật. Vì nếu, một nền điện ảnh chỉ có khám phá, sáng tạo thôi thì ai sẽ nuôi nó. Ngược lại, nếu một nền điện ảnh chỉ chăm chăm kiếm tiền thì sự phát triển của nó sẽ đi đến đâu. Vậy mỗi người hãy làm tốt công việc của mình. Ai muốn làm phim của riêng mình thì hãy dành tâm huyết cho những sáng tạo của mình”, đạo diễn họ Bùi nhấn mạnh.

Tập cho mình thói quen không nghĩ đến những gì đã đạt được, vì nó chẳng có ích gì cho những dự định trong tương lai, Bùi Thạc Chuyên thường nghĩ nhiều về những thứ chưa được để làm việc nghiêm túc, đã làm là làm tới cùng, làm hết trách nhiệm. Với anh, đề tài nào cũng khó nếu muốn làm phim hay. Anh muốn thử sức trong những cách làm phim khác với cách mình làm ngày hôm qua. Trước mỗi khó khăn, anh thường tâm niệm: ngày mai, sẽ còn khó khăn hơn thế nữa, nếu không bắt tay vào làm ngay, sẽ vuột mất những thứ mình muốn.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.