Xây cơ sở bảo trợ xã hội trả nghĩa người mù cứu sống mình

Anh Sáu cả chục năm nay tất tả lo toan cho những đứa trẻ bất hạnh tại cơ sở bảo trợ xã hội của mình.
Anh Sáu cả chục năm nay tất tả lo toan cho những đứa trẻ bất hạnh tại cơ sở bảo trợ xã hội của mình.
(PLO) -Thời điểm cận kề với cái chết cũng là lúc chàng trai bỏ nhà “đi bụi” được hai cha con người mù cho bát cháo. Chính bát cháo tình người ấy đã cứu sống anh, đồng thời giúp anh thêm quý trọng sinh mạng. Để rồi sau đó, chàng trai ấy đã làm điều mà nhiều người cho là “khùng”: dành hết số tiền chắt bóp được, cùng với việc cầm cố ngôi nhà của mình để xây dựng nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh.
 

 

Quãng đời lang thang kiếm sống

Anh Tạ Duy Sáu (38 tuổi) hiện là Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương (đóng trên địa bàn xóm 7, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), nhưng vẫn giữ dáng vẻ nông dân chân chất. Vừa làm công tác quản lý, gần chục năm nay anh vừa tất bật với những công việc “tay chân” nặng nhọc.

Đó không những là việc chăm sóc 49 đứa trẻ khuyết tập, bị bỏ rơi mà còn là việc lo cơm nước, thuốc men hàng ngày cho “các con”. “Hầu hết các em đang được nuôi dưỡng ở trung tâm là người miền Trung. Mỗi em một hoàn cảnh, số phận khác nhau. Bé thì bị bố mẹ bỏ rơi vì bệnh tật, em thì vì hoàn cảnh nên người thân ruồng bỏ. Các em sau khi được đưa về đây nuôi dưỡng đều được chăm sóc từ những điều nhỏ nhất như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, học tập…”, anh Sáu tâm sự. 

Anh kể, lý do thôi thúc thực hiện công việc được một số người cho là “bao đồng” đó là vì một bát cháo tình thương của người lạ. Nói rõ hơn về điều này, anh cho hay, khoảng năm 1995, lúc đó anh mới là cậu thiếu niên 17 tuổi. Thời điểm này do cuộc sống nơi làng quê nghèo quá vất vả, gia đình lại nghèo đói nên anh theo đám bạn cùng quê vào Sài Gòn kiếm sống. 

Tại mảnh đất xa lạ, Sáu bon chen cuộc sống nơi đường phố để có thể cầm cự qua ngày. Anh lang thang khắp các góc phố ở Sài Gòn, sống khổ cực với nhiều nghề khác nhau như đánh giày, bán sách báo dạo, bán vé số, tẩm quất, ăn xin… 

Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương hiện cưu mang 49 em có hoàn cảnh không may mắn.
Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương hiện cưu mang 49 em có hoàn cảnh không may mắn.

“Hồi đó, nghề chi sống được là tôi làm chứ không nề hà chi cả. Có lần đi xách nước thuê, nhưng do thân hình nhỏ quá, người ta không dám nhận. Đi đánh giày nhiều khi bị khách xù mất tiền công… Vậy nên, nhiều khi tôi phải nhịn ăn để sống qua ngày”, anh Sáu nhớ lại một thời gian khó.

Có thời điểm ế ẩm, chàng trai này phải “đi bụi” xin ăn nhưng cũng không xong, bị nhóm khác đánh vì “cạnh tranh làm ăn”. Một lần vì không một xu dính túi, anh nhìn đói suốt ba ngày liền rồi gục ngã ngay trên đường. Khi tỉnh dậy anh mới biết mình được cứu sống nhờ hai bố con mù hát rong. 

Nhớ lại ngày định mệnh đó, anh Sáu kể: “Vì đói quá, tôi ngất đi lúc nào không hay, tỉnh dậy thấy một ông mù và đứa trẻ. Họ mua cho tôi một bát cháo đút cho tôi mới có sức dậy. Tôi ăn lấy ăn để như chưa bao giờ có bát cháo nào ngon hơn thế. Ăn xong ngẩng đầu lên thì không còn thấy ông mù và đứa trẻ đâu. Không biết họ là cha con hay ông cháu. Tôi chạy đi tìm mãi mà không thấy để nói lấy một câu cảm ơn...”.

Anh trải lòng tiếp: “Đó là bát cháo ngon nhất mà tôi đã ăn. Suốt nhiều năm nay, tôi chỉ mong gặp lại họ để nói một lời cám ơn”. Chính bát cháo năm xưa đã giúp anh cảm nhận được tình người nơi những con người cùng cực và luôn nung nấu giấc mơ kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

“Nhặt” người bất hạnh về cưu mang

Một điều may mắn là trên mọi bước đường của anh đều nhận được sự ủng hộ của người bạn đời. Vợ anh, chị Lê Thị Lương (35 tuổi, ngụ huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng có tuổi thơ cơ cực. Sau những ngày tháng làm thuê xứ người, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo, họ đã gặp nhau. 

Vì đồng cảnh ngộ nên cả hai luôn hiểu, đồng cảm với nhau. Năm 2001, họ nên duyên vợ chồng và về quê lập nghiệp. Dù vậy, trong tâm khảm anh Sáu vẫn luôn ấp ủ mong muốn sẽ giúp đỡ những người cùng khổ.

Tâm nguyện đó cùng với việc chứng kiến nhiều người khuyết tật trong xã đã thúc đẩy anh liên lạc với hội khuyết tật xã nhờ tư vấn. Sau đó, anh bàn với vợ gom tất cả số tiền tích góp sau mấy năm lăn lộn ở Sài Gòn để xây dựng trung tâm từ thiện. Chị Lương đồng ý nhưng không khỏi lăn tăn về những khoản kinh phí nếu xây dựng dự án này. Tuy vậy, tình thương người, lòng trắc ẩn đã lấn át những suy nghĩ khác của người phụ nữ ấy. 

Để có đủ kinh phí xây dựng nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh, anh Sáu đánh liều vay mượn thêm anh em, bạn bè. “Lúc đó nhiều người bảo hai vợ chồng tôi điên, thân mình còn lo chưa xong còn thừa sức đi lo việc bao đồng, nhưng thấy anh quyết tâm nên tôi cũng ủng hộ”, chị Lương nhớ lại. 

Cơ sở có khoảng 20 em bị bại não, phải có người chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ
Cơ sở có khoảng 20 em bị bại não, phải có người chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ

Mọi việc hoàn tất, Tạ Duy Sáu bắt đầu đến các gia đình có trẻ tật nguyền nhưng không có khả năng nuôi dưỡng xin đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Không những thế, anh còn đi khắp các ga tàu, bến xe… “nhặt” trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đưa về cưu mang.

Trong số đó, có em bé ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Sau khi nghe tin báo của người dân về đứa bé bị bỏ rơi, vợ chồng anh đã bắt xe lên, thông qua chính quyền địa phương để làm thủ tục đưa em về cơ sở nuôi nấng. 

Những ngày đầu cơ sở mới ra đời, không thể kể hết những khó khăn chồng chất. “Miệng ăn núi lở”, anh Sáu phải chạy vạy hết nơi này chỗ nọ, phần thì vay mượn bạn bè, người thân, phần thì kêu gọi các nhà từ thiện, các ngôi chùa trên địa bàn chung tay giúp đỡ.

Nhưng cũng chỉ cầm chừng được một thời gian. Đến cuối con đường, anh nảy sinh ý tưởng dạy nghề cho các em, vừa tạo thêm thu nhập, vừa giúp các em cảm nhận được sự hữu ích của mình trong cuộc đời. 

Ủng hộ quyết định của anh, nhiều người đã chung tay cùng anh gây dựng cơ sở sản xuất chiếu trúc, chổi... Kết hợp với một số người cũng bị khiếm thị lành nghề, anh ngày đêm truyền nghề cho các cháu không may mắn. Làm được sản phẩm, anh lại tất tả đi tìm nơi tiêu thụ. Nhiều chuyến hàng sáng chở đi, chiều trở về cũng y nguyên từng ấy. Nhưng người đàn ông đó không nản, cuộc đời lang bạt dạy cho anh tính kiên nhẫn. 

Năm 2008, Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương chính thức được UBND huyện Yên Thành quyết định cho thành lập. Sau 4 năm hoạt động, thấy nơi ăn chốn ở của các cháu thiếu thốn, anh mạnh dạn cắm bìa đất của gia đình lấy nửa tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của các phật tử và người dân, anh đã xây dựng một trung tâm với diện tích 280m2 gồm 6 phòng và các công trình phụ khác với tổng kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng. 

Điểm nổi bật nhất tại cơ sở thiện nguyện này là gian chính giữa, đó là nơi bày ra những bức tượng Phật, những lời khuyên răn của đạo Phật và cũng là nơi sinh hoạt, học tập của những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật tại trung tâm. 

Đến nay, Cơ sở xã hội Hiền Lương đã nhận cưu mang 49 đứa trẻ bất hạnh. Trong đó, những em có khả năng đi học đều được anh Sáu cho theo học tại các trường trên địa bàn. Còn 20 em bị bại não, không có khả năng nhận thức, vợ chồng anh thuê người về chăm sóc ngay tại cơ sở. 

Dù vậy, mỗi ngày anh chị đều trực tiếp đến kiểm tra sức khỏe từng em, trực tiếp ân cần đút cơm, chăm sóc cho “các con” của mình. Chính tình thương chân thành đó đã giúp những đứa trẻ kém may mắn có thêm niềm an ủi, sẻ chia. Các em xem vợ chồng anh Sáu như bố mẹ mình.

Tâm sự về hoạt động hiện tại của cơ sở, chị Lương nói: “Hiện nay do nhu cầu của thị trường và hoàn cảnh thực tế, trung tâm chỉ nhận hoàn thiện công đoạn cuối của việc làm đũa tre. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm nghề khác phù hợp với các em hơn.

Hơn chục năm trôi qua, vợ chồng tôi luôn xem các em là con ruột của mình. Em nào tính tình ra sao, đau vì bệnh gì tôi đều nắm rõ. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để các con không phải nhịn đói một bữa nào”. 

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.