Thầy thuốc “Hai lúa” hơn 20 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

May mắn được một sư thầy truyền lại phương pháp chữa bệnh bằng “châm trực dược”, nông dân Nguyễn Văn Phúc (Ba Phúc, 70 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) mày mò đi học thêm để nâng cao kiến thức y học của mình, không phải để hành nghề “hốt bạc của thiên hạ” mà phục vụ cho phòng khám thuốc nam miễn phí ra đời từ hơn 20 năm nay.

May mắn được một sư thầy truyền lại phương pháp chữa bệnh bằng “châm trực dược”, nông dân Nguyễn Văn Phúc (Ba Phúc, 70 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) mày mò đi học thêm để nâng cao kiến thức y học của mình, không phải để hành nghề “hốt bạc của thiên hạ” mà phục vụ cho phòng khám thuốc nam miễn phí ra đời từ hơn 20 năm nay.

Ông Ba Phúc và đội ngũ tình nguyện viên của phòng khám
Ông Ba Phúc và đội ngũ tình nguyện viên của phòng khám.

Từ nhiều năm nay, phòng khám thuốc nam ở cuối hẻm 44, khu phố 6, đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Cái Khế) đã là một địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo từ khắp nơi tìm về. Ngay từ ngoài hiên, chúng tôi đã thấy mấy người phụ nữ vẫn đang hăng say thái thuốc, còn trong nhà có đến cả chục bệnh nhân đang khám bệnh, châm thuốc. Đi tới đi lui giữa các giường bệnh là một ông lão đầu bạc mặc áo blu trắng, đeo biển tên đề Nguyễn Văn Phúc.

Nói về mối lương duyên đưa mình tới nghề thuốc, thầy Phúc cho biết mình vốn là một nông dân miền Tây chính hiệu ngày ngày chỉ quen với đồng ruộng, phân bón. Ông Phúc tâm sự: “Người nông dân luôn chất phác và giàu tình cảm nhưng nghèo tiền bạc nên mỗi khi đau ốm thì làm gì có tiền để đi bệnh viện điều trị.

Nhiều người đã chết hay suốt đời chung sống với bệnh tật không phải vì bệnh nặng mà do nghèo quá. Lúc bấy giờ mẹ tôi cũng có bệnh đau nhức xương khớp thế nên lúc nào tôi cũng ấp ủ học nghề thuốc. Học để chữa cho gia đình mình, cho bà con mình thì tốt quá”.

Với cái tâm giúp người ngay từ những năm 1988, Ba Phúc đã cùng Hội Chữ thập đỏ phường Cái Khế bắc cầu, làm đường, sưu tầm thuốc nam, lập trại hòm từ thiện giúp đỡ người nghèo. Nhưng ông vẫn nuôi dưỡng ước muốn học nghề thuốc của mình cho đến một ngày gặp “duyên”.

Cái duyên của ông chính là gặp được nhà sư Thích Bình Tâm. Sư Tâm trước khi xuất gia là một bác sĩ nên trong chuyến sang Nhật Bản tình cờ thấy phương pháp châm trực dược hay quá, sư đã bỏ tiền mua máy đem về Việt Nam.

Khi sư Tâm về cồn Cái Khế, những nông dân ở đây đã dựng một cái cốc nhỏ làm nơi để sư tu hành. Biết sư thầy có nghề y nên ông Ba Phúc vận động thầy lập phòng khám miễn phí cho dân nghèo. Phòng khám được thành lập vào năm 1991 nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì thầy Tâm đi nơi khác nên mọi công việc, cũng như phương pháp chữa bệnh bằng “châm trực dược” được truyền lại cho ông Phúc.

Tạ ơn của thầy, nghĩ “cứu người vô cùng hệ trọng”, ông Phúc dốc tiền túi ngày đêm mày mò nghiên cứu sách vở lại đi học thêm lớp bồi dưỡng của Viện Y học cổ truyền.

Đi học về rồi, ông Phúc nghiên cứu kết hợp giữa việc chẩn đoán bằng hình ảnh, xét nghiệm của Tây y với phương pháp châm cứu của Đông y. “Điều này làm tăng hiệu quả của phương pháp châm trực dược. Châm trực dược nghĩa là người thầy thuốc dùng hai chiếc đũa sắt, đầu quấn bông gòn tẩm thuốc rượu châm trực tiếp vào nơi bị bệnh, đau chỗ nào châm chỗ đó để kích thích cơ, gân, tạng phủ hoạt động phục hồi chức năng vốn có của nó”, ông Phúc cho hay.

Phòng khám ngay từ khi thành lập đã thực hiện tôn chỉ “miễn phí”, không thu một đồng một cắc của người bệnh nên ngày càng có nhiều người nghèo tìm đến. “Cái phòng khám lúc đó rộng có 36 thước vuông nhưng lúc cao điểm mỗi ngày có đến 150 người đến hốt thuốc, điều trị. Họ đa phần đều là những nông dân lam lũ, bác chạy xe ôm, người già mắc bệnh đau nhức xương khớp. Có người ăn còn không đủ no nói gì đến tiền đi bệnh viện”, ông Phúc chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, cho đến nay phòng khám của thầy Ba Phúc không chỉ là địa chỉ tin cậy với bà con nghèo ở Cần Thơ hay các tỉnh miền Tây mà cả những người ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đăk Lăk cũng tìm đến chữa trị.

Ông Ba Phúc cho biết, người bệnh đến đây từ tai biến, đau thần kinh tọa, vôi hóa cột sống cho đến bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, siêu vi được điều trị bằng châm trực dược đều cho những chuyển biến tích cực. Đối với những biến chứng do tai biến, nếu người bệnh ngay sau khi xuất viện được điều trị bằng châm trực dược có thể cho kết quả phục hồi tốt.

Các tình nguyên viên đang cắt thuốc
Các tình nguyên viên đang cắt thuốc.

Trường hợp ông Phan Văn Tài (56 tuổi, ngụ phường Cái Khế) bị tai biến lần thứ hai dẫn đến liệt tay, chân nằm một chỗ không đi đứng được. Ông Phúc đến tận nhà châm trị. Được vài lần, bệnh thuyên giảm, người nhà cho ông Tài ngồi xe lăn đẩy đến phòng khám châm trị tiếp.

Sau 1 tháng, ông Tài đã có thể đi lại được. Hay như ông Nguyễn Thành Phố (85 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) bị đau thần kinh tọa hơn 30 năm do di chức bị địch bắt, tù đày, tra tấn thời kháng chiến. Ông Phố đã đi điều trị ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ, nhưng khi về điều trị ở phòng khám đã cho kết quả tốt.

Làm việc thiện giúp người nhưng cũng có lúc ông Phúc “chạnh lòng”. Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, năm 2000, người chủ đất cho thuê mặt bằng làm phòng khám tới lui đòi lại. Ông Phúc kể: “1 năm người ta đòi tới ba lần, lúc đó tôi cũng tính già rồi không làm nữa, ngay cả khi Tổ chức Schmitz Stiftung (CHLB Đức) đồng ý hỗ trợ kinh phí 29.500 đê-mác mua khu đất rộng 120m2, xây lên 3 phòng, 1 trệt, 1 lửng, có sức chứa 10 giường tôi cũng lần lữa mãi. Đến khi họ thuyết phục lần thứ ba, tôi mới đồng ý nhận”.

Phòng chẩn trị Đông y từ thiện mới thuộc Hội chữ thập đỏ phường Cái Khế quản lý do ông Phúc trực tiếp điều hành. Lúc này cũng là lúc có không ít lời dèm pha lẫn sự nghi ngờ ông lợi dụng “mượn danh nghĩa phòng khám để trục lợi”.

“Cũng có những đoàn xuống kiếm tra nhưng không có gì khuất tất nên tất cả rồi cũng êm xuôi. Mà bản thân tôi khi làm việc nếu có điều gì không minh bạch thì đêm về chính tôi đâu có ngủ yên được. Suốt bao nhiêu năm nay, mọi hoạt động của phòng khám đều được kê khai rõ ràng vì năm nào mình cũng còn phải làm báo cáo sang Đức nữa”, ông Phúc kể.

Ông Phúc không lấy một đồng “viện phí”, cũng không đòi công điều trị nhưng những người bệnh sau khi được chữa khỏi lại có những cách trả ơn riêng. Có người trở thành những tình nguyện viên hằng ngày đến chế biến thuốc hay làm châm trị viên.

Như chị Trần Thanh Hương, bị thần kinh tọa, gai vôi cột sống, chữa nhiều nơi không hết. Sau khi được chữa chữa hết bệnh, chị tình nguyện ở lại phụ giúp châm trị cho người bệnh khác. “Hay như cô Huỳnh Thị Mai (71 tuổi) cộng tác từ hơn 10 năm nay, có người ở Ô Môn hàng ngày bắt xe buýt đi 20 cây số đến phòng khám làm việc rồi lại ngược 20 cây số về nhà”, ông Phúc kể.

Có nhiều người không đến phòng khám được thì lại trở thành những “nhân viên” chuyên đi tìm, kiếm thuốc nam về cho phòng khám. Có những vị thuốc họ kiếm được sẵn ở trong vườn hay trên đường đi nhưng cũng có nhiều vị thuốc khó phải lặn lội lên mãi vùng Bảy Núi, Tịnh Biên (An Giang) mang về.

Người ta tự chở đến đặt trước phòng khám rồi lại có người khác thái, chặt, phơi khô. Có người đến ông Phúc còn biết tên, biết mặt chứ nhiều người mướn xe chở thuốc đến rồi về cũng không cần để lại tên tuổi.

Thời gian gần đây, bà con đến trị bệnh đã nghĩ ra cách lập thùng từ thiện để ai muốn ủng hộ thế nào tùy. Có người bỏ 5.000, 10.000, có người bỏ 100.000, 200.000 đồng, thỉnh thoảng cũng có những mạnh thường quân đến giúp tiền giúp gạo. Chính vì thế, ông Phúc cũng có một khoản để trả công cho những người giúp việc. Mỗi người làm cả ngày được nhận 30.000 đồng và chính bản thân ông Phúc cũng nhận 30.000 đồng “không hơn không kém”.

“Số tiền ấy chỉ có ý nghĩa tượng trưng giúp các tình nguyện viên đỡ vất vả khi đi lại. Vừa rồi, tôi cũng thống nhất với anh chị em trong phòng khám là sẽ cố gắng mỗi tháng mua được cho hai người suất bảo hiểm. Đa số anh em tình nguyện viên đều là người nghèo nên giờ có suất bảo hiểm cũng thấy an tâm. Điều tôi vui nhất là sau 20 năm mở phòng khám không những giúp cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo mà tình thương giữa người với người cũng được nhân rộng”, ông Phúc tâm sự.

Quang Toản - Ngọc Long

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.