Thi hành án dân sự thành phố luôn là địa phương có tổng số việc và tiền phải thi hành án đứng đầu trong cả nước (số việc chiếm 11,66% và số tiền chiếm 37,05% so với toàn quốc). Trung bình 01 Chấp hành viên tại thành phố phải thi hành 230 việc với số tiền là 319 tỷ đồng, cao hơn 78 việc và 252 tỷ đồng so với mặt bằng chung toàn quốc. Trong 6 tháng, giải quyết xong đạt 46,17% việc, vượt 5,42% so với chỉ tiêu kế hoạch 06 tháng. Về tiền, giải quyết xong đạt 12,91%.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các chuyên đề: Nhận diện hành vi tiêu cực trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự; Thực trạng và giải pháp xử lý tiền trại giam chuyển, tang tài vật tồn đọng; Những thiếu sót, vi phạm thường gặp trong quá trình thi hành án dân sự thông qua công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Một số yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các phòng chuyên môn, chi cục và Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; Thực trạng và giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021; Một số lưu ý khi triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước…đây cũng là cẩm nang cho công chức của toàn ngành trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật trong quá trình thực thi pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS thành phố 06 tháng đầu năm 2021 vẫn còn một số tồn tại: Chỉ tiêu về việc và tiền của thành phố vẫn còn thấp so với kết quả chung của toàn quốc, kết quả thi hành án nhìn chung đều giảm, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt rất thấp. Công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cục với nhau, giữa cơ quan THADS với các cơ quan, ban ngành có liên quan có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt được yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã chia sẻ những khó khăn cũng như sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan THADS thành phố. Đồng chí đề nghị ngay sau hội nghị thủ trưởng các đơn quán triệt nội dung chuyên đề đã trình bày tại hội nghị và yêu cầu các cơ quan THADS thuộc thành phố thực hiện tốt một số nhiệm trọng tâm sau: Tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan, đơn vị liên quan; Rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các Quy chế phối hợp liên ngành để tăng cường hiệu quả công tác THADS; Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi hành án; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nhất là trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; Chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác THADS đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra, kiểm sát, thanh tra; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm hạn chế những thiếu sót, vi phạm và phòng, ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS…
Cùng với đó, Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xác định công tác tổ chức cán bộ là việc làm quan trọng, đặc biệt là đưa ra các giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án; Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị; Tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền từ cấp cơ sở, hạn chế và kéo giảm số vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp; Quản lý chặt chẽ các nguồn tài chính, tài sản tại đơn vị, thường xuyên kiểm kê, kiểm quỹ theo quy định; Thu hồi kịp thời các khoản tạm ứng chi phí cưỡng chế, chi phí thừa phát lại; Khẩn trương xử lý các khoản tiền trại giam, tiền, tài sản tồn đọng tại cơ quan THA; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý đối với công chức, người lao động của đơn vị, nhất là trong kiểm tra, giám sát Chấp hành viên tổ chức thi hành án./.