Thắp lửa những khát vọng… làm mẹ!

GS. Nguyễn Đức Vy, người trực tiếp tiến hành các ca phẫu thuật nối tắc vòi trứng
GS. Nguyễn Đức Vy, người trực tiếp tiến hành các ca phẫu thuật nối tắc vòi trứng
(PLO) - Nối tắc vòi trứng không phải là kỹ thuật mới, nhưng nó đã thắp lửa cho những tâm hồn đơn chiếc, làm bùng cháy lên khát khao được làm mẹ của những bà mẹ tưởng chừng không còn khả năng đó.
Số phận trớ trêu…
Nhiều người thì sòn sòn hai năm một, thậm chí một năm phải nạo phá thai tới vài lần nhưng vẫn phăm phăm đi lại, nhưng trường hợp của chị Nguyễn Thị Đ (Hưng Yên) thì lại khác. Lấy chồng năm 19 tuổi, sức khỏe cũng không đến nỗi nào nhưng 9 tháng 10 ngày mang thai cũng là chuỗi thời gian đầy kinh hoàng với chị Đ. 
Suốt thời gian thai kỳ, chị không những không ăn uống được  gì mà còn kèm theo các triệu chứng khó chịu như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi tưởng không chịu đựng nổi. Đến lúc sinh con, gia đình chị Đ. lại một lần nữa phải trải qua những thời khắc đầy hoang mang, lo lắng trước những diễn biến bất thường của ca sinh mổ. 
Chính vì lý do đó, sau khi tham khảo ý kiến hai bên nội ngoại, chị đã quyết định thắt luôn ống dẫn trứng cho an toàn. Nhưng sau đó 2 năm, thấy sức khỏe của mình đã ổn định, niềm mong ước có đứa con nữa “cho vui cửa vui nhà” lại nhen lên trong chị. Thế nhưng mòn gối khám chữa khắp mọi nơi, niềm mơ ước thêm con của vợ chồng Đ vẫn chỉ là… ước mơ.
Bên cạnh trường hợp đáng thương của chị Đ, các bác sỹ BV Phụ sản Trung ương cũng không thể nào quên được nghịch cảnh đầy trái ngang của chị Lê Thị Ng, 40 tuổi quê Nghệ An. Không nằm trong trường hợp mang thai, sinh nở khó khăn như chị Đ nhưng số phận lại vô cùng nghiệt ngã với chị Ng khi cùng một lúc hai đứa con của anh chị bị dòng nước lũ hung hãn cuốn đi mất, để lại vô vàn đau đớn trong căn nhà nhỏ bé, lạnh lẽo. 
Còn gì đau đớn, xót xa hơn khi bản thân chị sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ đã vội vàng thực hiện biện pháp triệt sản. Và niềm hy vọng có con thực sự đã tắt ngấm trong họ…
Theo GS. TS. Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, và cũng là chủ nhiệm của đề tài khoa học đầy nhân văn này cho biết, không chỉ các trường hợp đã triệt sản, tình trạng tắc vòi trứng hai bên dẫn đến vô sinh thứ phát (từng mang thai nay không mang thai được) đang gia tăng ở mức báo động. 
Theo bác sỹ Vy, trước đây, vô sinh thứ phát chỉ chiếm trên 40% trong tổng số vô sinh nhưng hiện tại chiếm tới hơn 67%. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm nhiễm, do nạo hút thai, triệt sản... Ngoài ra, có tới 26% phụ nữ chưa hề có thai sau lấy chồng cũng bị tắc. 
“Có những người sinh đủ 2 con rồi mới tính đến chuyện triệt sản. Thế nhưng không may do tai nạn giao thông, chết đuối, lũ cuốn... mà cả hai con đều chết nên họ muốn có cơ hội nữa được làm cha, làm mẹ. Có chị em thì bị dính, tắc vòi trứng bẩm sinh hoặc là biến chứng của việc nạo, hút thai hay bị chửa ngoài dạ con...” – GS. TS. Nguyễn Đức Vy cho biết.
Niềm vui được làm mẹ của vợ chồng chị Đ
Niềm vui được làm mẹ của vợ chồng chị Đ 
Đừng vội tắt hy vọng!
Tưởng chừng ước mơ có thêm con của vợ chồng chị Đ sẽ không bao giờ thực hiện được, nhưng thật may mắn khi có người khuyên chị lên BV Phụ sản Trung ương khám và lại được đích thân GS. Nguyễn Đức Vy khám cho. “Khi nghe bác sỹ nói “cái này chữa được”, mình vui như mở cờ, cứ ngỡ mình đang mơ...” – chị  Đ chia sẻ. 
Sau khi phẫu thuật nối lại 2 vòi trứng, chị Đ lên Hà Nội để khám lại, đồng thời tiến hành luôn các biện pháp cần thiết để hỗ trợ việc thụ thai. Thật kỳ diệu, chỉ sau đó 2 tháng chị đã mang thai và sinh ra một đứa con hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy là niềm mơ ước bấy lâu nay của vợ chồng chị đã trở thành sự thật.
Cũng giống như chị Đ, nghe mọi người mách bảo, chị Ng tìm đến BV Phụ sản Trung ương để “vớt vát” niềm hy vọng cuối cùng. Thấu hiểu cảnh ngộ của hai vợ chồng chị, GS. TS. Nguyễn Đức Vy đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật khó khăn này, vì chị Ng khi đó đã lớn tuổi, tỷ lệ thành công sẽ không cao, thời gian triệt sản cũng đã khá lâu rồi. 
Và cuối cùng hạnh phúc cũng đã mỉm cười với gia đình chị N., khi một em bé bụ bĩnh, kháu khỉnh chào đời, dưới sự hỗ trợ của khoa học và các bác sỹ BV Phụ sản Trung ương…
GS. Nguyễn Đức Vy cho biết, lần đầu ông thực hiện kỹ thuật này là vào năm 1999 tại Hải Dương. Chị Đ và chị Ng chỉ là 2 trong hơn số hơn 1.000  trường hợp được phẫu thuật thành công bằng phương pháp vi phẫu nối tắc vòi trứng. Đến nay kỹ thuật này đã trở thành thường quy tại BV. 
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về thông tin này để nhờ hỗ trợ, thậm chí không ít người trước khi được phẫu thuật tại BV Phụ sản Trung ương đã phải chạy chữa khắp mọi nơi nhưng không có kết quả. 
Cho đến thời điểm này, kỹ thuật này cũng chỉ mới được triển khai đại trà và có hiệu quả tại BV Phụ sản Trung ương. GS. Nguyễn Đức Vy cũng cho biết thêm, hiện nay BV Phụ sản Trung ương tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho rất nhiều các trường hợp phụ nữ bị bán sang Trung Quốc trở về, đã từng sinh con, triệt sản có mong muốn sinh con…
Ông Vy cũng cho hay, không chỉ những người phụ nữ đã từng triệt sản, mà rất nhiều phụ nữ bị vô sinh vì tắc vòi trứng cũng đã có được hạnh phúc nhờ kỹ thuật vi phẫu này. Đặc biệt, hiện nay kỹ thuật này còn được mở rộng và phát triển hơn nữa bằng việc nghiên cứu áp dụng mổ vô sinh cho các trường hợp bị tắc vòi tử cung, ở đoạn bóng và eo với tỷ lệ thành công tương tự như kỹ thuật nối tắc vòi trứng ở các đoạn khác đã thực hiện trước đó, và độ tuổi càng trẻ tỷ lệ thành công càng cao. 
Đặc biệt, so với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật nối tắc vòi trứng chi phí thấp hơn rất nhiều (chỉ dưới 10 triệu đồng), tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh cũng rất ít bởi đây vẫn là phương pháp sinh tự nhiên, trứng không phải lọc rửa nhiều lần nên hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều – bác sỹ Nguyễn Đức Vy khẳng định. 
Vòi tử cung (hay vòi trứng) nhỏ đúng bằng sợi tóc, chỉ khoảng 0,5-1mm, nên phải dùng kính hiển vi để nối. Để thực hiện kỹ thuật này, các chuyên gia sẽ phải cắt bỏ phần dính quanh vòi tử cung gây ra những cản trở sự lưu thông của trứng, sau đó nối lại.
Thành công của kỹ thuật nối tắc vòi trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kiểu tắc như thế nào, điểm tắc ở đâu, có dài không...? Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này lên đến trên 90% nếu người được can thiệp dưới 30 tuổi, 75% nếu dưới 40 tuổi và 45% nếu trên 40 tuổi. Thời gian có thai trở lại sau vi phẫu trung bình từ 4 - 10 tháng, cá biệt có trường hợp có thai ngay tháng đầu sau mổ.

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.

Con số đáng tự hào về hiến máu tình nguyện

Tình nguyện viên tham gia hiến máu. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
(PLVN) - Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, "chia lửa" của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện nước ta hiện đạt 97%...