Ca sĩ Quốc Đại đi hát vũ trường... nhận cát-sê 30 ngàn

Ca sĩ Quốc Đại
Ca sĩ Quốc Đại
(PLO) -“Những năm 30, 31 tuổi tôi từng mong muốn có một gia đình nhỏ, con cái đề huề như mọi người nhưng sau đó tôi lại nghĩ khác. Hiện tại tôi vẫn chưa có ý định kết hôn. Đơn giản vì tôi thấy mình khá hợp với cuộc sống độc thân, nó mang lại cho tôi sự tự do, thoải mái. Hơn nữa tôi cũng có nhiều thời gian hơn để chuyên tâm cho âm nhạc và làm những việc có ích cho xã hội”, ca sĩ Quốc Đại.

Từng đoạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1998, Quốc Đại là một trong số ít những ca sĩ hiện nay thành công với dòng nhạc mang âm hưởng dân ca. Với tính cách có phần hơi trầm lặng, không thích bon chen, Quốc Đại luôn kiệm lời khi nói về mình. Anh sợ “cái mặt mình lên truyền hình nhiều quá giờ lại lên báo nữa, người ta cười cho”. 

Đi hát vũ trường... nhận cát-sê 30 ngàn

Quốc Đại sinh ra trong một gia đình cha làm công nhân viên chức và mẹ làm nội trợ nhưng ngay từ nhỏ anh đã được cha mẹ gật đầu khi xin đi học hát cải lương. Tuy nhiên, vì quá mải mê ca hát mà xao nhãng việc học nên sau đó anh bị gia đình phản đối thậm chí là “cấm” đi học hát. Nghe lời cha mẹ nên suốt những năm học cấp 2 và THPT, Quốc Đại không tham gia văn nghệ nữa mà chỉ chú tâm vào chuyện học hành.

Khi là sinh viên Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), Quốc Đại tham gia cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” của trường và đoạt giải Nhất. 2 năm sau (1998), Quốc Đại đoạt giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát truyền hình” và chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp với khởi đầu ở Đoàn ca nhạc nhẹ TP.HCM.

Chẳng giấu giếm, Quốc Đại kể, bản thân anh từng được giới thiệu đi hát ở một vũ trường nhỏ với mức cát-sê chỉ 30 ngàn đồng. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất anh đi hát ở vũ trường, không phải vì chê cát-sê thấp mà chỉ đơn giản: “Đi hát mà không ai nghe thì mình hát làm gì?”. 

8 năm đi hát, 8 năm “trầy trật” kiếm tiền, Quốc Đại cũng tích cóp được một khoản nho nhỏ và cho ra mắt album đầu tay “Về đi em” với hình ảnh là một Quốc Đại “đa màu sắc”. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của anh, album “chìm nghỉm” giữa bao giọng ca đang nổi thời bấy giờ. 

Một quãng thời gian dài sau đó, Quốc Đại rơi vào trạng thái bế tắc. Bế tắc thật sự. “Sau 8 năm ca hát, tôi đã có ý định mở quán cà phê và yên phận hát phòng trà, nhưng duyên nghiệp bất ngờ xuất hiện. Năm 2006, khi tham gia chương trình nghệ thuật trong tuần lễ Festival biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi tình cờ quen Cẩm Ly, rồi được vợ chồng chị ấy mời làm ca sĩ độc quyền cho Kim Lợi Studio của họ”.

Những năm 2008, 2009, ca khúc “Cà phê miệt vườn” mà anh song ca cùng nữ ca sĩ Cẩm Ly vang lên ở khắp các quán cà phê từ lớn đến bé. Giọng ca ngọt ngào nhưng cũng đầy sâu lắng đã đưa tên tuổi Quốc Đại lên hàng top trong lòng khán giả. Chẳng quá khi nhận xét, quãng thời gian ấy, sẽ chẳng có ai hát mảng dân ca hay hơn Quốc Đại- Cẩm Ly. 

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến Cẩm Ly và Minh Vy, Quốc Đại luôn dành cho cặp vợ chồng này một sự trân trọng và biết ơn. Anh bảo, có thể nhiều người sẽ cảm thấy tự ái khi bị nói là “núp bóng” hay “ăn theo” một ca sĩ nào đó nhưng với Quốc Đại thì không. Với anh, chỉ cần còn có cái duyên với nghề, được hát, được biểu diễn cho khán giả xem là đã đủ cảm thấy hạnh phúc rồi.

“Độc thân cũng không tệ lắm!”

Chọn cho mình dòng nhạc dân ca trữ tình để theo đuổi, Quốc Đại tự biết lượng khán giả của mình đa số là những người lớn tuổi nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy lo lắng. Bởi lẽ, giới trẻ nghe dân ca không nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là họ quay lưng với nhạc trữ tình. 

“Tôi luôn tự dặn lòng mình, khi đã lựa chọn cho mình một con đường riêng thì cứ kiên trì theo đuổi nó. Những giá trị đích thực vẫn tồn tại theo thời gian mà thôi. Không nên vội vã, không nên hoang mang. Tôi nghĩ mình còn quá nhiều việc để làm ở tương lai thay vì ngồi lo lắng, tính toán thiệt hơn”.

Cho đến thời điểm này, sự đam mê với nghề của Quốc Đại phần nào đã được đáp trả xứng đáng. Không sở hữu ngoại hình “bắt mắt” như các ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ song với giọng hát mềm mại, ngọt ngào nhưng giọng ca gốc Nam Định đã “hạ gục” không biết bao nhiêu khán giả bởi chính giọng ca đầy cảm xúc của mình.

Điều duy nhất mà đến nay anh vẫn cảm thấy trăn trở và tiếc nuối, đó là anh vẫn chưa tốt nghiệp bất cứ một trường đại học nào vì cứ theo học được một thời gian là anh lại mải mê đi hát mà quên hết chuyện học.

“Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy hối tiếc, nếu như mình cố gắng thu xếp tốt thì có thể hoàn thành tốt cả việc học và việc đi hát. Nói vậy lại thấy nể Đoan Trang quá (ca sĩ Đoan Trang-PV), Trang vừa hát hay lại vừa học giỏi. Nhưng thôi, nói tiếc thì tiếc vậy thôi hối hận hay thì không. Bản thân tôi một khi đã quyết định điều gì đó thì sẽ dốc toàn bộ tâm ý cũng như sức lực cho con đường mà mình đã chọn”.

Quốc Đại thừa nhận, bản thân anh ít khi để cho người ngoài thấy anh buồn, bởi lẽ mọi người không có lý do gì phải nhìn thấy gương mặt thiểu não của anh. Thế nên lúc nào người ta cũng thấy Quốc Đại luôn cười nói vui vẻ, nhưng nếu đã tiếp xúc nói chuyện với anh thì sẽ thấy khác hẳn. Quốc Đại ở ngoài “sống rất khép kín và lành tính”. 

Quốc Đại thích mình là một kẻ độc hành tự tìm kiếm, khám phá và trải nghiệm với cuộc sống. Đối với anh tình yêu là sự kết nối nhưng nếu đó là hai cá thể quá lớn và độc lập thì không thể giữ được. 

Với Quốc Đại, tình yêu không dễ gì có được và cũng đâu phải chỉ tồn tại ngày một, ngày hai nên khi mất đi anh cũng đã từng buồn rất nhiều. Tuy nhiên, do vốn dĩ là một người lạc quan nên khi buồn anh thường tìm đến bạn bè hoặc đi du lịch đâu đó chứ không yếu mềm đến mức khủng hoảng tinh thần nhốt mình trong phòng “tự kỉ”.

Anh không bi quan về cuộc sống và tình yêu nhưng lại rất sợ trách nhiệm. Đó là khi anh chứng kiến cảnh cháu ruột của mình mắc bệnh viêm màng não, mê man bất tỉnh.

“Bản thân tôi là cậu ruột mà chứng kiến cảnh cháu mình còn nhỏ ốm đau, bệnh tật mà đã không chịu nổi rồi khi làm cha, làm mẹ thì biết phải làm sao?”. Quốc Đại luôn sợ về trách nhiệm quá lớn của việc làm cha, làm mẹ, và rồi, anh nghiễm nhiên mặc định chọn cho mình cuộc sống độc thân.

Quyết định ấy khiến anh từng chịu không ít lời “dèm pha”, thậm chí chính cha mẹ anh cũng tỏ ra không vui ra mặt với cậu con trai. Nhưng rồi không lâu sau đó, cha mẹ cũng phải “mềm lòng” trước cậu con trai cứng đầu vì: “Đó là cuộc sống của con, con làm và con phải chịu trách nhiệm với nó dù vui vẻ hay khổ đau”.

Quốc Đại luôn nghĩ có nhiều cách để báo hiếu cha mẹ thay vì cứ nhất thiết phải lập gia đình, sinh con đẻ cái. Anh cho rằng, bản thân mình còn nhiều trách nhiệm với xã hội thế nên cứ sống tốt, sống hết mình đi rồi sau xã hội sẽ lại giúp mình. 

Giờ đây điều khiến Quốc Đại cảm thấy hạnh phúc nhất là được ở bên cạnh gia đình và được sống với âm nhạc. Với Quốc Đại mọi chuyện là tùy duyên và duyên của mỗi người mỗi khác và nếu đã hết duyên, hết phận thì phải để thuận theo lẽ trời mà thôi. Vì thế, Quốc Đại nghĩ “sẽ tốt hơn nếu chỉ sống một mình”...

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.