Sinh viên cần làm gì để được hưởng quyền lợi của bảo hiểm y tế?

Tham gia bảo hiểm y tế HSSV sẽ giảm bớt rủi ro cho các em trong quá trình học tập. (Ảnh minh họa)
Tham gia bảo hiểm y tế HSSV sẽ giảm bớt rủi ro cho các em trong quá trình học tập. (Ảnh minh họa)
(PLO) -Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Thế nhưng, để có được sự chủ động thì phải xuất phát từ nhận thức và ý thức của HSSV hiện nay, tránh tình trạng đối phó mà để mất đi quyền lợi khi tham gia BHYT.

HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm

Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với số thu BHYT HSSV tăng đều qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường.

Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.

Theo khảo sát mới đây tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ SV của Trường tham gia BHYT trong năm học 2018-2019 đạt 98%, trong đó SV năm thứ nhất đạt 98,4%, sinh viên năm thứ hai và ba đạt 98%, sinh viên năm cuối đạt 97,4%.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN luôn được nhà trường quan tâm sát sao, tiêu biểu như qua ba cuộc tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của SV trong việc tham gia BHXH, BHYT”  đã được tổ chức vừa qua, thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn SV tham gia trực tiếp và gián tiếp qua truyền thông.

Việc SV tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chấp hành pháp luật của SV và là điều kiện để xét tốt nghiệp theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Nguyễn Hoàng, SV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ câu chuyện về việc được thụ hưởng chính sách của BHYT: “Trong lúc chơi thể thao thì em đã gặp phải chấn thương đứt dây chằng, sau khi làm các thủ tục chuyển tuyến em đã được BHYT chi trả 80% tổng viện phí. Chi phí phẫu thuật của em nếu không có bảo hiểm là 80 triệu đồng, sau khi được bảo hiểm chi trả em chỉ phải đóng 35 triệu đồng”.

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhưng vẫn còn gần 7% số HSSV chưa tham gia. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Tỉ lệ tham gia BHYT của HS phổ thông cao hơn so với SV. Chủ yếu là SV năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.

Theo BHXH Việt Nam, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định như Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn; một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT; tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.

Sinh viên được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ BHYT

Với tấm thẻ BHYT,  HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây chính là tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV hiện nay.

Theo chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV thì HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập); được khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

Ngoài ra, HSSV được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với HSSV có mã thẻ BT, HN, DT, DK, XD và TS trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. HSSV còn được thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Có thể nói, chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV góp phần phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học đường hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả và phát huy vai trò của BHYT cần nâng cao hơn nữa nhận thức của HSSV tại các nhà trường. Từ đó, tránh tình trạng đối phó mà làm mất đi quyền lợi thụ hưởng chính sách của BHYT.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHYT: 82,38 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số. Theo quy định, mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên đóng 70% còn lại. Số tiền mà một SV đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng. SV có thể lựa chọn phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho cơ sở giáo dục, nhà trường SV đang theo học. 

Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến T.Ư, 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020. 

Từ năm 2021, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám, chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.