Từ cơn bùng phát dịch Covid-19, cần thay đổi văn hóa thăm bệnh nhân

Điều dưỡng cắt tóc gội đầu cho bệnh nhân Covid tại Bệnh viện Hòa Vang (Quảng Nam). Ảnh minh họa
Điều dưỡng cắt tóc gội đầu cho bệnh nhân Covid tại Bệnh viện Hòa Vang (Quảng Nam). Ảnh minh họa
(PLVN) - Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, nhiều chùm ca bệnh lây nhau trong môi trường bệnh viện (BV), trong đó nhiều người nhà thăm bệnh bị lây khiến dịch lan rộng ra cộng đồng, đau lòng hơn, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã tử vong... Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại và thay đổi văn hóa thăm bệnh của mình…

Bài học từ nhiều vụ dịch nguy hiểm

Sau 99 ngày không có ca mắc mới, tại Việt Nam, ổ dịch siêu lây nhiễm lần này xuất phát từ BV Đà Nẵng, lan đến nhiều BV lân cận cùng nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam, Thái Bình và cả Thủ đô Hà Nội. Đau lòng hơn, đợt dịch này đã có nhiều ca tử vong, hàng chục ca bệnh đang nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Nhiều thai phụ là người nhà bệnh nhân cùng nhiễm bệnh, nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều dương tính với Covid-19.  Thậm chí 7 người trong một gia đình tại Lưu Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đều nhiễm bệnh. Hàng trăm trường hợp F1 tại địa phương này đã được đưa đi cách ly, toàn khu vực bị phong tỏa.

Và nữa, chùm ca bệnh ở BV Đà Nẵng cùng F1, F2 đã di chuyển khắp các tỉnh, thành trên cả nước, nguy cơ dịch lan rộng trong những ngày tới là điều khó tránh khỏi.  Theo thông tin Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng cung cấp, có nhiều người là bệnh nhân đang điều trị tại BV, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân lây nhiễm là do đi thăm bệnh, tiếp xúc với nhiều người tại BV. Đơn cử, bệnh nhân 596, nữ, 23 tuổi, vào khoa Ngoại chấn thương thần kinh, Bệnh viện C Đà Nẵng thăm người bệnh. Bệnh nhân 593, nam, 75 tuổi, thăm vợ điều trị khoa Nội - Thận - Nội tiết. Bệnh nhân 595, nữ, 50 tuổi, ngày 19/7/2020, bệnh nhân tới Bệnh viện Đà Nẵng thăm bố và có tiếp xúc với bệnh nhân 510...

Còn nhớ, ổ dịch Covid-19 lớn ở Hà Nội hồi tháng 3 tại BV Bạch Mai (Hà Nội) với nhiều ca mắc trong BV rồi lây lan ra cộng đồng. Bệnh nhân, người nhà chăm, thăm bệnh nhân từ BV trở về địa phương đã mang theo virus về thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh), thôn Đông Cứu (huyện Chương Mỹ) cùng các tỉnh, thành khác như Hà Nam, Thái Nguyên… với nhiều ca dương tính.

Theo thống kê của BV Đà Nẵng, trong giai đoạn xuất hiện vụ dịch lần này, có khoảng 11.000 người đã đến Bệnh viện Đà Nẵng. Những người này đến khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà, sau đó trở về các địa phương trở thành nguồn lây trong cộng đồng.

Có thể nói, việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bị lây nhiễm chéo đã báo động từ nhiều năm trở lại nay. Còn nhớ vụ dịch sởi năm 2014 khiến hàng trăm trẻ tử vong, có nhiều nguyên nhân, trong đó là việc lây nhiễm chéo trong BV, điển hình là tình trạng lây nhiễm chéo tại BV Nhi T.Ư. Tại thời điểm đó, BV này  đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm, khiến tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh và tử vong tăng một cách đáng sợ. Bộ Y tế lúc bấy giờ đã yêu cầu hệ thống y tế phân tuyến điều trị và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Đành là nghĩa tình, thế nhưng…

Xưa nay, đến thăm hỏi, động viên người bệnh đang điều trị là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện sự quan tâm, đùm bọc, chăm sóc nhau. Vừa sinh xong cũng vào thăm. Vừa mổ xong cũng thăm. Có khi đi cả một đoàn cơ quan, bạn bè. Trong khi người ốm rất cần nghỉ ngơi, thậm chí cách ly với môi trường bên ngoài để tránh nhiễm khuẩn… Nhiều người quan niệm, khi sản phụ về nhà thì không nên đến thăm khi bé chưa qua mốc 1 tháng tuổi, vậy nên phải tranh thủ thăm lúc nằm viện. 

Lẽ thường, khi người bệnh ở trong tình cảnh đau ốm, sẽ dễ có tâm lý cô đơn, cô độc, muốn người khác chăm sóc. Việc có nhiều người quen biết tới lui hỏi thăm, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Hơn nữa, người đi thăm nhân danh sự quan tâm ấy, hoàn cảnh bệnh tật ấy để gần gũi, tạo ấn tượng, có lợi cho mối quan hệ cá nhân nào đó. Tuy nhiên, cũng có người bệnh hoàn toàn không muốn để người khác thấy bản thân đang ở cảnh yếu đuối, hình thức không chỉn chu, sức khỏe xuống dốc... 

Về vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam cho rằng, nhu cầu thăm nom, chăm sóc người nhà là nhu cầu vô cùng chính đáng, không chỉ tại Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, nhu cầu này còn lớn hơn vì truyền thống của người Việt ta là nặng tình nặng nghĩa. Thấy người thân nằm viện là phải đến thăm thể hiện sự quan tâm, động viên chứ không thể làm ngơ được.

Ngoài ra, vì điều kiện chăm sóc người bệnh ở các cơ sở y tế cũng chưa được chu đáo, đầy đủ, nên không chỉ thăm bệnh, mà người thân còn phải thay nhau chăm bệnh. Thậm chí một bệnh nhân nằm viện, cùng lúc có đến 2-3 người chăm. Nhu cầu chính đáng này cần được tôn trọng, nhưng quan trọng nhất là phải được tổ chức như thế nào để vừa đáp ứng mong muốn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho môi trường BV. 

Theo thống kê, cả nước hiện có 140 nghìn điều dưỡng - hộ sinh. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Nếu tình hình không được cải thiện, thì vấn đề chăm sóc người bệnh vẫn phải phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân. Đây là vấn đề “đau đầu” của các BV trên cả nước, nhất là hệ thống BV công lập.

GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có sự lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, giữa các bệnh nhân, người nhà, người thăm bệnh và nhân viên y tế, rồi lây lan ra cộng đồng. Bởi vậy, hệ thống y tế cần thay đổi, ý thức người dân cũng cần thay đổi. Nếu không, không chỉ Covid-19 mà nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ lây lan và bùng phát trong cộng đồng, trong xã hội. Tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta không thể biết trước rằng, sau Covid-19 sẽ là dịch bệnh gì. Cho nên phòng hơn chống, phòng từ cơ sở y tế, từ người dân và cộng đồng. Việc thay đổi nhận thức và thói quen giao tiếp, văn hóa thăm bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng trách các dịch bệnh truyền nhiễm.

Chúng ta tự hào về truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người Việt với  với nghĩa tình đùm bọc, yêu thương nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau. Dịch bệnh lây lan trong BV cũng là lúc người dân cần nhìn nhận lại văn hóa thăm bệnh của mình để có ý thức hơn, phòng tránh bệnh cho mình cũng là phòng tránh bệnh cho người thân và cộng đồng… 

Một thầy giáo dạy Sử kể, vừa rồi, ở bộ môn có thầy giáo bị ốm nằm bệnh viện mấy hôm, tôi đã đề nghị công đoàn tổ chức thăm hỏi online. Nói chuyện hỏi thăm qua mail, chat, quà thăm hỏi của công đoàn và cá nhân thì chuyển khoản. Khỏe re! Người ốm cũng thấy ấm lòng vì được quan tâm. Bác sĩ, y tá, bệnh nhân cùng phòng không bị làm phiền. Người thăm hỏi không vất vả đi lại, không lo nguy cơ lây nhiễm chéo. Theo tôi, đây là một “mô hình” cần được nhân rộng kể cả sau Covid-19…

Bộ Y tế yêu cầu ngừng thăm người ốm tại bệnh viện

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản yêu cầu tất cả cả các cơ sở y tế trên cả nước tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid-19. Yêu cầu này được đưa ra do rút kinh nghiệm từ bài học của Đà Nẵng, bùng phát ổ dịch ngay trong bệnh viện khiến nhiều bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Theo đánh giá, tình hình dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, một số địa phương khác cũng đã xuất hiện các ca nhiễm liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và nhiều ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch. Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế.

Đặc biệt, bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại 3 khoa trọng điểm, gồm: Khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm hoặc bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp 1 tại các khoa lâm sàng khác.

Với những bệnh nhân đang điều trị ở những khoa, phòng khác, cần giảm tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc. Trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người.

Thực hiện khai báo y tế, kiểm soát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh của người hỗ trợ chăm sóc như đeo khẩu trang, rửa tay trong suốt quá trình lưu lại bệnh viện.

Bộ cũng yêu cầu dừng toàn bộ việc thăm hỏi người bệnh nội trú trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, các cơ sở y tế phải đảm tất cả mọi người khi vào bệnh viện, khi vào các tòa nhà và các khoa phải mang khẩu trang và vệ sinh tay.

Thực hiện sàng lọc, cách ly và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm ca bệnh nghi ngờ cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.