Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam tiết lộ bí quyết phòng tránh bệnh lao hiệu quả

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ
(PLO) -Hàng năm Việt Nam phát hiện thêm 100 ngàn người mắc bệnh lao mới. PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam chia sẻ một số thông tin đến phòng tránh cũng như điều trị bệnh lao.

-PGS có thể cho biết diễn biến bệnh lao ở Việt Nam hiện nay?

Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2015, đến nay bệnh lao vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đứng thứ 14 trong 20 nước có nhiều bệnh nhân lao nhất và đứng thứ 11 trong 20 nước có gánh nặng về bệnh lao đa kháng thuốc.

Trong những năm qua chúng ta đã có những bước tiến bộ làm giảm tỷ lệ hiện mắc lao hàng năm khoảng 4,6%, tỷ lệ mắc lao mới giảm 2,6%/năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm 4,4%.

-Tác hại của bệnh lao là gì?

Bệnh lao tác động lên ba mặt chính xã hội như sau: Thứ nhất, làm mất sức lao động của người bệnh (ít nhất 1/3 thời gian của năm) dẫn đến giảm 30% thu nhập mang lại từ chính bản thân người bệnh. 

Thứ hai, gây tốn kém tiền bạc của gia đình và xã hội trong việc điều trị bệnh. Chi phí trực tiếp cho người bệnh lao (thuốc chữa lao, xét nghiệm) ước tính trung bình từ 1000 - 2000 USD (đến 46 triệu đồng VN). Mặc dù chi phí này được nhà nước chi trả, song những chi phí gián tiếp cũng rất cao.

Thứ ba, bệnh làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững của quốc gia. Một khi mang gánh nặng của căn bệnh này trong cộng đồng dân cư, đồng nghĩa với sự nghèo đói, lạc hậu. Với bệnh lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc thì vấn đề còn nặng nề hơn nhiều.

Đặc biệt, mặc dù phải chi cho bệnh nhân đa kháng thuốc gấp hàng trăm lần so với bệnh nhân lao khác, nhưng hiệu quả mang lại cũng đạt tối đa chỉ 70%. Hơn nữa, do điều trị lao đa kháng thuốc dài thời gian (từ 12-18 tháng), nguy cơ làm lây lan vi khuẩn đa kháng ra cộng đồng thành dịch lao thầm lặng là vấn đề lo ngại nhất.

-Tình trạng bệnh lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc bùng nổ ở Việt Nam thế nào thời gian qua, thưa PGS?

Theo định nghĩa của WHO, lao đa kháng là vi khuẩn lao kháng với ít nhất hai loại thuốc chính yếu isoniazid, rifampicin (nhóm I). Còn lao siêu kháng (hay kháng thuốc mở rộng) là lao đa kháng thuốc và kháng thêm một số loại trong nhóm thuốc uống quinolon (nhóm III) và một loại trong các loại thuốc tiêm (nhóm II).

Chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được bệnh lao kháng thuốc một cách hiệu quả. Hàng năm vẫn có khoảng gần 3% bệnh nhân lao đa kháng thuốc xuất hiện trong khoảng hơn 100.000 bệnh nhân lao mới phát hiện. Đó là chưa kể đến tỷ lệ kháng thuốc trong số bệnh nhân lao đã và đang điều trị.

-Nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc là gì?

Lao đa kháng hay siêu kháng cũng chỉ xuất hiện sau những điều trị không đúng, sử dụng thuốc không hợp lí như: Uống không đúng liều, khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm thì ngưng dùng thuốc, bỏ trị.

Hoặc bệnh nhân tự ý mua những thuốc này điều trị các nhiễm khuẩn không do lao, không theo hướng dẫn của chuyên khoa sẽ dễ làm vi khuẩn lao (nếu có) kháng thuốc đó và trở thành lao “siêu kháng thuốc”.

Việt Nam triển khai chương trình quản lý lao đa kháng từ tháng 9/2009, thí điểm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) với phác đồ được xây dựng cho riêng Việt Nam, liệu trình kéo dài 18 tháng. Hiện chúng ta đã triển khai mở rộng điều trị lao đa kháng trên 45 tỉnh thành.

-Khó khăn thường gặp trong điều trị bệnh lao là gì, thưa ông?

Bệnh lao rất khó phòng tránh vì nó lây qua đường không khí, rất dễ bị lây một cách thụ động từ người mang mầm bệnh và rất khó xác định nguồn lây. Mặt khác vi khuẩn lao dễ xâm nhập, bùng phát đối với người có thể trạng yếu (trẻ em, người ốm đau), thời gian ủ bệnh kéo dài và khi phát hiện thường ở giai đoạn nặng. 

Điểm khác nữa, nếu như các bệnh khác khi chữa trị khỏi thì không còn vi khuẩn trong cơ thể. Song với bệnh lao, dù cơ thể điều trị khỏi thì vi khuẩn vẫn tồn tại và có thể khởi phát bất cứ lúc nào.

Theo tiêu chuẩn hiện nay,  sau khi điều trị xong phác đồ, không tìm thấy vi khuẩn trong cơ quan nhiễm bệnh nữa (đờm) thì được kết luận khỏi bệnh. Nhưng thực tế nhiều người điều trị xong, qua chụp chiếu X Quang vẫn tìm thấy những hang có thể có vi khuẩn lưu trú. 

Bởi vậy, muốn phòng tránh chủ động thì cần phải điều trị khỏi những người bệnh lao, để họ không là nguồn lây cho gia đình và xã hội. Với những người sau khi điều trị lao cần tiếp tục theo dõi, tư vấn và can thiệp nếu cần thiết.

-PGS có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để bệnh nhân lao tăng hiệu quả trong quá trình trị liệu?

Những người bị bệnh lao không nên bi quan, vì bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Theo đó bệnh nhân cần uống thuốc chống lao đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời thực hiện chế độ ăn uống hợp lí, đủ chất, tránh các loại nước có cồn, tránh thức khuya, gắng sức là những biện pháp rất cần thiết nhưng rất đơn giản.

Trong quá trình điều trị, tuyệt đối tuân thủ phác đồ, sử dụng thuốc đúng liều, không bỏ liều dẫn tới kháng thuốc.

-Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh lao hiệu quả, thưa ông? 

Phòng chống bệnh lao rất đơn giản. Nói vậy vì lao là bệnh có điều kiện: Vi khuẩn lao sống được trong môi trường ẩm thấp, không thông thoáng gió. Ngược lại ánh nắng mặt trời có thể diệt vi khuẩn lao trong 10 phút.

Như vậy nếu môi trường sống thoáng đãng, phòng ốc sạch sẽ, đồ đạc phơi khô thì ít ra không có nơi cho vi khuẩn lao trú ngụ. Mặt khác một cơ thể khỏe mạnh, sinh hoạt điều độ, không bệnh tật cũng không thể là điều kiện tốt để vi khuẩn lao gây bệnh được.

Những phương pháp phòng tránh bệnh lao thụ động như đeo khẩu trang, che miệng khi ho ít mang lại hiệu quả. Chúng ta cần giải quyết triệt để bằng cách cắt đứt nguồn lây. Đó là điều trị khỏi cho người bệnh.

Xin cảm ơn PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ!

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.