Bộ phim có cảnh mưa, lũ thật 90%

Những cảnh mưa bão lũ thật
Những cảnh mưa bão lũ thật
(PLO) -Một bộ phim dung dị, không có dàn diễn viên ngôi sao, không có những cảnh xa hoa với siêu xe, du thuyền bạc tỷ nhưng lại có kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng. Tại sao vậy?

Đây là một điều lạ không chỉ với khán giả mà với cả dân trong nghề. Giải thích về điều này, đại diện nhà sản xuất chia sẻ, hầu hết các phim điện ảnh đều quay trong thời gian một tháng.

Sở dĩ thời gian quay "Cha cõng con" bị đội lên gấp đôi vì đạo diễn Lương Đình Dũng, với sự kỹ tính và yêu cầu khắt khe của mình yêu cầu ekip thực hiện từ diễn viên, quay phim làm đi làm lại đến bao giờ ưng ý mới thôi. Dàn diễn viên hầu hết là nghiệp dư, lại phần đa là trẻ con, nhưng không vì thế đạo diễn chịu dùng một cảnh quay nào mà anh thấy còn non. 

Đặc biệt để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ đẹp như một bức tranh, giữa ánh sáng vàng rộm trên những ngọn cỏ xanh, hoa may trong gió, ngoài việc thuê người trông, chăm sóc cỏ thì mỗi ngày chỉ có 15 phút thời điểm ánh sáng tốt nhất để quay. Riêng cảnh này phải quay trong mấy ngày đạo diễn mới ưng ý.

Mỗi khi thực hiện xong một cảnh quay, anh thường hỏi ý kiến thành viên đoàn giống như một cách kiểm tra, nếu nhận câu trả lời "Được", Lương Đình Dũng sẽ yêu cầu làm lại đến khi nào "Tốt" mới chịu dừng. Câu nói của đạo diễn “Nếu tôi phát hiện ra bất cứ một điểm nào chưa được dù nhỏ, thì tôi sẽ thực hiện đến khi nào được thì thôi..” nên mới có chuyện, một ngày đoàn quay được đúng 1 cảnh.

Với trang phục đạo diễn cũng yêu cầu thiết kế phục trang lựa chọn từng mẫu vải, chất liệu, mẫu may, từ cái thắt lưng của chú Mù trong phim phải mang về rất nhiều phiên bản, đến những chiếc áo mưa được sơn mầu theo ý đạo diễn.

Ê-kíp liên tục di chuyển từ Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn. Khi phim đã hoàn thành quay, về đến phòng dựng, đạo diễn xem lại cảnh thiên nhiên thấy vẫn chưa thực sự hài lòng, lại bắt ê-kíp ngược từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm ba lần nữa. NSND Lý Thái Dũng - nhà quay phim nổi tiếng - nhiều lúc cũng phải lắc đầu trước sự khắt khe của anh chàng đạo diễn cùng tên.

"Cha cõng con" không có quá nhiều nhân vật nhưng để thực hiện phim, đã có trên dưới 100 người phải làm việc liên tục. Ê-kíp được thực hiện bởi những cá nhân chuyên nghiệp. Hợp tác xã Thành Tuyên tại Bắc Mê (Hà Giang) phải đóng mới 2 thuyền sắt cỡ lớn để vận chuyển người đi lại trên dòng sông trong suốt quá trình quay. 

Cảnh mưa và lũ đều quay thật đến 90%. Tại đồi Minh Ngọc, Bắc Mê bối cảnh ở độ cao gần 200 mét gần một tháng, ngày nào Đoàn cũng phải leo lên đỉnh đồi với trung bình thời gian di chuyển 30-45 phút từ chân đồi. Lúc xuống đồi khá nguy hiểm vì phải đi qua con suối, có thể sáng đi cao đến đầu gối nhưng đêm về nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ dưới chân núi chạy theo lên đến đỉnh núi để soi đường và chăng dây cáp qua suối.

Cảnh quay đẹp từng khuôn hình
Cảnh quay đẹp từng khuôn hình

Để đưa được thiết bị điện lên đỉnh núi, mọi người phải tháo rời các thiết bị điện ra đưa lên rồi mới lắp vào. Trên đỉnh đồi liên tục gặp mưa, bão lớn. Mặc dù, việc mưa, bão sẽ thuận lợi cho cảnh quay thật hơn nhưng mỗi trận mưa đến cùng sấm sét, anh em trong đoàn bảo nhau phải bỏ bộ đàm và điện thoại thật xa để tránh sét vì nghe tin ở đó cách mấy xã sét vừa đánh chết gần hai chục con trâu. 

Đoàn quay Flycam đầu tiên khi lên đỉnh đồi Minh Ngọc thì bị mưa bão quá lớn bộ thiết bị bay bị hỏng và phải hoãn quay. Đoàn thứ 2 lên quay gió quá mạnh lên phải từ Hà Nội lên đến 3 lần mới quay được cảnh trên đồi cao. 

Vốn là người kỹ tính, anh mang phim sang làm hậu kỳ âm thanh tại Hàn Quốc. Qua một người bạn, Lương Đình Dũng được giới thiệu làm việc với Lee Dong-jun (còn gọi là Lee Dong-june). Khi ấy, anh cũng không biết mình đang bắt tay với một nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc, người đứng sau phần nhạc phim của rất nhiều tác phẩm điện ảnh bom tấn xứ kim chi như Shiri (1999), 2009 Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Miracle on Cell No. 7 - Điều kỳ diệu phòng giam số 7 (2013), Operation Chromite (2016)...

Phải mất hai tháng, Lee Dong-jun mới hoàn thành nhạc phim cho "Cha cõng con" và tiết lộ: "Tôi  đã khóc khi xem phim và đó chính là cảm hứng cho việc viết nhạc của tôi". Không chỉ vậy, vị nhạc sĩ 49 tuổi còn chia sẻ: "Tôi thích Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng và giờ là Cha cõng con của Lương Đình Dũng".

Khi biết phim chuẩn bị được công chiếu ở Việt Nam, Lee Dong-jun tỏ ra vô cùng háo hức. Ông nhận lời mời của ê-kíp sản xuất sang tham dự buổi ra mắt báo giới tại Hà Nội và TP. HCM. Lee Dong-jun hy vọng nhạc phim góp phần làm nên thành công cho tác phẩm đậm chất nhân văn và duy mỹ của Lương Đình Dũng, đồng thời bày tỏ sự hồi hộp về phản ứng của khán giả Việt Nam với bộ phim này.

Sau hơn 10 năm ấp ủ (từ năm 2007), hơn hai tháng quay phim (từ 17/7-25/9/2015), hơn 1 năm hậu kỳ, đứa con của đạo diễn Lương Đình Dũng được chào đời và giới thiệu đến khán giả. 

Phim chính thức ra rạp từ ngày 5/4, sau khi tham dự và được chọn trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 tại Mỹ (Arizona International Film Festival); Liên Hoan phim Châu Á Thái Bình Dương Châu Mỹ La Tinh lần thứ 17 (DC Asian Pacific American Film Festival); Liên hoan phim Quốc Tế Julien Dubuque lần thứ 6 (Julien Dubuque International Film Festival); Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương Los Angeles lần thứ 33; Liên hoan phim Quốc tế Houston lần thứ 50 và Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.