Thực hư tác dụng một bài thuốc chữa bệnh tâm thần

Hàng chục năm nay, lương y Hoàng Ngọc Ninh (SN 1949, ngụ xóm chợ Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được biết đến là vị thầy thuốc tàn tật có biệt tài chữa trị bệnh tâm thần bằng bài thuốc nam kết hợp tâm lý trị liệu.

Hàng chục năm nay, lương y Hoàng Ngọc Ninh (SN 1949, ngụ xóm chợ Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được biết đến là vị thầy thuốc tàn tật có biệt tài chữa trị bệnh tâm thần bằng bài thuốc nam kết hợp tâm lý trị liệu.

Lương y tật nguyền Hoàng Ngọc Ninh
Lương y tật nguyền Hoàng Ngọc Ninh

Biệt tài chữa trị bệnh điên

Theo lời lương y Ninh, ông là đời thứ tư kế thừa nghề thuốc gia truyền của tổ tiên để lại; trong đó phương pháp chữa trị bệnh tâm thần kinh phân liệt (dân gian thường gọi là bệnh điên) được xem như là món “bảo bối” vô giá mà ông đang thừa hưởng và phát huy hiệu quả. Kể về cách thức chữa bệnh gia truyền, ông Ninh khái quát ngắn gọn, muốn điều trị bệnh điên đòi hỏi phải trải qua nhiều giai đoạn trị liệu vô cùng phức tạp.

“Trước tiên ta áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu. Hiểu nôm na là nói chuyện một cách nhẹ nhàng, bày tỏ thái độ đồng cảm với người bệnh nhằm giúp họ giảm bớt căng thẳng, dịu cơn điên. Tất nhiên người thầy thuốc phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có những mẩu chuyện tương thích, mang tính thư giãn, chia sẻ. Thời gian trò chuyện càng nhiều càng giúp người bệnh giữ được trạng thái tỉnh táo”, ông Ninh nói.

Tiếp đó, vị lương y sẽ dùng thủ thuật châm cứu bấm huyệt để kiểm soát bộ não người bệnh thông qua các huyệt đạo trên cơ thể họ. Ông Ninh giải thích việc châm cứu bấm huyệt cũng nhằm mục đích làm dịu hệ thần kinh người bệnh theo nguyên lý đông y.

Bật mí về kinh nghiệm khống chế tâm lí bệnh nhân, ông Ninh cho biết trong nhiều trường hợp cần thiết phải “gây sợ” cho người bệnh.

Ông dẫn chứng: “Dùng một chảo dầu đậu phụ đang sôi sùng sục, tôi sẽ lấy môi múc dầu ngậm vào miệng. Sau đó mồi lửa và phun thẳng vào người bệnh nhân, tất nhiên tuyệt đối không gây nguy hiểm gì cho bệnh nhân. Nhiều người bảo rằng hành động này mê tín nhưng hoàn toàn không phải. Việc phun lửa nhằm thu hút sự chú ý, đồng thời khiến bệnh nhân sợ hãi nhất thời và ngoan ngoãn nghe lời thầy thuốc”.

Sau khi đã kiểm soát được người bệnh, ông sẽ cho bệnh nhân uống thuốc “an thần định trí”, được bào chế từ 18 vị thuốc nam như châu sa mễ, củ nghệ, bột sa phàng… “Vị quan trọng nhất của bài thuốc là lá và củ của một loại cây thân mềm. Từ trước đến nay tổ tiên tôi đều lưu ý rằng nhất thiết phải có loại cây này mới thắng bệnh”, ông Ninh xin phép chưa thể tiết lộ tên cây bởi yếu tố giữ bí mật gia truyền.

Thuốc “an thần định trí” có thể sử dụng ở 3 dạng sau: Sắc nước uống mỗi ngày theo công thức 3 chén nước cô lại còn một, hoặc tán mịn các vị thuốc thành bột rồi pha nước uống hai lần/ngày. Nếu kì công hơn, người bệnh cũng có thể bào chế thuốc thành những viên nhỏ để nhai (dạng hoàn); mỗi ngày tốt nhất nên ăn khoảng 15 viên thuốc. “Kiên trì uống thuốc trong vòng sáu tháng sẽ khỏi bệnh, trường hợp bệnh cực nặng sẽ thuyên giảm trông thấy. Nên lưu ý dù khi đã khỏi bệnh vẫn nên kiên trì uống thuốc liều nhẹ tránh nguy cơ tái phát bệnh về sau”, ông Ninh căn dặn.

Ngoài ra bệnh nhân bị chứng tâm thần phân liệt cần kiêng cữ tối đa thức ăn cay, nóng; tuyệt đối không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và tránh lao động trí óc quá mức gây căng thẳng thần kinh. Với kinh nghiệm hơn 40 năm hành nghề, ông Ninh cho biết trong quá trình chữa trị bệnh tâm thần, phương pháp tâm lí trị liệu tuy đơn gian nhưng lại đóng vai trò mấu chốt quyết định thành bại.

“Suy cho cùng, bệnh tâm thần đều do thần kinh của người bệnh bị căng thẳng, ức chế quá mức kéo dài dẫn đến bệnh lý. Do vậy việc mọi người xung quanh thường xuyên trò chuyện, vui chơi với người bệnh sẽ giúp họ dần lấy lại sự cân bằng tâm lý. Chỉ cần làm tốt khâu này, bệnh tình ắt thuyên giảm nhanh chóng”, ông Ninh chia sẻ kinh nghiệm.

Thuốc “an thần định trí” gia truyền được ông Ninh bào chế
Thuốc “an thần định trí” gia truyền được ông Ninh bào chế

Lương y đặc biệt  

Ở phường Hương Văn, người dân vẫn quen gọi ông Ninh với cái tên thân thiện “thầy thuốc đi xe ba bánh”. Gọi vậy bởi ông Ninh bị bại liệt hai chân phải đi nạng từ năm bảy tuổi. Ông tâm sự, hồi nhỏ sau một cơn đậu mùa, do bị tiêm thuốc quá liều nên hai chân bị liệt, dù gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng hai chân không thể nào bình phục như cũ. Tuy vậy, cậu bé không hề nản chí mà quyết tâm thay đổi số phận bằng chính đôi chân tật nguyền. “Lớn lên tôi học may vá bởi công việc vừa nhẹ nhàng lại chỉ ngồi một chỗ. Cũng thời gian này tôi phụ giúp cha bốc thuốc, khám bệnh nên học nghề y luôn lúc nào chẳng hay”, ông Ninh mỉm cười trải lòng.

Có lẽ nhờ được thừa hưởng tố chất nghề y từ cha nên ông vào nghề rất nhanh, đến năm 20 tuổi đã có thể khám bệnh, bốc thuốc độc lập, chuyển nghề thợ may sang nghề thuốc đến tận bây giờ. Lại nói đến bí truyền bài thuốc chữa bệnh tâm thần phân liệt, ông Ninh tự tin đáp rằng đã áp dụng “bí quyết” chữa trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân khắp nơi.

Nhắc lại kỉ niệm trong nghề, ông Ninh nhớ mãi lần “chết hụt” cách đây hơn 10 năm khi đang chữa trị cho một bệnh nhân người địa phương: “Hôm đó anh ta hung hăng cầm dao phay đòi giết tôi. Dẫu sợ đến xanh mặt nhưng tôi vẫn cố điềm tĩnh dùng lời ngon ngọt dỗ dành người bệnh. Những trường hợp như thế nếu hốt hoảng khống chế người bệnh, đôi khi khiến họ trở nên hung hãn hơn. Hơn nữa tôi đi nạng thì làm sao chạy được, may mà giúp anh ta trấn tĩnh được. Người bệnh kia nay đã khỏi hẳn và có công việc ổn định, thi thoảng anh ta vẫn gọi điện thăm hỏi”.

Điều đáng quý nữa là ông Ninh chữa bệnh không bao giờ đòi hỏi tiền công, nhiều vị thuốc dễ tìm ông hướng dẫn luôn cho người nhà bệnh nhân tự kiếm lấy, sau đó bào chế giúp. Với những bệnh nhân nghèo, ông sắp xếp luôn chỗ ăn ở tại nhà mình để tiện bề trị liệu, chấp nhận lỗ tiền thuốc lẫn công.

Cảm động hơn khi biết rằng vợ ông, bà Huỳnh Thị Phức (SN 1948) vốn là bệnh nhân bị chứng tâm thần phân liệt được ông chữa trị thành công. Vừa mang ơn, vừa cảm thông cho con người tật nguyền nhưng giàu lòng nhân ái, bà tự nguyện lấy ông Ninh làm chồng.

“Làm việc thiện ắt sẽ may mắn, thanh thản. Vợ chồng tôi có 5 mặt con, nay đứa nào đứa đó đều trưởng thành đàng hoàng. Đó mới là món quà lớn nhất cuộc đời ban tặng”, vợ chồng vị lương y tật nguyền kể chuyện.

Tâm thần phân liệt hay còn gọi bệnh điên là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển ngày càng nặng và có xu hướng trở thành bệnh mãn tính. Bệnh biểu hiện bằng những ý nghĩ sai lệch, dị kỳ, không phù hợp với thực tế (rối loạn tư duy này gọi là chứng hoang tưởng).

Bệnh tâm thần phân liệt khá phổ biến trên thế giới, ở Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh 0,3 - 1% dân số. Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hợp lí.

Mai Long

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.