Nữ hộ sinh quỳ gối 25 phút giữ dây rốn cứu thai nhi

Để đầu thai nhi không đè vào dây rốn có thể dẫn đến tử vong, nữ hộ sinh Nga phải quỳ gối cuối bàn mổ, giữa hai chân sản phụ và giữ dây rốn trong suốt cuộc phẫu thuật.

4h sáng 26/7, bà bầu 35 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội, mang thai lần ba, bị vỡ ối. Chị được người nhà đưa đến cấp cứu tại khoa sản, bệnh viện Đa khoa Thạch Thất lúc 4h25.

Thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Phan Mạnh Tiến giật bắn mình, ngón tay như chạm vào dây rốn của thai nhi. "Dây rốn bị sa", bác sĩ Tiến kêu lớn.

"Tim thai bao nhiêu"?

"114 lần một phút, mờ xa xăm, đã nghe 3 lần!". Đây là chỉ số báo hiệu ngạt vì thai suy, nguy cơ tử vong thai bất cứ lúc nào kể cả khi ca mổ đẻ thành công.

"Chuyển nhà mổ", bác sĩ nói nhanh. Sự sống của thai nhi lúc đó đã như chỉ mành treo chuông.

Kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Lúc đó, nữ hộ sinh Phí Bích Nga phải dùng tay đẩy đầu thai, đồng thời sử dụng ngón tay nâng đỡ giữ dây rốn. Nhiệm vụ của cô không được phép để đầu em bé đè vào dây rốn gây tử vong đột ngột.

Sau đó, kíp phẫu thuật bao gồm khoa sản, gây mê hồi sức tập trung 100% năng lượng để làm thủ thuật. Nga phải quỳ gối nơi cuối bàn mổ, ở giữa hai chân sản phụ. Để dây rốn không tụt thêm hơn nữa và đầu thai nhi không chèn ép, cô phải cố gắng hết sức dùng tay thiết lập khoảng trống an toàn.

"25 phút thực sự là thử thách, đó là thời gian vàng cung cấp oxy cho em bé", Nga kể lại.

Hai phút sau khi mở bụng, bé gái chào đời, nặng 3 kg, cả hai mẹ con an toàn nhưng thai nhi không khóc, da trắng nhợt. Kíp hồi sức liền hút dịch và đờm dãi, sử dụng túi hồi sức cung cấp oxy áp lực dương, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, sử dụng thuốc hồi sức, chuẩn bị ép tim và sẵn sàng đặt nội khí quản nếu cần.

Cuối cùng, tiếng khóc của đứa trẻ vang lên khi đồng hồ chỉ 5 giờ sáng. Dấu hiệu sinh tồn của bé dần hồi phục.

Cùng lúc đó, chiếc xe cứu thương đã nổ máy chờ sẵn. Bác sĩ khẩn trương đưa em bé đến khoa sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp tục theo dõi và hồi sức.

"Nhìn hai mẹ con khỏe mạnh, tôi thấy như một phép màu. Đây thực sự là một ca mổ ấn tượng trong suốt 10 năm làm bác sĩ sản khoa của tôi ", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo bác sĩ Vương Trung Kiên, giám đốc bệnh viện, ca mổ thành công, mẹ tròn con vuông là sự trưởng thành của bác sĩ tuyến huyện. Em bé được cứu sống là món quà quý giá nhất dành tặng cho cả kíp trực, động viên bác sĩ thêm vững tay nghề.

Sa dây rốn là cấp cứu thượng khẩn trong sản khoa, thường xảy ra khi vỡ ối, dây rốn tụt dần xuống rồi chui vào âm đạo, thai nhi lọt và chèn vào, tuần hoàn máu từ mẹ đến thai nhi bị chặn lại, làm cho em bé thiếu oxy nghiêm trọng, thai bị suy, sau 5-7 phút không được giải cứu thai có thể chết. Tỷ lệ tai biến này xảy ra khoảng 0,3 phần trăm các trường hợp.

Chẩn đoán sa dây rốn khi chuyển dạ nhờ thăm khám cổ tử cung sờ thấy dây rốn bị sa. Siêu âm cho phép chẩn đoán sa dây rốn, đặc biệt siêu âm Doppler màu ngoài đánh giá dây rốn sa còn biết được sự tắc nghẽn dòng máu đến thai nhi, đánh giá chính xác tình trạng tim thai, đánh giá tưới máu não của thai. Siêu âm cũng cho phép phát hiện sa dây rốn sớm, đặc biệt các yếu tố nguy cơ.

Những trường hợp có nguy cơ cao sa dây nhau như mang thai đôi, sinh nở nhiều lần, dây nhau quá dài, bất thường về tử cung, ngôi thai.

Bác sĩ khuyến cáo các sản phụ trong thai kỳ nên đi khám thai thường xuyên để được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vào các thời điểm 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và thai kỳ từ 21 tuần, 28 tuần, 32 tuần và 36 tuần để có một thai kỳ an toàn khoẻ mạnh.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.