Bí ẩn trong ngôi chùa cầu con nổi tiếng Sài thành

Bí ẩn trong ngôi chùa cầu con nổi tiếng Sài thành
(PLO) - Chùa Phước Hải, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghé thăm nằm trên đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Phóng viên Báo PLVN đã đến ngôi chùa hơn 100 năm tuổi này để tìm hiểu về những nét độc đáo nơi đây.

Yên bình giữa phố thị

Theo các tài liệu và trí nhớ của nhiều người cao tuổi ở Sài Gòn, chùa có nhiều tên gọi khác nhau: người Pháp gọi là chùa Đa Kao (do nằm ở khu vực Đa Kao) hoặc Empereur de Jade (Ngọc Hoàng), người Việt gọi là chùa Ngọc Hoàng, người Hoa gọi là Ngọc Hoàng điện (trên tấm biển ở cổng chùa có 3 chữ Hán đề: Ngọc Hoàng điện), đến năm 1982 mới đổi tên thành chùa Phước Hải.

Tương truyền, chùa Phước Hải do sư tổ Lưu Minh (người Trung Quốc) sang xây dựng vào năm Nhâm Thìn (1892), đến năm Canh Tý (1900) thì chùa được hoàn thành và làm lễ khánh thành vào năm 1906. Theo học giả Vương Hồng Sển: “Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo Minh sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền lập chùa vừa để thờ phượng, vừa để làm nơi hội kín”.

Sau này, theo thời gian chùa Phước Hải bị xuống cấp nên phải tiến hành trùng tu nhiều lần, mới nhất là vào năm 2006. Có một học giả người Pháp từng nhận xét: “Đây là ngôi chùa đẹp nhất ở Nam phần và thú vị nhất do có các tư liệu quý về tôn giáo của người Hoa ở Đông Dương”. Ngôi chùa cổ hơn 100 năm tuổi này đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 15/10/1994.

Điện Ngọc Hoàng nổi tiếng với người tứ phương thậm chí còn hơn cả đối với người Sài Gòn là bởi điện có tên trong sách du lịch Việt Nam (Non nước Việt Nam) và đặc biệt là sách du lịch quốc tế của Lonely Planet (nhà xuất bản cẩm nang du lịch tư nhân lớn nhất thế giới). Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến ông Obama quyết định đến thăm ngôi chùa đặc biệt này với vai trò của một du khách hơn là một chính trị gia.

Chùa Phước Hải mang nét độc đáo riêng, gọi là chùa nhưng nơi đây không thờ Phật mà chỉ có 1 bức tượng nhỏ Bồ đề Đạt Ma - tổ thứ nhất Phật giáo Trung Hoa ở trên lầu mà thờ Ngọc Hoàng Thượng đế hay Ngọc Đế, vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của thiên đình, cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ. Ngọc Hoàng đứng đầu tất cả các thần, tiên, thánh, người có quyền lực tối cao với các quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa...

Chùa luôn mở rộng cửa đón khách. Du khách bước vào chùa sẽ cảm thấy thanh tịnh với hồ nước ở giữa sân, trong làn khói hương mờ ảo làm tăng thêm sự nối kết giữa con người và tạo hóa. Trong hồ có rất nhiều cá. Trước đây người dân đến chùa thắp nhang sau đó phóng sinh cá tại hồ. Số lượng cá quá nhiều làm cho cá chết khiến hồ bị ô nhiễm nên việc phóng sinh cá sau đó đã được hạn chế.

Đặc biệt, trong hồ, du khách còn được chiêm ngưỡng chú cá trê toàn thân màu trắng vô cùng hiếm gặp. Theo tìm hiểu của phóng viên, con cá trê này đã được khoảng 7 năm tuổi. Bên phải hồ nước có 1 khu nuôi ba ba hay còn gọi là cua đinh và nuôi rùa. Trong đó cũng có một chú cua đinh màu trắng. Trong khi những chú cua đinh bình thường có màu đen thì việc trong chùa có 1 chú cua đinh “bạch tạng” khiến du khách không khỏi trầm trồ.

Cua đinh trắng
Cua đinh trắng

Nhiều người bán hàng hương hoa gần chùa còn cho biết, trước đây trong chùa còn có 1 chú cua đinh rất to, khoảng 30 tuổi. Nhưng cách đây 4 tháng, chú cua đinh này đã qua đời. Khi đó còn có tin đồn thất thiệt rằng, chùa Phước Hải có con rùa trăm tuổi chết cùng ngày với cụ rùa Hồ Gươm. “Sự thật đây chỉ là chú cua đinh do Phật tử phóng sinh tại chùa mà thôi. Chú cua đinh này chết do đã quá già chứ không có gì huyền bí cả”, một người dân cho hay.

Bên trái hồ nước có một khu chuồng để nuôi rùa cạn. Những chú rùa này do Phật tử nhiều nơi mang đến phóng sinh. Qua hồ nước có một nhà bát giác che chiếc đỉnh lớn đúc bằng xi măng giả đồng, dành cho khách hành hương thắp nhang trước khi vào chùa. Chùa được bao bọc dưới tán đa cổ thụ. Giữa lòng phố thị ồn ào, bước vào chùa, du khách sẽ cảm nhận được sự yên bình, tách ra khỏi thế giới xô bồ.

Kiến trúc độc đáo

Ngôi chùa mà tổng thống Obama dự định ghé thăm có lối kiến trúc khá đặc biệt. Chùa có bố cục bên ngoài hình chữ Quốc, bên trong hình chữ Tam, bao gồm 3 tòa tiền điện, trung điện và chánh điện. Mái điện lợp ngói âm dương nhiều màu. Họa tiết trang trí bằng gốm màu trên các bờ nóc, góc mái, trên tường... đều được thiết kế tinh xảo và dựa theo các điển tích. Xung quanh 3 tòa là dãy hành lang tạo không gian kín đáo.

Trong chùa có tổng cộng trên 300 tượng thờ, mỗi gian thờ là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật đặc sắc, thiên - địa giao hòa. Bên dưới điện thờ Ngọc Hoàng có đặt 7 bài vị. Bài vị lớn nhất đặt ở giữa có ghi hàng chữ “Ngọc Hoàng đại thiên chuyên cung cao thượng đế”, còn các bài vị khác ghi một số các vị thần như: Nam tào, Bắc đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan thánh đế quân, Thần Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng).

Trong chùa còn có gian thờ Thập Điện Diêm Vương, Nhị Vị song án, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế, đặc biệt là mười bức chạm gỗ cảnh mười cửa ngục trên các bức tường. Mười bức chạm gỗ diễn tả các hình phạt được chạm khắc trên chất liệu gỗ quý. Những mảng gỗ sẫm màu, sống động chẳng khác nào hình 3D tạo cho không gian một vẻ tĩnh mặc.

Trong 300 bức tượng trong chùa thì có đến gần 100 bức tượng được làm hoàn toàn bằng giấy bồi. Chỉ với giấy bồi và nan tre, các nghệ nhân đã đắp nên những bức tượng rất sống động, đầy vẻ oai nghiêm nhưng vẫn ẩn chứa sự hiền hòa, bình an. Đã hơn trăm năm, những bức tượng này vẫn còn giữ được nét tươi mới. Đây cũng được xem là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi độc đáo.

Mỗi gian điện thờ gắn liền với những câu chuyện thú vị mà khách thập phương truyền tai nhau. Người đến cầu tài cầu lộc thì qua điện Ngọc Hoàng. Người đến cầu tự thì vào điện Kim Hoa thánh mẫu... Khách đến cũng tùy theo nhu cầu mà có những thủ tục và hành vi tín ngưỡng nhất định với mong muốn “cầu được ước thấy”.

Chuyện cầu con, cầu duyên

Nhiều người cho rằng, khi đến chùa khấn nguyện, tùy vào việc xin điều gì mà người ta phóng sinh con vật cho phù hợp. Ví như thả cá chép vàng, chép đỏ thì cầu làm ăn, cầu tài lộc; cá trê cầu sức khỏe, giải hạn; cá rô bí, ba ba là cầu qua tuổi hạn; phóng sinh chim là cầu siêu cho người đã mất... đặc biệt phóng sinh rùa để cầu con cái.

Nói về cầu tự, ngôi chùa Phước Hải được nhiều người dân cho rằng nổi tiếng linh thiêng. Những cặp vợ chồng đến đây thường thả một cặp rùa ghi tên tuổi của mình. Nghe đâu nếu là cặp rùa mang bầu thì lời cầu càng ứng nghiệm. Nhìn bể rùa đông đúc và các tiệm bán rùa ở ngoài cổng đủ biết số lượng người cầu con đến chùa đông như thế nào.

Nơi các phật tử cầu tự nằm ở phía bên trái chánh điện có treo biển “Kim Hoa thánh mẫu” và 12 bà mụ. Đây là nơi cầu con cái nên thường đông đúc nhất, người ra vào không dứt. Ở những điện khác trong chùa, người đến chùa tự tay thắp nhang khấn nguyện chỉ trừ nơi thờ Ngọc Hoàng ở chánh điện và ở đây có thêm người của nhà chùa giúp đỡ, như một sự kết nối với đấng thần linh.

Gian thờ Kim Hoa thánh mẫu
Gian thờ Kim Hoa thánh mẫu

Theo tìm hiểu từ nhiều người đến cầu tự, họ cho biết Kim Hoa thánh mẫu là vị thánh coi về việc sinh đẻ trên chốn nhân gian. Bên dưới bà là 12 bà mụ, mỗi bên 6 người tư thế khác nhau. Mỗi bà lo một việc, người nắn tay, kẻ nắn chân, người nắn đầu, kẻ nắn mắt, người dạy trẻ tập bước, tập nói... Những người giúp đỡ người khấn nguyện giải thích như vậy.

Một người phụ nữ kể rằng, khi muốn cầu tự, người trong chùa sẽ cho họ một dây chỉ đỏ đeo vào tay rồi khấn. Nếu cầu con trai thì khấn xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, và ngược lại, muốn sinh con gái thì treo vòng chỉ vào các bức tượng bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng đứa con nít dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa.

Xong phần nghi thức đó, người giúp đỡ những người cầu tự châm đèn và đọc tên tuổi người cầu con. Theo quan sát, số lượng dây chỉ đỏ ở bên nam nhiều hơn hẳn, những bức tượng cũng láng bóng hơn bên nữ, điều này thể hiện việc cầu quý tử nối dõi vẫn chiếm số đông.

Người dân cầu tài lộc
Người dân cầu tài lộc

Không biết chuyện cầu con có linh ứng hay không, nhưng dạo qua một vòng quanh chùa để hỏi han dư luận thì nhiều người đều khẳng định rằng: “Cầu con ở đây linh nghiệm lắm”.

Một người buôn bán trước cổng chùa cho biết rất nhiều trường hợp hiếm muộn đến đây xin con chỉ hai ba tháng sau đã có thai. Khi hỏi vì sao người bán hàng biết những người này đến cầu là có con như ý muốn? Người này cho hay, do bán hàng ở đây lâu năm nên rất nhiều trường hợp đến cầu tự rồi quay lại để tạ lễ, bà đều chứng kiến.

“Mỗi năm, vào đúng ngày sinh của con mình, họ đều đến đây để làm lễ tạ. Dù xa xôi mấy, trong Nam ngoài Bắc, kể cả Việt kiều cũng đều đặn quay lại tạ lễ. Người có điều kiện hơn thì may áo và tham gia vào lễ thay áo cho 12 bà mụ được tổ chức hàng năm”, người bán hàng cho hay.

Câu chuyện cầu duyên, cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng cũng là một chủ đề được rất nhiều người chia sẻ trên các diễn đàn. Một phụ nữ tên Ngọc chia sẻ câu chuyện của mình trên diễn đàn trẻ thơ. Chị cho biết, hồi chị chưa có gia đình thì cảm thấy lận đận về đường tình duyên, quen ai cũng chẳng đi tới đâu. Rồi tình cờ chị Ngọc nghe người ta nói về sự linh thiêng trong cầu duyên ở chùa Ngọc Hoàng nên đến cầu mong gặp được người hợp với mình.

Không lâu sau đó chị tình cờ gặp và nên duyên với ông xã bây giờ. Sau khi lấy nhau, chị có bầu nhưng không may đứa bé bị chết lưu. Vợ chồng chị đã rất khủng hoảng. Sau đó chị tiếp tục vào chùa khấn xin con và có thai trở lại. Năm nay cháu bé đã 3 tuổi và rất khỏe mạnh.

Không chỉ chị Ngọc, có nhiều trường hợp các bà mẹ chia sẻ trên diễn đàn rằng rằng, đã cố gắng chữa trị Đông Tây y nhiều năm nhưng không có con. Tuy nhiên sau khi hết hy vọng, họ tìm đến chùa Ngọc Hoàng thì điều thần kỳ đã xảy ra. Nhiều người còn chia sẻ rằng xin chùa một lúc hai ba đứa vẫn khỏe mạnh, ngoan hiền và thông minh nữa.

Mặc dù vậy, nhiều người được hỏi có tin vào sự linh ứng ở đây không thì họ cũng chia sẻ thật tình: “Có bệnh thì vái tứ phương, hiếm muộn khổ lắm. Giờ không nhờ được bác sỹ thì chỉ biết đặt niềm tin vào tâm linh thôi. Biết đâu đấy lại may mắn có được một đứa con thì sao, sống cần phải có hy vọng dù chỉ nhỏ nhoi cũng là một cơ hội”.

Chia sẻ với phóng viên, một nhà sư cho biết: “Tín ngưỡng tôn giáo vốn là để con người khi khổ đau, tuyệt vọng nhất trao gửi niềm tin và là chỗ dựa. Nhưng tin tưởng không có nghĩa là mê tín, để kẻ xấu lợi dụng moi tiền của. Phật tử hiếm muộn, trước tiên nên nhờ đến y học. Cầu con hay cầu duyên là biện pháp giúp tâm an, tăng thêm sự tin tưởng. Song song đó, Phật tử nên làm nhiều việc thiện, tâm an bình thì phước lành sẽ sớm đến”.

Có đến chùa Phước Hải mới biết việc nhiều người khát khao được làm cha làm mẹ. Dù sự linh nghiệm khi xin con ở chùa Phước Hải khó khẳng định và cũng khó phủ nhận nhưng cái quý giá đầu tiên người ta nhận được khi đến đó là sự bình tâm thanh thản, là niềm tin mãnh liệt và những điều thiêng liêng của cuộc sống.

Không chỉ có những đóng góp cho hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hòa thượng Thích Vĩnh Khương của chùa Ngọc Hoàng còn tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa Ngọc Hoàng còn là một địa điểm giấu quân giải phóng trong thời kỳ kháng chiến.

Những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, đặc biệt là những pho tượng bằng giấy bồi độc đáo, chùa Ngọc Hoàng đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng, chùa tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng, đây thật sự là một ngày lễ hội cho người đến chùa trong những ngày đầu năm mới.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.