Y tế tư nhân: Cần sự bình đẳng khi “so găng”

Y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới
Y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới
(PLO) - Chịu sự điều chỉnh của 3 luật là Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Khám chữa bệnh (KCB) và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), các cơ sở y tế tư nhân đang khao khát có được một môi trường bình đẳng để phát triển.

20 năm xã hội hóa, bệnh viện tư mới... 1,6%

Hưởng ứng Nghị quyết của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997), sau hơn 20 năm, nhiều ND, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng bỏ vốn hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện (BV), phòng khám. 

Theo bà Phan Thị Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề KCB, Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), từ năm 2004 – 2017, số lượng BV tư nhân tăng gấp 5,2 lần, chiếm 1,6% số lượng BV trên toàn quốc. “Đây là những đóng góp đáng kể cho nền y tế Việt Nam…”, Bà Hải nhận định.

Dẫn tỷ lệ này ở các nước Mỹ La Tinh và Châu Á là 20 – 30%, Anh 10%, Thái Lan 24%, Ấn Độ 93%..., ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT BV đa khoa TW Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới. “Ở Phú Thọ có 1 BV tư nhân duy nhất, Tuyên Quang không có BV tư nhân nào… Điều này chứng minh rằng y tế tư nhân của Việt Nam đang quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội. Bộ Y tế mặc dù có nhiều hình thức ưu đãi nhưng vẫn chưa đủ…”,ông Học khẳng định.

“Đang có sự bất bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế  tư nhân!”, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam khẳng định. Sự bất bình đẳng này, theo ông Đệ, bắt nguồn từ nhận thức: Cơ sở KCB nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị còn cơ sở KCB tư nhân là DN kinh doanh lĩnh vực KCB. Từ đó dẫn đến một loạt bất bình đẳng về đầu tư, đào tạo, hợp đồng KCB BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT…

Bà Trương Thị Màu - Trưởng phòng khám đa khoa Lương Điền (Thanh Hóa) cho biết, theo Thông tư 43 của Bộ Y tế,  phòng khám đa khoa tư nhân tuyến huyện tương đương với tuyến 3, còn đối với tuyến xã cũng Thông tư ấy lại quy định được phân tuyến 4, tuy nhiên tuyến xã lại được điều trị nội trú cấp cứu 3 ngày (!?). “Thực tế, trạm y tế ngay bên cạnh phòng khám chúng tôi, điều kiện cơ sở vật chất không bằng, ô xy thở nhiều khi không có còn phải chạy sang mượn, nhưng thời gian điều trị cấp cứu lưu trú lại được lâu hơn phòng khám đa khoa tư nhân.Nếu xét về thực lực, chắc chắn Phòng khám đa khoa tư nhân sẽ hơn hẳn Trạm y tế, nhưng cơ chế, chính sách để hoạt động đôi khi lại không bằng Trạm y tế…”- bà Màu dẫn chứng.

Bà Ngô Minh Chiến - Chủ DN BV Phòng khám Đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) bức xúc: “Trong hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế tư nhân, BHXH tự ý thêm bớt các điều khoản phụ lục hợp đồng của Thông tư liên tịch 41 gây bất lợi cho cơ sở y tế tư nhân dẫn đến cơ quan bảo hiểm tự ý dừng hợp đồng KCB cơ sở y tế tư nhân rất nhiều, trong khi chưa có cơ sở nhà nước nào bị dừng hợp đồng…”

Xác nhận nội dung này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh cho rằng, với BV công, hợp đồng ghi rõ chỉ chấm dứt hợp đồng khi không đáp ứng được nhu cầu, phải báo trước 3 tháng, buộc đảm bảo cho những người tham gia KCB ở nơi đó được chuyển đi nơi khác. Còn đối với cơ sở KCB tư nhân, một số hợp đồng đã dừng không cho KCB, sau đó còn tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường để thông báo BHXH đã dừng hợp đồng với cơ sở y tế tư nhân này, yêu cầu người KCB chuyển BHYT sang cơ sở y tế khác…“Cách làm này đã giết chết các cơ sở y tế tư nhân. Vậy chúng ta sẽ kiến tạo thế nào để các cơ sở y tế tư nhân phát triển? Thực tế, dù đã có kiến nghị nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn, văn bản chỉ đạo và vì vậy, quyền lợi hợp pháp của cơ sở y tế tư nhân vẫn đang bị xâm phạm!”- Luật sư phát biểu.

Bị chiếm dụng vốn?

Theo bà Hoàng Ngọc Tuyết – Phó Giám đốc BV Đa khoa An Phước (Bình Thuận), hoạt động theo mô hình DN, BV tư nhân phải nộp thuế thu nhập DN. Theo Luật BHXH, khi chi vượt quỹ, DN bị phạt nộp chậm khi quyết toán vượt quỹ. Sau đó, khi BHXH xác định vượt quỹ khách quan, DN được hoàn lại, tuy nhiên, phải mất đến hơn 1 năm DN mới nhận được khoản này. “Như vậy, có phải là chiếm dụng tiền của cơ sở KCB hay không khi mất đến 1 năm BHXH mới trả cho DN để bù trừ thuế?”,bà Tuyết đặt câu hỏi.

 “Đang có sự bất bình đẳng xảy ra khi chúng tôi chậm đóng tiền BHYT cho người lao động thì chúng tôi bị phạt, nhưng khi BHXH giữ tiền của chúng tôi từ 2016 đến nay (5 tỷ đồng) thì lại không sao. Với số tiền đó chỉ gửi ngân hàng thôi chúng tôi cũng có tiền sinh lời. Câu hỏi đặt ra là BHXH làm gì với số tiền của chúng tôi? Ai chịu trách nhiệm cho DN chúng tôi? Vấn đề này có phải là chiếm dụng vốn của DN hay không? Có phải trục lợi tiền quỹ KCB của người bệnh hay không?”, bà Ngô Minh Chiến - BV Phòng khám Đa khoa Tâm Đức chất vấn.

Không đề cập đến vấn đề cụ thể, đại diện BHXH Việt Nam, ông Vũ Xuân Bằng cho rằng, cần phải nhìn thực tế là có những BV tư nhân làm rất tốt nhưng vẫn có một số BV làm chưa đúng quy định đã ảnh hưởng chung đến BV tư nhân; Thực tế BV tư nhân chủ yếu ở các thành phố trong khi BV công có mặt ở những vùng sâu vùng xa, thực hiện nhiệm vụ chính trị…; và đề nghị lãnh đạo BV tư nhân đọc văn bản thật kỹ, thậm chí cần có bộ phận tham mưu cho vấn đề này. “Nếu còn lăn tăn hay nghi ngờ vấn đề gì hãy thông báo với Hiệp hội Y tế tư nhân và chúng tôi sẽ có những giải đáp thoả đáng, phù hợp…”, ông Bằng cam kết.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cách tiếp cận của chúng ta chưa sát bởi Nhà nước chỉ làm những gì dân không làm và không thể làm. “Chúng ta không thể cảm ơn BV công vì đây là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước phải đảm nhiệm việc đó…”,  Luật sư khẳng định quan điểm.

Chủ tịch VIAC cũng cho rằng, bất cứ trường hợp nào vi phạm, dù BV tư nhân hay BV nhà nước cũng cần xử lý nghiêm. “Y tế tư nhân năng động sáng tạo, nhà nước cần tạo điều kiện phát triển. BV tư nhân bị làm khó cũng có nghĩa người dân bị làm khó!”, lời ông Huỳnh. 

Chủ tịch VIAC cũng đưa ra gợi ý Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tập hợp ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của y tế tư nhân và cần thiết đề xuất một Nghị quyết riêng về y tế tư nhân, sớm thúc đẩy đưa y tế tư nhân phát triển…

Không được xếp hạng, bệnh viện tư có nguy cơ bị đóng cửa?

Theo Luật KCB 2009, hệ thống KCB chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy, gồm: tuyến xã, huyện, thành phố, trung ương… Nhưng thực tế nhiều BV tư nhân không biết ở hạng nào.

Dẫn công văn của BHXH gửi các cơ sở y tế về việc ký Hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế, bà Nguyễn Thị Quang Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam cho biết, văn bản này nêu rõ: “Đối với các cơ sở y tế tư nhân phải có quyết định phân tuyến kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn cấp”. Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở y tế chưa có quyết định phân tuyến kỹ thuật, điều này cũng có nghĩa là từ 1/1/2018 các cơ sở y tế tư nhân không được khám chữa bệnh BHYT?

Đại diện Bộ Y tế, bà Phan Thị Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề KCB, Cục Quản lý KCB, cho biết, chưa có cơ sở pháp lý để phân hạng BV tư nhân, còn nếu áp dụng các tiêu chí phân hạng BV công vào BV tư thì không thể làm được. “Hiện nay vấn đề phân hạng BV tư nhân đang được thực hiện theo hướng: Tỷ lệ kỹ thuật loại 1, 2, 3, 4. Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu sẽ có cuộc họp do đích thân Bộ trưởng chủ trì để bàn các giải pháp giúp BV tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn…”- bà Hải cho hay.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.