Xả hết cố chấp sẽ hết đau khổ?

Đức Phật hóa giải cho một người đang sân giận.
Đức Phật hóa giải cho một người đang sân giận.
(PLO) - Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình   thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên”. Giận hai, ba chục năm không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chứ có hay gì  đâu.

Quý Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v… có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người ta nói vợ  chồng như  bát úp trong rổ. Chén bát úp trong rổ thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận.

Giận rồi chứa trong tâm, chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận hai người cũng chứa trong lòng, nếu  giận  một trăm người thì sao? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu  nổi?

Oán hờn chớ chứa chấp

Quý vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ, đó là chứa chấp oán hờn, chứa chấp là khổ.

Ta đang vui vẻ, tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy. Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao? Nóng, khó chịu! Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít?

Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được? Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quý vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào?

Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?

Bởi vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng  ta là phàm Tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận, nhưng giận  chút thôi rồi bỏ chớ không nên chấp chứa.

Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ, tưởng như vậy   là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chứ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.

Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo, thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không?

Ghét không mất, thương cũng không mất, vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ  ghét. Do đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những  gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui.

Có bao giờ  chúng ta muốn  gặp những người mình ghét không? Không, ai cũng muốn gặp người mình thương, nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những người thù oán, nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. 

Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn.
Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn.

Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy không có gì quan trọng, quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui, đó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả? Nên xả. Vì vậy nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. 

Đừng nghĩ mình đúng, chớ ngờ người sai

Điều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì, ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ thế này là đúng”, nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau.

 Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ, ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề? Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai, cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến, khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.

Chúng ta vẫn thấy những người cãi nhau, đánh nhau khi được hỏi “Tại sao quý vị đánh nhau ?” thì họ nói “Tôi nói cái này đúng mà nó cứ cãi hoài”. Có khi nào hai người cãi lộn mà chúng ta hỏi “tại sao”, họ nói “tại tôi sai” đâu, mà chỉ nhất định mình là đúng. Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn, cãi lộn không xong thì tới đánh lộn, như vậy thì khổ hay vui? Không bao giờ vui được!

Những điều như thế xảy ra rất nhiều trong cuộc sống quanh chúng ta. Gia đình có 2 vợ chồng, mỗi người thấy một lối, ai cũng cho là đúng thì gia đình đó cãi lộn hoài. Trong xã hội, nhóm này thấy thế này là đúng, nhóm kia thấy thế khác là đúng thì cũng gây ra cuộc đấu chiến.

Cả trên thế gian đều như vậy. Cố chấp cái nghĩ của mình đúng, cái nghĩ của người khác sai là gốc của đấu tranh, của tiêu diệt nhau. Cho nên, chúng ta đừng có cố chấp, cái đúng này là đúng của tôi, cái đúng kia là đúng của anh, mỗi người giữ phần của mình, cãi nhau làm chi, vậy là yên.

Đừng để cố chấp như tảng đá đè nặng tâm mình
Đừng để cố chấp như tảng đá đè nặng tâm mình

Xả hết cố chấp

Xả hết cố chấp, đừng bắt người khác phải nghĩ, phải thấy như mình mới đúng, đó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Trong đạo Phật có câu: “Phật hóa hữu duyên nhân”, đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi.

Ai có duyên thì đến với Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai, theo đạo nào cũng tốt. Mình thích đạo Phật vì đạo Phật thích hợp với tâm tư nguyện vọng của mình nên mình theo, người khác không thích thì thôi. Chúng ta không nên nói theo đạo Phật chết được về Cực Lạc, còn theo đạo khác chết nhất định đọa địa ngục. 

Trong kinh Phật, nhất là các bộ A Hàm, Phật thường nói: “Người tu theo đạo Phật làm lành, tu thập thiện được phước sanh cõi trời. Người không tu theo đạo Phật mà làm mười điều lành cũng được sanh cõi trời”.

Không phải cõi trời chỉ dành cho người tu theo đạo Phật, bởi vậy người không tu theo đạo Phật mà làm lành, làm tốt họ vẫn có phước; mình tu theo đạo Phật mà mình làm xấu làm ác thì mình cũng bị tội như thường.

Chúng ta mới thấy rằng, chủ trương của đức Phật rất rõ ràng, rất thấu đáo. Phật không bắt ai phải theo mình dù biết rằng làm như vậy là tốt, là có lợi; nếu người ta không thích thì thôi, không ép buộc.

Chúng ta học Phật phải tập tâm cởi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chấp tôn giáo mình cũng là bệnh nữa. Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình tu; ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng giận.

Đạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi người rất hòa nhã…/. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 62, ngày 18/7/2016)

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.